Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Bóng tối và suy tàn, giấc mơ và ám ảnh – những tác phẩm “vô nghĩa” của Zdzisław Beksiński 

Nov 01, 2023 | By Art Republik

“Tôi muốn vẽ theo cách như thể tôi đang chụp ảnh những giấc mơ” – Zdzisław Beksiński

Bức tranh cuối cùng của Zdzisław Beksiński, được gọi là “Y”, kích thước 98 x 98 cm, hoàn thành vào ngày ông qua đời (21.02.2005)

Ba ngày trước khi tròn 76 tuổi, nghệ sỹ nổi tiếng người Ba Lan, Zdzisław Beksiński (24.02.1929 – 21.02.2005), được phát hiện đã chết trong căn hộ của ông ở Warsaw. 17 vết đâm tàn nhẫn đã kết thúc những chuỗi ngày cô độc cuối đời của người nghệ sỹ.

Một thập kỷ sau vụ sát hại dã man, những bức tranh của Zdzisław Beksiński đã khiến cả thế giới say mê. Theo Culture.pl của Viện Adam Mickiewicz (cổng thông tin điện tử lớn về văn hóa Ba Lan): Niềm đam mê phổ quát mà chúng gợi lên có phải là kết quả từ những bi kịch khủng khiếp của chính tác giả, hay chỉ đơn giản là Zdzisław Beksiński đã thành công trong việc nắm bắt những điều đáng lo ngại bên dưới lớp vỏ bọc của ý thức con người.

Zdzisław Beksiński là một họa sỹ, nhiếp ảnh gia và nhà điêu khắc người Ba Lan, với phong cách nghệ thuật được cho là thiên về Chủ nghĩa Siêu thực Phản địa đàng (Dystopian Surrealism). Beksiński không được đào tạo chính thức để trở thành nghệ sỹ. Ông tốt nghiệp khoa Kiến trúc của Đại học Bách khoa Kraków vào năm 1947, và nhận bằng Thạc sỹ vào năm 1952. Sau khi hoàn thành việc học, Beksiński trở lại quê nhà ở thị trấn Sanok, thuộc tỉnh Podkarpackie của Ba Lan, làm công việc giám sát công trường, nhưng nhanh chóng nhận ra bản thân không hề thích công việc này. Một thời gian sau, Beksiński từ bỏ lĩnh vực xây dựng, và bắt đầu làm việc với vai trò nhà thiết kế xe buýt cho một nhà máy ô tô. Vào những năm 1950, ông bắt đầu hoạt động như một nhiếp ảnh gia. Một số tác phẩm nhiếp ảnh của ông được mô tả là theo Chủ nghĩa Siêu thực-Biểu hiện. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của ông – “Sadist’s Corset”, cho thấy Beksiński thích thú các chủ đề về nỗi đau đày đọa, dày vò và cuồng bạo (hay sadomasochistic).

Zdzislaw Beksinski, “Sadist’s Corset” (1958).

Beksiński từ bỏ nhiếp ảnh vào đầu những năm 1960 – do ngày càng thất vọng vì sự hạn chế trong việc muốn thay đổi hình ảnh mà ông chụp được. Nhiếp ảnh dường như đã giới hạn trí tưởng tượng của ông ấy. Zdzisław Beksiński chuyển sang hội họa, một lĩnh vực mang đến cho ông khả năng “chụp những giấc mơ” – theo cách ông mô tả.

Trước khi cống hiến hết mình cho hội họa, nghệ sỹ cũng thực hành điêu khắc trong một thời gian ngắn và tạo ra một số bức phù điêu theo trường phái Trừu tượng. Nhưng hội họa cuối cùng tự chứng minh nó chính là phương tiện phù hợp nhất với tầm nhìn cá nhân của Zdzisław Beksiński. Sau khi có được những thành công đầu tiên với vai trò họa sỹ, Beksiński bị sa thải khỏi nhà máy sản xuất xe buýt vào năm 1967. Sau đó, ông dành toàn thời gian cho nghệ thuật.

Trong sự nghiệp nghệ thuật lâu dài của mình, Zdzisław Beksiński đã tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ điêu khắc, nhiếp ảnh, đồ họa đến văn chương, nhưng quan trọng nhất là hội họa. Khi mới bắt đầu với điêu khắc, Zdzisław Beksiński thường sử dụng vật liệu ở công trường xây dựng để làm phương tiện của mình. Và những bức ảnh chụp ban đầu là tiền đề cho những bức tranh sau này của ông, thường mô tả những nếp nhăn kỳ dị, phong cảnh hoang tàn và những khuôn mặt tĩnh lặng trên bề mặt gồ ghề.

