ART & CULTURE

Zoe Butt: “Việt Nam còn thiếu nền giáo dục về nghệ thuật đương đại”

Jun 15, 2020 | By Trang Ps

Trong lĩnh vực giám tuyển, hiếm ai không biết đến Zoe Butt, hiện là Giám đốc nghệ thuật tại The Factory Contemporary Arts Centre. Luxuo.vn vừa có dịp trò chuyện với Zoe để hiểu hơn về bối cảnh thị trường nghệ thuật Việt Nam và những phương cách mà chúng ta cần thực hiện để thúc đẩy thị trường phát triển trong tương lai.

Thực hành giám tuyển của Zoe Butt tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu nam.

Trước khi gắn bó với The Factory, sự nghiệp của cô trải qua nhiều khu vực với những vai trò quan trọng: Trợ lý giám tuyển mảng nghệ thuật đương đại Châu Á tại Queensland Art Gallery, Brisbane (2001-2007), Giám đốc Chương trình quốc tế, dự án Long March, Bắc Kinh (2007-2009), Giám đốc điều hành và giám tuyển của Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh (2009-2016),… Vào năm 2015, cô được vinh danh là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Chào Zoe Butt! Chị có thể chia sẻ qua một chút về công việc của mình tại The Factory Contemporary Arts Centre?

Là Giám đốc nghệ thuật kiêm giám tuyển tại The Factory, vai trò chính yếu của tôi là lãnh đạo bao gồm các nhiệm vụ như khởi xướng, sáng tạo và thực hiện các chương trình tại trung tâm; song song với đó là đào tạo đội ngũ nhân viên bao gồm giám tuyển, PR và nhân viên tương tác với du khách hàng ngày.

Các chương trình của chúng tôi bao gồm triển lãm, buổi trò chuyện, chiếu phim, hội thảo, trình diễn nghệ thuật, âm nhạc và nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi cũng tìm kiếm những cá nhân/tổ chức có xu hướng tham gia nhiều loại hình khác nhau từ nghệ sĩ thị giác, nhà làm phim, nhà sử học, nhà nhân chủng học, giáo viên, nhân viên công tác xã hội,… trên khắp Việt Nam và quốc tế.

Chung quy lại, The Factory nỗ lực chia sẻ bằng cách nào nghệ thuật đương đại hôm nay liên kết, gắn bó và tham gia vào các lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, nông nghiệp đến truyền thống dân gian,… Nghệ thuật không chỉ là một tác phẩm trang trí trên tường mà còn là trải nghiệm đạt được từ nhiều hình thức và chất liệu khác biệt và đa dạng.

Tầm nhìn của chị về một trung tâm nghệ thuật như The Factory là gì?

The Factory hoạt động như một doanh nghiệp xã hội. Điều này có nghĩa là tất cả lợi nhuận chúng tôi thu được từ việc bán tác phẩm nghệ thuật và và từ các hoạt động kinh doanh khác (ví dụ cho thuê không gian) đều đổ về chi phí vận hành và hoạt động liên tục của trung tâm.

Khác với phòng trưng bày thương mại điển hình, chúng tôi tập trung vào giáo dục. Tất cả các triển lãm và chương trình của chúng tôi đều đi kèm các văn bản giới thiệu nghệ sĩ/triển lãm và các chú giải về tác phẩm được cung cấp dưới dạng văn bản, ấn phẩm, hoặc trưng bày trên tường để bạn có thể dễ dàng tìm đọc.

Song song với triển lãm, chúng tôi còn tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng, diễn ra ở nhiều dạng thức khác nhau như: tour nghệ thuật cùng giám tuyển, trò chuyện với nghệ sĩ, bàn tròn với học giả hoặc người làm văn hoá – nghệ thuật – sáng tạo,…

Tại The Factory, chúng tôi tin rằng giống như một doanh nhân, họ sẽ nghiên cứu thị trường bất động sản để tậu ngôi nhà tốt nhất, tương tự, chúng tôi hiểu các nhà sưu tập và nghệ sĩ muốn biết gì về nghệ thuật mà họ muốn mua/sáng tạo.

