ART & CULTURE

Bộ tranh “mở” của họa sĩ Hiền Nguyễn: Cuộc khám phá bất tận vào vùng chưa biết

Jan 04, 2022 | By Trang Ps

Những nơi tuyệt đẹp nhất thường được biết đến do đi lạc, và có lẽ, nếu không từng lạc lối, ta lại chẳng bao giờ thấy ra bản chất cuộc đời. Như tên gọi của nó, bộ tranh sơn mài “mở” của họa sĩ Hiền Nguyễn là một cuộc khám phá tự do vào sự bất tận đầy bí ẩn của vũ trụ theo nghĩa đen nhưng lại là hành trình tìm đạo vừa cô đơn lặng lẽ nhưng cũng vừa thăng hoa can đảm của chính tác giả.

Bãi Dài Nha Trang, 3 x 120 x 145 cm, Sơn mài, 2021.

Còn nhớ cuộc trò chuyện cách đây tròn một năm với họa sĩ Hiền Nguyễn tại studio khang trang trong một con ngõ nhỏ tại Gò Vấp, chị chân thành kể về những thăng trầm trong hơn 20 năm sáng tác tranh sơn mài, mà ở đó, tinh thần mân mê nghiên cứu tìm tòi và sáng tạo trong chất liệu đã cho phép chị có cơ hội sống thật chậm để hiểu sâu hơn về chính con người mình.

Với Hiền Nguyễn, sáng tác không chỉ là một đam mê, một nghề, mà là “nghiệp duyên” để chị đi sâu vào bên trong mình, khai phá kho tàng tiềm năng bị ẩn giấu trong nhiều tiền kiếp. Những lạc lối đã từng, những thăng trầm đã trải, dù là những vòng quẩn quanh đầy rối rắm, đau đớn nhưng cũng chính trong khu rừng rậm hoang dã bất tận ấy có chứa lối ra, vốn nằm trong chính thái đội sống cởi mở đón nhận nơi mỗi người. Ở tuổi ngũ tuần, nhìn lại cuộc đời mình và chiêm nghiệm, Hiền Nguyễn như ngộ ra một điều rằng: “Mọi sự xảy đến đều hoàn hảo!”

Cuộc khám phá can đảm vào vùng chưa biết (the unknown)

Linh hồn Icarus hiển lộ trong nhật thực, 120 x 145 cm, Sơn mài trên canvas, 2021.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi trở nên say sưa khi cả hai đứng cạnh bức tranh “Linh hồn Icarus hiển lộ trong nhật thực”. Là một trong 14 bức tranh thuộc triển lãm “mở”, điểm đặc biệt của tác phẩm này vượt thoát khỏi kỹ thuật sơn mài điêu luyện, màu sắc tương phản huyền hoặc gây ấn tượng thị giác về chiều sâu bất tận lẫn chiều rộng khôn cùng. Có lẽ, triết lý chủ đạo của bộ tranh cũng nằm ở chính tác phẩm này, khi nữ họa sĩ lấy cảm hứng từ câu chuyện Icarus trong Thần thoại Hy Lạp. Mặc dù Icarus đã nghe cha Daedalus dặn dò kỹ lưỡng rằng với đôi cánh bé nhỏ mà ông tạo ra này, nó chỉ có tác dụng duy nhất là giúp cha con họ thoát khỏi mê cung Labyrinth, nhưng nếu bay quá cao, mặt trời sẽ khiến sáp ong nơi đôi cánh tan chảy và gây nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng, càng bay lên cao, Icarus càng cảm thấy hưng phấn, ngạo nghễ, chàng quên mất những lời cha dặn dò. Lên đến một nơi thật cao, Icarus thấy ánh mặt trời chói lóa nhưng chàng vẫn sinh tâm mong muốn đến gần hơn nữa để quan sát công việc của Thần mặt trời Helio. Tuy nhiên, ngay lúc này, chàng mới hoảng hốt vì sáp ong trên đôi cánh đã bắt đầu tan chảy, và khi hối hận thì đã quá muộn. Đôi cánh đứt hết ra, chàng rơi thẳng từ trên trời xuống biển sâu.

Khi nhắc lại nguồn cảm hứng này, gương mặt của Hiền Nguyễn bỗng đậm nét suy tư. Câu chuyện này khiến chị dừng lại chiêm nghiệm trong một thời gian. Chúng ta không thể nói lựa chọn của Icarus là đúng hay sai. Lựa chọn của chàng thể hiện cho bản năng khám phá không giới hạn của con người, nhưng cũng trong chính sự khám phá thiếu thận trọng đó, họ có thể đánh mất chính mình như Icarus. Rốt cuộc, đó vẫn là một bài học quan trọng để người ta nhìn ra bản chất hai mặt của cuộc đời, rằng nếu theo đuổi tham vọng, họ cũng sẽ bị dìm chết bởi chính tham vọng ấy. Nhưng nếu không can đảm theo đuổi tham vọng, họ cũng có nguy cơ bị dằn vặt bởi sự hèn nhát của mình, và không thể khai phá tiềm năng ẩn chứa bên trong mình.

Cuộc đời là một cuộc trải nghiệm và khám phá tự do vào “vùng đất” chưa biết. Chúng ta, ai ai, rồi cũng sẽ phải trả giá cho chọn lựa của mình. Nhưng cũng phải đi qua những chọn lựa, trải nghiệm hết mình trong các chọn lựa đó, thì có lẽ, ta mới biết như thế nào là đủ và chạm đến sự thanh thản, tự do, và độc lập cuối cùng.