Là một nghệ sỹ, Zdzisław Beksiński bị mê hoặc bởi cái chết, sự mục nát và u tối. Nhưng đó không phải là niềm đam mê duy nhất của ông. Beksiński cũng nổi tiếng vì quan tâm đến Chủ nghĩa Khêu gợi (eroticism), Chủ nghĩa Trừu tượng và Chủ nghĩa Thần bí phương Đông. Từ giữa những năm 1960 trở đi, ông rất nổi tiếng ở Ba Lan. Trong những năm 1980 và 1990, tranh của Zdzisław Beksiński được triển lãm ở nước ngoài, bao gồm cả Pháp và Nhật Bản, và ông đã trở thành một nghệ sỹ được quốc tế công nhận. Phong cách của Beksiński đôi khi được so sánh với phong cách của Hans Giger (1940 – 2014), một họa sỹ người Thụy Sỹ, người đã thiết kế các sinh vật ngoài trái đất cho bộ phim nổi tiếng “Alien” năm 1979.

Beksiński nghe nhạc cổ điển trong khi sáng tác. Và cho biết rằng âm nhạc là nguồn cảm hứng chính của mình. Beksiński khẳng định không bị ảnh hưởng nhiều bởi văn học, điện ảnh hay tác phẩm của các nghệ sỹ khác, và hầu như không bao giờ đến thăm viện bảo tàng hay tham quan triển lãm. Zdzisław Beksiński tránh phân tích cụ thể về nội dung tác phẩm của mình, và từng nói rằng: “Tôi không muốn nói hay truyền đạt bất cứ điều gì. Tôi chỉ vẽ những gì nảy ra trong đầu mình“.

Beksiński ít hoặc không chú ý đến các xu hướng trong nghệ thuật – ông không có ý định trở thành nhân vật được các nhà phê bình yêu thích. Thay vào đó, ông trung thành với ước mơ và nỗi ám ảnh của mình, điều này cuối cùng đã khiến Beksiński trở nên nổi tiếng. Vào những năm 1960, ông bắt đầu tạo ra một số bức vẽ sadomasochistic. Từ cuối những năm 1960 đến giữa những năm 1980 là thời gian nổi tiếng nhất của Zdzisław Beksiński, cái mà chính ông gọi là “thời kỳ tuyệt vời”. Chủ đề chủ yếu trong các tác phẩm nghệ thuật thuộc thời kỳ này của ông là khung cảnh địa ngục, mô tả những cơn ác mộng đáng sợ và kiến trúc ghê rợn, bối cảnh u ám, sa mạc chết chóc, cũng những hình thù dị dạng, xương và sự phân hủy. Những điều này đã khiến Zdzisław Beksiński trở thành một cái tên quen thuộc ở Ba Lan và giúp nghệ sỹ được công nhận ở nước ngoài.

Mặc dù, nghệ sỹ từng khẳng định rằng một số tác phẩm của ông đã bị hiểu nhầm: theo ý tưởng của ông, chúng khá lạc quan hoặc thậm chí là hài hước [hay có lẽ chính sự khẳng định của ông mới thực sự hài hước]. Và Beksiński thường kiên quyết rằng ngay cả ông cũng không biết ý nghĩa các tác phẩm nghệ thuật của mình, ông cũng không quan tâm đến những cách giải thích. Tất cả các bức tranh của Beksiński đều không tên – ông muốn tránh mọi sự diễn giải về tính ẩn dụ trong tác phẩm, mà ông cho là không có.

Năm 1977, rời Sanok, Zdzisław Beksiński cùng với vợ Zofia và con trai Tomasz chuyển đến sống ở Warsaw. Ở thủ đô, nghệ sỹ có một cuộc sống khá bình lặng – ông dành phần lớn thời gian ở căn hộ của mình để làm việc, nghe nhạc và xem phim. Beksiński không thích đi chơi, giao lưu hay đi du lịch. Trước khi chuyển đến Warsaw, Beksiński đã tiêu hủy một loạt tác phẩm ở sân sau nhà, thậm chí cũng không để lại bất kỳ tài liệu nào liên quan đến chúng.