Là nhà giám tuyển nghệ thuật lâu năm, Zoe có thể chia sẻ thành tố quan trọng mà Việt Nam còn thiếu để trở thành một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp?

Tôi nghĩ rằng Việt Nam còn thiếu nền giáo dục về nghệ thuật đương đại và phương pháp tổ chức/quản lý phù hợp. Cho đến nay, không một trường đại học nào dạy về lịch sử nghệ thuật đương đại, quản lý nghệ thuật cũng như vai trò của người quản lý hoặc bảo tồn.

Thế nên, thật tuyệt vời biết bao nếu chương trình giảng dạy được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện. Thật tuyệt nếu các thư viện được trang bị tài nguyên ý tưởng về nghệ thuật đương đại và giáo viên được hỗ trợ cơ hội cập nhật thêm chuyên môn.

Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu thực hiện hóa điều này là tạo điều kiện để các trường đại học giảng dạy về nghệ thuật có những thỏa thuận hợp tác với trường đại học quốc tế để chia sẻ chuyên môn và phát triển đội ngũ nhân viên.

Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều gallery và triển lãm mở ra tại Việt Nam nhưng bằng cách nào để đánh giá kết quả của chúng?

Để đánh giá kết quả này, chúng ta phải nghiên cứu và nhận xét sự phát triển tích cực của một hoạt động nghệ thuật. Rõ ràng, các phòng tranh và triển lãm hiện nay đang góp phần tạo nên thành công của người nghệ sĩ.

Và theo tôi, tầm quan trọng và ảnh hưởng quốc tế của nghệ sĩ được đo lường bởi 5 yếu tố sau:

1/ Cộng đồng nghệ sĩ địa phương có tôn trọng thực hành của nghệ sĩ không? (Cộng đồng là các không gian nghệ sĩ khởi xướng, phòng trưng bày độc lập, trung tâm nghệ thuật, nhà sưu tập, phòng trưng bày thương mại, trường đại học).

2/ Có bao nhiêu triển lãm khác nhau (triển lãm cá nhân và nhóm) mà nghệ sĩ đã tham gia tại Việt Nam?

3/ Có bao nhiêu triển lãm khác nhau (triển lãm nhóm và cá nhân) mà nghệ sĩ tham gia tại nước ngoài?

4/ Có bao nhiêu bài tiểu luận phê bình và đánh giá đã được viết về nghệ sĩ ở Việt Nam và nước ngoài? (Những văn bản này đóng vai trò cần thiết với nghệ sĩ để biết tại sao họ quan trọng không chỉ với khán giả địa phương mà còn khán giả quốc tế)

5/ Những đơn vị sưu tập công cộng và tư nhân nào đã mua tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ này? (Các tổ chức sưu tập công cộng như Bảo tàng Nghệ thuật Singapore; đơn vị sưu tập tư nhân như Post Vidai)

Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia có thị trường nghệ thuật khá sôi nổi. Chúng ta có thể học tập từ họ như thế nào?

Thị trường nghệ thuật Thái Lan và Indonesia được các nhà sưu tầm địa phương hưởng ứng tích cực. Cả hai quốc gia đều đã có các nhà sưu tập thành lập những bảo tàng tư nhân, ví dụ như MACAN ở Jakarta hay MAIIAM ở Chiang Mai. Tại đây, cộng đồng nhà sưu tập thường rất quan tâm đến nghệ thuật. Họ cũng năng nổ ghé thăm studio của nghệ sĩ, tham gia các hoạt động cùng cộng đồng nghệ thuật địa phương và hỗ trợ nghệ sĩ địa phương bằng nguồn tài chính rõ ràng. Chẳng hạn, nhà sưu tập hỗ trợ nghệ sĩ bằng cách đầu tư vào công đoạn sản xuất tác phẩm. Sau đó, nghệ sĩ ưu tiên một mức giá hữu nghị cho nhà sưu tập đó.

