ART & LIFE

15 tác phẩm nghệ thuật đạt giá gõ búa cao nhất trong năm 2020

Dec 18, 2020 | By Trang Ps

2020 là một năm đầy biến động. Vì đại dịch, các nhà đấu giá như Christie’s, Sotheby’s và Phillips đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch hoạt động cho phù hợp. Doanh số bán hàng lớn gần như đến từ các cuộc đấu giá trực tuyến, nơi bất ngờ chứng kiến những mức giá gõ búa cao ngoài sức tưởng tượng.

Sotheby’s dẫn đầu đợt đấu giá trực tuyến vào tháng 6, với bộ ba tác phẩm của Francis Bacon thuộc một trong những lô hàng đầu của thương hiệu. Hai tuần sau, Christie’s lập tức tổ chức cuộc đấu giá “ONE”, mang các tác phẩm lớn của Roy Lichtenstein, Gerhard Richter ra thị trường.

Trong khi các nhà đấu giá phải vật lộn làm việc để giảm thiểu thiệt hại tiềm ẩn do đại dịch gây ra, thì một số nhà sưu tập hàng đầu cũng đau đầu không kém. Đặc biệt như Chủ sở hữu Revlon Inc – Ronald Perelman – một trong 200 nhà sưu tập hàng đầu của ARTnews trong nhiều năm qua, buộc phải chia tay nhiều tác phẩm quý giá trong bộ sưu tập cá nhân. Được biết, Perelman đã bán 350 triệu USD tác phẩm nghệ thuật kể từ khi đại dịch bùng phát.

Tuy nhiên, dấu hiệu sự sống trong lĩnh vực đấu giá dường như manh nha trở lại, khi vào tháng 12 vừa qua, Phillips tổ chức cuộc đấu giá buổi tối và thu về 134,6 triệu USD, tổng số tiền cao nhất từ trước đến nay của thương hiệu. Phải chăng điều này báo hiệu thị trường đang trở lại bình thường, hay ít nhất, bình thường mới?

Năm 2020 đầy thử thách sắp sửa kết thúc, dưới đây, chúng tôi tập hợp 15 tác phẩm đạt giá gõ búa cao nhất trong năm, theo nguồn tin từ ARTnews.

Gerhard Richter, 'Abstraktes Bild (649-2),' năm 1987.

15/ Gerhard Richter, Abstraktes Bild (649-2) (1987)

Giá: 27,6 triệu USD

Những bức tranh trừu tượng của Gerhard Richter được tạo ra từ những khối sơn quét lên tấm canvas nhằm “khuếch đại” hiệu ứng nhòe nhoẹt đang trở thành hit trong thế giới đấu giá. Vào tháng 10 vừa qua, bức tranh Abstraktes Bild (649-2) của Richter từ bộ sưu tập của Ronald Perelman đã lập kỷ lục mới với giá khổng lồ 214,6 triệu HKD (27,6 triệu USD) tại Sotheby’s Hong Kong. Hiện, đây là tác phẩm đắt giá nhất của một nghệ sĩ phương tây tại cuộc đấu giá diễn ra tại châu Á. Chủ sở hữu mới là Bảo tàng Nghệ thuật Pola ở Hakone, Nhật Bản.

Năm 1927 “Peinture (Femme au Chapeau Rouge) của Joan Miro.

14/ Joan Miró, Femme au chapeau rouge (1927)

Giá 28,7 triệu USD

Vào tháng 6 vừa qua, Sotheby’s đã thực hiện một cuộc đấu giá đột phá mới bằng cách kết hợp những tác phẩm của các bậc thầy hội họa và nghệ sĩ đương đại mới nổi. Cùng bức chân dung tự họa của Rembrandt cán mức giá gõ búa 18 triệu USD, lập kỷ lục mới trong thể loại này, thì bức Femme au chapeau rouge (1927) của Joan Miró (thuộc bộ sưu tập cá nhân của Ronald Perelman) đạt ngưỡng 28, triệu USD trong cuộc chiến kéo dài 11 phút, dao động giữa ước tính 20 đến 30 triệu USD. Được biết, hạo phẩm từng thuộc sở hữu của Alexander Calders và bán đấu giá lần đầu từ năm 1966.

Clyfford Still, '1947-Y-No.1', 1947.

