Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Kỹ thuật vẽ chân dung của Hom Nguyen: Khả năng truyền tải đa nghĩa theo cách bản năng

Aug 18, 2021 | By Trang Ps

Hom Nguyen dành một năm, một tháng hoặc hai tuần trên cùng một bức chân dung khổ lớn. Phải mất 5 năm để anh có được kỹ thuật như ngày hôm nay. Ban đầu, anh đã thử nghiệm mọi thứ nhưng xét thấy không thể ôm đồm hết. Sự phát triển phải xảy ra một cách tự nhiên. Cuối cùng, không nhất thiết phải là kỹ thuật độc đáo tạo ra sự khác biệt mà là những gì được thể hiện qua các bức tranh.

Hom Nguyen phải trì hoãn con đường nghệ thuật của mình đến năm 2009, tức là đã gần 40 tuổi, nhưng chỉ 2 năm sau khi bắt đầu mở xưởng vẽ tại Bagnolet, anh đã tự khẳng định tên tuổi của mình trong giới thiết kế nghệ thuật khi bắt tay với NTK Ora-Ito vào năm 2011.

Tài năng hội họa của Hom Nguyen được công nhận với đường nét đầy năng lượng và bản năng,  với kỹ thuật thể hiện sự tự do di chuyển giống như nghệ thuật đường phố.

Kỹ năng xăm khi học ở Tokyo đã giúp Hom Nguyen biến những vật dụng quen thuộc như Sofa trở thành một tác phẩm độc đáo

Khả năng truyền tải đa nghĩa có thể tìm thấy trong các bức chân dung của Hom Nguyen. Thoạt nhìn, bức tranh trông trừu tượng, rất khó để phân biệt khuôn mặt, bàn tay và cơ thể. Sau đó, các phác thảo dần dần thành hình. Trò chơi với bóng tối này buộc chúng ta phải dành thời gian, để hiểu và tự vấn bản thân. Khả năng tương tác tự nhiên mà ta thường trải qua trong giao tiếp thường ngày, bỗng trở nên mạnh hơn mức cần thiết để đánh giá đầy đủ các bức chân dung, về tính năng lẫn tính tinh thần mà nó truyền tải.

Trung thành với hình mẫu người châu Á

Hom Nguyen và BST Hidden gồm 3 bức tự họa chính bản thân

Hom Nguyen chính là điển hình của việc trung thành với những hình mẫu người châu Á cùng khổ nhưng lại đem đến nhiều khía cạnh để khai thác cho người xem, cả về cảm xúc, tính cách, và ngay cả việc lồng ghép vào vấn đề chính trị.

Mặc dù đôi khi ta vẫn thường thấy hình ảnh của những người nổi tiếng là nàng thơ của Hom Nguyen, nhưng tinh thần chung và đại đa số các tác phẩm đều có sự hiện diện của những gương mặt Á Đông. Nếu đến xem tranh của Hom Nguyen chỉ để tìm thấy sự tươi vui thì hẳn là sẽ hiếm. Ngay cả khi bắt gặp những nụ cười trong tranh của Hom thì nụ cười đó vẫn chất chứa  nhiều tâm sự, đôi mắt cũng ánh lên những nỗi niềm.

Bức tranh thuộc BST Sans Reperes (Inner Cry) về những đứa trẻ châu Á không có tiếng nói

Phong cách của Hom Nguyen bản năng ở chỗ “ý tưởng không nhất thiết phải có ngay từ đầu, mà nó có thể hình thành trong quá trình vẽ tranh”. Bức tranh là một mớ những đường nét chồng chéo lên nhau tứ phía không có hồi hết, nhưng mà chính trong mớ hỗn độn ấy đã bộc lộ ra tài năng của người nghệ sĩ, bởi thông qua đó, ta nhận ra được mớ bòng bong trong suy nghĩ cảm xúc của nhân vật thông qua lớp diễn giải bằng nghệ thuật của Hom Nguyen, và cả tâm huyết tình cảm ý muốn của anh. Một bức chân dung là một đại diện nghệ thuật của người tạo ra nó, nó không chỉ là sự yêu thích của họ mà còn về sở thích của họ, mối quan tâm và nền tảng của họ, di sản của họ.

Thuộc BST Ligne de Vie (Lifeline), bức tranh với nền đen và chất liệu acrylic trắng giản đơn
thể hiện ước muốn vươn lên vượt ra khỏi bóng tối của con người

“Tôi thích tranh sơn dầu vì nó rất phức tạp. Tôi cũng thích than bởi vì nó là cơ sở rất sơ khai của hội họa, người họa sĩ luôn thực hiện các bản phác thảo của mình bằng than. Còn về bút mực thì thật là điên rồ! Tôi bắt đầu vẽ bằng phấn đen, sau đó dùng phấn màu và cuối cùng là bút mực.” – Hom chia sẻ.

BST Woman là series được Hom Nguyen ưu ái dành tặng cho người yêu tranh Việt Nam

Những tác phẩm của Hom Nguyen sắp sửa trưng bày trong không gian S&S Art Gallery ngay tại trung tâm tp. Hồ Chí Minh.


 
Back to top