ART & CULTURE

Bậc thầy đơn sắc họa Lee Ufan: Chiều sâu năng lượng trong hình thức tối giản

May 08, 2021 | By Trang Ps

“Khi gõ vào chiếc chuông, âm thanh sẽ vang xa. Tương tự, trên tấm canvas, nếu một điểm được vẽ với nguồn năng lượng tinh thần lớn lao, nó có khả năng truyền rung động vào không gian xung quanh. Tác phẩm nghệ thuật là một mạng lưới sóng nơi mà sơn và không sơn được liên kết với nhau để vang vọng xa hơn.” – Lee Ufan.

Lee Ufan trên Nowness.

Lee Ufan (sn 1936) là một họa sĩ, nhà điêu khắc Hàn Quốc được chính phủ Nhật Bản tôn vinh vì đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại Nhật. Vào tháng 6 năm 2011, ông trở thành nghệ sĩ Đông Á thứ ba được tổ chức triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Guggenheim, Thành phố New York, khẳng định vị trí của ông như nhân vật hàng đầu của thế giới nghệ thuật đương đại.

Khi còn bé, Lee đã được học vẽ nhưng không có ý định trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Vào thập niên 30 tại Hàn và Nhật, trong các gia đình truyền thống, con trai được giáo dục tại nhà, bao gồm vẽ tranh, viết thư pháp, đọc tác phẩm kinh điển của Trung Hoa. Bằng cách giáo dục ấy, Lee hiểu về văn hóa đồng thời khám phá thế mạnh của mình.

Bậc thầy đơn sắc họa Lee Ufan: Chiều sâu năng lượng trong hình thức tối giản

Lee Ufan trên Nowness.

Con đường Lee đến với thế giới nghệ thuật mang tính gián tiếp nhưng sâu sắc. Khi còn là học sinh trung học, ông rất thích văn học, từng muốn trở thành nhà thơ hay tiểu thuyết gia, nhưng thật tiếc, điểm của ông lại không đủ tốt để học chuyên sâu ngành Văn. Thấy vậy, một giáo viên trong trường đã khuyến khích ông đăng ký tham gia nghệ thuật vì ông vẽ rất giỏi. Ông bắt đầu một khóa học tại Cao đẳng Mỹ thuật tại Đại học Quốc gia Seoul, nhưng sau vài tháng, cha ông yêu cầu ông đi Nhật Bản lấy thuốc cho người chú của mình. Tại Nhật, người chú đề nghị ông ở lại và học Văn học, Triết học ở Đại học Nihon, Tokyo vào cuối những năm 50, đầu những năm 60. Lúc này, ông chính thức trở thành “cậu học trò lang thang”.

Lee-Ufan-From-Line-No-760219.

Ông bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật từ góc độ chống độc tài và chủ nghĩa thực dân. Ông đã áp dụng siêu hình học châu Á vào các phương ngữ của thực hành tối giản và Art Povera (nghệ thuật nghèo) của châu Âu, cùng một số yếu tố của phong trào Land Art vào các tác phẩm điêu khắc như Relatum (1968 –nay) của mình. Không dừng lại ở đó, ông trở thành người tiêu phong của Mono-Ha (も の 派) hay School of Things), một phong trào nghệ thuật do các nghệ sĩ Nhật Bản và Hàn Quốc trong thế kỷ 20 dẫn đầu.

Các nghệ sĩ Mono-ha khám phá cuộc gặp gỡ giữa các vật liệu tự nhiên và công nghiệp, chẳng hạn như đá, thép tấm, thủy tinh, bóng đèn, bông, bọt biển, giấy, gỗ, dây, dây thừng, da, dầu và nước, sắp xếp chúng ở trạng thái phù du hay gần như không bị thay đổi. Các tác phẩm tập trung nhiều vào sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố khác nhau và không gian xung quanh đóng vai trò cũng như chính các vật liệu.

LEE UFAN, East Wind, 1982, glue and mineral pigment on canvas, 162.2 cm x 130.3 cm.