Những nhà sưu tập ở Thái Lan và Indonesia đều tự hào về bối cảnh nghệ thuật còn trẻ của đất nước họ. Nhưng, đáng buồn thay, tại Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều nhà sưu tập nghệ thuật đương đại địa phương ủng hộ những hoạt động về nghệ thuật. The Factory hiện đang thảo luận với phòng tranh VIN Gallery và hội chợ nghệ thuật ART Jakarta với hy vọng xây dựng nhận thức mạnh mẽ hơn nữa giữa cộng đồng nhà sưu tầm với hy vọng xây dựng nền tảng giúp gắn chặt và đẩy mạnh nhận thức về mối quan hệ giữa nhà sưu tầm, nghệ sĩ và cộng đồng nghệ thuật, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn Đông Nam Á.

Trải nghiệm với các nhà sưu tập Việt Nam cho chị những nhìn nhận như thế nào?

Trong số ít các nhà sưu tập người Việt mà tôi từng làm việc và giao lưu, tôi đánh giá họ rất cao vì đây thật sự là những cá nhân hiếm hoi tại thị trường địa phương. Họ thấu hiểu tính cần thiết của bối cảnh nghệ thuật địa phương trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng nghệ thuật. Họ hiểu rằng đầu tư nghệ thuật không chỉ là sở hữu một “vật thể” nghệ thuật mà còn hỗ trợ cộng đồng thiết lập không gian phát triển và tiếp tục xây dựng hệ thống sinh thái nghệ thuật.

Các nhà sưu tập địa phương mà tôi quý trọng bao gồm Tia-Thủy Nguyễn (nhà sáng lập The Factory), Quỳnh Nguyễn (nhà sáng lập Nguyen Art Foundation) và Thanh Ha Mourgue D’Algue (đồng sáng lập Post Vidai).

Là một nhà giám tuyển, chị có lời khuyên gì cho các nhà sưu tập địa phương?

Chiêm ngưỡng hay đánh giá một tác phẩm nghệ thuật mới cũng giống như khi bạn đến một nhà hàng mới và ăn một món ăn mới, bạn nếm thử  và sau đó bạn dần hiểu thành phần nguyên liệu là gì và chúng đến từ đâu. Trong công việc của mình, tôi đã được tiếp xúc với nhiều người Việt tuyệt vời. Họ chia sẻ họ thực sự không hiểu đủ về nghệ thuật để trở thành một nhà sưu tập, nhưng họ biết họ đang tận hưởng việc trải nghiệm nghệ thuật theo cách riêng của mình. Sưu tầm nghệ thuật là một hành trình khám phá. Giống như việc nếu muốn trở thành chuyên gia rượu vang, bạn phải bắt đầu bằng cách nếm thử.

Sưu tầm nghệ thuật cũng giống như việc nếu muốn trở thành chuyên gia rượu vang, bạn phải bắt đầu bằng cách nếm thử.

Zoe có thể chia sẻ về những dự án thú vị sắp tới của The Factory?

Gần đây nhất là triển lãm cá nhân của nghệ sĩ thị giác Hương Ngô và nghệ sĩ đồ họa in ấn Thy Nguyễn (diễn ra từ ngày 19/06 đến 04/10); tiếp nối với trưng bày của nhà thiết kế Thủy Nguyễn từ Thủy Design House, nhằm khám phá hành trình sáng tạo của cô với vai trò một nhà thiết kế thời trang. Chúng tôi cũng vừa ra mắt chương trình đồng hành và hỗ trợ nghệ sĩ thị giác (về mặt tài chính, giám tuyển, nghiên cứu thực địa và làm việc cùng cộng đồng) mang tên “Gióng chỉnh Ngũ hành”. Để biết thêm thông tin, các bạn có thể truy cập website: www.factoryartscentre.com

Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top