4 nữ giám tuyển kỳ cựu có hoạt động nổi bật tại Việt Nam và quốc tế
Natalia Kraevskaia, Zoe Butt, Đỗ Tường Linh và Arlette Quỳnh-Anh Trần là 4 nữ giám tuyển kỳ cựu có hoạt động nổi bật không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Thực hành giám tuyển đa dạng của họ đã góp phần thúc đẩy cái nhìn cởi mở và mở rộng biên giới kiến thức nghệ thuật của cộng đồng thụ hưởng.
Zoe Butt
Trong lĩnh vực giám tuyển, hiếm ai không biết đến Zoe Butt, hiện là Giám đốc Nghệ thuật tại The Factory Contemporary Arts Centre. Vai trò chính yếu của cô tại đây là lãnh đạo bao gồm các nhiệm vụ như khởi xướng, sáng tạo và thực hiện các chương trình tại trung tâm; song song với đó là đào tạo đội ngũ nhân viên bao gồm giám tuyển, PR và nhân viên tương tác với du khách hàng ngày.
Thực hành giám tuyển của Zoe Butt tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu Nam.
Trước khi gắn bó với The Factory, sự nghiệp của cô trải qua nhiều khu vực với những vai trò quan trọng: Trợ lý giám tuyển mảng nghệ thuật đương đại Châu Á tại Queensland Art Gallery, Brisbane (2001-2007), Giám đốc Chương trình quốc tế, dự án Long March, Bắc Kinh (2007-2009), Giám đốc điều hành và giám tuyển của Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh (2009-2016),… Vào năm 2015, cô được vinh danh là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Natalia Kraevskaia
Natalia Kraevskaia (hay còn gọi là Natasha) là vợ của cố nghệ sĩ Việt Nam Vũ Dân Tân. Cùng nhau, họ đã biến ngôi nhà riêng tại 30 Hàng Bông (Hà Nội) thành bệ đỡ cho những nghệ sĩ trẻ Hà Nội thể nghiệm những hình thức nghệ thuật mới. Bất cứ nghệ sĩ nào cũng đều có thể đến với Natasha để đề nghị hỗ trợ một không gian dành cho việc thực hiện tác phẩm.
Natalia Kraevskaia là giám tuyển độc lập và cây viết tập trung vào nghệ thuật đương đại Việt Nam. Năm 1990, hai vợ chồng bà thành lập Salon Natasha, không gian nghệ thuật tư nhân đầu tiên ở Hà Nội. Kể từ đó, Natasha đã giám tuyển và tổ chức đa dạng các triển lãm nghệ thuật Việt Nam cả trong và ngoài nước (ở Úc, Canada, Đức, Phần Lan, Macao và Nga).
Bà là Tiến sỹ Triết học với hơn 130 ấn phẩm về ngôn ngữ học, dân tộc học, lý thuyết nghệ thuật và nghệ thuật – văn hoá Việt Nam; đã đóng góp bài viết cho các catalogue và tạp chí nghệ thuật quốc tế; đồng thời là tác giả của cuốn “Nostalgia towards Exploration. Essays on Contemporary Art in Vietnam” (2005). Bà là Phó Giáo sư của Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, và Trường Đại học Nhân văn Nga, Moscow (Viện Nghiên cứu Phương Đông và Cổ điển).
Hiện tại, bà còn tham gia vào các dự án nghiên cứu đa ngành quốc tế khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá dân gian, dân tộc học, văn hoá và nghệ thuật, được Quỹ Khoa học Nhân đạo Nga, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác tài trợ.
Đỗ Tường Linh
Tốt nghiệp cử nhân Khoa Lịch sử và Phê bình nghệ thuật tại Trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam, Thạc sĩ về Nghệ thuật đương đại và Lý thuyết nghệ thuật của Châu Á và Châu Phi tại SOAS (Đại học London, Anh Quốc), nghiên cứu và thực hành giám tuyển của Đỗ Tường Linh xoay quanh nghệ thuật tiên phong và đương đại ở Việt Nam sau năm 1986, cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi trong nhiều biến động lịch sử và chính trị. Các chủ đề nghệ thuật và chính trị, chủ nghĩa ý niệm và nghiên cứu hậu thực dân cũng được cô quan tâm đào sâu.
Đỗ Tường Linh đã tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam từ năm 2005 cũng như làm việc và cộng tác với các không gian nghệ thuật, gallery, dự án quan trọng như Art Vietnam Gallery, Quỹ nghệ thuật Đông Sơn, Open Academy (Hàn lâm mở), Nhà Sàn Studio, Hanoi Doclab, Hội đồng Anh và viện Goethe. Đỗ Tường Linh hiện là đồng sáng lập và giám đốc nghệ thuật của Six Space, một không gian độc lập cho nghệ thuật, giáo dục và các dự án cộng đồng ở Hà Nội, Việt Nam.
Arlette Quỳnh-Anh
Arlette Quỳnh-Anh Trần sinh ra ở Đức và lớn lên ở Việt Nam. Con đường sự nghiệp của cô gái trẻ tưởng chừng sẽ gắn bó với ngành Luật, nhưng cô vô tình bén duyên với nghệ thuật sau khi trở thành trợ lý giám tuyển cho dự án nghệ thuật Saigon Open City cùng Rirkrit Tiravanija và Gridthiya Gaweewong, hai vị giám tuyển và nghệ sỹ nổi tiếng. Đây là dự án đem đến một triển lãm quy mô lớn về nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam.
Sau một thời gian quản lý và tổ chức nhiều dự án nghệ thuật tại Đông Nam Á và châu Âu, Arlette quyết định theo đuổi nghệ thuật và triết học tại Berlin, Đức. Năm 2013, cô trở về Việt Nam và làm việc tại Sàn Art với vai trò trợ lý giám tuyển.
Tại đây, Arlette đã có nhiều nghiên cứu, bài viết và suy nghĩ cho các ấn phẩm nghệ thuật cả trong nước lẫn quốc tế, tổ chức nhiều triển lãm và các dự án như 2084 (2012) – bộ phim của nhà xã hội học Pelin Tan và nghệ sĩ Anton Vidokle; Số hóa các tài liệu lưu trữ của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Blue Space, Asia Art Archive, Hong Kong; Diễn đàn Biennale thế giới lần thứ I, Kwangju, Hàn Quốc; Một hành tinh – triển lãm cá nhân của Nguyễn Mạnh Hùng, Hư cấu đúng – triển lãm nhóm…
Hiện tại, Arlette là Giám đốc và giám tuyển của bộ sưu tập Post Vidai, và là thành viên của nhóm Art Labor. Thông qua các dự án của mình, Arlette muốn mở rộng phạm vi của nghệ thuật, vượt lên khỏi những giá trị mỹ học thuần túy trong nghệ thuật, biến nghệ thuật thành chất xúc tác để diễn giải, chất vấn và trần thuật lại tính đa dạng của đời sống.