ART & CULTURE

Khoa Vũ: Harvard, Kiến trúc & Giấc mơ sương mù

Apr 07, 2020 | By Trang Ps

Với kiến trúc sư Khoa Vũ, cuối cùng thì, kiến trúc hay xây dựng đều nhằm mục đích tạo ra không gian, tức sự trống rỗng. Bằng những trăn trở và tầm nhìn của mình, chàng trai tốt nghiệp đại học Harvard ấp ủ ước mơ thực hiện dự án trung tâm nghiên cứu và văn hóa quy mô lớn “Grayscale, Architecture of Fog” tại quê hương Đà Lạt.

Chào anh Khoa Vũ! Sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ vào năm 2019, anh đã bén duyên với cơ hội nào trong sự nghiệp kiến trúc?

Sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ vào năm 2019, tôi đã làm việc tại Michael Maltzan Architecture (MMA) có trụ sở văn phòng tại Los Angeles. Tôi ngưỡng mộ các tuyệt tác của MMA hồi còn học đại học nên cảm thấy vô cùng may mắn khi trở thành kiến trúc sư của doanh nghiệp. MMA là công ty kiến trúc có tham vọng, với nhiều công trình thiết kế đa quy mô và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Nhiều ý tưởng thú vị và mới mẻ đang tiến hành và tôi sẽ vô cùng hào hứng để chia sẻ khi chúng trở thành hiện thực. Mỗi ngày đi làm là mỗi ngày vui và được truyền cảm hứng khi tôi có cơ hội cộng tác với biết bao đồng nghiệp tài năng, đặc biệt là Michael Maltzan, giám đốc công ty, tôi đã học được rất nhiều từ tầm nhìn và sự hướng dẫn của ông ấy.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của Michael, có một nhận xét của một nhà báo về các tác phẩm của MMA như thế này: chúng mang tính trừu tượng và lý tưởng hoá nhưng bằng cách nào đó đã trở thành công trình hiện thực chứ không còn nằm trên giấy vẽ. Tôi nghĩ rằng đây là mục tiêu và năng lượng mà chúng tôi hướng đến. Công trình thiết kế của chúng tôi mong muốn thách thức sức mạnh nghệ thuật của kiến trúc nhưng song song với đó là góp phần đưa ra giải pháp mới về những khó khăn của xã hội, môi trường và văn hoá hiện tại của thành phố để cùng nhau tạo nên chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tại đây, tôi làm việc trên nhiều dự án với quy mô khác nhau từ quy hoạch tổng thể, cơ sở hạ tầng, công trình công cộng và nhà ở đến thiết kế triển lãm. Chúng tôi rất vui khi có cơ hội tham gia Venice Biennale of Architecture 2020 với chủ đề “How will we live together!”

Không bao giờ có kết thúc cho sự thử nghiệm.

Quay trở lại bối cảnh thiết kế mang tính thử nghiệm, tôi muốn nói một chút về đam mê mà tôi dành cho các dự án thiết kế mang tính thử nghiệm, khám phá các phương thức thiết kế không gian mới trong kiến trúc. Như Zaha Hadid, nữ kiến trúc sư tôi mà tôi rất ngưỡng mộ, đã từng nói: “There is no end to experimentation.” (Tạm dịch: Không bao giờ có kết thúc cho sự thử nghiệm). Trước khi gia nhập MMA, vào mùa thu 2019, tôi đã hoàn thành một thiết kế cho triển lãm quy mô nhỏ tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật và kiến trúc MAK ở Los Angeles. Christoph Kumpusch, người đứng đầu Forward Slash và Giáo sư tại Đại học Columbia ở New York, đã mời tôi làm việc trong dự án này với ông và Morgan Starkey, người bạn thân rất tài tăng của tôi ở Harvard.

