Art Basel: 7 khoảnh khắc biểu tượng và gây tranh cãi
Hội chợ nghệ thuật Art Basel đang đến với chúng ta từ ngày 24 – 26 tháng 9 này trong một bối cảnh thực tế hứa hẹn mang tới nhiều bất ngờ đầy thú vị. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại những khoảnh khắc mang tính biểu tượng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử của hội chợ lớn nhất toàn cầu này.
Art Basel được thành lập vào năm 1970 bởi các nhà kinh doanh nghệ thuật Ernst Beyeler, Trudl Bruckner và Balz Hilt nhằm cạnh tranh với Art Cologne lân cận. Ý tưởng hướng đến mục đích thu hút một làn sóng những nhà sưu tập cũng như những tín đồ nghệ thuật trong xã hội tiêu dùng thời hậu chiến, những người giàu có về thời gian, tiền bạc lẫn những phương tiện giao tiếp toàn cầu mới.
Art Basel không chỉ thu hút những người Âu châu có túi tiền rủng rỉnh mà còn cuốn hút các nhà sưu tập mới bắt đầu với một loạt phiên bản tác phẩm dễ tiếp cận. Trong năm khai mạc đầu tiên, Art Basel đã chào đón 16.000 khách tham quan. Đến năm 2019, dưới sự quản lý của tổng giám đốc toàn cầu Marc Spiegler, hội chợ đã thu hút 93.000 lượt khách tham quan trong vòng 6 ngày, với 290 gallery từ 35 quốc gia.
Art Basel đã dành 50 năm qua để xác định lại ý nghĩa của hội chợ nghệ thuật và hội chợ nghệ thuật có thể làm gì, cho dù đó là sự ra mắt của các nền tảng như Art Unlimited (cung cấp sự tự do tiếp cận bên ngoài các gian hàng thực tế) hay tổ chức những hội chợ toàn cầu nổi tiếng như Art Basel Miami Beach, Basel và Hong Kong hàng năm.
Không chỉ là một thị trường dành cho giới nhà giàu và siêu giàu với những bữa tiệc xa hoa và mảnh đất màu mỡ cho bao người thưởng thức, Art Basel đã trở thành một vườn ươm văn hóa cho một số sự kiện cấp tiến và mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử nghệ thuật đương đại. Dưới đây, Wallpaper đã liệt kê những khoảnh khắc khó quên nhất đã tạo nên thương hiệu Art Basel.
1/ Comedian: Tác phẩm trái chuối dán tường
Comedian của Maurizio Cattelan chỉ đơn thuần là một trái chuối chín vàng được dán đoạn băng keo trong gian hàng của gallery Perrotin. Bố cục tối thiểu này đã tạo ra một hiệu ứng “gây sốc” và hoàn toàn bất ngờ trên toàn cầu. Không những thế, nó còn là cảm hứng cho một loạt áo phông sử dụng hình ảnh ấy để lên tiếng về vấn đề thương mại toàn cầu.
Emamanuel Perrotin, nhà sáng lập phòng trưng bày, chia sẻ với CNN: “Chuối là biểu tượng của thương mại toàn cầu, là cách nói ẩn dụ, đồng thời là công cụ diễn hài kinh điển”. Nghệ sĩ Maurizio Cattelan đã biến thực phẩm này trở thành phương tiện mang đến niềm vui lẫn phê bình.
2/ Tác phẩm 14 rooms
Với tác phẩm này, Klaus Biesenbach và Hans Ulrich Obris đã mời 14 nghệ sĩ quốc tế đến, mỗi người “kích hoạt” một căn phòng, xem xét mối quan hệ giữa không gian, thời gian và thể chất. Có thể nói, “chất liệu” của mỗi tác phẩm nghệ thuật này là một con người.
Một phiên bản tác phẩm này lần đầu tiên được công chiếu tại Liên hoan Quốc tế Manchester với tên gọi 11 Rooms, có các tác phẩm của Marina Abramović, Damien Hirst, Santiago Sierra, Xu Zhen, Ed Atkins, Dominique Gonzalez-Foerster và Otobong Nkanga, còn ba tác phẩm sau được ra mắt mới. Mỗi tác phẩm diễn ra trong căn phòng khép kín của riêng nó do kiến trúc sư Herzog & de Meuron thiết kế.