Sau cái gọi là thời kỳ tuyệt vời ấy, phong cách của Beksińsk thay đổi và ông bước vào thời kỳ “gothic” – theo cách gọi của ông. Các bức tranh của thời kỳ này thể hiện những cái đầu bị biến dạng và những nhân vật ít mộng mơ hơn, phơi bày một sự hòa điệu âm dịu đặc trưng, dày đặc những đường nét màu sắc và kém xa hoa, ít huy hoàng hơn nhiều so với trước. Vào năm 1994, Beksiński giải thích: “Tôi đang đi theo hướng đơn giản hóa nền nhiều hơn, đồng thời tạo ra một mức độ biến dạng đáng kể trong các hình vẽ mà không có cái gọi là ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Điều mà tôi theo đuổi là để ngay từ cái nhìn đầu tiên có thể thấy rõ rằng đây là bức tranh do tôi vẽ“.

Khi việc chỉnh sửa hình ảnh bằng máy tính trở nên khả thi vào những năm 1990, Beksińsk mong muốn có thể thêm những thay đổi siêu thực vào các bức ảnh. Cuối thập niên, Beksińsk quan tâm nhiều đến máy tính, internet, nhiếp ảnh kỹ thuật số và kỹ thuật xử lý hình ảnh. Sự nghiệp của Zdzisław Beksińsk thành công rực rỡ khi ông quay trở lại phương tiện sáng tác đầu tiên của mình – nhiếp ảnh, và tập trung vào đó cho đến khi qua đời.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, hàng loạt bất hạnh ập đến Beksiński và gia đình ông. Câu chuyện nghiệt ngã về những năm tháng cuối đời của người nghệ sỹ đã trở nên rất nổi tiếng. Năm 1998, vợ ông qua đời vì bệnh ung thư. Một năm sau, người con trai Tomasz, vốn là một dịch giả đáng kính và nhà báo âm nhạc nổi tiếng, đã tự sát. Chính ông đã phát hiện thi thể của Tomasz. Cuối cùng, vào năm 2005, Beksiński bị cậu con trai 19 tuổi của người giúp việc đâm chết tại căn hộ của ông. Lý do là vì Beksiński đã từ chối cho cậu thiếu niên vay tiền.

Một bộ phim tiểu sử tập trung vào cuộc sống của gia đình Zdzislaw Beksinski sau năm 1977 – “The Last Family”, do Jan Paweł Matuszyński làm đạo diễn, được phát hành vào năm 2016, đã nhận được nhiều lời khen ngợi, và đoạt giải Sư tử Vàng hạng mục Phim hay nhất tại Liên hoan phim Gdynia năm 2016. Nội dung bộ phim ghi lại câu chuyện gia đình kéo dài 28 năm của Beksinski, phơi bày những bức tranh đen tối trong đời sống thực tế của nghệ sỹ, những hiềm khích gia đình, những trải nghiệm cận kề cái chết, những mối quan hệ yêu-ghét và những đám tang liên tiếp. “The Last Family” là câu chuyện có thật xoay quanh Zdzislaw Beksinski, cùng vợ Zofia và cậu con trai Tomasz tài năng nhưng hay gây rắc rối của họ.

Ngày nay, trên khắp thế giới, nhiều người đã được truyền cảm hứng từ nghệ thuật của Zdzisław Beksiński. Ở Ba Lan, các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến nhiều nhạc sỹ nhạc rock và cả những người tạo ra trò chơi điện tử phiêu lưu giả tưởng đen tối, point-and-click Tormentum. Nhà làm phim nổi tiếng người Mexico, Guillermo del Toro – người chỉ đạo bộ phim đoạt giải Oscar, “Pan’s Labyrinth” (công chiếu năm 2006) – là một người rất ngưỡng mộ các tác phẩm của Beksiński. Đạo diễn Guillermo del Toro từng nhận xét về nghệ sỹ rằng: “Như truyền thống thời Trung cổ, Beksiński dường như tin rằng nghệ thuật là sự tiên báo về tính mong manh của xác thịt – do đó, những bức tranh của ông có thể ngay lập tức gợi lên quá trình mục nát và sự tiếp diễn của cuộc đấu tranh giành lấy sự sống. Chúng chứa đựng một bài thơ bí mật, vấy máu và rỉ sét“.

Nguồn: Culture.pl, Muzeum Historyczne w Sanoku, en.wiki, facebook/beksinski, deMilked


 
Back to top