Ở dự án này, chúng tôi đã đề xuất ý tưởng “Sound Garden”, bao gồm 23 mô-đun cymatic được kết nối với nhau thành hệ thống âm thanh duy nhất. Chúng tôi quan tâm đến việc tạo ra trải nghiệm vô cực thông qua âm thanh, thoát ra khỏi ranh giới của phòng triển lãm. Chúng tôi đã thử nghiệm tại studio rất nhiều về Cymatic, liên quan đến hiện tượng rung động, sử dụng muối để vật lý hóa mô hình âm thanh phụ thuộc vào tần số của nó. Kết quả, dự án mang đến cho cho nguời xem một trải nghiệm bốn chiều hoàn toàn mới về không gian bởi sự kết nối giữa âm thanh, chuyển động và hiệu ứng hình ảnh.

Về mặt cá nhân, tôi đang hoàn thành cuốn luận án Grayscale, dự định sẽ xuất bản trong năm nay. Trong cuốn sách này, tôi đã may mắn khi có cơ hội làm việc với Samantha Vasseur (Harvard GSD, MArch 20’, MDes 21’), cũng là một người bạn rất thân của tôi, sau khi luận án kết thúc. Cuốn sách bàn về tư duy thiết kế mà tôi góp nhặt trong quá trình học và làm việc ở Việt Nam, Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản.

Anh có nhắc nhiều đến khái niệm quy mô. Vậy khái niệm này được hiểu ra sao và ứng dụng như thế nào trong các dự án kiến trúc của anh?

Phần lớn các dự án của tôi được thực hiện trong bối cảnh học thuật và là các dự án trên giấy chưa đi vào xây dựng.  Tuy nhiên, với tôi, tất cả những đứa con tinh thần ấy đều có ý nghĩa như nhau vì chúng giúp tôi tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò của kiến trúc đối với môi trường xây dựng ngày hôm nay ở những quy mô và bối cảnh khác biệt. Khái niệm “Scale” (Quy mô) trong kiến trúc đặc biệt cuốn hút tôi. Một mặt, kiến trúc đóng vai trò quy mô vĩ mô – quy mô thành phố, như một phần của sản xuất cơ sở hạ tầng và văn hóa; mặt khác, nó mang tính vi mô – quy mô cơ thể con người giúp tạo thành nền tảng cuộc sống hàng ngày.

Còn về phần mình, tôi quan tâm đến mảng kiến trúc tác động đa quy mô. Nó đòi hỏi các kiến trúc sư phải cống hiến cả về giá trị có thể đo lường và giá trị trừu tượng.

Bàn về quy mô vi mô, chúng ta có thể bắt đầu với The Dynamic Walk, dự án đạt giải thiết kế và xây dựng vào năm 2013. Dự án đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa cơ thể con người và máy móc. Thế giới ngày nay đang chuyển động với tốc độ nhanh đến mức công nghệ tự động hóa đang lặng lẽ thay thế các tương tác của con người. Như một sự đánh đổi trong đổi mới công nghiệp, mối liên hệ giữa con người và máy móc dần suy yếu. Tôi đã đề xuất một cấu trúc động học (kinetic structure) gây hiệu ứng bởi trọng lực của cơ thể con người. Nó tái ăn khớp với chuyển động của con người nhằm kích hoạt cơ chế cơ học mà không cần sử dụng thiết bị tự động hóa.

Với tôi, dự án quan trọng nhất tại thời điểm này là Luận văn Thạc sĩ tại Đại học Harvard dưới tựa đề “Grayscale, Architecture of Fog”. Dự án tỏa rộng trên nhiều quy mô, đáp ứng tiêu chí “all in one”. Đó là một trung tâm văn hóa và nghiên cứu  nông nghiệp mới ở Đà Lạt, quê hương tôi; như một lời giải đáp về những vấn đề cơ sở hạ tầng và môi trường mà thành phố đang phải đối mặt.

