Nghệ thuật

Art Republik Next Gen 2020: Công bố 19 nghệ sĩ và cây bút nghệ thuật Việt Nam nổi bật

Jul 15, 2020 | By Trang Ps

Trong khuôn khổ đêm tiệc ra mắt ấn phẩm Mag/Book song ngữ Art Republik #1, chúng tôi đồng thời công bố danh sách 19 nghệ sĩ và cây bút nghệ thuật được bình chọn trong dự án Next Gen 2020. 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi (trái) và Giám đốc sáng tạo Dzung Yoko.

Tháng 4 và tháng 5 năm 2020, Art Republik Vietnam khởi động dự án Next Gen trong thời gian cả nước đang ở những ngày giãn cách xã hội cuối cùng trước khi bước vào bối cảnh bình thường mới. Dự án nhằm mục đích tìm kiếm những gương mặt nghệ sĩ và cây bút nghệ thuật Việt Nam (18 – 35 tuổi) mới nổi, sở hữu cá tính, hướng đi riêng với tiềm năng phát triển rộng mở trong tương lai. Đội ngũ giám khảo là bốn nhân vật kỳ cựu và có tầm ảnh hưởng bao gồm: Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi, Giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko và Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi.

Không chỉ đóng vai trò là sân chơi mới mẻ nhất trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly, Next Gen còn là ý tưởng ý nghĩa trong cộng đồng sáng tạo trẻ. Thông qua góc nhìn và nhận định của đội ngũ giám khảo dày dạn kinh nghiệm, Art Republik đã tìm kiếm thành công 19 gương mặt trẻ tài năng (trong tổng 70 hồ sơ gửi về) với những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế chứ không đơn thuần dừng lại ở chức năng duy mỹ, trong đó nổi bật rõ sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt.

19 gương mặt này bao gồm 17 nghệ sĩ thuộc lĩnh vực hội họa, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, điêu khắc, múa đương đại, thời trang và 2 cây bút nghệ thuật.

19 gương mặt NEXT GEN 2020: Sức hấp dẫn của cái mới

“Trong hành trình đi tới tương lai, yếu tố “mới” luôn là những xúc tác mạnh mẽ trong việc hình thành lịch sử nghệ thuật. “Mới” cũng là những nhân tố quyết định cho tương lai nghệ thuật, và theo luật đào thải tự nhiên, chỉ những cái “mới” nào có dấu ấn đặc trưng, dù le lói, mới có thể tồn tại.” – Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi.

Một nhà soạn nhạc: Phạm Thị Tâm (1990)

Phạm Thị Tâm đã tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên nghiệp về ứng tác, âm nhạc đương đại và soạn nhạc do DomDom – Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm – tổ chức. Với mong muốn tạo ra những bản nhạc mới dựa trên nền tảng truyền thống và hiện đại, Phạm Thị Tâm đánh thức suy tưởng của chúng ta về nguồn cội của chính mình.  Thông điệp bao trùm trong các tác phẩm của cô là: đừng tìm cách né tránh sự thật, hãy quan sát, suy ngẫm và đồng cảm.

Một kiến trúc sư: Khoa Vũ (1989)

Sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ vào năm 2019, Khoa Vũ làm việc tại Michael Maltzan Architecture (MMA) có trụ sở văn phòng tại Los Angeles. Anh vừa thực hiện dự án quan trọng nhất: Luận văn Thạc sĩ tại Đại học Harvard dưới tựa đề “Grayscale, Architecture of Fog”. Dự án tỏa rộng trên nhiều quy mô, đáp ứng tiêu chí “all in one”. Đó là một trung tâm văn hóa và nghiên cứu nông nghiệp mới ở Đà Lạt, quê hương anh; như một lời giải đáp về những vấn đề cơ sở hạ tầng và môi trường mà thành phố đang phải đối mặt.

Mục tiêu của Khoa Vũ trong tất cả các dự án là khơi gợi thực tại, giúp bạn nhận thức sự tồn tại của chính con người trong không gian.

