ART & CULTURE

LUXUO – Year in Review: 15 cuộc trò chuyện nghệ thuật nổi bật được thực hiện bởi LUXUO trong năm 2020

Dec 29, 2020 | By Trang Ps

Trong năm 2020, bằng ngòi bút đặc sắc và sự quan sát tinh tế, đội ngũ biên tập của LUXUO cũng như Art Republik đã khắc họa nhiều chân dung nhân vật thú vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, từ giám tuyển, hội họa, nhà sưu tập, nhà phê bình điện ảnh, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, digital art đến đạo diễn,… thông qua đó giúp độc giả có góc nhìn đa chiều về bối cảnh nghệ thuật Việt Nam.

Dưới đây là 15 chân dung nhân vật nổi bật hiện có những hoạt động sôi nổi và đóng góp ít nhiều cho bối cảnh nghệ thuật chung mà chúng tôi đã trò chuyện trong năm vừa qua.

HỘI HỌA

Họa sĩ Trịnh Tuân: Người hứng thú với vẻ “charming” ẩn sau sự thô mộc đời thường

Khác với những bức tranh thuần trừu tượng của Công Kim Hoa, hình ảnh con người vẫn hiện hữu trong các các tác phẩm của Trịnh Tuân. Có một sự đối lập kỳ dị giữa những hình người khỏa thân, tóc xoăn, da ngăm đen trong những góc phố quen thuộc của Hà Nội. Bên cạnh các biểu tượng mang đầy tính lịch sử và văn hóa như Tháp Rùa và Nhà thờ Lớn, sự sơ khai và nguyên thủy trường tồn mạnh mẽ.

Không chỉ đam mê vẽ, Trịnh Tuân còn tham gia nhiều hoạt động sôi nổi kết nối nghệ thuật Việt Nam với thế giới. Năm 2019, ông làm giám tuyển cho “Triển lãm giao lưu mỹ thuật đương đại Việt Nam – Hàn Quốc” và “Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á”. Ông đồng sáng lập Asia Art Link và hiện là giảng viên của khoa Tạo dáng Công nghiệp tại Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội. Gần đây nhất, các tác phẩm của Trịnh Tuân đã được trưng bày ở Chiang Mai, Bắc Kinh, Oakland và Tokyo. Tháng 12 năm nay, ông sẽ có triển lãm cá nhân tại Art Space (Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội) đánh dấu 25 năm theo đuổi hội họa sơn mài.

Họa sĩ Hiền Nguyễn: “Sơn mài giúp tôi sống chậm để hiểu sâu con người mình”

Hiền Nguyễn luôn có ham muốn làm mới mình với chất liệu sơn mài truyền thống. Năm 2019, cô đã thử nghiệm vẽ chất liệu sơn mài trên toan. Cô nghĩ, ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, thử nghiệm phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu.

Thử nghiệm đã khai thác toàn vẹn những giá trị của chất liệu sơn mài, các hình thức thể nghiệm là sự tìm tòi, khám phá các phương thức biểu đạt mới cho chất liệu truyền thống được nghiên cứu và thực hiện. Với nữ họa sĩ, khi có một công việc yêu thích, một ý tưởng cách tân, một cảm xúc mới lạ mà đã định thể hiện ra thì hãy cầm bút vẽ lên, làm việc cộng với yếu tố quan trọng hơn tất cả bất cứ sự phối hợp tinh tế nào, đó là phải sống thật với mình.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân: Kẻ rong chơi với trái tim vô bờ

Từng là một kẻ lang thang, không nhà không cửa, con đường sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Quốc Dân vừa hoang dã vừa mang đậm dấu ấn khác lạ.