Tại sao lại là “Fog” (sương mù)? Đối với tôi, sương mù là cây cầu không gian giữa quy mô cơ thể và quy mô môi trường. “Grayscale” kết nối hai thái cực này. Tôi nghiên cứu tạo ra không gian kiến trúc tương tự như con người đang đi trong sương mù, rất tự do nhưng rất riêng biệt! Kiến trúc sương mù ở đây mang ý nghĩa mô phỏng, không gian bên trong và bên ngoài được thiết kế theo tầng tầng lớp lớp, cho phép nhiều con người khám phá và sử dụng không gian một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính riêng biệt. Và như thế, vật chất – ánh sáng – không khí kết hợp với nhau để cất lên một giai điệu mới về không gian kiến trúc, nhưng mang tinh thần của thiên nhiên Đà Lạt.

“Fog” cũng là hình ảnh biểu tượng mang tính tâm linh của Đà Lạt, mà chúng ta hay gọi nó là “thành phố sương mù”. Sự lan tràn mô hình nông nghiệp nhà kính khiến sương mù ngày càng biến mất. Biến đổi khí hậu do sự phát triển ồ ạt của nhà kính tại nông thôn là hiện tượng mà người ta có thể quan sát trên toàn cầu. Thành phố được bao quanh bởi những hồ nước; sương mù đến từ thung lũng và mặt khác, từ sự ngưng tụ trên mặt hồ.

Ngoài ý tưởng chuyển tải sương mù thành phương thức tổ chức không gian theo tầng lớp, tôi muốn liên hệ hiện tượng tự nhiên này với kiến trúc bằng cách tạo ra một trải nghiệm mới – xây dựng không gian để lưu giữ sương mù. Tôi thiết kế dự án này dựa trên kết trúc có sẵn của nhà ga Đà Lạt. Làm sao thổi linh hồn mới vào kiến trúc cũ là trăn trở của tôi. Sau nhiều trăn trở, tôi tiềm ra câu trả lời rất giản đơn – ý tưởng thiết kế của tôi là tạo nên một cái nền mới cho ga Đà Lạt –  “architecture as background”, đi song hành và tôn vinh cái cũ.

Thiết kế được triển khai trở thành một mặt hồ nổi nhân tạo (đường kính 106 mét), nơi mà người đến từ đường ray sẽ thấy nhà ga đổ bóng, nhưng là gợi lại hình ảnh Đà Lạt mà chúng ta thường thấy khi Thủy Tạ đổ bóng xuống hồ Xuân Hương. Mặt hồ nhân tạo này không chỉ tạo yếu tố nghệ thuật mà còn là nơi tích trữ nước cho nghiên cứu nông nghiệp. Và cũng chính bề mặt nhân tạo này tương tác với khí hậu Đà Lạt để tạo ra sương mù, như một lời nhắc nhở, bằng trải nghiệm, là chúng ta đang dần đánh mất sương mù, linh hồn của Đà Lạt

Có lẽ, dự án “Grayscale, Architecture of Fog” cũng ghi dấu thời khắc/dự định anh quay trở về Việt Nam cống hiến. Anh có thể chia sẻ về trăn trở và tầm nhìn của mình trong dự án trung tâm văn hóa và nông nghiệp mới ở Đà Lạt?  

Tôi vẫn đang tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để làm điều đúng đắn khi có cơ hội trở lại và đóng góp cho kiến trúc Việt Nam. Vâng, chúng ta có thể nói nhiều hơn về luận điểm của tôi, về việc tạo ra một suy nghĩ mới ở Đà Lạt. Một lần nữa, đó là một thái độ, hay giải pháp  với các vấn đề về cơ sở hạ tầng và môi trường mà thành phố đang đối mặt.

