Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Nghệ sĩ tự học Hom Nguyen với phong cách sáng tác bản năng và đầy sống động

Dec 03, 2020 | By Trang Ps

Hom Nguyen (20/09/1972) là nghệ sĩ tự học người Pháp gốc Việt. Anh nổi tiếng với những tác phẩm chân dung khổ lớn, được giới thiệu trong nhiều triển lãm cá nhân và tập thể từ năm 2011.

Là nghệ sĩ tự học, phong cách của Hom Nguyen đầy tính bản năng và sống động. Anh sử dụng nhiều chất liệu khác nhau trong quá trình sáng tác, màu sắc và chuyển động phóng chiếu lên khung vẽ vô cùng trực quan. Mặc dù đam mê vẽ chân dung ngày từ thời thơ ấu, nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền đã khiến anh trì hoãn việc gia nhập thế giới nghệ thuật. Chỉ đến năm 2009, khi mẹ qua đời, Hom mới quyết định tái tạo dựng sự nghiệp với tư cách là nghệ sĩ da patina. Nhưng hồi mới vào nghề, anh chỉ là một nhân viên bán giày.

Vạn sự khởi đầu nan, sau khi bước chân vào lĩnh vực da patina, anh đã phát triển kỹ nghệ riêng của mình trong những tháng đầu tiên tại Tokyo, Nhật Bản, nhờ kiên trì học hỏi những bậc thầy hình xăm vĩ đại ở Shibuya. Tại Pháp, tác phẩm của anh cũng tập trung phần lớn vào chất liệu patina với những khối màu sắc đa dạng. Sự nghiệp của Hom Nguyen trở nên thăng hoa khi anh hợp tác với những tên tuổi nổi tiếng, điển hình như màn bắt tay cùng NTK Ora-Ito vào năm 2011, đã giúp anh tiến sâu vào con đường thiết kế và nghệ thuật. Năm 2009, Hom chuyển đến xưởng vẽ lớn ở Bagnolet, nơi cho phép anh thực hành vẽ chân dung khổ lớn.

Chào nghệ sĩ Hom Nguyen! Nếu có một giấc mơ quay về quá khứ và thay đổi mọi thứ, anh có muốn thay đổi điều gì không, như lựa chọn theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật sớm hơn chẳng hạn?

Tôi luôn có hàng triệu ước mơ trong đầu và ước mơ hiện hữu ngay trong lúc này là sống trong một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ mơ ước thay đổi quá khứ của mình. Tôi đã đấu tranh vô kể, trải qua những thời khắc khủng khiếp, mất người thân,… Nhưng nếu được làm lại, tôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì.

Chính quá khứ đã tạo thành tôi của ngày hôm nay. Tôi không nghĩ tác phẩm của mình sẽ được đón nhận mạnh mẽ như thế nếu tôi từng trải qua một cuộc sống bình thường hay theo học trường nghệ thuật và bắt đầu sự nghiệp như một người nghệ sĩ trẻ. Chẳng bất cứ điều gì trên thế giới này có thể thay đổi con người tôi của ngày hôm nay.

Là một nghệ sĩ tự học, anh định nghĩa thử thách và cơ hội này như thế nào?

Tự học là một cơ hội, cơ hội tự lực, tự suy nghĩ độc lập vì lúc này bạn chẳng thể dựa vào ai ngoài chính bản thân bạn. Chính con đường đó đã biến bạn trở thành một con người có giá trị. Quá trình này cho phép bạn tiến sâu vào nội tại của mình để khám phá tài nguyên mà trước đó bạn nghĩ mình không có. Đối với tôi, tự học cũng có nghĩa là giải thoát, bạn không bị rơi tõm vào bẫy của sự ràng buộc bởi bất cứ điều gì.

Chính con đường tự học đã biến bạn trở thành một con người có giá trị. Quá trình này cho phép bạn tiến sâu vào nội tại của mình để khám phá tài nguyên mà trước đó bạn nghĩ mình không có.