Thời gian qua, với sự chuyển mình của thế giới trong đại dịch, anh có cơ hội truyền tải thông điệp của mình mạnh mẽ hơn thông qua các tác phẩm “Năng lượng nội hàm”, với phong cách “điêu khắc thị giác” khác biệt. Một mặt là hướng tới việc chia sẻ nguồn năng lượng tích cực cho mọi người vượt qua đại dịch, mặt khác là cảnh thức tất cả chúng ta về nguồn năng lượng tích tụ bên trong mỗi cá thể vạn vật.

Những tác phẩm của anh chẳng quy mô, và chính khán giả bị anh “đánh lừa thị giác” bởi đây là loại hinh mà anh tạm gọi là “Điêu khắc thị giác”. Người xem dễ lầm tưởng đến sự đầu tư tiền của, công sức, thời gian, con người… bởi quy mô có vẻ lớn đến rất lớn.

Nhưng, các tác phẩm của Dân đơn thuần là những mảnh rác thải nhỏ mà chính tôi đi nhặt ở khắp nơi để sáng tạo. Kích thước tối đa có khi chưa tới 1 mét. Theo anh, quy mô lớn nhất và đầu tư nhất là tư duy sáng tác và ý tưởng cộng sinh nghệ thuật để cho ra đời một tác phẩm hoàn hảo. Anh rất thích sáng tạo nghệ thuật trong cô đơn không ồn ào. Chỉ mình Anh với môi trường, chất liệu và với hệ tư duy độc lập mới có thể làm nên câu chuyện nghệ thuật theo ý tưởng rất riêng của mình.

NHIẾP ẢNH GIA

Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc: Nhà sáng lập Noirfoto Darkroom-Gallery-Studio

Nhắc đến Phạm Tuấn Ngọc, người ta sẽ liên tưởng đến những tác phẩm nhiếp ảnh thể hiện niềm đam mê của anh trong việc nghiên cứu và thực hành các kỹ thuật hình ảnh và bản in thế kỷ 19 – 20, giai đoạn đầu của lịch sử nhiếp ảnh, dựa trên các hóa chất và phương tiện thủ công.

Anh thường xuyên tổ chức các triển lãm nhóm nhiếp ảnh, tập trung vào các nghệ sĩ sử dụng nhiếp ảnh như chất liệu nghệ thuật tại Noirfoto Gallery, thương hiệu mà anh sáng lập, ở Sài Gòn. Địa điểm có trang bị phòng tối chuyên nghiệp mở duy nhất và tốt nhất ở Việt Nam, nỗ lực nuôi dưỡng lĩnh vực này bằng cách nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật thủ công, tổ chức các chương trình như tọa đàm, buổi trò chuyện, giảng dạy nhiếp ảnh cho mọi trình độ, chia sẻ thông tin và kiến thức miễn phí về nhiếp ảnh trong nước cũng như quốc tế,…

Phạm Tuấn Ngọc liên tục thử nghiệm và tìm tòi các kỹ thuật thủ công cổ điển đồng thời kết hợp chúng để tạo ra các hiệu ứng độc đáo cho cá nhân. Hiện tại, anh đang thực hiện đồng thời 3 dự án ở các bước hoàn thiện khác nhau cho năm 2021

KIẾN TRÚC SƯ

Kiến trúc sư Bùi Thế Long: Người đứng sau các công trình nhà thở 24/24

Trong những năm gần đây, CTA | Creative Architects (studio kiến trúc do Bùi Thế Long sáng lập) thiết kế khá nhiều công trình bằng gạch như Wall House, Chaos House, The Frist, Homestay Di Linh,… được đăng tải trên nhiều tạp chí kiến trúc nội địa và quốc tế. Anh chú tâm vào đặc tính thở 24/24 của công trình và lấy gạch làm chất liệu đặc trưng. Theo anh, thị trường đang vận hành như một cỗ máy và bê tông cốt thép chiếm ưu thế vì tính tối ưu của nó. Tính tối ưu này khiến bê tông cốt thép phổ biến nhất và gần như không thể kiểm soát. Chính vì vậy, thay vì sử dụng vật liệu thay thế, chúng ta hãy cố gắng trả lại môi trường một phần tương đối những gì mình đã lấy đi.