Nhưng bạn biết, Đà Lạt nổi tiếng là thành phố sương mù, xứ sở của hoa với cảnh quan hoàn mỹ do mẹ thiên nhiên ưu đãi. Nhưng làm thế nào để thành phố phát triển bền vững khi có quá nhiều sự tác động tiêu cực của con người? Làm sao để duy trì phát triển du lịch và nông nghiệp cùng một lúc? Đó là lý do chính để tôi đề xuất một trung tâm nghiên cứu và văn hóa quy mô lớn, liên kết với nhà ga hiện tại. Với bản chất tự nhiên và lịch sử sẵn có, tôi đề xuất tự nhiên nhân tạo. Trong nông nghiệp và du lịch, tôi đề xuất trải nghiệm du lịch sinh thái và văn hóa nghệ thuật.

Vì thế, trong dự án này, việc tạo ra công trình kiến trúc nói lên linh hồn Đà Lạt có ý nghĩa quan trọng đối với tôi. Nó là tập hợp ký ức 20 năm của tôi khi sống ở nơi chôn rau cắt rốn này.

Tòa nhà là nơi lưu trú của ba chương trình khác nhau: nghiên cứu nông nghiệp, triển lãm và thư viện công cộng. Điều này thúc đẩy sự tương tác giữa người dân địa phương và khách du lịch. Khi bắt đầu quá trình thiết kế, câu hỏi chính của tôi là làm thế nào để tạo ra một cơ sở hạ tầng mới cho thành phố mà không chịu sự chi phối của nhà ga đường sắt hiện tại, một biểu tượng kiến trúc lịch sử của Đà Lạt? Làm thế nào để tạo ra kiến trúc mà không tạo nên tiếng nói ba hoa về trải nghiệm trang trọng mà là nền tảng hồi sinh cái cũ?

Nhà ga đường sắt được mệnh danh là một trong những phần quan trọng nhất của cơ sở hạ tầng Đà Lạt trong những năm 1970 giờ chỉ còn là một thắng cảnh du lịch. Tôi mong muốn đưa vào ga Đà Lạt một luồng không khí mới để hồi sinh giá trị cũ. Phát triển ga Đà Lạt trở thành nơi hội ngộ – điểm đầu của tuyến văn hoá, du lịch và nông nghiệp trải dài đường ray, nơi mà nhiều công trình mới có thể mọc lên và phát triển theo tuyến dựa trên đường ray có sẵn.

Vì thế, trong dự án này, việc tạo ra công trình kiến trúc nói lên linh hồn Đà Lạt có ý nghĩa quan trọng đối với tôi. Nó là tập hợp ký ức 20 năm của tôi khi sống ở nơi chôn rau cắt rốn này. Mặc dù địa điểm, không gian, thời gian dao động mờ ảo, nhưng nó mang đến tính thiết yếu của trải nghiệm, sự kết nối trực tiếp giữa nhận thức của con người và một địa điểm. Với tôi, Đà Lạt là thành phố rừng được tạo nên bởi không khí và ánh sáng. Ở Đà Lạt, ta hít vào linh hồn mình luồng năng lượng yên tĩnh, cô độc, và vô tận do thiên nhiên ban tặng. Tôi muốn kiến trúc là sự phối hợp của các yếu tố đó.

Suốt một thời gian làm việc không ngừng nghỉ trong lĩnh vực kiến trúc,  chủ đề xuyên suốt mà anh theo đuổi trong các dự án của mình là gì?

Tôi nghĩ rằng đó là nhấn mạnh vào trải nghiệm vật lý của không gian. Lão Tử đã từng nói rằng: “Chúng ta nhào nặn đất sét để tạo một cái nồi, nhưng chính sự trống rỗng bên trong mới khiến cái nồi trở nên có ích”. Cuối cùng thì, kiến trúc, xây dựng hay thiết kế hình thức vật lý nhằm mục đích tạo ra “môi trường” – tức không gian, sự trống rỗng.