Tôi luôn lắng nghe xúc cảm và bản năng của chính mình. Khi có một sự vận động nội tại, tôi cảm nhận nó chân thành và bắt đầu hành động theo tiếng gọi ấy. Nhiều năm nay, tôi đã sáng tạo và đóng góp theo cách riêng của mình để hỗ trợ cho cá nhân/tổ chức cùng tầm nhìn với tôi. Vào năm 2019, trong cuộc hợp tác với tổ chức Musée de la Monnaie de Paris, tạp chí Vogue và nhà đấu giá Christie’s, tôi tham gia buổi gây quỹ hỗ trợ chương trình ủng hộ bình đẳng giới và quyền của nữ giới do UN Women dẫn đầu. Vào tháng 02/2020, tôi tổ chức bán đấu giá các tác phẩm của mình và thu về 234.000 Euro (khoảng 253.175 USD). Tổng số tiền này được quyên góp cho tổ chức phi chính phủ Les Enfants du Mekong nhằm hỗ trợ 750 trẻ em tại trung tâm Sisophon, Campuchia có cơ hội đến trường và ăn uống đầy đủ.

Cuộc triển lãm đáng nhớ và khiến anh hài lòng nhất? Thông điệp đằng sau đó là gì?

Một trong những triển lãm khiến tôi hài lòng nhất xảy ra tại quận Marais, Paris vào tháng 04 năm 2018. Tôi quen với việc có nhiều người đến tham dự triển lãm của mình nhưng trong sự kiện này, thật không thể tin được! Vào ngày mở cửa triển lãm, khán giả xếp hàng dài 800 mét và tình trạng ấy kéo dài hàng giờ đồng hồ. Không gian triển lãm rộng 50 mét vuông đậm dấu ấn lịch sử. Dưới tầng hầm, bạn có thể nhìn thấy những dấu tính đường ray xe lửa trên sàn, và vào năm 1887, nơi đây là nhà máy sản xuất bu lông cho tháp Eiffel, và là nơi lưu trữ máy chém cuối cùng của nước Pháp.

Trưng bày tác phẩm ở một vị trí như vậy thật sự đặc biệt. Điều quan trọng là triển lãm của tôi lay động cảm xúc khán giả, và mời gọi họ đi khám phá những tác phẩm của các nghệ sĩ khác. Với nghệ thuật, yếu tố tiên quyết là sự tò mò và mở lòng, để khám phá chiêm ngưỡng  các nền văn hóa khác nhau.

Con người luôn luôn là trung tâm trong các triển lãm của tôi, được thể hiện qua các series như: No bearing, Trajectory, Inner scream, Lifeline, Dark Side, Roots… Mỗi triển lãm là một trải nghiệm cho công chúng cũng như tôi tìm kiếm nguồn gốc của chính mình và khám phá đâu là hiệu thân trung tâm của số phận con người, từ đó dẫn dắt khán giả vào chiều suy tư của riêng họ.

Được biết, anh là một nghệ sĩ phiêu lưu với chất liệu? Anh có thể chia sẻ về quá trình trải nghiệm đặc biệt này?

Tôi tự nhận mình là một người hết sức cầu toàn. Tôi thực hiện mọi thứ kỹ lưỡng đến nỗi tôi đã nhanh chóng thử nghiệm tất cả các chất liệu theo cách riêng của mình, từ bút chì, bút mực, phấn màu, than, phấn đen, màu nước, mực Ấn Độ, acrylic, sơn dầu… Công việc của tôi được thực hiện theo bản năng. Tôi yêu thích tác phẩm tạo ra nhiều hình dạng như nó tự loại bỏ hình dạng đó. Tôi thường yêu thích những mẫu nổi lên từ một mớ vật chất hỗn độn, được tạo thành từ mớ nguệch ngoạc rối ren, ngoằn ngoèo.

Càng ngày, sự phát triển của tôi nằm ở phương thức tôi sử dụng các chất liệu đó. Tôi liên kết nhiều chất liệu khác nhau, càng nhiều càng tốt, và liên tục tìm kiếm “cầu nối” giữa chúng để thúc đẩy mỹ quan và tăng xưởng xúc cảm.