Anh quan điểm, khi thiết kế một công trình sẽ không tách biệt quá rõ ràng giữa kiến trúc và nội thất. Có những lúc, kiến trúc đã bao hàm nội thất. Chẳng hạn, khi muốn ngồi, bạn sẽ hình dung đến đồ nội thất là chiếc ghế nhưng có những bệ cửa sổ cũng có thể ngồi được. Có thể tóm gọn rằng, trong quá trình thiết kế thì nội thất đã tự động sinh ra.

Kiến trúc sư Khoa Vũ: Giấc mơ sương mù

Với kiến trúc sư Khoa Vũ, cuối cùng thì, kiến trúc hay xây dựng đều nhằm mục đích tạo ra không gian, tức sự trống rỗng. Bằng những trăn trở và tầm nhìn của mình, chàng trai tốt nghiệp đại học Harvard ấp ủ ước mơ thực hiện dự án trung tâm nghiên cứu và văn hóa quy mô lớn “Grayscale, Architecture of Fog” tại quê hương Đà Lạt.

Sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ vào năm 2019, Khoa đã làm việc tại Michael Maltzan Architecture (MMA) có trụ sở văn phòng tại Los Angeles. Tại đây, anh làm việc trên nhiều dự án với quy mô khác nhau từ quy hoạch tổng thể, cơ sở hạ tầng, công trình công cộng và nhà ở đến thiết kế triển lãm. Chúng tôi rất vui khi có cơ hội tham gia Venice Biennale of Architecture 2020 với chủ đề “How will we live together!”

Mục tiêu của anh trong tất cả các dự án là khơi gợi thực tại, giúp bạn nhận thức sự tồn tại của chính con người trong không gian. Việc này càng trở nên quan trọng khi internet và thế giới ảo ngày càng chiếm lấp suy nghĩ thời gian của con người. Anh tin kiến trúc có sức mạnh để đưa con người sống về thế giới thực tại. Điều căn bản nhất mà Thích Nhất Hạnh cũng đã nói.

ĐIÊU KHẮC

Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh: Khám phá tính tương thuộc giữa không-thời gian và sự cân bằng

Thái Nhật Minh xuất thân từ khoa điêu khắc của Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2004. Phong cách điêu khắc của anh tập trung vào 3 yếu tố: Đầu tiên là không gian: anh khám phá các chiều kích không gian giữa thực tại và trong suy nghĩ, chúng luôn luôn là đối tượng mà tôi muốn biểu đạt thông qua các tác phẩm của mình. Thứ hai là thời gian: anh muốn những tác phẩm của mình không chỉ biểu đạt cái thực tại, mà còn gợi lên ký ức quá khứ, lịch sử và bề dày văn hóa, do đó, tính thời gian để lại trên bề mặt tác phẩm luôn được anh chú tâm. Cuối cùng là cân bằng: Phần lớn tác phẩm của anh có bố cục đăng đối và cân bằng, nhằm mang tới trạng thái tĩnh và lắng đọng nhất cho người xem.

Hiện tại là một bước ngoặt của Thái Nhật Minh khi anh tiếp tục khám phá những giới hạn của tự do và những khoảng không gian trong tâm tưởng thông qua những tác phẩm có đôi cánh nặng trữu ưu tư.

NHÀ SƯU TẬP

Nhà sưu tập Quỳnh Nguyễn – Nhà sáng lập the Nguyen Art Foundation

Từ năm 1995, Quỳnh Nguyễn đã bắt đầu sưu tầm nghệ thuật với tác phẩm đầu tiên là bức tranh chân dung của cô do họa sĩ Bùi Quang Ngọc vẽ vào năm 1993. Cô cũng yêu thích nghệ thuật và tự học nghệ thuật nhiếp ảnh. Cho đến năm 2018, cô thành lập the Nguyen Art Foundation dưới sự cố vấn của MoT+++.