Hoàng hôn, 120 x 145 cm, Sơn mài trên vóc, 2021.

Như để làm rõ hơn nữa cho triết lý này, bức họa “The Unknown” (Nơi chưa biết) nhấn mạnh tinh thần trải nghiệm tự do của tác giả. Hiền Nguyễn từng chia sẻ rằng chị đi nhiều, phiêu du từ miền núi xuống ven biển, từ rừng núi đến phố thị, nhưng sự đi trong tâm tưởng của chị có lẽ thú vị hơn bội lần. Trong không gian huyền bí với những quầng sáng trung tâm ảo diệu, “The Unknown” là một thế giới đầy mời gọi, khuyến khích mà cũng đầy khiêu khích lòng can đảm khám phá nơi mỗi người. “The Unknown” như ngày mai, ta có thể hình dung và tưởng tượng về nó, nhưng lại không thể chắc chắn về nó. Khi ngộ ra về điều này, Hiền Nguyễn chân thành bộc bạch: “Nhiều lúc chợt nghĩ bây giờ mình đang sống, nhưng ngày mai có thể mình chết. Niệm sự chết không chỉ giúp ta đón nhận nó dễ dàng mà còn khiến bản thân trọn vẹn với giây phút hiện tại. Góc nhìn này khiến tôi thanh thản thật sự.”

Quả thật vậy! Nghệ thuật của Hiền đã tự do khỏi những tranh đấu nhị nguyên

Hình dung về cấu trúc cứng của một vũ trụ giãn nở, 2 x 180 x 120 cm, Sơn mài trên canvas, 2021.

Tôi nửa đùa nửa thật với Hiền Nguyễn: “Càng xem tranh, kẻ bén nhạy sẽ càng dễ ‘bắt bài’ tâm lý tác giả. Rằng ai trong cuộc sống đang phải đấu tranh giằng xé nội tâm, ai đã chạm đến thế thăng bằng tự do. Riêng vế sau, tôi lại thấy trên tranh của chị!”

Sự thật là, Hiền đã nhiều lần đối mặt với những giai đoạn khó khăn cô đơn đến nỗi tưởng chừng không thể vượt qua. Từ thái độ cần một điểm tựa và mơ ước về một gia đình nhưng bất toàn, sau cùng, chị nhận ra chỉ có quay về bên trong, sống thật với chính mình, thì mới bớt đi những dao động trước đa biến động cuộc đời. Sự chuyển hóa tâm thức này đã khiến chị dần chạm đến đỉnh cao tự do và buông bỏ trong sáng tác, có thể gọi đó là ngộ đạo trong nghề.

Gió mặt trời, 120 x 145 cm, Sơn mài, 2021.

Chị chia sẻ: “Tôi thường vẽ với trạng thái buông lỏng, hoàn toàn tự do, lúc đó mọi quy luật hay quy chuẩn không thể kiểm soát cảm xúc và bút, cọ sẽ phiêu theo mong muốn chia sẻ tức thì, điều tôi thấy, tôi muốn, tạo những điểm nhấn theo chủ quan thẩm mỹ và ý tưởng tác phẩm. Trong đó, tương quan và hòa hợp màu sắc hay sự sắp xếp, lặp lại của các hình khối, màu sắc, đường nét tạo ra nhịp điệu bố cục có kiểm soát.”

Tranh của Hiền Nguyễn chính là “hội họa biểu hiện”. Trong mỗi bức tranh đều thấy sự bao quát và mở rộng cảm xúc đón tiếp cảm giác đầu tiên chợt đến rồi mặc sức lao mình vào thế giới ảo huyền và vô biên của hội họa, hay đúng hơn để vào nghệ thuật mà tạo cho mình những thế giới riêng với những cảnh vật không cần gì đúng, những nét mầu không cần gì giống,… Điều này có thể được minh tường qua bức “Bất cứ cái gì tồn tại thì có thể hiểu được” hay “Hình dung về cấu trúc cứng của một vũ trụ giãn nở”. Ở đó, ta thấy một vũ trụ hòa quyện mang màu sắc tâm linh vừa huyền bí vừa giàu tính nữ, nhưng đó cũng là một vũ trụ tâm thức đầy thơ mộng và dạt dào xúc cảm của chính tác giả.

Sự sống ngẫu nhiên, 145 x 120 cm, Sơn mài trên canvas, 2021.

Với Hiền Nguyễn, quá khứ coi như là một cuộc đời đã kinh qua, dù buồn tủi và đau khổ, dù hạnh phúc hay thăng hoa, chị đều thanh lọc chúng bằng một thái độ đón nhận và tỉnh thức, để trên tranh không còn là một cặp nhị nguyên đối kháng. Ta sẽ khó thấy sự tranh đấu nào trên tranh của chị, và “mở” cũng chẳng phải là niềm an ủi trước những nỗi đau hay ca ngợi tôn vinh niềm hạnh phúc.

Loạt tranh này của Hiền Nguyễn là một góc nhìn rộng lớn hơn thế. Nó không kêu gọi chúng ta nhìn về một mặt nào đó bên trong mình, cũng không hẳn định hướng ta tìm hiểu về vũ trụ theo đúng nghĩa đen, mà đây có lẽ là một cuộc khám phá nghiêm túc vào bản lai diện mục bên trong mỗi người, mà hai yếu tố cốt lõi là “tự do” và “bất tận”.


Triển lãm cá nhân “mở” của họa sĩ Hiền Nguyễn diễn ra từ ngày 9 đến 19/1/2022, 9g sáng đến 6g tối. Địa điểm: Eight Gallery, 8 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM


 
Back to top