13/ Clyfford Still, PH-144 (1947-Y-NO.1) (1947)

Giá: 28,7 triệu USD

Vào tháng 2, Sotheby’s thông báo đã mua được 26 tác phẩm nghệ thuật thời hậu chiến từ hai nhà sưu tập lừng danh Bờ Tây, Harry “Hunk” và Mary Margaret “Moo” Anderson. Một trong những tác phẩm quý giá là 1947-Y-NO.1 của Clyfford Still. Với mức giá ước tính từ 25 đến 35 triệu USD, bức tranh tĩnh vật cuối cùng đạt giá gõ búa 28,7 triệu USD.

12/ Pablo Picasso, Les femmes d’Alger (version ‘F’) (1955)

Giá: 29,2 triệu USD

Vào tháng 7, trong khuôn khổ cuộc đấu giá ONE kéo dài 1 ngày, ở 4 thành phố, Christie’s đã bán bức Les femmes d’Alger (version ‘F’) (1955) của danh họa Picasso với giá 29,2 triệu USD, vượt qua mức ước tính ban đầu 25 triệu USD. Picasso đã vẽ bức tranh này như một phần của loạt 15 bức tranh sơn đầu mà ông hoàn thành từ tháng 12/1954 đến 2/1955. Nhà sưu tập Victor và Sally Ganz ở New York đã mua toàn bộ loạt tranh này từ Galerie Louise Leiris ở Paris vào những năm 1950.

Barnett Newman, 'Onement V', năm 1948.

11/ Barnett Newman, Onement V (1948)

Giá: 30,9 triệu USD

Onement V (1948) đạt giá bán cao nhất từ đợt bán tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 20 ONE, trị giá 420 triệu USD của Christie’s vào hồi tháng 7. Với kích thước 5 feet x 3 feet, tấm toan xanh đậm được chia ở giữa bằng “zip”, một họa tiết mà họa sĩ đã thực hiện từ những năm 1940. Bức tranh này là một trong hai tác phẩm của series vẫn còn trong tay nhà sưu tập tư nhân.

Brice Marden, Phần bổ sung (2004–7)

10/ Brice Marden, Complements (2004–07)

Giá: 30,9 triệu USD

Khi nhà sưu tập Donald Marron qua đời vào năm 2019, nhiều người tự hỏi bộ sưu tập của ông sẽ đi về đâu. Các đại lý blue-chip Pace, Gagosian và Acquavella đã bắt đầu quy trình bán bộ sưu tập của ông. Trong đó, bức tranh trừu tượng này đã đến tay Christie’s. Nó được bán với giá 30,9 triệu USD kèm theo phí bảo hiểm, tăng gấp ba lần so với cột mốc 10,9 triệu USD trước đó của nghệ sĩ.

Mark Rothko, Untitled (1967)

9/ Mark Rothko, Untitled (1967)

Giá: 31,3 triệu USD

Vào tháng 10, tại buổi đấu giá nghệ thuật thế kỷ 20 của Christie’s New York, bức tranh màu hạt dẻ đậm của Mark Rothko là một trong những tác phẩm lớn được bán bởi nhà đầu tư – tỷ phú Ronald Perelman, người đã thanh lý một phần lớn bộ sưu tập của mình trong bối cảnh có kế hoạch tái cơ cấu danh mục tài chính. Tác phẩm này từng được bán đấu giá 1,2 triệu USD vào năm 1998 trước khi Perelman mua vào năm 2002.

'Stan,' một bộ xương khủng long bạo chúa tại Christie's ở New York.

8/ ‘Stan’ (67 Million Years Old)

Giá: 32 triệu USD

Ngày nay, trên thị trường đấu giá đã xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật mang đến cơ hội sở hữu một-lần-trong-đời. Đó có thể là kiệt tác của Picasso hay Da Vinci, hay tác phẩm của Banksy thời hiện đại. Nhưng hiếm hoi hơn cả, ấy là một dấu ấn tiền sử được đưa lên sàn đấu giá. Như tháng 10 vừa qua, Christie’s đã bán thành công bộ xương khủng long bạo chúa với giá cao ngất ngưởng: 32 triệu USD. Được biết, giá dự kiến cho bộ xương này chỉ ở mức hơn 5 triệu USD, nhưng mức giá được chốt lại gấp xấp xỉ 6 lần, lên đến 32 triệu USD.