Quỳnh hy vọng thành lập một tổ chức nghệ thuật đương đại đầu tiên, mở ra các buổi triển lãm, tọa đàm và giao lưu tại Việt Nam, tập trung vào việc nuôi dưỡng lứa nghệ sĩ trẻ Việt Nam tiếp theo cũng như bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ thế hệ trước.

Quỳnh có những không gian nghệ thuật được đặt tại các khuôn viên trường học Renaissance International School Saigon và EMASI nhằm kết nối học sinh và cộng đồng nhà trường với các nghệ sĩ được công nhận trong và ngoài nước. Theo cô, để thúc đẩy nghệ thuật tại Việt Nam đi xa hơn, ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Tại các trường này, cô mong muốn gắn kết tình yêu nghệ thuật với thế hệ trẻ bằng cách trang bị cho họ những kiến thức về nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật, dành cho họ cơ hội để tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ, giám tuyển ở cả Việt Nam và nước ngoài, cũng như khuyến khích các em học sinh tự sáng tác các tác phẩm nghệ thuật và tôn vinh những thành tựu đó.

NHÀ PHÊ BÌNH ĐIỆN ẢNH

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

Lê Hồng Lâm là nhà báo, nhà phê bình điện ảnh báo chí có tiếng tại Việt Nam. Là tác giả của các đầu sách nghiên cứu điện ảnh Xem chữ đọc hình, Chơi cùng cấu trúc, Cánh chim trong gió, Sự lưỡng nan của tình thế làm người, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất và mới đây nhất là Người tình không chân dung, Lê Hồng Lâm đã và đang tiếp tục đóng góp nhiều giá trị cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Theo anh, có rất nhiều yếu tố để một bộ phim trở thành kinh điển và tồn tại lâu dài. Nó là sự kết hợp từ một kịch bản xuất sắc của người biên kịch, thủ pháp dàn dựng sáng tạo, đột phá, tiên phong của người đạo diễn, tài năng hóa thân của diễn viên, rồi thì quay phim, chỉ đạo nghệ thuật, thiết kế bối cảnh, âm thanh, âm nhạc, trang phục,… Điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp nên để có một tác phẩm kinh điển, đó phải là sự cấu thành của các yếu tố nghệ thuật chất lượng cao ở bên trong.

Điều mà một bộ phim được xem là kinh điển và ảnh hưởng sâu sắc đến anh nhất có lẽ là cảm xúc hoặc khả năng đánh thức những điều sâu kín của nội tâm mà trước đó bản thân anh không nhận ra.

DIGITAL ART

Phan Vũ Linh: Nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực digital art tại Việt Nam

Phan Vũ Linh thuộc thế hệ đầu tiên thực hành bản vẽ trên máy tính. Trước đó, anh đã có thể ứng dụng nó bằng cách vẽ minh họa cho báo chí nhưng mức độ còn chưa sâu rộng, đặc biệt game và hoạt hình thời đó còn chưa phát triển.

Sau du học từ Mỹ về, anh nhận ra digital art còn có thể ứng dụng rộng rãi và sâu sắc hơn nữa. Thay vì làm những bức tượng thủ công thì bây giờ, chúng ta có thể thực hiện trên máy hoàn toàn và dễ dàng. Thời gian rút ngắn lại chỉ còn 1/3 so với vẽ tay hay nặn tay. Chẳng hạn, nếu bạn thực hiện mẫu điêu khắc này bằng tay, bạn chỉ có đúng phiên bản gốc ấy thôi, nhưng khi làm bằng máy, bạn có thể tăng kích thước của sản phẩm lên bao nhiêu tùy ý. Anh và đội ngũ có thể tạo ra những con khủng long trong lòng bàn tay đến khủng long dài 6, 7 mét chỉ thông qua một mẫu thiết kế duy nhất.

