Tiffany & Co. và LVMH đi đến thỏa thuận mới trong thương vụ tỷ đô
Mối quan hệ đầy sóng gió giữa Tiffany & Co. và LVMH đang có dấu hiệu được hâm nóng từ hôm đầu tuần, với một lệnh đồng ý thông qua từ Ủy ban Châu Âu và sau đó, một mức giá mua khác vừa được đưa ra từ phía LVMH.
Theo các nguồn tin thân cận do WWD viện dẫn, Tiffany và LVMH vừa đi đến một thỏa thuận sửa đổi các điều khoản ban đầu, sau khi Tiffany đề xuất giảm giá bán xuống còn 15,78 tỷ USD, thay vì 16,2 tỷ USD như trước kia để tránh các thủ tục pháp lý được cho là có hại cho cả hai bên cũng như tạo thêm gánh nặng cho thương hiệu Tiffany và nhân viên của mình.
Hai công ty đang có vẻ như muốn chấm dứt kiện tụng, điều có thể gây hại cho cả hai bên (Tiffany lo ngại thua kiện tại tòa án và áp lực từ phía cổ đông; trong khi LVMH cũng sẽ phải trải qua quá trình kiện tụng khó khăn không kém) để quay lại với tinh thần “hợp tác mang tính xây dựng”. Tính đến ngày 28/10, Hội đồng quản trị của Tiffany vẫn đang tiếp tục cân nhắc về “phán quyết cuối cùng”. Nhưng theo phân tích, thỏa thuận mới này, dù bị giảm giá nhưng vẫn có khả năng giúp Tiffany thoát khỏi tình hình kinh doanh khó khăn, đồng thời cho phép LVMH hoàn thành thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực xa xỉ, với mức chiết khấu khoảng 420 triệu USD.
Thỏa thuận sửa đổi sẽ cần được các cổ đông của Tiffany thông qua tại một cuộc họp vào tháng 1 năm 2021, nhưng sau đó thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa vì các rào cản pháp lý đã được giải quyết. Thỏa thuận cũng cho thấy tập đoàn xa xỉ Pháp vẫn đánh giá cao tiềm năng toàn cầu của Tiffany, tuy đó sẽ không phải là tiềm năng trong 5 hay 10 năm, mà là tầm nhìn cho cả một thế hệ.
Joel Bines, chuyên viên phụ trách bán lẻ toàn cầu của công ty tư vấn AlixPartners, cho biết: “Nhiều công ty khi nói về kế hoạch dài hạn chỉ nghĩ đến 3 năm hoặc 5 năm tới, nhưng tầm nhìn của LVMH trải dài đến nhiều thế hệ. Đối với LVMH, để tranh cãi với Tiffany về một thương vụ đem lại giá trị trong một khoảng thời gian nhất định có lẽ là vô nghĩa. Họ đang nhắm đến xa hơn – về hình ảnh của Tiffany trong ít nhất là một thế hệ sắp tới.”
Trong giấy tờ trình lên tòa án quốc tế, LVMH cũng chỉ ra những lý do khiến họ trì hoãn việc mua lại Tiffany: “Doanh nghiệp mà LVMH đề xuất mua vào tháng 11 năm 2019 – Tiffany & Co., thương hiệu bán lẻ xa xỉ đạt lợi nhuận cao liên tục – đã không còn. Những gì còn lại là một doanh nghiệp với cách quản lý sai lầm trong nửa đầu năm 2020 khiến dòng tiền bị “xuất huyết” lần đầu tiên trong 25 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm Giám đốc cấp cao của Tiffany đang chờ để nhận về tổng số tiền 100 triệu USD, trong khi một cách độc lập, họ sẽ không bao giờ có thể kiếm được một khoản kếch xù như thế, thay vào đó sẽ phải trực diện với một tương lai vô cùng khắc nghiệt khi Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành.”
Bines cũng phân tích, phía Tiffany cũng có những lý do để nên tiếp tục thương vụ tỷ đô này: “Nhìn từ phía Tiffany, câu hỏi nên đặt ra bây giờ là ‘Đâu là quyết định tốt nhất cho hiện tại?’ – họ có thể dè bỉu thái độ và mức thỏa thuận mới của LVMH và tự xoay sở với tổn thất của mình, hay tập trung vào một kết cục khác tốt hơn. Và nếu Tiffany chọn tập trung cho một quả tốt hơn, họ sẽ thấy thương vụ này là món quà đáng trân trọng – theo thời gian, qua nhiều thế hệ – khi con cái chúng ta sẽ biết đến một Tiffany hoàn toàn khác.”
Cùng quan điểm, Jonathan Low, đối tác của công ty tư vấn Predictiv, cho biết: “Các nhân viên của Tiffany sẽ sớm nhận ra rằng LVMH là một ông chủ tuyệt vời nắm trong tay một công ty mạnh.”
Cuối cùng, thỏa thuận này vẫn một lần nữa đặt ra câu hỏi về loại quy mô và ảnh hưởng mà LVMH đang thực có trên thị trường toàn cầu – chủ đề mà những ông lớn công nghệ đang bị chất vấn công khai thời gian gần đây.
Low nhận định: “Việc các công ty lớn ngày càng trở nên lớn hơn khiến tôi nghĩ về lâu về dài, khách hàng và các thương gia sẽ bắt đầu đặt ra câu hỏi ‘Nếu mọi sản phẩm đều được LVMH hoặc Amazon kiểm soát, thì quyền lựa chọn còn ý nghĩa gì nữa?’ Điều này sẽ làm thay đổi ngành thời trang, trang sức hay kinh doanh nói chung như thế nào?”