BUSINESS OF LUXURY

Doanh số bán hàng Tiffany & Co tăng 90% ở Trung Quốc

Sep 02, 2020 | By Stephanie Nguyen

Với việc phát triển tốt nền tảng thương mại điện tử trước khi bị phong tỏa, Tiffany đã nhanh chóng lấy lại sự phục hồi tại thị trường Trung Quốc với doanh số bán tăng vọt 90%. Hãng cũng thông báo trì hoãn hoàn tất thương vụ sáp nhập với LVMH.

Vào ngày 28/10/2019, gã khổng lồ xa xỉ LVMH cho biết đang tìm hiểu để mua lại thương hiệu kim hoàn nổi tiếng Tiffany & Co; nhưng họ đã không chuẩn bị để đi qua cơn bão đại dịch Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay. Khi toàn thế giới phải bước vào chế độ cách ly, tiêu dùng bị cắt giảm nghiệm trọng và làm sụp đổ ngành bán lẻ, cổ phiếu của LVMH giảm hơn 17%, buộc tập đoàn phải xem xét lại việc mua chuỗi trang sức Tiffany & Co với trị giá 16,2 tỷ USD.

Đáng lẽ cuộc mua lại đã hoàn tất vào tháng 06/2020, tuy nhiên Tiffany & Co cho thấy doanh số bán hàng của họ đã giảm 44% trong quý tài khóa đầu tiên. Một số chuyên gia nhận định tỷ phú Arnault đang bắt đầu lạnh nhạt với cửa hàng bán lẻ. 

Với doanh thu giảm 45% xuống còn 555,5 triệu USD, lỗ ròng 64,6 triệu USD và mức 125 triệu USD cùng kỳ năm ngoái; ngay cả CEO của Tiffany & Co, Alessandro Bogliolo cũng không chắc chắn về dự báo tương lai tiêu dùng của khách hàng.

Ông Alessandro Bogliolo, CEO của Tiffany & Co

Tiffany & Co trì hoãn việc sáp nhập với LVMH

Khi ngày 24/08/2020, thời hạn đầu tiên để hoàn tất việc mua lại theo các điều khoản với LVMH đã qua đi mà không có bất kỳ động thái nào từ LVMH, phía Tiffany đã chủ động lùi thời hạn sáp nhập đến ngày 24/11/2020.

Covid-19 để ảnh hưởng nặng nề đến các tập đoàn lớn, bao gồm LVMH, khiến cho ông chủ Bernault phải cân nhắc việc mua lại Tiffany & Co.

Ông Bogliolo cho biết: “Doanh số bán hàng tại Trung Quốc và kết quả thương mại điện tử toàn cầu của chúng tôi tăng nhanh trong quý II đang đưa chúng tôi quay trở lại với lợi nhuận định kỳ.”

Hôm 27/08, chỉ một ngày sau khi Reuters đưa tin LVMH không thể hoàn tất việc mua lại Tiffany, hãng kim hoàn Mỹ đã công bố lợi nhuận quý cao hơn mong đợi, báo hiệu doanh số bán lẻ phục hồi ở Trung Quốc và sự tăng nhu cầu tiêu dùng trực tuyến. Doanh số bán trên toàn thế giới của hãng trong tháng 8 thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi tại Trung Quốc trong quý II đã kéo dài đến hiện tại.

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Tiffany toàn cầu đã tăng 123% trong quý II. Các thị trường chính là Mỹ và Anh đã tăng lần lượt 122% và 93%.

Tiffany báo cáo tăng trưởng 90% tại thị trường Trung Quốc

Đây là dấu hiệu tốt cho sự phục hồi. Tiffany đã gây dựng vị thế tốt tại Trung Quốc từ trước thời kỳ phong tỏa. Thương hiệu từng đưa ra mức tăng trưởng kỳ vọng đến hai chữ cho Trung Quốc trong tháng 12/2019. Chia sẻ với Bloomberg, ông Bogliolo cho rằng: “Đây một phần là nhờ những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để kích cầu nội địa như giảm thuế hàng hóa, tạo động lực để khách hàng Trung Quốc mua hàng tại địa phương thay vì đến Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu.”

Sau thời gian hạn chế đi lại và đóng cửa khẩu quốc gia, người dân Trung Quốc đang cho thấy xu hướng bùng nổ “mua sắm trả đũa” – nhiều khách hàng xa xỉ đã thực hiện các phiên giao dịch lớn trong nước.

Nền tảng thương mại điện tử tốt đã giúp Tiffany đón đầu đại dịch tương đối ổn và nhanh chóng phục hồi.

Ông Bogolio đã có mặt trong buổi khai trương lại cửa hàng Tiffany lớn nhất của họ tại Thượng Hải. Với diện tích vừa được tăng gấp đôi đến gần 1.000m2, đây trở thành cửa hàng Tiffany lớn nhất tại châu Á. 

Mặc dù là thương hiệu đầu tiên gánh chịu hậu quả của việc phong tỏa tại Trung Quốc, với doanh số giảm sâu đến 85% trong tháng Hai, nhưng với thương mại điện tử phát triển, Tiffany nhanh chóng phục hồi một phần với trong tháng Ba, tiếp tục cải thiện tốt trong tháng Tư với mức tăng 30% và đạt mức nhảy vọt 90% trong tháng Năm, khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy định kiểm dịch trong nước.


 
Back to top