Theo anh, xu hướng phát triển của thế giới cho thấy digital art là chất liệu bao phủ tất cả. Thị trường đã xuất hiện không ít nghệ sĩ AI. Còn tính thẩm mỹ hay vấn đề chọn chất liệu thủ công hay máy móc là do thiện cảm và cảm nhận riêng của mỗi người. Anh nghĩ một khi nặn và vẽ đều đẹp thì việc thực hành trên máy hay trên giấy đều như nhau. Và cũng không thể phủ nhận một điều rằng đối với mỹ thuật ứng dụng, máy móc giúp chúng ta nhanh hơn và hiệu quả hơn.

GIÁM TUYỂN

Giám tuyển Zoe Butt: Việt Nam còn thiều nền giáo dục về nghệ thuật đương đại

Trong lĩnh vực giám tuyển, hiếm ai không biết đến Zoe Butt, hiện là Giám đốc nghệ thuật tại The Factory Contemporary Arts CentreThực hành giám tuyển của Zoe Butt tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu nam.

Theo Zoe, Việt Nam còn thiếu nền giáo dục về nghệ thuật đương đại và phương pháp tổ chức/quản lý phù hợp. Cho đến nay, không một trường đại học nào dạy về lịch sử nghệ thuật đương đại, quản lý nghệ thuật cũng như vai trò của người quản lý hoặc bảo tồn. Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu thực hiện hóa điều này là tạo điều kiện để các trường đại học giảng dạy về nghệ thuật có những thỏa thuận hợp tác với trường đại học quốc tế để chia sẻ chuyên môn và phát triển đội ngũ nhân viên.

ÂM NHẠC

Nghệ sĩ âm nhạc Thanh Bùi: Nghệ thuật là tương lai của giáo dục

Thanh Bùi, tên tuổi một nam nghệ sĩ đa tài đã quá đỗi quen thuộc với người yêu nhạc Việt Nam từ một thập kỷ qua. Nhưng bây giờ, gọi anh là một nhà giáo dục, một doanh nhân.

Anh đang xây dựng một hệ thống sinh thái để hỗ trợ sự sáng tạo của từng bạn trẻ. Anh bắt đầu với Embassy Education, trường mẫu giáo đầu tiên chính thức áp dụng Reggio Emilia Approach ® tại Việt Nam. Trường có quy mô 80 học sinh, và theo tỷ lệ của Reggio Emilia, cứ 10 em sẽ có 1 em đặc biệt, nên ở đây sẽ có 8 em đặc biệt.

Từ nền tảng này,anh sẽ xây dựng thêm các trường cấp 1, 2, 3. Âm nhạc – nghệ thuật là một phần trong hệ thống giáo dục ở đây. Tại các trường khác, âm nhạc là một môn ngoại khoá, nhưng tại đây, âm nhạc sẽ được lồng vào chương trình học. Đây là điều rất quan trọng với anh, vì anh muốn tôn vinh và tiếp cận những ngôn ngữ sáng tạo của các em theo cách tốt nhất có thể.

Quyền Thiện Đắc: Jazz như chiếc chìa khóa mở cánh cửa đến không gian sáng tạo hơn

Từ một cậu bé nghịch ngợm, hay bỏ học và mê chơi điện tử, nhờ sự dẫn dắt của người cha Quyền Văn Minh cũng như sự truyền lửa của tiếng kèn saxophone, Quyền Thiện Đắc đã trở thành một nghệ sỹ thành công được yêu mến và ngưỡng mộ. Quyết tâm theo đuổi nhạc jazz của anh được ngân vang qua những giây phút ngẫu hứng thăng hoa cùng saxophone.

Bên trong thân hình vạm vỡ cùng vẻ mặt hơi lạnh lùng của Quyền Thiện Đắc là một tâm hồn lãng mạn bay bổng. Một trong những sáng tác tâm đắc nhất của anh là Một Nét Huế, một giai điệu trầm lắng về xứ Huế mộng mơ. Anh có mối tình đẹp với thiếu nữ phố cổ, người cũng sinh vào mùa thu giống anh và cặp đôi đã kết thành vợ chồng trong một đám cưới màu tím.

