Có một Dalí ít hào nhoáng hơn nhưng thú vị hơn nhiều
“Bình minh, trưa, chiều và chạng vạng” – Từ một hồn thơ siêu thực, bởi một họa sỹ siêu thực, một Dalí ít hào nhoáng hơn nhưng thậm chí thú vị hơn nhiều.
Năm 2012, Trung tâm Pompidou ở Paris đã phối hợp với Bảo tàng Reina Sofía (MNCARS) của Tây Ban Nha, Quỹ Gala-Salvador Dalí (Fundació Gala-Salvador Dalí) và Bảo tàng Salvador Dalí, mang đến một triển lãm “Dalí” đáng nhớ và thành công vang dội (the “triumphal success” – theo cách mô tả của Trung tâm Pompidou[1]), diễn ra trong vòng 4 tháng lẻ 4 ngày, từ ngày 21 tháng 11 năm 2012 đến ngày 25 tháng 3 năm 2013. Mặc dù triển lãm đã giới hạn số người vào tham quan cùng một lúc nhằm bảo đảm an ninh, nhưng để đáp ứng một lượng lớn người đam mê “siêu thực”, Trung tâm Pompidou đã mở cửa đến 11 giờ đêm (chỉ trừ thứ Ba), và trong 24 ngày cuối cùng của triển lãm, “Dalí” đã hút khách 24/24 giờ mỗi ngày.
Ngay sau khi triển lãm khép lại, các con số kỷ lục đã được công bố, tổng cộng đã thu hút “790.090 người đến tham dự triển lãm” và “trung bình mỗi ngày có 7.315 người đến xem”. Thành tích của triển lãm năm ấy cũng hài hước như chính phong cách của nghệ sỹ siêu thực Tây Ban Nha này, bởi ông đã “đánh bại Henri Matisse, Wassily Kandinsky và Edward Hopper về tổng số lượt ghé thăm… nhưng ông lại không đánh bại được kỷ lục của chính mình”. Theo rfi, tổng số lượt khách của “bậc thầy Dã thú” Matisse vào năm 1993 là 734.896, của “nhà trừu tượng đầu tiên” Kandinsky là 702.905 vào năm 2009, và “Dalí” cũng vượt qua kỷ lục 784.269 lượt khách tham dự triển lãm của Hopper – cũng tại Pompidou và gần như cùng khoảng thời gian, từ ngày 10 tháng 10 năm 2012 đến 2 tháng 2 năm 2013. Nhưng “Dalí” đã không vượt qua “Salvador Dalí: rétrospective (1920–1980)” từng diễn ra vào năm 1979 (bắt qua năm 1980), cũng tại Trung Tâm Pompidou, thu hút 840.662 lượt khách tham quan.[1]
Viết cho Independent vào năm 2012[2], nhà phê bình nghệ thuật Charles Darwent – người thường xuyên đóng góp cho The Guardian, Art Newspaper và Art Review, cũng như là “ngòi bút phê bình” chính của tờ Independent on Sunday, từ năm 1999 đến 2013 – đánh giá rằng: “Tài năng tự quảng bá của Dalí ấn tượng đến mức các giám tuyển cũng có xu hướng đánh giá ông ta dựa trên giá trị bề ngoài và chức-năng-hóa-Dalí[3] – trình bày một nghệ sỹ Catalan điên cuồng theo cách điên cuồng của người Catalan, cùng với sự kích thích Siêu thực đi kèm. Vì vậy, điều đầu tiên bạn nhận thấy về chương trình “Dalí” của Trung tâm Pompidou là nó trông thật buồn tẻ. Còn điều thứ hai: Đó thật là một chuyện tốt.”
“Tôi là một họa sỹ rất tệ” – Salvador Dalí
Sau hơn 30 năm kể từ cuộc triển lãm hồi tưởng năm 1979–1980, triển lãm “Dalí” năm 2012–2013 đóng vai trò như một sự vinh danh của Pompidou, dành cho “một trong những nhân vật vĩ đại phức tạp và sung mãn nhất của nghệ thuật thế kỷ XX”. Theo Pompidou, triển lãm vô tiền khoáng hậu này nhằm mục đích “làm sáng tỏ toàn bộ sức mạnh trong tác phẩm của Dalí, mà một phần trong đó được thể hiện bằng tính cách và những nét vẽ thiên tài, cũng như sự thái quá của ông ta. […] Nhà thao túng truyền thông vĩ đại này coi nghệ thuật là một hành động giao tiếp toàn cầu. Trong tất cả các khía cạnh của nó, Dalí đặt câu hỏi về hình tượng (nhân cách) của người nghệ sỹ khi đối mặt với truyền thống và thế giới”.
