Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Voi của Dalí và “những cái chân vô hình của lòng ham muốn” 

Apr 10, 2023 | By Xu

Những con voi chân dài, khẳng khiu, nhiều khớp và dường như lầm lũi bước đi vô trọng lực trong thế giới siêu thực của Salvador Dalí.

Salvador Dalí, “Dream Caused by the Flight of a Bee Around a Pomegranate a Second Before Awakening” (tạm dịch: Giấc mơ xuất phát từ hình ảnh con ong bay xung quanh quả lựu một giây trước khi tỉnh giấc) (1944); một tựa ngắn gọn hơn là “Dream Caused by the Flight of a Bee” (Giấc mơ do cú bay của một con ong gây ra), sơn dầu trên gỗ, người phụ nữ trong tranh được cho là vợ của Dalí, nàng Gala. Bức tranh thuộc sở hữu của Bảo tàng Thyssen-Bornemisza ở Madrid, Tây Ban Nha. Nguồn ảnh: Museo Thyssen

Voi là một chủ đề lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm của hoạ sỹ trường phái siêu thực nổi tiếng Salvador Dalí (1904 – 1989). Voi chân dài của Dalí xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1944, trong bức tranh “Giấc mơ xuất phát từ hình ảnh con ong bay xung quanh quả lựu một giây trước khi tỉnh giấc”; và sau đó cũng lang thang trong “Sự cám dỗ của Thánh Anthony” năm 1946.

Trước đó, voi “bình thường” từng được thể hiện trong “Đàn thiên nga phản chiếu đàn voi” năm 1937, một tác phẩm được xếp vào “thời kỳ hoang tưởng quan trọng của Dalí”, hay đúng hơn là “The paranoiac-critical method” – một kỹ thuật siêu thực do Salvador Dalí phát triển vào đầu những năm 1930. Đó là khoảng thời gian mà vị họa sỹ “không bình thường” này từng tuyên bố: “Tôi đang vẽ những bức tranh khiến tôi chết vì sung sướng, tôi đang sáng tạo với sự tự nhiên tuyệt đối, không mảy may quan tâm đến thẩm mỹ, tôi đang làm những thứ khơi dậy cảm xúc sâu sắc trong tôi và tôi đang cố gắng vẽ chúng một cách trung thực.

Salvador Dalí, “The Temptation of Saint Anthony” (tạm dịch: Sự cám dỗ của Thánh Anthony) (1946), sơn dầu trên canvas. Tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ, Brussels. Nguồn ảnh: Mutualart

Salvador Dalí, “Swans Reflecting Elephants” (tạm dịch: Đàn thiên nga phản chiếu đàn voi) (1937), sơn dầu trên canvas. Bức tranh thuộc sở hữu của một bộ sưu tập tư nhân. Nguồn ảnh: Dalí Paintings

Những chú voi chân dài của Dalí thường mang trên lưng một đài tưởng niệm, lấy cảm hứng từ “Elephant and Obelisk” (Voi và tượng đài) của nghệ sỹ người Ý – Gian Lorenzo Bernini (1598 – 1680), được khánh thành tại Quảng trường della Minerva ở Rome (và nay vẫn ở nguyên đó) vào năm 1667, sau cuộc khai quật năm 1665 ở gần nhà thờ Santa Maria sopra Minerva, liền kề quảng trường.

Gian Lorenzo Bernini, “Elephant and Obelisk”, quảng trường della Minerva, Rome, Ý. Nguồn ảnh: commons.wikipedia.org

Theo cách nào đó, voi của Dalí từ lâu đã trở thành một hình tượng được hâm mộ trong một phần nhỏ của văn hoá đại chúng, điển hình như trong nghệ thuật xăm và manga. Trong MV “Dust My Shoulders Off” ra mắt năm 2016 của Jane Zhang (張靚穎, Trương Lương Dĩnh) – người được mệnh danh là “giọng ca thiên thần”, Diva nhạc nhẹ của Trung Quốc đại lục – cũng xuất hiện chi tiết những con lạc đà và trâu, thân cõng tượng đại, chân dài nhiều khớp, lấy cảm hứng từ voi của Dalí.

Voi của Dalí đặc biệt truyền cảm hứng khi trở thành sinh vật truyện tranh trong một bộ manga nổi tiếng thế giới, “One Piece” của tác giả Eiichiro Oda. Ra mắt lần đầu tiên ở tập 80 – chương 802 – arc “Zou” (phát hành: 05.10.2015), Zunesha trong thế giới One Piece dần được biết đến là một loài voi kỳ lạ, gây nhiều tò mò và góp phần vén màn bí ẩn của mạch truyện.

Zunesha xuất hiện như một hòn đảo sống, đúng hơn là có một hòn đảo tên Zou trên lưng nó. Trong SBS One Piece manga (tập 83, trang 156), khi được độc giả hâm mộ đặt câu hỏi về “chân của Zou”, tác giả Oda đã tiết lộ loài voi này có tên khoa học là “Naitamie Norida Elephant” (ダリノエミタイナ象), đọc ngược lại sẽ thành câu “Dari no e mitai na”, nghĩa là “Trông giống như một bức tranh của Dalí”.