ĐẠO DIỄN

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: “Sự kỹ lưỡng, cẩn trọng, thời gian và cả khoảng cách với mỗi bộ phim luôn là điều cần thiết” 

Trịnh Đình Lê Minh là đạo diễn tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. HCM, sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành Sản xuất phim tại Đại học Austin – Texas, Mỹ. Hiện tại, anh đang là giảng viên Khoa Sản xuất phim tại một trường đại học, đồng thời là đạo diễn của nhiều bộ phim điện ảnh được đánh giá cao thời gian gần đây như “Thưa mẹ con đi” (08/2019) và “Bằng chứng vô hình” (07/2020). Anh tin điện ảnh vẫn là một phần rất riêng, sâu thẳm mà con người luôn cần đến để được an ủi và cảm nhận những điều bất ngờ.

Theo anh, những bộ phim độc lập chưa thành công tại rạp vì hiện tại các bộ phim nghệ thuật vẫn phải đấu trực tiếp với phim bom tấn. Chúng ta chưa có hệ thống rạp dành riêng cho những bộ phim nghệ thuật. Khán giả của phim nghệ thuật thường không có xu hướng ùa ra rạp để xem ngay. Họ thường đi xem, nói về bộ phim cho bạn của mình, những người khác lại đi xem, có khi lại đi xem lại cùng nhau, xem một mình để thưởng ngoạn bộ phim thêm lần nữa. Những bộ phim nghệ thuật ở nước ngoài cứ âm thầm ở hệ thống rạp của riêng nó, hạn chế về số lượng nhưng lại có những suất chiếu giờ đẹp và chiếu liên tục trong một hai tháng. Rạp vẫn không bao giờ vắng khán giả, dù giá vé của các rạp phim nghệ thuật luôn cao hơn.

Đạo diễn Việt Tú: “Tôi thấy mình bay bổng một cách thực tế”

Việt Tú sinh năm 1977 tại Hà Nội. Người hướng nghiệp cho anh là đạo diễn ca nhạc Việt Tuấn, người cha và cũng là người đồng nghiệp tại Đài truyền hình Việt Nam. Với cá tính đặc biệt được bộc lộ từ sớm, Việt Tú đã chọn nghề Đạo diễn sân khấu ca nhạc và ngành công nghiệp giải trí làm đam mê lớn nhất của đời mình.

Ngay từ những sự kiện đầu tiên, anh đã đạt được thành công vang dội với những tác phẩm ghi dấu tiên phong như Nhật Thực 1 của Trần Thu Hà, đặt ra khái niệm vở thời trang với Cơn ác mộng của người thợ may

Điều duy nhất anh thay đổi trong suốt 20 năm qua là tính hệ thống –  khả năng quản trị và cách nhìn nhận thị trường. Mọi thứ còn lại thì không, vì anh xem đó là giá trị cốt lõi của mình. Anh luôn bước vào những dự án mới với tâm thế như người mới bắt đầu, vẫn hồi hộp và thường xuyên mất ngủ y như thời điểm lúc mới vào nghề. Tuy nhiên kinh nghiệm hồi hộp thì có sự khác biệt. Trước đây anh hồi hộp vì không biết mình sẽ phải làm cái gì như thế nào, lúc ấy mình như người bị bịt mắt trong đêm tối, phải mò mẫm dò đường. Còn giờ đây anh biết con đường mình đi, nhưng hiểu rằng khoảng cách giữa những gì mình viết ra trên giấy và hiện thực là một con đường rất dài và nhiều thách thức, đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao độ. Chưa kể, anh luôn nghĩ mỗi thành công của mình đều có phần của sự may mắn, và anh hồi hộp không biết lần sau mình có còn được may mắn như trước không.


 
Back to top