Những ngày đầu, tôi thể hiện chủ yếu trên vải, nhưng hiện tại, tôi muốn phát triển theo hướng truyền thông nghệ thuật khác. Điêu khắc khiến tôi thích thú, và tôi cảm thấy như nó đang vẫy gọi mình.

Theo anh, điều gì làm nên một nghệ sĩ?

Vào những năm 1920, những nghệ sĩ theo phong trào Dada đã tuyên bố lớn tiếng và rõ ràng: “Mỗi chúng ta đều là nghệ sĩ” với khát khao thoát khỏi nghệ thuật truyền thống, học thuật để theo đuổi cái gì đó mới lạ và điên cuồng.

Họ không chỉ nghĩ rằng ai ai cũng có thể là một nghệ sĩ mà còn tin tất cả mọi người đều có khả năng sáng tạo tác phẩm. Dù họ có được tôn vinh hay không, tôi tin rằng mỗi nghệ sĩ đều mang trong mình khát vọng về một cử chỉ cao siêu. Người nghệ sĩ sở hữu sự mẫn cảm mạnh mẽ với thế giới xung quanh, giống như một người nhảy xuống từ máy bay không cần dù mà là đôi cánh trong tâm trí họ.

Văn hóa Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của anh?

Tôi sinh ra ở Pháp và chưa từng có cơ hội sinh sống ở châu Á. Nhưng nhờ sự giáo dục của mẹ, chảy xuyên trong tôi là nền văn hóa Pháp và Á Đông. Đó cũng là lý do vì sao những nhân vật Á châu luôn xuất hiện đều đặn và khắp nơi trong các tác phẩm của tôi.

Vài năm gần đây, tôi đã đi du lịch đến nhiều nơi ở châu Á và bắt đầu hành trình tìm về nguồn cội của mình. Dù ở Việt Nam, Singapore, Hồng Kông hay Bali, tôi đều gặp những người với khao khát nghệ thuật và văn hóa đáng kinh ngạc. Vì thế, thật tuyệt vời để giới thiệu các tác phẩm của mình tại các quốc gia đó. Tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ phát triển nền văn hóa rộng lớn như cầu nối giữa Pháp và Đông Nam Á.

Nổi tiếng với việc sáng tác trên khổ lớn, anh có thể chia sẻ về sở thích đặc biệt này? Theo anh, định nghĩa thành công của một tác phẩm chân dung là gì?

Tôi thích sáng tác với những kích thước lớn. Trước khi bắt đầu một tác phẩm, tôi luôn quan sát và kiểm tra nó để xem nó sẽ phản ứng ra sao với nét vẽ của mình. Làm việc trên các định dạng lớn cho phép tôi và khung vẽ trở thành một, nó thúc đẩy sự tự do cũng như tạo ra liên kết vô cùng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sáng tác trên các định dạng lớn không hề dễ dàng, nó buộc bạn phải khiêm tốn. Khi làm việc, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ tạo ra cái gì đó thật tuyệt vời. Tôi chỉ đang cố gắng trung thực nhất có thể, và để trái tim tôi dẫn lối. Điều quan trọng là cảm xúc mà một tác phẩm mang lại sẽ kích thích bạn tiếp tục chiêm ngưỡng nó.

Anh từng chia sẻ: “Quan điểm là nhân tố đưa ra những giới hạn tạm thời, vẽ ra quỹ đạo mới và có xu hướng phá vỡ ranh giới giữa con người và thế giới, giữa chủ thể và đối tượng, giữa giác quan và sự nhạy cảm.” Điều đó có nghĩa là gì?

Những tác phẩm của tôi là một phần của phong cách biểu hiện. Cuộc trò chuyện giữa tôi và công chúng được thiết lập dựa trên tính đơn giản và tự phát. Những nét vẽ của tôi thể hiện con đường của sự sống: hiện thân quỹ đạo cuộc sống của con người là không có gì là vĩnh viễn, định mệnh của chúng ta không được đặt vào lúc ta sinh ra, luôn có một phần của những điều chưa biết mà chúng ta chẳng thể kiểm soát, tất cả chỉ mang tính quan điểm.

