ART & LIFE

30 bộ phim hàng đầu mà tín đồ nghệ thuật không nên bỏ lỡ

May 30, 2020 | By Trang Ps

Trong nhiều năm qua, các nhà làm phim Hollywood và châu Âu đã tạo ra hàng trăm tác phẩm điện ảnh tuyệt vời về các nghệ sĩ. Những tác phẩm của họ tiếp tục truyền cảm hứng cho khán giả đi sâu hơn vào thế giới nghệ thuật và tìm hiểu thêm về câu chuyện cuộc đời của những cá nhân xuất chúng.

Dưới đây là 30 bộ phim mà mọi tín đồ nghệ thuật nên dành thời gian tận hưởng, theo arte8lusso.

1/ Frida (2002)

Vào năm 2002, tác phẩm điện ảnh Frida (Salama Hayek trong vai Frida Kahlo, Alfred Molina trong vai Diego Rivera) đã được đề cử sáu giải Oscar và được trao hai giải, đánh dấu lần đầu tiên gương mặt hội họa huyền thoại và bí ẩn được thể hiện rất thành công trên màn bạc.

Frida Kahlo (1907 – 1954) được đánh giá là gương mặt nữ kiệt xuất trong làng hội họa thế giới. Điều đặc biệt là bà không hề học vẽ ở bất cứ trường lớp nào. 50 năm sau ngày qua đời của bà, đám đông đổ dồn về bảo tàng Ngôi nhà Xanh ở Mexico City để chiêm ngưỡng các tác phẩm của Frida. Nữ danh họa được đông đảo người dân Mexico yêu mến không chỉ qua tác phẩm và người tình Rivera, mà còn là những lý tưởng cộng sản và cách bà đề cao văn hóa bản địa qua trang phục của người da đỏ Mexico hay đồ trang điểm dân dã bà thường mang.

Bộ phim bao gồm mối quan hệ phức tạp, thăng trầm của bà với người chồng đồng thời là nghệ sĩ Diego Rivera, mối quan hệ của bà và nhà cách mạng Marxist Leon Trotsky, cuộc đấu tranh sức khỏe dai dẳng, sảy thai và tình trạng song tính luyến ái… Bộ phim Frida đã thổi hồn vào câu chuyện cá nhân đầy kinh ngạc để khắc họa rõ người đàn bà vượt qua bao trở ngại to lớn để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật phi thường.

2/ Modigliani (2004)

Bộ phim lấy bối cảnh năm 1919 tại Paris, kể câu chuyện về nghệ sĩ người Ý Modigliani và mối tình lãng mạn, bi thảm của ông với Jeanne Hebuterne. Tác phẩm điện ảnh tập trung vào những ngày cuối cùng của ông cũng như cuộc ganh đua tàn khốc giữa hai nghệ sĩ xuất chúng là Modigliani và Picasso.

Cuộc cạnh tranh cay đắng của ông với Picasso cũng là một trong những chủ đề chính của câu chuyện, từ đó lột tả thông điệp: niềm tin của Modigliani vào công việc và niềm đam mê nghệ thuật của ông là vô điều kiện. Không ai có thể chạm vào chúng, ngay cả Picasso.

3/ Big Eyes (2014)

Được cầm trịch bởi đạo diễn và nhà sản xuất Tim Burton, Big Eyes dựa trên câu chuyện có thật của Walter Keane (do Christoph Waltz thủ vai), một trong những họa sĩ thành công nhất trong thập niên 1950 vào đầu thập niên 1960.

Bộ phim tập trung kể câu chuyện về một người nghệ sĩ trở nên vô cùng nổi tiếng bởi những bức tranh bí ẩn, ấn tượng với những đôi mắt to. Những bức họa này kích thích xúc giác, tạo ra thu nhập lớn đồng thời lan tỏa chóng mặt biểu tượng phổ biến kỳ lạ. Sự thật cuối cùng đã được khám phá: Nghệ thuật của Keane thực sự không phải do anh tạo ra mà bởi vợ ông, Margaret (do Amy Adams thủ vai).

Big Eyes tập trung vào tính thức tỉnh của Margaret như một người nghệ sĩ, thành công phi thường qua những bức tranh của bà và mối quan hệ đầy biến động với chồng. Big Eyes đặt ra nhiều câu hỏi hấp dẫn về ý nghĩa của nghệ thuật, khái niệm về sự nổi tiếng và ý nghĩa qua việc phát triển một lượng khán giả khổng lồ.

4/ Portrait of a lady on fire (2019)

Portrait of a lady on fire (Bức chân dung bị thiêu cháy) là bộ phim đề tài chính kịch của Pháp do Céline Sciamma đạo diễn kiêm viết kịch bản, phát hành năm 2019.

Nhiều năm trước, Marianne đến một hòn đảo gần Brittany để vẽ chân dung cho con gái một nữ bá tước, chuẩn bị cho cuộc hôn nhân với một quý tộc ở Milan. Tuy nhiên, mẹ Héloïse đã cảnh báo Marianne rằng cô từng từ chối tạo dáng cho hoạ sĩ vẽ vì cô không có ý định kết hôn. Do đó, Marianne chọn cách tiếp cận Héloïse dưới vai trò của một nữ quan, cùng Héloïse đi dạo hàng ngày để ghi nhớ những chi tiết nổi bật của Héloïse rồi vẽ lại.