3/ OVRs – Phòng xem trực tuyến
Trước năm 2020, OVR giống như một thuật ngữ kinh doanh được viết tắt khó hiểu hay một định dạng tệp lỗi thời. Nhưng kể từ khi Covid xảy đến, nó lại trở thành một “cứu cánh” cho những tác phẩm nghệ thuật trên toàn cầu. OVRs (hay phòng xem trực tuyến) xuất hiện trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh vào tháng 3 năm 2020, trùng đợt kỷ niệm 50 năm thành lập Art Basel, và tổ chức này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hủy Art Basel Hong Kong 2020. Để duy trì động lực, hội chợ đã nhanh chóng phát hành một phiên bản kỹ thuật số trong đó tất cả các phòng trưng bày cho triển lãm Hong Kong 2020 đều được mời tham dự miễn phí.
Với sự ra mắt gần đây của Art Basel Live, hội chợ giới thiệu một định dạng kết hợp cho phép các phòng xem kỹ thuật số chạy song song với hội chợ thực tế.
4/ Tác phẩm sắt đặp Mùa Xuân Ả Rập và màn trình diễn
Hình ảnh báo chí năm 2011 về tủ kính bị cướp phá trong Bảo tảng Ai Cập ở Cairo đã truyền cảm hứng cho tác phẩm Mùa Xuân Ả Rập (2014) của Kader Attia. Với tác phẩm điêu khắc sắp đặt được tổ chức tại Art Basel Unlimited vào năm 2015, Attia đã tái hiện khoảnh khắc người biểu tình bước vào bảo tàng, phá hủy tủ trưng bày và cướp tác phẩm trong Cuộc cách mạng Ả Rập 2011 – 12.
Attia mặc một chiếc áo hoodi sẫm màu che mặt trong khi ném những viên gạch để làm vỡ các ống kính. Một màn trình diễn ác liệt, chứa đầy sự nổi loạn và giận dữ. Trong Mùa Xuân Ả Rập, Attia khám phá di sản của chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là chủ nghĩa thực dân Pháp, và quan niệm mâu thuẫn về cách một quốc gia có ý định đòi lại tương lai của mình sẽ phá hủy những gì cuối cùng đã trở thành họ. Attia đã dàn dựng buổi biểu trình diễn tại màn xem trước của Art Basel. Những mảnh vỡ và gạch đỏ tạo thành tác phẩm cuối cùng.
5/ Abraham Cruzvillegas dựng sân khấu khiêu vũ từ thùng rác
Năm 2018 đánh dấu triển lãm công khai miễn phí đầu tiên mang tên “Autorreconstrucción: To Insist, to Insist, to Insist” của nghệ sĩ người Mexico Abraham Cruzvillegas, thuộc một phần của một sắp đặt đa ngành ca ngợi rác rưởi. Phần trình diễn bao gồm rác rưởi theo nghĩa đen do Cruzvillegas và biên đạo múa người Argentina Barbara Foulkes nghĩ ra, được kích hoạt bởi các nhạc sĩ và vũ công nhào lộn.
Autorreconstrucción (tự xây dựng) là khái niệm bắt nguồn từ thời thơ ấu của nghệ sĩ, khi ngôi nhà của anh được xây dựng từ những gì có sẵn trong tầm tay. Trải nghiệm này đã mở đường cho mô típ đặc trưng của anh: các hình thức điêu khắc được xây dựng từ các vật liệu được tìm thấy tại địa phương.
6/ Trình diễn trong lều tuyết Messeplatz của Alexandra Pirici
Được dàn dựng bên trong một công trình giống như lều tuyết, tác phẩm sắp đặt công khai của nghệ sĩ – vũ công Alexandra Pirici Aggregate đã viết về thế giới trước Covid của chúng ta. Trong môi trường biểu diễn cường độ cao này, khán phá có cơ hội hòa mình với nhóm các nghệ sĩ biểu diễn, họ tự động chọn từ danh sách các tiết mục đã diễn tập.
Tại bất cứ thời điểm nào, người biểu diễn có thể bắt đầu các chuyển động mà người khác có thể chọn làm theo. Các điểm tham chiếu cho những hành động này rất đa dạng: từ bước nhảy của một con linh dương đến David của Michelangelo hay lời bài hát Depeche Mode, từ đó khám phá sự liên kết con người trong một môi trường ngẫu hứng.
7/ Podcast của Art Basel
Trải dài từ nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, thời trang, thiết kế đến văn học, Podcast của Art Basel mang tên Intersections được ra mắt vào năm 2021 cho phép người nghe tiếp cận những tiếng nói đi đầu trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Podcast ra mắt đầu tiên vào ngày 19/7 gồm hai tập với sự tham gia của kiến trúc sư David Adjaye và rapper kiêm nhà sưu tập Kasseem Dean. Danh sách khách mời khác bao gồm Lisa Spellman, Kim Gordon và Pamela Joyner.