Kể từ khi ra đời, con người luôn cố gắng làm chủ môi trường sống của mình. Đầu tiên, anh ta học cách sống sót và sau đó phát triển để cải thiện tình trạng của mình. Con người đã làm chủ thế giới mà họ sống từ lâu, nhưng ý nghĩa của tất cả những điều này là gì? Chúng ta có hạnh phúc hơn? Chúng ta đã tạo ra một xã hội ngày càng nhiều những bức tường, biên giới giữa con người, nhân loại đang quay lưng lại với Mẹ Thiên nhiên. Con người ngày càng gây nguy hiểm cho hành tinh với sự thờ ơ và thú tính như thể anh ta sẽ không phải gánh lấy hậu quả nào, như thể anh ta là bất tử. Nó phản ánh bản chất mâu thuẫn trong mỗi chúng ta.

Được biết, anh đã tận dụng tối đa thời gian cách ly để sáng tác. Thông điệp mà anh rút ra trong giai đoạn khó khăn này là gì ?

Chúng ta đang sống trong khoảnh khắc đáng kinh ngạc, khi thế giới dừng lại và lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc sống của con người được ưu tiên hơn nền kinh tế. Và điều đó thật sự quan trọng! Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tâm trí của chúng ta cũng bị cách ly, mà hoàn toàn ngược lại.

Quãng thời gian cách ly xã hội này là khi tôi tận dụng tối đa thời gian. Khoảng 2 tháng, tôi gần như không ra khỏi nhà. Cuộc sống của tôi quay về mức cơ bản nhất : thức dậy, ăn, ngủ… và sáng tạo. Và trong thời gian này, bạn sẽ nhận ra rằng con người khắp thế giới cũng đang không ngừng sáng tạo, với những chiến dịch truyền thông ý nghĩa và thú vị.

Đại dịch tưởng như một gánh nặng không thể vượt qua, ấy vậy mà, bằng trí tưởng tượng của mình, con người sống nhẹ nhàng hơn, và thoát ra khỏi những ảm đạm và chán nản hàng ngày. Trí tưởng tượng giúp ta tự do, bay bổng, giải thoát chính mình ra khỏi những ràng buộc, kể cả những ràng buộc mà đại dịch gây ra.

Chúng ta biết rằng sau đại dịch này thế giới sẽ thay đổi ! Nhưng, chúng ta sẽ tiếp tục chu kỳ tiêu dùng tăng tốc hay tiến tới cuộc sống an yên, yêu thương và “tôi” hòa quyện trong “chúng ta” ? Tôi tin rằng nghệ thuật có thể quyết định ! Văn hóa có thể đưa chúng ta đến lựa chọn tốt hơn.

Anh có thể chia sẻ về dự án trong tương lai gần của mình ?

Hai năm tới đây của tôi sẽ bận rộn hơn với rất nhiều cuộc triển lãm đã được lên kế hoạch trước. Nổi bật trong đó là triển lãm cá nhân kéo dài 3 tháng vào năm 2021 tại Bảo tàng Guimet ở Paris. Sự kiện là cuộc đối thoại với các tác phẩm của bảo tàng, nảy ra từ khát vọng mang lại cho cuộc sống những câu chuyện và ký ức, làm sáng tỏ những gì bị lãng quên và hiểu lầm. Để lắng nghe những tiếng nói im lặng này, tôi xin trích dẫn một câu nói của André Malraux : “Tiếng nói của những tác phẩm cũ mà chúng ta nghe ngoài bối cảnh sáng tạo của chúng, hơi giống một ngôn ngữ mà chúng ta không hiểu nhưng có thể nghe. Chúng ta hiểu gì về các công trình tôn giáo cổ đại khi sống trong thế giới hiện đại và thế tục ? Làm thế nào những tác phẩm này có thể cộng hưởng với công chúng ? Làm thế nào để cuộc đối thoại này có thể tiếp cận nhiều đối tượng đa dạng ?’’ Đây là những câu hỏi mà tôi đang tìm kiếm câu trả lời.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thật thú vị nhé!


Bài viết là một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top