Nếu vai trò của kiến trúc là trung hòa giữa cơ thể, tâm trí và thế giới hiện tại, thì việc tạo ra hình thức không phải là điều sau cùng, mà là phương tiện cho trải nghiệm của người dùng. Tôi bắt đầu quan tâm đến không gian như một ngôn ngữ trong thời gian nghiên cứu trao đổi tại ETH Zurich, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Christian Kerez – kiến trúc sư Thụy Sĩ nổi tiếng toàn cầu. Ông cho rằng chất lượng của kiến trúc chỉ có thể được kiểm chứng trong trải nghiệm của chính tòa nhà. Ở studio, chúng tôi nghiên cứu khoảng 28 điều kiện hình học của không gian bằng các thuật ngữ rất cụ thể thông qua việc viết, sau đó, cụ thể hóa chúng thông qua các mô hình và bản vẽ vật lý.

“Chúng ta nhào nặn đất sét để tạo một cái nồi, nhưng chính sự trống rỗng bên trong mới khiến cái nồi trở nên có ích”. Cuối cùng thì, kiến trúc, xây dựng hay thiết kế hình thức vật lý nhằm mục đích tạo ra “môi trường” – tức không gian, sự trống rỗng.

Le Corbusier, cha đẻ của kiến trúc hiện đại, từng nói: “Mục đích của xây dựng là kết nối mọi thứ lại với nhau, mục đích của kiến trúc là tạo ra sự rung động trong cảm xúc con người.” Nếu những người nhạc sĩ sử dụng âm thanh như ngôn ngữ, thì kiến trúc sư sử dụng không gian. Đối với tôi, kiến trúc đích thực giống như một bản nhạc hay. Có vẻ nó bao gồm những nốt rời rạc, nhưng cuối cùng cũng mang đến cho người thưởng thức ký ức về tổng thể hài hòa.

Theo cách này, tôi càng quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh hiện tượng học của kiến trúc. Trong mỗi dự án, tôi cố gắng tạo ra một khung để thiết kế trải nghiệm không gian. Series chủ đề trong luận án của tôi đều giữ vai trò quan trọng trong mối quan tâm bao gồm: Order, Sublime, Sequentiality, Borderless, Architecture of Air và Space Organism. Đó là những điều cơ bản trong khái niệm kiến trúc của tôi nhưng nắm giữ khả năng bất tận để khám phá ở những bối cảnh khác nhau.

Tôi nghĩ mục tiêu của tôi trong tất cả các dự án là khơi gợi thực tại, giúp bạn nhận thức sự tồn tại của chính con người trong không gian. Việc này càng trở nên quan trọng khi internet và thế giới ảo ngày càng chiếm lấp suy nghĩ thời gian của con người. Tôi tin kiến trúc có sức mạnh để đưa con người sống về thế giới thực tại. Điều căn bản nhất mà Thích Nhất Hạnh cũng đã nói.

Với lĩnh vực kiến trúc, anh đề cao vai trò sáng tạo một mình hay sáng tạo theo nhóm, và điều đó đã ảnh hưởng đến cách thức khám phá ý tưởng mới và sự tưởng tượng của anh như thế nào?

Là một người nghệ sĩ hay nhà thiết kế, anh ta cần không gian riêng để tự suy ngẫm và thử nghiệm. Dĩ nhiên, nó cũng tùy thuộc vào việc bạn đang ở giai đoạn nào của quá trình thiết kế. Chẳng hạn, trong ngành kiến trúc, kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp vô cùng quan trọng. Và song song với đó, khả năng dành thời gian một mình tĩnh lặng hoàn toàn cần thiết cho sự phát triển sáng tạo. Ngày nay, tất cả chúng ta đều kết nối với nhiều nguồn cung cấp dữ liệu từ thế giới trực tuyến. Có lẽ, một mình cũng đồng nghĩa với sự ích kỷ là dành thời gian cho riêng bạn và lắng nghe tiếng nói bên trong bạn.

Tôi nghĩ trí tưởng tượng của kiến trúc sư phụ thuộc rất nhiều vào sự thu thập ký ức của anh ấy. Ký ức càng sống động, nó càng dao động với suy nghĩ.

Khoa Vũ thảo luận với Giáo sư Scott Cohen và Jon Lott.