Sanyu's Quatre Nus

7/ Sanyu, Quatre Nus (1950s)

Giá: 33,3 triệu USD

Vào tháng 7 vừa qua, bức tranh này của bậc thầy người Pháp gốc Hoa Sanyu vẽ bốn người phụ nữ khỏa thân nằm nghiêng được bán với giá 33,3 triệu USD tại buổi bán hàng nghệ thuật hiện đại của Sotheby’s Hong Kong. Sau cuộc chiến kéo dài 10 phút, tác phẩm đã thuộc về một người mua qua điện thoại.

6/ Cy Twombly, Untitled (Bolsena) (1969)

Giá: 38,7 triệu USD

Trong số các lô có giá trị cao nhất trong đợt bán hàng tối tháng 10 tại New York của Christie’s là tác phẩm Untitled (Bolsena) (1969) của Cy Twombly. Dự kiến được bán với mức giá từ 35 đến 50 triệu USD, bức tranh cuối cùng thu về giá 38,7 triệu USD, tiệm cận mức ước tính thấp nhất.

David Hockney, 'Nichols Canyon', 1980.

5/ David Hockney, Nichols Canyon (1980)

Giá: 41 triệu USD

Vào đầu tháng 12, buổi bán hàng nghệ thuật đương đại tại New York của Phillips đã thu về tổng cộng 134,6 triệu USD, đánh dấu doanh số bán hàng cao nhất từ trước đến nay của nhà đấu giá. Một trong số những tác phẩm làm nên kỷ lục là Nichols Canyon (1980) của David Hockney, bức tranh vẽ cảnh quan gần ngôi nhà cũ ở California của nghệ sĩ. Nó được bán từ bộ sưu tập của nhà phát triển bất động sản Richard Hedreen có trụ sở ở Seattle.

Ren Renfa Scroll

4/ Ren Renfa, Five Drunken Princes Returning on Horseback (13th Century–14th Century) / Giá: 41,8 triệu USD

Vào tháng 10 tại Hong Kong, một tác phẩm quý hiếm và cổ điển đã đạt mức giá kỷ lục tại Sotheby’s. MỘt bức tranh 700 năm tuổi của họa sĩ kiêm quan chức Trung Hoa Ren Renfa có tựa đề Five Drunken Princes Returning on Horseback đã dẫn đến một “cuộc chiến” kéo dài những 75 phút, với hơn 100 người tham dự.

Roy Lichtenstein's, Nude with Joyous Painting, 1994.

3/ Roy Lichtenstein, Nude with Joyous Painting (1994)

Giá: 46,2 triệu USD

Vào tháng 7, cuộc đấu giá ONE của Christie’s tiếp tục gây ngỡ ngàng với tác phẩm pop-art Nude with Joyous Painting của Lichtenstein đạt giá gõ búa lên đến 46,2 triệu USD, sau cuộc chiến kéo dài giữa khách hàng Hong Kong và New York.

Cuộn tay Trung Quốc

2/ Ten Views of Lingbi Rock (ca. 1610)

Giá: 73,4 đến 78,4 triệu USD

Vào tháng 10, Poly Auction ở Bắc Kinh đã bán bức tranh cổ điển, hiếm có của Trung Quốc với mức giá lên đến 78,4 triệu USD sau cuộc đấu diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ. Chủ sở hữu mới là một người Mỹ.

Francis Bacon, Triptych Lấy cảm hứng từ Oresteia của Aeschylus, 1981.

1/ Francis Bacon, Triptych Inspired by the Oresteia of Aeschylus (1981)

Giá: 84,5 triệu USD

Vào tháng 6, Sotheby’s đã bán bức tranh Triptych Inspired by the Oresteia of Aeschylus (1981) của danh họa Francis Bacon với giá gõ búa lên đến 84,5 triệu USD. Tác phẩm đồ sộ, dựa trên bộ ba bi kịch Hy Lạp từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên, đến từ bộ sưu tập của Hans Rasmus Astrup, người mua nó vào năm 1984. Ông đã bán nó để gây quỹ cho quỹ tư nhân của mình, Viện bảo tàng Astrup Fearnley ở Oslo.

Theo: Artnews


 
Back to top