Mặc dù khẳng định triết học không có một mối quan hệ trực tiếp nào với nghệ thuật cá nhân, nhưng ông rất đam mê các triết gia phương Đông như Lão Tử, Đức Phật và Tây phương như Socrates và Heraclitus. Khi nói về Heraclitus, ông thốt lên: “Tôi thực sự yêu mến ông ấy! Câu nói ‘không ai tắm hai lần trên một dòng sông’ khiến tôi mê hoặc. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng mọi thứ đang chảy trôi, cuộc sống là vô thường.”

Nhờ tư duy triết học logic này mà nghệ thuật của ông dường như cũng mang tính phản ánh và suy niệm sâu sắc.

Người dẫn dắt phong trào Dansaekhwa (Đơn sắc họa)

Lee Ufan, From Line, 1983, pigment suspended in glue on canvas

Thập niên qua, Lee Ufan là người dẫn dắt/ lãnh đạo Dansaekhwa (Đơn sắc họa), một phong trào nghệ thuật ra đời ở Hàn Quốc vào những năm 1970. Những người tiên phong của Dansaekhwa sinh năm 1913 đến năm 1936. Họ thường tránh mọi tham chiếu chủ nghĩa hiện đại Tây phương, và khuynh hướng sáng tác đơn sắc và tối giản. Họ cũng cố gắng thoát khỏi di sản của chủ nghĩa đế quốc Nhật và chủ nghĩa trừu tượng phương Tây. Một số tác phẩm của họ lấy cảm hứng từ những bức chân dung bằng mực truyền thống của Hàn Quốc và các chất liệu truyền thống của Hàn như giấy Hanji.

Dansaekhwa đã thổi một luồng sinh khí mới nhờ vào những nỗ lực của nhóm nghệ sĩ tài năng đời đầu. Giờ đây, các tổ chức nghệ thuật, giám tuyển và nhà sưu tập có thể thở phào nhẹ nhõm vì những gì đã bị lãng quên trong gần nửa thế kỷ đã đến ánh đèn sân khấu của công chúng.

Lee Ufan – Correspondance, 1994, stone pigment on canvas, 4 canvases á 259 x 194.5 cm.

Rời Hàn Quốc đến Tokyo vào năm 1956, kể từ đó, những tác phẩm của Lee Ufan được triển lãm tại Pace Gallery (New York) và Lisson Gallery (London). Không ít những bức tranh của Ufan được định giá trên 100.000 USD, biến ông trở thành nghệ sĩ nổi tiếng trong thế giới thực hành sáng tạo nghệ thuật đơn sắc. Cuối năm 2014, Lee phá kỷ lục đấu giá cá nhân khi đạt 2,2 triệu USD tại Sotheby’s cho bức From Line, No. 760219. Thành công của Lee đã chứng kiến thành công gia tăng của nhiều nghệ sĩ khác, những người liên kết với phong trào Dansaekhwa, một bộ phận lớn đến từ Hàn Quốc.

Lee Ufan, Dialogue, 2018, acrylic on canvas,

Một trong những loạt tác phẩm nổi tiếng của Lee là From Line, có niên đại từ những năm 1970 và đầu những năm 80, bao gồm các nét vẽ đơn lẻ, dài và đều một cách đáng kinh ngạc. Nét vẽ giảm dần từ trên xuống dưới của một tấm toan trắng hoặc vàng. Mỗi nét vẽ về cơ bản giống nhau, vuông góc và hoàn toàn tự tin.

Ông ví người nghệ sĩ như vận động viên thể thao. Lấy bộ môn quần vợt là một ví dụ. Khi bạn chơi, bạn đối mặt với đối thủ của mình. Bức tranh của Lee là một trò chơi, canvas là đối thủ, có một dấu hiệu căng thẳng giữa ông và bức tranh. Nét vẽ là sản phẩm của sự căng thẳng ấy. Vì vậy, ông không hoàn toàn kiểm soát. Những gì Lee mô tả khá giống nghệ thuật trình diễn: cơ thể rất quan trọng, cơ thể chúng ta không thuộc về chúng ta, mà tạo ra một mối quan hệ với thế giới.

Lee Ufan, From Line, 1979, glue and mineral pigment on canvas

Ông thừa nhận, ban đầu, ông bị kích thích một chút bởi Pollock hoặc Newman nhưng dần dần, ông đến gần hơn với hội họa truyền thống châu Á. Ông đã luôn tự hỏi bản thân về cách một bức tranh ra đời. Đó thực sự là một câu hỏi thú vị khó nắm bắt.