Một nhà thiết kế thời trang: Nguyễn Hoàng Tú (1990)

Trong số những thương hiệu mới của thời trang Việt Nam, Nguyễn Hoàng Tú là cái tên hướng tới việc tạo nên những giá trị tích cực, soi chiếu vào cách tư duy về thời trang của người trẻ.

Là một người trẻ luôn trăn trở với hoài bão đưa tên tuổi thời trang Việt vươn ra thế giới, Nguyễn Hoàng Tú ra sức kiếm tìm chân lý về cái đẹp trong thời trang từ những chất liệu bình thường, ghi dấu ấn nhờ kỹ thuật cắt ghép 3D cuốn hút, những đường cắt táo bạo, biến chất liệu quen thuộc thành phương tiện truyền tải thông điệp độc đáo. Những bộ sưu tập tuy có kiểu dáng tối giản nhưng vẫn thể hiện gu thẩm mỹ sành điệu đậm chất Á Đông.

Một nghệ sĩ điêu khắc: Lập Phương (1989)

Thông qua những câu chuyện về cảm xúc và suy niệm, nữ nghệ sĩ điêu khắc Lập Phương đồng thời chia sẻ triết lý tinh giản tối đa trong quá trình thực hành sáng tạo của bản thân. Đó là khái niệm thuộc về tinh thần trước, tinh thần ấy chi phối thực hành. Bạn coi cái gì là tinh hoa, tinh tế, bạn sẽ quyết định “giản” như thế nào. Nếu làm ngược lại – tức “giản” trước, sẽ dễ rơi vào giản đơn, hời hợt, hình thức.

Là nghệ sĩ tạo hình, Lập Phương nghĩ phải quay về hình và bố cục hình cho vững vàng trước tiên. Trong tác phẩm của mình, cô thường chú ý đến tổng thể hình lớn, mạch chuyển động chung và tỉ lệ, sao cho hình thể và cấu trúc đã diễn đạt được câu chuyện, chỉ điểm xuyết chi tiết khi cần nhấn mạnh. Nữ nghệ sĩ cũng trân trọng vẻ đẹp tự thân của bề mặt vật chất, hạn chế biến dạng nó.

10 họa sĩ

Danh sách 10 họa sĩ chiến thắng trong dự án Next Gen 2020 bao gồm: Phan Sang (1994), Trần Nguyễn Trung Tín (1992), Hà Ninh Phạm (1991), Trương Thế Linh (1989), Ngô Đình Bảo Châu (1988), Lê Thúy (1988), Võ Thành Thân (1987), Nguyễn Văn Đủ (1986), Võ Trân Châu (1986), Lê Minh Phong (1985).

Họa sĩ Võ Thành Thân

Họa sĩ Phan Sang ưa dùng những gam màu hồng, vàng… làm chủ đạo, hoặc có khi màu tối lẩn khuất giữa những màu sáng để nhấn mạnh góc nhìn cá nhân: con người nên nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, và dù phản ánh điều tiêu cực nhưng phải mang đến năng lượng tích cực. Với Trần Nguyễn Trung Tín, quá trình sáng tạo là một sự đối thoại, tức xuất phát từ hai phía. Hội họa của Hà Ninh Phạm xoay quanh việc xây dựng niềm tin cho mình, đó là phương tiện để anh suy nghĩ về một niềm tin giúp tôi tiến lên phía trước trong thời buổi toàn cầu hóa này. Tranh của Trương Thế Linh khơi gợi sự chơi vơi, nội tâm và ám ảnh. Tác phẩm của Ngô Đình Bảo Châu luôn luôn là về con người và tất cả những rắc rối xung quanh đó, dù cô làm tác phẩm có hình dạng một cục đá thì cũng muốn nói điều gì đó về con người.

Họa sĩ Phan Sang.

