Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Họa sĩ Hiền Nguyễn: “Sơn mài giúp tôi sống thật chậm để hiểu sâu về chính con người mình”

May 24, 2020 | By Trang Ps

Gặp gỡ họa sĩ Hiền Nguyễn tại xưởng vẽ khang trang nằm trong con hẻm Gò Vấp tĩnh lặng và rộng rãi, chúng tôi tâm đắc, hứng khởi lắng nghe câu chuyện 20 năm sáng tác tranh sơn mài của chị. Với Hiền Nguyễn, hành trình mân mê nghiên cứu tìm tòi và sáng tạo trong chất liệu này đã cho phép chị được sống chậm thật chậm để có thể hiểu sâu hơn về chính con người mình.

Được biết, trong triển lãm “Thở” năm 2019, lần đầu tiên họa sĩ Hiền Nguyễn thử nghiệm vẽ tranh sơn mài trên toan. Chị có thể chia sẻ sự khác biệt giữa vẽ tranh sơn mài lên toan và tranh sơn mài lên vóc?

Tôi luôn có ham muốn làm mới mình với chất liệu sơn mài truyền thống. Năm 2019, tôi đã thử nghiệm vẽ chất liệu sơn mài trên toan. Tôi nghĩ, ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, thử nghiệm phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu.

Thử nghiệm đã khai thác toàn vẹn những giá trị của chất liệu sơn mài, các hình thức thể nghiệm là sự tìm tòi, khám phá các phương thức biểu đạt mới cho chất liệu truyền thống được nghiên cứu và thực hiện.

Sơn mài vốn là chất liệu “khó tính”, việc nghiên cứu về sơn không khác gì thực nghiệm khoa học. Bạn phải thật hiểu về chất liệu cũng như lặp đi lặp lại nhiều lần các phản ứng để biết sơn mài có thể kết hợp với chất liệu nào nhằm tăng khả năng biểu màu và biểu cảm, khai mở thêm năng lực biểu đạt mê hoặc của nó cũng như cách tân, phối hợp vật liệu công nghệ mở nhằm đáp ứng tính đương đại tân kì hội nhập ngày nay.

Về cơ bản, kỹ thuật thể hiện không thay đổi. Nhưng trong quá trình thể hiện đương nhiên sẽ có sự khác lạ bởi với sơn mài trên vóc (gỗ), nguyên liệu có tính ổn định cao hơn so với sơn mài trên toan (vải).

Khoảnh khắc bén duyên với sơn mài của chị như thế nào?

Khi theo học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tôi có cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm với các thể loại chất liệu, nhưng tôi đã bị “chinh phục” hoàn toàn bởi chất liệu sơn mài truyền thống. Tranh sơn mài mang dấu ấn màu sắc rất riêng: trầm ấm và sâu thẳm, lung linh và lãng mạn đậm chất Á Đông.

Chính những đặc điểm riêng về màu sắc và chất liệu nên tranh sơn mài đã đem lại cho tôi niềm đam mê, ham muốn trải nghiệm và tìm tòi sáng tạo với chất liệu này gần 20 năm qua.

Liệu có bất cứ ai ảnh hưởng đến sự nghiệp vẽ tranh sơn mài của chị?

Những năm tháng còn học tại trường Mỹ thuật, tôi rất thích tranh của danh họa Oscar Claude Monet (1840 – 1926). Ông là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, được biết đến với tư cách người sáng lập trường phái hội họa ấn tượng trên thế giới. Tôi cũng rất thích Gustav Klimt, một họa sĩ theo trường phái tượng trưng.

Khi bén duyên với sơn mài, tôi thích tranh của Alix Aymé (1894 – 1989), nữ họa sĩ duy nhất trong danh sách các giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương.

Tôi nghĩ, đó chính là những người ảnh hưởng đến nghiệp vẽ của tôi.

Sau này, phong cách đã định hình ở một hướng khác, nhưng ảnh hưởng ấy vẫn còn. Với tôi, đó chính là sự học hỏi ở những người đi trước, là tìm xem cái gì ẩn đằng sau và cái gì hợp với bản tính của mình. Từ đó, tôi vẽ phong cảnh thực tế theo cảm quan của tranh sơn dầu (bằng sơn mài), một số có tính biểu hiện, rồi chuyển dần sang tranh trừu tượng.

Hầu hết các bức tranh của chị là về đề tài thiên nhiên, chị có thể lý giải điều này?

Sáng tạo khởi đi từ tri giác: mắt thấy, tai nghe rồi được ghi nhớ. Trí nhớ sẽ dẫn đến liên tưởng, sự liên tưởng lấy cảm hứng làm xúc tác mà tạo ra tác phẩm. Bản chất của cảm xúc không phải là ý thích, ý muốn hay ý định thể hiện mà là phản xạ của tâm thức trước một đối tượng hữu hình hay vô hình.

