BUSINESS OF LUXURY

Luxuo Point: LVMH vẫn im lặng với thương vụ Tiffany- Chuyện gì đang xảy ra với các hợp đồng M&A tỷ đô?

Oct 29, 2020 | By Stephanie Nguyen

Theo tin tức mới nhất từ tờ Women’s Wear Daily hôm 27/10, thương vụ mua lại trị giá 16,2 tỷ USD giữa LVMH và Tiffany & Co. đã được các quan chức châu Âu bật đèn xanh, nhưng gã khổng lồ xa xỉ của Pháp vẫn tỏ ra lạnh lùng.

Ủy ban Châu Âu vừa ra tán thành thỏa thuận M&A giữa hai gã khổng lồ về thời trang và trang sức – LVMH và Tiffany & Co. vào hôm thứ Hai vừa qua, dựa trên hồ sơ yêu cầu của của Tiffany gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch. Tiffany cho biết: “Tất cả các quy định phê duyệt cần thiết để hoàn tất sáp nhập đều đã hoàn thành. Tuy nhiên sự phê duyệt quan trọng nhất – quyết định từ phía Giám đốc LVMH, Bernard Arnault – lại bị rút lại.”

LVMH bắt đầu quay lưng với thỏa thuận được cho là đắt giá nhất ngành công nghiệp xa xỉ từ hồi tháng 9 với nhiều lý do trì hoãn, cho đến khi công khai ý định rút khỏi thương vụ mua lại bằng một lời trích dẫn yêu cầu từ chính phủ Pháp vào đầu tháng 10. Cả hai bên đều căng thẳng với nhiều lời tố tụng qua lại. Trong khi LVMH cho rằng hiệu suất kinh doanh Tiffany không ổn định trong giai đoạn Covid-19, thì Tiffany lại nói đây chỉ là một cái cớ nhằm giúp LVMH đạt được ý định hạ giá mua vì thương hiệu kim hoàn vẫn hoạt động tốt. Vụ việc đã được đưa ra tòa án và nếu không có gì thay đổi, cả hai bên sẽ chính thức có cuộc nói chuyện “ba mặt một lời” tại tòa án Delaware vào tháng 1 năm sau.

Vụ lùm xùm này làm dấy lên câu hỏi: Điều gì đang thực sự diễn ra giữa các gã khổng lồ xa xỉ, và tương lai của M&A sẽ đi về đâu?

Theo Giám đốc Điều hành và Giám đốc Toàn cầu của Bộ phận Nghiên cứu Cổ phần Tiêu dùng & Bán lẻ xa xỉ của SCMP, Erwan Rambourg, các thương vụ M&A vẫn sẽ là xu hướng tất yếu cho tương lai bởi các “đế chế” xa xỉ vẫn sẽ cần chúng để tiếp tục mở rộng “lãnh thổ” của mình. Tuy nhiên, thời điểm và tốc độ có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể Rambourg đưa ra phân tích như sau:

Quy mô thương hiệu tất nhiên có thể đến từ tốc độ phát triển hữu cơ vốn đã ổn định của các thương hiệu nhờ đội ngũ giàu năng lực, các thiết kế hấp dẫn và trải nghiệm vượt trội. Tuy nhiên, một cách khác để thương hiệu mở rộng quy mô và rút ngắn thời gian hơn là qua M&A. Trong một thập kỷ hậu Covid-19, sẽ có 3 yếu tố chính thúc đẩy quá trình M&A của ngành công nghiệp xa xỉ.

Đầu tiên, khi bảng cân đối kế toán của các tập đoàn đã hoàn thiện, hệ thống công nghệ thông tin và CRM khách hàng được rót vốn đầy đủ, thương hiệu sẽ bắt đầu tăng tốc mở rộng và phát triển nhưng không giống thập kỷ trước, hầu hết các thương hiệu cao cấp sẽ không cần phải xây dựng thêm nhiều cửa hàng mà chỉ cần tập trung cải thiện cơ sở hiện có. Trong trường hợp đó, vốn đầu tư sẽ rót đi đâu? 

Apple cam kết trả lại tiền mặt cho cổ đông. Nhưng đa số các thương hiệu xa xỉ là công ty gia đình và ngay cả khi đã niêm yết cổ phiếu, họ cũng không có cam kết như Apple. Lựa chọn ưa thích hơn của họ là tích lũy tiền mặt và mua lại các thương hiệu khác.

Thứ hai, một công ty gia đình thường sẽ muốn mở rộng đầu tư để gia tăng tài sản tích lũy cho các thế hệ kế cận, do đó họ sẽ không muốn đầu tư 100% vào chỉ một nguồn và lúc đó chúng ta có gì? M&A chắc chắn chính xác là lựa chọn bảo hiểm hợp lý.

Cuối cùng, khi quyết định M&A, điều những gã khổng lồ muốn trước hết là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các thương hiệu nhỏ hơn, sau đó là tiềm lực của đội ngũ quản lý – những người đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng ngoạn mục đó – để phục vụ cho bộ máy của họ.

Tuy nhiên, trường hợp của LVMH và Tiffany cho thấy các thương vụ M&A sẽ không diễn ra nhanh chóng trong ít nhất 6 tháng tới. Theo Rambourg, có 2 lý do:

Đầu tiên, những kẻ săn mồi tiềm năng (như LVMH) vẫn còn đang đối mặt với một vấn đề lớn hơn là làm sao để thích ứng với những diễn biến khôn lường của đại dịch với những biện pháp như thương lượng lại giá thuê mặt bằng, luân chuyển nhân viên, số hóa dịch vụ và phát triển thương mại điện tử. Đây không phải thời điểm thích hợp cho những thương vụ đầu tư tốn kém.

Quan trọng hơn cả là thực tế: thị trường xa xỉ vẫn là thị trường của người bán. Tức giao dịch chỉ có thể diễn ra nếu các gia đình thừa kế giàu có sẵn sàng bán, còn không, sẽ chẳng có thương vụ nào xảy ra. Những thương hiệu nhỏ và độc lập cũng vừa trải qua giai đoạn kinh doanh thất bát và, như người Pháp nói, họ cần thời gian để sắp xếp và sửa soạn cho “món hàng” của mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách mua.

Nói tóm lại, cho dù LVMH có mua lại Tiffany trong năm nay hay không, thì M&A vẫn sẽ là một xu hướng dẫn dắt cho các thương hiệu xa xỉ trong thập kỷ tới.


 
Back to top