Võ Thành Thân đặc trưng bởi những tác phẩm lấy cảm hứng từ đống giấy vò nhàu nát trong khi đó hội họa của Lê Minh Phong khởi đi từ bi kịch, nhấn mạnh khao khát tìm kiếm suối nguồn trên con đường thực hành nghệ thuật. Nguyễn Văn Đủ vốn là “cha đẻ” của những bức họa máu bò đầy ám ảnh, còn Võ Trân Châu kể câu chuyện môi trường thông qua chất liệu vải vóc độc đáo.

Một nghệ sĩ múa: Vũ Ngọc Khải (1985)

Là một trong những nghệ sỹ Việt Nam dày dạn kinh nghiệm trên trường quốc tế, làm việc tại các nhà hát ở nhiều quốc gia châu Âu như Hà Lan, Ý, Đức và Thụy Sĩ, Vũ Ngọc Khải cuối cùng vẫn chọn Việt Nam là nơi xây dựng sự nghiệp lâu dài.

Bởi theo anh, nghệ thuật giúp anh tìm lại chính mình, và trên thế gian này còn nơi nào gần gũi với tâm hồn hơn quê hương? Từ đó, Vũ Ngọc Khải luôn cố gắng để đóng góp nhiều hơn cho nền nghệ thuật múa nước nhà, thông qua các vở diễn lớn như “Nón” hay “Đáy giếng”, khiến nhiều khán giả phải thay đổi cái nhìn về múa đương đại.

2 nhiếp ảnh gia: Nguyễn Minh Hiếu (1998) và Hứa Như Xuân (1989)

Hứa Như Xuân

Nếu Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh sự tối giản để thể hiện tối đa – một trong những chân lý quan trọng trong nghệ thuật mà anh tin vào thì Hứa Như Xuân cho rằng quan trọng của chi tiết vẫn còn, nhưng để đi sâu vào gốc rễ của nó, cô cho phép bản thân tránh xa nỗi ám ảnh ấy và tập trung vào những vấn đề khác.

Nguyễn Minh Hiếu

Hiếu và Xuân đều cộng tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong những tác phẩm nhiếp ảnh của họ, người xem rút ra thông điệp “đẹp không chỉ dừng lại ở đẹp, tức tính duy mỹ.”

2 cây bút nghệ thuật: Đồng Hà Nhuận (2001) và Hà Đào (1995)

Trong lĩnh vực cây bút nghệ thuật, Art Republik Next Gen tự hào nêu tên hai gương mặt trẻ tuổi sở hữu lối viết vừa sâu sắc vừa tinh nhạy và thú vị: Hà Đào và Đồng Hà Nhuận.

Đồng Hà Nhuận

Với Nhuận, anh ưu tiên phong cách viết tỏa sáng, còn kỹ thuật dẫu cần thiết nhưng mình tránh lạm dụng, vì nó chỉ là cái nền của bài viết. Mà nền tảng chung thì không thể tách biệt mỗi cây viết với nhau, mà chính lối viết riêng mới giúp mỗi người nổi bật. Cái khó là tìm được tiếng nói riêng mà vẫn giữ sự tinh tế trong kỹ thuật. Viết, xóa, lặp lại chính là triết lý sáng tạo xuyên suốt của cây bút này. Nếu không viết thì không có gì để xóa. Nếu không xóa thì chẳng có gì để viết tiếp. Và nếu không có vòng lặp này sẽ chẳng có sản phẩm nào ra đời.

Hà Đào

Trong khi đó, Hà Đào là cây bút nghệ thuật chuyên về nhiếp ảnh, với triết lý xoay quanh việc quan sát, đặt câu hỏi, và đặt câu chuyện vào bối cảnh. Khi viết, hai yếu tố cô lưu tâm là accountability (chịu trách nhiệm cho lời nói của mình, tự kiểm chứng thông tin bằng nhiều phương pháp, và đặt câu hỏi ngay từ đầu xem mình có thẩm quyền gì để lên tiếng về vấn đề này – trong trường hợp là bài quan điểm) và audience (liệu thông tin này có ích cho độc giả hay không, trình bày như thế nào để sáng, rõ và thu hút).

Đặt mua ấn phẩm Art Republik và Next Gen tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top