Tôi đi nhiều, phiêu du từ miền núi xuống ven biển, từ rừng núi đến phố thị nhưng mỹ cảm với rừng núi Tây Bắc, nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ vẫn âm thầm tồn tại. Các tác phẩm của tôi thể hiện rõ nét nhận thức, cảm xúc của bản thân trước các sự vật, hiện tượng thiên nhiên, đặc biệt là phong cảnh.

Các bức tranh của chị thường dùng gam màu nóng, sơn mài lại sâu, liệu điều đó nhằm diễn tả nội tâm mạnh mẽ của chị?

Với tôi, khi có một công việc yêu thích, một ý tưởng cách tân, một cảm xúc mới lạ mà đã định thể hiện ra thì hãy cầm bút vẽ lên, làm việc cộng với yếu tố quan trọng hơn tất cả bất cứ sự phối hợp tinh tế nào, đó là phải sống thật với mình.

Nghề rèn người, sơn mài đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ, và thông qua sơn mài và tranh sơn mài của mình, chị học được điều gì?

Tôi được sống chậm thật chậm để có thể hiểu sâu hơn về chính con người của mình.

Trải nghiệm nào là quan trọng nhất của một người vẽ tranh sơn mài như chị?

Với quy trình sơn mài truyền thống, nhiều lớp màu, đôi khi khuếch tán vào nhau, có lúc trôi xa nhau, biến mất, xuất hiện lại, tạo ra một chiều sâu khó nắm bắt nhưng hấp dẫn.

Tuy nhiên đôi khi tôi vẽ với trạng thái buông lỏng, hoàn toàn tự do, lúc đó mọi quy luật hay quy chuẩn không thể kiểm soát cảm xúc và bút, cọ sẽ phiêu theo cái ham muốn chia sẻ tức thì, điều tôi thấy, tôi muốn, tạo những điểm nhấn theo chủ quan thẩm mỹ và ý tưởng tác phẩm.

Trong đó, tương quan và hòa hợp màu sắc hay sự sắp xếp, lặp lại của các hình khối, màu sắc, đường nét tạo ra nhịp điệu bố cục có kiểm soát. Tranh của tôi chính là “hội họa biểu hiện”. Trong mỗi bức tranh đều thấy sự bao quát và mở rộng cảm xúc đón tiếp cảm giác đầu tiên chợt đến rồi mặc sức lao mình vào thế giới ảo huyền và vô biên của hội họa, hay đúng hơn để vào nghệ thuật mà tạo cho mình những thế giới riêng với những cảnh vật không cần gì đúng, những nét mầu không cần gì giống…

Cảm hứng sáng tạo của tôi không phụ thuộc vào các kích thích bên ngoài mà phụ thuộc vào cảm xúc bên trong của tôi bị ảnh hưởng bởi tính cách của riêng tôi. Điều này thường dẫn đến kết quả tiết lộ, phong phú và hoàn toàn, sáng tạo cá nhân.

3 tác phẩm mà chị yêu thích nhất và phản ánh đúng giá trị ý nghĩa cuộc sống của chị?

Với tôi, một thế giới tĩnh lặng đủ để chiêm nghiệm về cuộc đời. Tôi muốn chia sẻ cảm nhận của chính mình về sự luân chuyển của thời gian qua bộ tranh bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Mùa xuân được xem là khởi đầu của sự phát triển, hồi sinh của vạn vật, một chu kỳ sống mới bắt đầu. Mùa hạ là thời điểm thiên nhiên có sự phát triển đầy đủ nhất. Ánh nắng chói chang, vạn vật hưng thịnh. Mùa thu dần chậm hơn, đời sống nhuốm màu lãng mạn cùng thời gian. Mùa đông buốt giá, đời sống dường như cũng chậm chạp lại… chọn một một khung cảnh với một không gian xuyên suốt làm bối cảnh cho vòng tuần hoàn đó, tôi muốn miêu tả một cuộc đời không còn là bất tận, thời gian và vật chất luôn biến đổi, chỉ có những tiểu cảnh nhỏ bé mãi còn đó dù có thành hình vào mùa xuân, oằn mình vào mùa hạ, bơ vơ vào mùa thu, tê tái vào mùa đông.

Bộ tranh Sơn mài Xuân-Hạ-Thu-Đông

Hay với bộ Hoá thân, tôi đặt những xác ve đó vào những bản phối: Khô – ướt, Rắn – lỏng, Đặc – rỗng… bằng cách sử dụng màu, nét, sử dụng vàng, bạc để tạo hiệu ứng cho từng tác phẩm riêng lẻ. Tôi liên tưởng sự hoá thân của loài giáp xác như chính bản thân tôi, người phụ nữ sống trong một xã hội với vô vàn những định kiến. Tôi đã phải đấu tranh với chính mình… tôi phải thích nghi được với tự nhiên…

Bộ tranh Hoá thân gồm 6 bức

Tác phẩm thứ ba mà tôi tâm đắc là “Tình yêu cuộc sống”. Tại sao tôi sáng tác tình yêu cuộc sống!? Trong cuộc sống, hẳn nhiều người cũng trải qua những lúc bế tắc, những năm tháng buồn khổ, tối tăm. Cuộc sống có quá nhiều nỗi lo, nhiều bất trắc, cạm bẫy, mà dù muốn hay không, bạn vẫn phải đương đầu. Nhưng nếu cứ để tâm hồn mãi chìm trong bóng tối, liệu bạn có thể yêu thương? Chỉ có tình yêu, ít nhất là với chính bản thân mình, mới đủ năng lực giúp bạn vượt qua.

tác phẩm “Tình yêu cuộc sống”

Tôi tận hưởng cuộc sống theo cách tôi sống, theo đuổi đam mê dù vô vàn khó khăn. Cuộc sống ấy giúp tôi tự hoàn thiện với tình yêu và niềm đam mê SỐNG của mình.