Như cách nói vừa bông đùa vừa công nhận của nhà phê bình Charles Darwent: “Nếu nói về hai điều nổi bật từ chương trình nghiêm trang đáng ngưỡng mộ này của Pompidou, thì đó là sự sáng tạo và tài trốn tránh của Dalí”, và Pompidou cũng đưa ra một lời nhắc nhở hữu ích, rằng Dalí của chúng ta “cũng là một kẻ nói dối rất giỏi”.
Trong một cuộc phỏng vấn nào đó[4], khi được hỏi đã đóng góp gì cho nghệ thuật, Dalí, với nét mặt vừa nghiêm túc vừa thoáng vẻ hóm hỉnh, trả lời rằng: “Cho nghệ thuật, không gì cả, hoàn toàn không. Bởi vì như tôi luôn nói, tôi là một họa sỹ rất tệ. Bởi vì tôi quá thông minh để trở thành một họa sỹ giỏi. Để trở thành một họa sỹ giỏi, bạn phải ngu ngốc một chút… ngoại trừ Velazquez, một thiên tài, người có tài năng vượt qua nghệ thuật hội họa”.
Còn đóng góp cho đời thì sao? Ông ấy lại càng hài hước hơn, nói rằng: “Và với cuộc đời, tôi nợ tất cả mọi thứ. Vì ngày mà Dalí vẽ một bức tranh hay tuyệt như Velazquez, Vermeer hay Raphael… hoặc là tạo ra âm nhạc như Mozart… ngay tuần sau, anh ta sẽ chết. Vì thế, tôi thích vẽ những bức tranh xấu và sống lâu hơn”.
Đám đông công chúng có lẽ đã thất vọng khi bước đến triển lãm “Dalí” với mong đợi về một sự phô trương của Chủ nghĩa Siêu thực, bởi vì, theo Charles Darwent, “cái họ nhìn thấy chính là “một chuỗi các căn phòng hình chữ nhật trang nhã, với những bức tường trắng trơn, những bức tranh treo thẳng hàng và những đồ vật được trưng bày trong tủ kính, như thể các tác phẩm trong đó là của một nghệ sỹ nghiêm túc; mà, tất nhiên là như vậy. Các nhà giám tuyển của triển lãm đã đưa ra quyết định dũng cảm, họ bỏ qua nhà trình diễn Dalí và tập trung vào một Dalí trí thức – một nhân vật ít mang tính giải trí hơn, nhưng lại thú vị hơn rất nhiều”.
“Chủ nghĩa Siêu thực có tính hủy diệt, nhưng nó chỉ phá hủy những gì nó coi là xiềng xích hạn chế tầm nhìn của chúng ta” – Salvador Dalí
Trong số những kiệt tác được trưng bày trong triển lãm “Dalí” – bao gồm những tác phẩm rất nổi tiếng và những tác phẩm hầu như chưa từng được biết, bức tranh “Aurore, midi, couchant et crépuscule” (1979) – được Trung tâm Pompidou mượn từ Quỹ Gala-Salvador Dalí và đặc biệt được nhấn mạnh bởi giám tuyển Jean-Michel Bouhours[5] – cho thấy sự say mê đầy cố chấp của Dalí dành cho “L’Angélus” (1857–1859) của Jean-François Millet (và như để thỏa lòng Dalí, Bảo tàng Orsay đã cho Pompidou mượn “L’Angélus”). Hình ảnh người phụ nữ cúi đầu nguyện cầu, trong hơn nửa thế kỷ, kể từ “L’Angélus” đầu tiên năm 1932 cho đến “Aurore, midi, couchant et crépuscule” năm 1979, minh chứng cho niềm yêu thích thật lòng và cuồng mê của Dalí đối với một tác phẩm của một họa sỹ. Thậm chí, Dalí đã dành nhiều năm “làm phiền” Louvre, yêu cầu bảo tàng phải chụp X-quang “L’Angélus”.
Theo danh mục của triển lãm hồi tưởng “Salvador Dalí: rétrospective, 1920–1980″[6], tác phẩm này nên đi kèm với một bản ghi âm do họa sỹ chuyển thể, dựa trên lời thơ của Raymond Roussel[7], rằng:
“Quelle heure est-il? C’est l’heure de l’Angélus. Alors, garçon, apportez-moi un arlequin!” (What time is it? It is the hour of the Angelus. So, boy, bring me a harlequin!)
– Tạm dịch[8]: Mấy giờ rồi? Đã đến giờ Truyền Tin. Nào, chàng trai, hãy mang đến cho ta một kẻ hầu!
