BUSINESS OF LUXURY

Xa xỉ là gì giữa thế giới hỗn mang?

Aug 25, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Chúng ta bắt buộc phải có những đổi thay thế nào về suy nghĩ mua sắm cũng như trách nhiệm xã hội. Ở kỳ này, chúng tôi chia sẻ về 03 quan điểm mua sắm mới đang dần hình thành ngoài kia, từ quan sát và nhận ra cách mà một thương hiệu xa xỉ đang mong muốn tồn tại, bảo vệ di sản của thế giới mà hướng tới tương lai.

Xu hướng mua sắm tập trung vào bản sắc và thể hiện cái tôi

Người tiêu dùng xa xỉ trong thập kỷ mới đang trải qua đợt sóng sợ hãi kéo họ về với ký ức của cuộc Đại suy thoái năm 2008-2009, khi toàn bộ nền kinh tế chững lại và nhu cầu tiêu dùng của nhà giàu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

BST Gucci Thu Đông 2020 tại Tuần lễ thời trang Milan với sân khấu mô phỏng cả ekip hậu trường.

Tuy nhiên, không mối nguy nào có thể qua mặt được sự đe dọa đến thể chất hay tính mạng. Và đó là nỗi sợ mà Covid-19, không như bất kỳ cuộc suy thoái nào trước đây, đang đem đến cho tất cả người tiêu dùng. 

Theo dòng lịch sử,  cơn sốt mua sắm sẽ trở lại thậm chí mạnh mẽ hơn, dựa trên những gì đã xảy ra trong thực tế sau Chiến tranh Thế giới II và khủng bố 9/11. 

“Sau cơn mệt mỏi và sợ hãi kéo dài, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng quay lại thị trường và ra sức mua sắm như một cách để khẳng định rằng họ vẫn ở đây, vẫn khỏe mạnh và sống tốt”, Tiến sĩ giải thích.

Điều này sẽ dẫn đến xu hướng mua sắm nhấn mạnh vào bản sắc và thể hiện cái tôi. Đó cũng chính là sứ mệnh của những món đồ xa xỉ, nơi mở ra cảm giác mơ mộng về một thế giới đầy đủ và tự do. Việc mua một món đồ hiệu đắt tiền không chỉ đánh dấu sự sống sót mà còn là cách một người tự khẳng định khả năng và quyền lực. Nhiều nhà chiến lược đánh giá cả các mặt hàng xa xỉ có thể leo thang, bởi cảm xúc được giải phóng của người tiêu dùng sau sự khó khăn kéo dài sẽ bật mở những giới hạn mới. Và đúng là như vậy.

Xu hướng trải nghiệm xa xỉ có ý nghĩa

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế và mọi chuyển động của con người bị dừng lại, kéo theo khoảng thời gian suy ngẫm về nhiều điều trong cuộc sống. 

“Chúng ta cần phải nhìn nhận sự việc ở một mức độ toàn diện. Cuộc khủng hoảng sức khỏe và sự bất lực của con người cho thấy những yếu kém đang tồn tại trong xã hội. Nó cho chúng ta thấy sự vô nghĩa của chủ nghĩa tôn thờ hiện vật; những đôi giày hay túi hàng hiệu trở nên vô giá trị trước vấn đề sống còn.Tiến sĩ Martina Olbertova, người sáng lập Meaning.Global và tác giả của “Báo cáo Xa xỉ: Tái định nghĩa sự sang trọng tương lai”, chia sẻ.

BST Nike Space Hippie được làm toàn bộ từ vật phẩm tái chế.

Đây là hồi chuông cho các thương hiệu xa xỉ, đồng thời là chất xúc tác để thương hiệu đổi mới và nâng tầm nhanh chóng hơn bất kỳ chiến lược nào ra đời trong điều kiện bình thường. Do đó, trừ khi các đế chế xa xỉ xây dựng được chiến lược dài hạn với một tầm ý nghĩa nhất định, nếu không, họ sẽ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng mới về ý nghĩa mua sắm sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.”

Cuộc khủng hoảng sức khỏe vốn không phân biệt đối xử dựa trên thu nhập hoặc sự giàu có của một người sẽ khiến thị trường xa xỉ thay đổi theo hướng lành mạnh và an sinh. Điều đó có thể mở ra một chương hoàn toàn mới về sự xa xỉ hướng đến trải nghiệm, nguyên bản và mang tính chữa lành. Tiêu dùng xa xỉ của tương lai sẽ mang đến điều tốt đẹp cho cá nhân, xã hội và cả hành tinh.

Tương lai chứa đựng những thay đổi đáng mong chờ

Sự bộc lộ hành vi tiêu dùng theo kiểu phần thưởng, tức sử dụng hình thức mua hàng xa xỉ như một cách khiến bản thân cảm thấy tốt hơn sau sự chịu đựng kéo dài do Covid-19. Tại Trung Quốc đại lục, khách hàng đã bắt đầu việc mua sắm trở lại và thị trường đang thận trọng phục hồi.

Khách thượng lưu Trung Quốc bắt đầu mua sắm trở lại. Sự phục hồi có thể bắt đầu từ Burberry (thuộc Group Plc) đến Gucci (thuộc Kering), và nhiều thương hiệu khác, trong khi chính phủ Trung Quốc đang có động thái tung gói kích cầu cho việc mua sắm.

Công việc kinh doanh của các hãng thời trang xa xỉ sẽ có thể sẽ không bao giờ trở lại như xưa được nữa. Nhãn hàng có thể chọn cách sớm nhìn nhận sớm và xây dựng chiến lược phù hợp, hoặc đối diện với những hậu quả thảm khốc từ việc thiếu hay chậm hành động.

Thế giới ngày nay luôn biến đổi. Một biến động này sẽ ảnh hưởng đến nhiều biến động khác

Một chiến lược phù hợp không chỉ tập trung mở rộng thị trường và thâm nhập các nền văn hóa khác nhau như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Trung Đông, mà phải nhấn mạnh và hướng đến giá trị cơ bản của nhãn hàng, đáp ứng nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng thông qua những món hàng và trải nghiệm độc đáo, hiếm có, xa xỉ.

Frank Darling là một nhà kim hoàn xa xỉ mới ra đời với cam kết sử dụng vàng tái chế bất cứ khi nào có thể.

Chắc chắn, giá trị các biểu tượng xa xỉ sẽ không đổi. Đó là điều không thể xảy ra với những thương hiệu đã tồn tại hàng trăm năm. Tuy nhiên, cố gắng phục hồi doanh thu mà không đầu tư ý nghĩa cho sản phẩm hay trải nghiệm sẽ làm giảm đáng kể giá trị của thương hiệu trong tương lai.

Cơ hội thuộc về những thương hiệu biết cách đa dạng hóa và nâng cao sản phẩm của mình dựa trên các giá trị mà khách hàng có thể hiểu, cảm nhận và chia sẻ.

Covid-19 đang khiến thế giới đi chậm lại, đồng thời tạo ra cơ hội mới cho những thương hiệu xa xỉ biết cách đào sâu về ý nghĩa sự tồn tại của họ trong hiện tại và tương lai.


 
Back to top