Khi hai người phụ nữ bên nhau, sự thân mật và thu hút tăng lên khi họ chia sẻ những khoảnh khắc tự do đầu tiên của Héloïse. Chân dung của Héloïse sớm trở thành minh chứng cho tình yêu của họ.

5/ The Agony and Ecstasy (1965)

The Agony and Ecstasy (1965)

The Agony and the Ecstacy là câu chuyện về cuộc chiến ý chỉ diễn ra vào thế kỷ 16 giữa nghệ sĩ Phục Hưng Michelangelo (do Charlton Heston thủ vai) và Giáo hoàng Julius II (do Rex Harrison thủ vai).

Tác phẩm điện ảnh là câu chuyện thực sự thú vị khi mở ra nhiều thách thức mà Michelangelo phải trải qua khi hoàn thành bức họa nổi tiếng của mình, trở ngại này đến từ một người đàn ông không coi Michelangelo là họa sĩ mà là một nhà điêu khắc. Charlton Heston thể hiện thành công một Michelangelo mạnh mẽ với tính khí nóng nảy, trong khi Rex Harrison tuyệt vời trong vai trò giáo hoàng.

6/ Caravaggio (1986)

Caravaggio (1986)

Caravaggio là bộ phim tiểu sử nổi tiếng kể về cuộc sống phiêu lưu của người họa sĩ cuối thời Phục Hưng Michelangelo Merisi da Caravaggio (do Nigel Terry thủ vai), được biết đến nhiều hơn với tên gọi Caravaggio.

Bộ phim lột tả các chi tiết tiểu sử, từ giai đoạn học nghề thời niên thiếu của ông ở Milan, trốn thoát đến Rome và sự bảo trợ của Đức Hồng Y Francesco Del Monte và sự khét tiếng của Caravaggio trong các trận đánh và vận chuyển trên đường phố.

7/ Death and Maiden (2016)

https://www.youtube.com/watch?v=cgWVUBT2Uaw&t=2s

Death and Maiden (Cái chết và Sức quyến rũ) là tác phẩm điện ảnh kể về tiểu sử cuộc đời của Egon Schiele, một trong những gã nghệ sĩ khiêu khích nhất từ Vienna vào đầu thế kỷ 20. Những bức tranh của Egon Schiele gây xôn xao xã hội Vienna, nhưng lại được danh họa Gustav Klimt đặc biệt đánh giá cao. Bộ phim lột tả chân thật lối sống phù du và hỗn loạn của Egon, đồng thời làm nổi bật ông như một nghệ sĩ để lại di sản phong phú cho thế giới ngày nay.

8/ Basquiat (1996)

Basquiat lấy bối cảnh ở New York vào những năm 1980 và kể cho chúng ta về câu chuyện cuộc đời và nỗi đau của danh họa Jean-Michel Basquiat (do Jeffrey Wright thủ vai), một nghệ sĩ người Mỹ gốc Haiti và Puerto Rico, sinh năm 1960.

Bộ phim làm nổi bật rõ nét cuộc sống của Basquiat như một nghệ sĩ đường phố thực thụ. Anh được chính Andy Warhol (do David Bowie thủ vai) và những người khác phát hiện, từ đó bộ phim lần lượt trả lời câu hỏi làm thế nào anh trở thành một nghệ sĩ graffiti và nghệ sĩ biểu hiện nổi tiếng, đồng thời hé lộ về cái chết của Basquiat ở độ tuổi 27 do dùng ma túy đá.

9/ Pollock (2000)

Pollock mô tả cuộc đời của họa sĩ biểu cảm trừu tượng người Mỹ Jackson Pollock, từ hoàn cảnh khó khăn đến khi nổi danh trên toàn cầu. Đồng thời, bao trùm tác phẩm điện ảnh là cuộc chiến của Pollock với chứng nghiện rượu và cái chết thảm khốc của ông trong vụ tai nạn xe hơi.

10/ Séraphine (2008)

Séraphine Best Film About Art

Tác phẩm điện ảnh Séraphine do đạo diễn Martin Provost cầm trịch được đánh giá cao và chiến thắng 07 giải Césars, bao gồm giải bộ phim hay nhất của năm.

Cuộc đời của họa sĩ người Pháp Séraphine Louis đã được lột tả chi tiết và sống động trong bộ phim này. Từ một người phụ nữ dọn dẹp, Séraphine (do Yolande Moreau thủ vai) được phát hiện và quảng bá bởi nhà sưu tập nghệ thuật người Đức, Wilhelm Ude (do Ulrich Tukur thủ vai) và sau đó trở thành đại diện nổi tiếng của phong trào nghệ thuật Naïve với các tác phẩm hoa văn lặp đi lặp lại.

20 tác phẩm khác mà bạn nên xem:

1/ Loving Vincent (2017)

2/ Andrei Rublev (1966)

3/ Rodin (2017)

4/ Renoir (2012)

5/ Little Ashes (2008)

6/ Girl with a Pearl Earring (2003)

7/ Goya’s Ghosts (2006)

8/ Tim’s Vermeer (2013)

9/ Night watching (2007)

10/ Love Is the Devil: Study for a Portrait of Francis Bacon (1988)

11/ Savage Messiah (1972)

12/ At Eternity’s Gate (2018)

13/ The Rebel/Call Me Genius (1961)

14/ The Belly of an Architect (1987)

15/ Camille Claudel (1988)

16/ Mr. Turner (2014)

17/ The Moderns (1988)

18/ Surviving Picasso (1996)

19/ Oviri. The Wolf at the Door (1986)

20/ The Mill and the Cross (2011)


 
Back to top