“Sự khác biệt duy nhất giữa tôi và một người điên là tôi không điên!” – Salvador Dalí

Mặc dù tác giả Oda không tiết lộ nhiều hơn trong SBS (chuyên mục hỏi đáp đặc biệt trong các tập truyện), nhưng theo thông tin từ Fandom của One Piece, hình tượng Zunesha được cho là dựa trên khái niệm “Con voi thế giới” (hay “Con rùa vũ trụ”) của Ấn Độ giáo – với huyền thoại về một con rùa Chukwa hỗ trợ những con voi Maha-pudma đang mang cả thế giới trên lưng. Ngay cả tên cái “Zunesha”, được suy đoán là có thể bắt nguồn từ Ganesha – một vị thần đầu voi, tối cao trong giáo phái Ganapatya, và là một trong những vị thần được thờ phụng nhiều nhất trong đền thờ Hindu. Sự tôn kính đối với Ganesha bắt nguồn từ việc ông là thần của trí tuệ, sự thông thái và sự khởi đầu, một nhà bảo trợ khoa học và nghệ thuật, vị thần đem lại sự may mắn, giúp loại bỏ chướng ngại vật nhưng cũng có thể đặt ra chướng ngại vật như một sự thử thách.

Một trang trong tạp chí One Piece số thứ 4, trang 61. CG/ILLUSTRATIONS: Kyoichi Nishimagi. Tạp chí đã được xuất bản tiếng Việt bởi NXB Kim Đồng. Nguồn ảnh: twitter/matheusjoyboy

Zunesha của One Piece cao hơn 35 km và dài khoảng 20 km, có những cái chân dài hai khớp, do mang trọng tội trong quá khứ nên đã phải cõng trên lưng một hòn đảo tên Zou (nơi bộ tộc Mink sinh sống và gầy dựng một nền văn minh trên đó). Zunesha gần như không được phép làm gì ngoại trừ đi lang thang trên biển và chờ đợi một sứ mệnh, trong suốt gần một thiên niên kỷ.

Nhiều độc giả yêu thích One Piece trên khắp thế giới đã chia sẻ hình ảnh của những hòn đảo và khối đá tự nhiên, có hình dáng giống như Zunesha trong One Piece (mặc dù nhiều trong số đó đã qua chỉnh sửa kỹ thuật số, nhằm tăng thêm tính kỳ ảo hoặc cho giống như trong truyện). Sự lan truyền này khơi gợi trí tưởng tượng lãng mạn về một Zunesha siêu thực đang lặng lẽ lang thang giữa đại dương rộng hơn, và dẫn dắt một sự tiếp cận ngược đến thế giới siêu thực của Salvador Dalí.

Mặc dù voi chân dài của Dalí được thể hiện trong nhiều tác phẩm, nhưng Fandom cho rằng tác giả Oda đã sáng tạo Zunesha dựa trên tác phẩm “Los Elefantes” (Những con voi) năm 1948 của Salvador Dalí.

Khác biệt với các bức tranh khác của Dalí, voi trở thành đối tượng chủ đạo của tác phẩm “Những con voi”. Trong một số nền văn hoá khác nhau, voi thường được coi là biểu tượng của sức mạnh, sự thống trị và quyền lực, do số lượng lớn và trọng lượng vượt trội của chúng. Giới nghiên cứu nhận định rằng Dalí đã có sự đối chiếu, đảo ngược và liên tưởng từ tính biểu tượng điển hình đó, bởi, voi của ông với thân thể to lớn cùng cột tháp khổng lồ trên lưng – và hoàn toàn lơ lửng trong bức “Những con voi” – nhưng đều trông như đang bước đi vô trọng lượng, bằng những chiếc chân dài khẳng khiu, gần giống như loài nhện, và từng được ông mô tả là “có nhiều khớp, gần như là những cái chân vô hình của lòng ham muốn“.

Salvador Dalí, “Los Elefantes” (tạm dịch: những con voi) (1948), sơn dầu trên canvas. Bức tranh thuộc sở hữu của một bộ sưu tập tư nhân. Nguồn ảnh: Historia Arte

Trong nghệ thuật xăm, voi của Dalí có vô số mẫu xăm mô phỏng và cải biến. Các nghệ sỹ xăm và những người yêu thích các mẫu xăm này, ngoài lòng hâm mộ hay sở thích đơn thuần, còn hướng đến ý nghĩa về sự mạnh mẽ: những con voi của Dalí không có những đôi chân to, dày, vững chãi như lẽ thường, ví như sự mạnh mẽ của con người không nằm ở thân thể to lớn và cơ bắp. Chính sức mạnh bên trong, ý chí và hy vọng, niềm tin và nỗ lực hướng đến mục tiêu, khiến một người trở nên phi thường. Thế giới One Piece cũng nuôi dưỡng một thông điệp tương tự như vậy. Và Salvador Dalí, một người tự khẳng định “Tôi không kỳ lạ. Tôi chỉ không bình thường”, từng bày tỏ niềm tin sâu sắc đối với chủ nghĩa siêu thực mà ông theo đuổi: “Chủ nghĩa siêu thực mang tính hủy diệt, nhưng nó chỉ phá hủy những gì mà nó coi là xiềng xích hạn chế tầm nhìn của ta”.

“Một nghệ sỹ thực thụ không phải là người được truyền cảm hứng, mà là người truyền cảm hứng cho người khác” – Salvador Dalí

(Nguồn: Dalí Paintings, Historia Arte, Next Luxury, en.wiki, Fandom One Piece Wiki)

 


 
Back to top