Chị có nghĩ rằng cuộc sống thì vô thường nhưng trong mỗi người, sẽ có một giá trị nền tảng và sự thay đổi men theo gốc rễ đó?

Bản chất của cuộc sống, của cõi luân hồi là vô thường. Chúng ta thường không ý thức được về điều này bởi luôn mải mê với vô số ham muốn, tham vọng, hạnh phúc và khổ đau… để chúng cuốn trôi chúng ta qua hết tháng ngày như những dòng thác lũ. Hãy tạm dừng một chút trên hành trình vội vã của mình để lắng tâm tư duy và quán niệm rằng trên đời này, chẳng có gì không thay đổi, chẳng có gì vĩnh viễn thường hằng, và hãy ý thức được kiếp người mong manh ngắn ngủi, để chúng ta biết trân trọng hơn và sử dụng cuộc đời mình có ý nghĩa hơn.

Chúng ta không thể kỳ vọng bất cứ thứ gì hay điều gì sẽ đem lại hạnh phúc vĩnh viễn. Ngoài ra, bất cứ thứ gì không đẹp hay khiến chúng ta không hài lòng đều cũng không tồn tại mãi mãi. Mọi thứ sẽ thay đổi, có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, cho nên chúng ta không cần buồn rầu hay chối bỏ điều gì cả… Tôi đã thả lỏng tâm hồn và miên man trên bề mặt các tác phẩm và tôi chỉ còn thấy thế giới này thật tươi đẹp, vạn vật cùng nhảy múa hát ca.

Chị thường có những sự chuẩn bị như thế nào cho một bộ sưu tập mới? Về ý niệm, chất liệu, ý tưởng, thời gian vẽ, thói quen vẽ, và khoảng thời gian để hoàn thành?

Với cuộc đời người nghệ sĩ, chúng tôi luôn đối diện với sự cô đơn để có thể thỏa mãn đam mê làm nghệ thuật. Như đã chia sẻ, sáng tạo khởi đi từ tri giác: mắt thấy, tai nghe rồi được ghi nhớ. Trí nhớ sẽ dẫn đến liên tưởng, sự liên tưởng lấy cảm hứng làm xúc tác mà tạo ra tác phẩm.

Tôi ý thức vận hành một xưởng vẽ chuyên nghiệp của bản thân để có thể thực hiện những ý tưởng lớn hơn, xưởng vẽ tiện lợi với đầy đủ họa cụ đúng nghĩa giúp tôi có thể theo đuổi đam mê của mình một cách chuyên nghiệp.

Để chuẩn bị cho một bộ sưu tập, thường thì xưởng vẽ đã sẵn sàng để tôi bắt tay vào công việc. Kỹ thuật vẽ sơn mài truyền thống khá phức tạp và phải thực hiện trong thời gian dài, với sự tiên liệu, sự thay đổi hiệu quả của màu, vì đặc tính của chất liệu này “đỏng đảnh” hơn so với các chất liệu tạo hình khác.

Một bức sơn mài đúng quy trình truyền thống, thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phải từ 3 đến 6 tháng. Người nghệ sỹ sơn mài ngoài tôi luyện kỹ năng, kiến thức chất liệu, còn phải rèn luyện được khả năng giữ vững được ý tưởng sáng tác với tác phẩm từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Vì thế cảm xúc sáng tác không phải đơn thuần là cơn hứng hay ý tưởng thoáng qua mà phải là một thứ được nuôi dưỡng tìm tòi khám phá trong thời gian dài. Sơn mài khó khăn và vất vả, nhưng hoàn toàn xứng đáng với công sức người nghệ sỹ bỏ ra, vì sự lôi cuốn, tính biểu cảm vô cùng phong phú của chất liệu.

Việc chất vấn các yếu tố trong đời sống, chất vấn về bản chất nghệ thuật, trải nghiệm bản thân sẽ là “mồi lửa” cho những ý tưởng sáng tạo. Đó cũng chính là thành quả của một chuỗi tư duy và được miêu tả qua tác phẩm. Không có một sự ngẫu hứng hay ngẫu nhiên nào cả.

Tôi đã giác ngộ và đang thực hành để đi tiếp trên con đường sáng tạo.

Cám ơn những chia sẻ vô cùng thú vị của chị!

Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top