Tôi yêu thích du lịch một mình. Phần lớn kinh nghiệm học tập của tôi đến từ chuyến đi cá nhân tới châu Âu và Nhật Bản. Nó cho phép tôi quan sát mọi thứ theo cách chân thành nhất, trong khi vẫn có cuộc đối thoại với chính mình. Tôi thường dành thời gian trên tàu phác thảo và viết những suy ngẫm của bản thân về các tòa nhà và thành phố mà tôi đã từng đến thăm. Kinh nghiệm du lịch này thực sự ảnh hưởng đến phong cách thiết kế không gian của tôi. Kiến trúc có một khía cạnh về trải nghiệm thực tế, chuyển động trong không gian, cảm giác “tactic sensation” mà chỉ có thể nắm bắt tốt thông qua hình thức du lịch.

Điều quan trọng đối với tôi là phát triển một thư viện trải nghiệm không gian  riêng mà tôi gọi là “spatial memory” (tạm dịch: bộ nhớ không gian). Thư viện trải nghiệm không gian này có thể chủ yếu là trực quan nhưng cũng có thể trở nên phong phú thông qua nhiều giác quan. Nó cũng bao hàm cả sự chuyển động, điều kiện thay đổi từ từ không gian nội thất sang ngoại thất, từ tối đến sáng, tiếng ồn của thành phố, hương thiên nhiên … Kiến trúc sư chỉ có thể học được điều đó thông qua trải nghiệm của chính mình.

Tôi nghĩ trí tưởng tượng của kiến trúc sư phụ thuộc rất nhiều vào sự thu thập ký ức của anh ấy. Ký ức càng sống động, nó càng dao động với suy nghĩ. Tôi sử dụng sketching (phác thảo) để đóng băng dòng suy nghĩ của mình thành một hay tập hợp các hình ảnh tĩnh. Động trở thành tĩnh. Trí tưởng tượng thường đến từ sự kết hợp mới của các giai đoạn ký ức khác nhau. Hình ảnh tạo ra từ phác họa giúp xây dựng chất lượng trừu tượng nhất định làm cầu nối giữa tâm trí và thể giới vật chất, bắt đầu cho ra đời việc xây dựng ban đầu của một ý tưởng kiến trúc.

Anh có nhận định ra sao về xu hướng kiến trúc nhà ở thập kỷ 2020 – 2030 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

Trái ngược với kiến trúc thế kỷ 20, kiến trúc ngày nay tập trung vào sự phê phán vật chất và mối liên hệ với sự phát triển bên vững của toàn thành phố. Trong bối cảnh tăng trưởng công nghệ theo cấp số nhân, các khía cạnh chính trị và nghệ thuật đang nghiêng về sự tự do và chủ nghĩa cá nhân. Với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, tôi tin rằng vai trò của thệ hệ kiến trúc sư tiếp theo là đáp ứng nhu cầu rộng hơn: từ quy mô vĩ mô đến vi mô.

Trái ngược với kiến trúc thế kỷ 20, kiến trúc ngày nay tập trung vào sự phê phán vật chất và mối liên hệ với sự phát triển bên vững của toàn thành phố.

Khoa Vu Grayscale – Master thesis.

Ở quy mô lớn, kiến trúc đặt câu hỏi làm cách nào tạo ra tác động bền vững đến môi trường tự nhiên và sự phát triển của thành phố. Ở quy mô trung bình, đó là làm thế nào để kiến trúc tạo ra mối quan hệ không gian và cấu trúc mạch lạc giữa cá thể và chung quy. Ở quy mô nhỏ, kiến trúc sẽ siết chặt mối quan hệ giữa không gian và cơ thể con người như thế nào. Chiếc thang cấp độ này đòi hỏi kiến trúc sư phải thay đổi suy nghĩ sang tương tác dựa trên mối quan hệ, để liên tục làm việc qua lại giữa các thang đo khác nhau.

Bài: TRANG PS | Ảnh: KTS KHOA VŨ


 
Back to top