Mỗi nghệ sĩ làm việc cho chính họ trên sáng tạo của chính họ

Untitled, 1973. Watercolor on wove paper, 30 x 22 in. (76.2 x 55.9 cm).

Trong một clip Nowness tung ra gần đây về bậc thầy Lee Ufan, ông kể lại câu chuyện hồi xưa khi còn nhỏ, ông thường cùng ba đi ra biển, ngủ tại đó và thức dậy sớm vào mỗi sáng. Ánh nắng mặt trời chạm vào trái tim người họa sĩ, rồi lớn lên mỗi khi ông đặt câu hỏi nghệ thuật là gì, ánh mặt trời ban sơ năm nào nhấp nháy trước mắt ông.

Ông đã đọc và gợi nhớ thật nhiều thứ trước khi bước vào sáng tác. Nhưng khi hít vào một hơi thở và giữ hơi thở ấy, ông không nhìn và lắng nghe nữa. Khi rời cây cọ, ông nhận thấy tác phẩm hội họa kia là một vật sống, và đó là lý do ông biết cách buông bỏ. Với Lee, sự sáng tạo xuất hiện khi bên ngoài và bên trong bạn đồng điệu, lúc này, nội – ngoại trở thành sự kiểm soát, chứ không phải bạn, đó là khi tác phẩm nghệ thuật siêu việt lên chính cá nhân tác giả.

Lee Ufan – From Line

Có một phẩm chất thiền định rõ ràng trong nghệ thuật của Lee, một chiều sâu trong cái đơn giản tột cùng của chính nó. Tác phẩm sắp đặt của ông là sự đối đầu giữa văn hóa con người và thiên nhiên, thời hiện tại và vĩnh cửu.

Trong bảo tàng dành riêng cho tác phẩm của ông tại Naoshima, hòn đảo nhỏ ở Biển Nội Địa của Nhật Bản, có một căn phòng chứa 4 tác phẩm được vẽ trực tiếp lên tường. Ý tưởng là bạn hãy bỏ giày trước khi vào, sau đó chỉ cần ngồi lên sàn và suy ngẫm. Bảo tàng này là sự hợp tác chặt chẽ giữa Lee Ufan và Kiến trúc sư đạt giải Pritzker nổi tiếng Tadao Ando. Tadao đã tạo bảo tàng giống như một cái hang, một công trình khiến bạn có cảm giác như vào và ra khỏi ngôi mộ, hoặc một cơ thể người. Kết hợp với các tác phẩm đặt trong đó, đây là một điểm đến khiến con người phải suy tư chiêm nghiệm.

with winds 1991

Dù được cho là người dẫn đầu phong trào Dansaekhwa hiện nay, nhưng Lee cho rằng trong cộng đồng nghệ sĩ thì không có cái gì gọi là chủ nghĩa toàn cầu. Mỗi nghệ sĩ làm việc cho chính họ trên sáng tạo của chính họ. ĐIều quan trọng nằm ở tính cách mỗi người. Thậm chí, một số bài viết có đề cập ông trong các phong trào, nhưng điều quan trọng là bản thân ông đang (nên) làm việc với năng lực/tính cách vốn có của mình.

Trong thời đại công nghệ hôm nay, Lee Ufan tự nhận vẫn vững tâm bước đi trên con đường của người “nguyên thủy”, một trái ngược với thế giới ảo hay trí tuệ thông minh. Ông muốn tạo ra điều gì đó bằng đôi tay và khối óc của mình ở thực tế. Điều này với ông thực sự quan trọng. “Ngay cả những đứa trẻ khi nhìn thấy tác phẩm của tôi cũng muốn chạm vào vì chúng hiện diện trong thực tại. Một cái gì đó ảo, không ai muốn chạm vào.” – Lee trả lời.

Lee Ufan, “Dialogue” (2017), acrylic on canvas, 89-1 2″ × 71-1 2

Lược dịch từ các nguồn: pacegallery, ocula, britannica, hyperallergic, tatintsian, nowness,…


 
Back to top