Bức tranh “Aurore, midi, couchant et crépuscule” hiện được bảo quản tại trụ sở của Quỹ Gala-Salvador Dalí – một tổ chức văn hóa tư nhân được thành lập bởi chính Salvador Dalí, tên của quỹ được đặt theo tên của vợ ông – Gala Dalí (1894–1982).
Quỹ Gala-Salvador Dalí được thành lập vào ngày 23 tháng 12 năm 1983, tại Lâu đài Púbol, Catalonia, Tây Ban Nha. Dalí đã đích thân chủ trì và chỉ đạo Quỹ ngay từ đầu, với sứ mệnh quảng bá tác phẩm nghệ thuật, văn hóa và trí tuệ của ông. Mặc dù Quỹ Gala-Salvador Dalí đảm trách quản lý tài sản, quyền nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ và hình ảnh của Dalí, nhưng Quỹ không phải là chủ sở hữu, vì Salvador Dalí đã để lại toàn bộ tài sản của mình cho nhà nước Tây Ban Nha (theo di chúc cuối cùng của ông).
Chú thích
[1] Dẫn lại bởi rfi, bài “Dali Pompidou exhibition beats all attendance records … except his own” (27.03.2013).
[2] Charles Darwent, “IoS visual art review: Dali, Pompidou Centre, Paris”, đăng trên Independent (23.12.2012).
[3] Nguyên văn: Dalí-ise; tương tự như franchise hay merchandise, với hậu tố danh từ -ise được thêm vào các từ mượn tiếng Pháp, nhằm chỉ chất lượng, tình trạng hoặc chức năng (theo Collins Dictionary).
[4] Theo một đoạn video ngắn và chú thích được đăng lại bởi một tài khoản Instagram có tên “MMoA The Modern Museum of Art”. Hoặc xem tại:
[5] Jean-Michel Bouhours – đồng giám tuyển của triển lãm “Dalí” (2012–2013), nói về các tác phẩm của Dalí và “L’Angélus” của Millet: Xem “Dali, L’Angélus de Millet vu par Dali” tại kênh Dailymotion của Centre Pompidou: Dali, L’Angélus de Millet vu par Dali
[6] Danh mục triển lãm “Salvador Dalí: rétrospective, 1920–1980” (tại Centre Georges Pompidou, năm 1979–1980), xuất bản năm 1980 bởi Trung tâm Nghệ thuật và Văn hóa Quốc gia Georges Pompidou (CNAC-GP), trang 329; dẫn lại bởi Quỹ Gala-Salvador Dalí. Đọc tại: archive/Salvador Dalí: rétrospective, 1920–1980
[7] Nhà thơ người Pháp, Raymond Roussel (1877–1933), còn là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, nhạc sỹ và người đam mê cờ vua. Raymond Roussel thường được mô tả là một trong những nhà văn lập dị nhất của nền văn học thế kỷ XX và là một nhà tiên phong của trường phái Siêu thực. Trong cuộc trò chuyện giữa Christopher Jones và Jose Montes Baquer (Tate, “The great collaborator”, 05.2007), Baquer kể về mối quan hệ giữa Dalí và Raymond Roussel: “Họ đã trao đổi thư từ trong thời gian ngắn trước khi tác giả tự tử vào năm 1933”. Tate cho biết: “Năm 1976, Salvador Dalí đã thực hiện một bộ phim với José Montes Baquer có tên là “Impressions of Upper Mongolia, Hommage to Raymond Roussel” […]. Nguồn gốc của việc thực hiện nó cũng siêu thực như chính bộ phim.”
[8] Chú giải: “Angelus” là những lời cầu nguyện được đọc vào buổi sáng, giữa ngày và buổi tối trong Công giáo La Mã. “Harlequin” là một loại nhân vật người hầu hài hước trong các vở kịch của Ý vào thế kỷ XVI. Các phiên bản cũ nhất của từ “harlequin” – tiếng Hà Lan trung cổ “hellekijn” và tiếng Pháp cổ “hellequin” – ám chỉ “Địa ngục” và có nghĩa là một loài quỷ. Trong bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh, “harlequin” mất đi bản chất quỷ dữ và trở thành một “tên hề” hay “người hầu, đầy tớ”. Hình tượng, diện mạo và ý nghĩa tượng trưng của “Harlequin” thay đổi qua thời gian, khi thì hài hước và xảo quyệt, lúc thì hèn nhát và thiếu thốn, gần thời nay hơn thì có thể đại diện cho sự buồn bã, cả tin, trung thành và lãng mạn.
Nguồn: Fundació Gala-Salvador Dalí, Centre Pompidou, en.wiki/Gala_Dalí, en.wiki, Vocabulary, Harlequin Ever After, Tate, agoravox.fr