Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Suy Tư Sáng Tác (P2): Trò chuyện với họa sĩ Lê Minh Phong

Oct 13, 2021 | By Trang Ps

Khi quê hương bớt đau khổ, tôi sẽ lại hồn nhiên như con trẻ… – Lê Minh Phong

Lê Minh Phong từng trăn trở “…vẫn muốn nghĩ tới một dòng tranh khác đi, một kiểu tư duy nào đấy gây ngạc nhiên hơn nhưng vẫn chưa làm được…” Không biết anh có thể chia sẻ về trăn trở này thêm, đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, những khoảng lặng tâm hồn có mang đến cho anh những ý tưởng mới mẻ?

Tôi luôn nỗ lực để nghệ thuật của mình như một con sông, có thể sẽ là một con sông nhỏ trong trăm ngàn những con sông khác. Con sông đó chảy qua từng mùa với từng màu nước khác nhau, lượng nước khác nhau, nó có chảy qua thác ghềnh và chảy qua cả những cánh đồng êm ái. Dưới lòng sông ấy có một nguồn mạch chung, nguồn mạch thống nhất ấy chính là tâm thức của tôi. Tôi luôn băn khoăn, lo lắng khi những thực hành nghệ thuật của tôi bị lặp lại, lặp lại về ý tưởng và cách thức tạo nên các ý tưởng, có nhiều khi sự lặp lại này gây ra áp lực khủng khiếp với tôi.

Đến nay tôi đã thực hiện được một số series tranh khác nhau, mỗi dòng tranh là một kiểu dạng ngôn ngữ biểu đạt khác nhau tùy thuộc vào cách nhìn sự vật của tôi qua mỗi thời kỳ. Hiện tại, tôi vẫn luôn thử nghiệm những dòng tranh khác song hành với dòng tranh mà tôi đang thực hiện. Nhưng để tạo ra một kiểu dạng tư duy gây ngạc nhiên hơn những gì đã làm là điều rất khó khăn, cần tới một thái độ tự hủy triệt để trong sáng tạo nghệ thuật. Mà xưa nay mấy ai có thể tự hủy diệt mình để rồi mà tái sinh, điều này chỉ có nhiều trong các huyền thoại.

Đại dịch đã khiến cả thế giới không thể nào quay lại như trước, đại dịch đã phơi bày hết thảy những gì người ta che giấu bây lâu nay. Khi những đau đớn bị phơi bày cũng chính là khi nghệ thuật có cơ hội để nói về những đau đớn ấy.

Trong bài phỏng vấn trước với LUXUO, Lê Minh Phong nhấn mạnh nỗi đau là khởi nguồn của sáng tạo. Nhưng có bao giờ anh nghĩ rằng ta sáng tác với một tâm hồn hồn nhiên trong sáng thì đó cũng là một khởi nguồn mới mẻ. Điều đó không có nghĩa là ta lãng quên nỗi đau mà chỉ là nhìn nó bằng một cái tâm trong sáng ấy?

Với tôi, đau khổ là nơi nghệ thuật khởi đi, đau khổ là bản mệnh của nghệ thuật. Ai chọn lộ trình trong đêm đen, ai biết cách rút tỉa năng lượng từ đêm đen thăm thẳm, kẻ ấy sẽ có được những cách nhìn khác biệt, kẻ ấy sẽ tìm được suối nguồn của mình. Lịch sử đã chứng minh, rất nhiều bậc thầy nghệ thuật đã lấy đau khổ làm căn nền cho mọi gửi gắm với đời và nghệ thuật của họ trở thành nguồn cảm hứng cho những người cùng thời và những người tới sau.

Nhưng nghệ thuật không lụy khổ đau. Bởi khi lụy khổ đau, nghệ thuật sẽ run rẩy và không có lối thoát. Mỗi người đến với nghệ thuật đều có nơi thoát thai khác nhau, tư tưởng và cách thức thực hành nghệ thuật khác nhau. Chúng ta cần phải tôn trọng và chấp nhận những dị biệt. Bạn nói đúng, đôi khi sáng tác với một tâm hồn hồn nhiên trong sáng thì đó cũng là một suối nguồn mới mẻ. Có thể, một lúc nào đó, khi quê hương tôi bớt khổ đau hơn, tôi sẽ học cách để mình hồn nhiên trong sáng như con trẻ.

Có lần, tôi trò chuyện với nhà giáo nghệ thuật Đỗ Kỳ Huy ở Huế, ông chia sẻ: “Nếu đặt nghệ sĩ trong tháp maslow thì họ sẽ là ‘con mồi’ đầu tiên bởi bất cứ ai cũng có thể ‘tóm’ nghệ sĩ; nếu nghệ sĩ không tự tin và mạnh dạn, anh ta dễ bị chi phối bởi các triết gia, nhà nghiên cứu, chính trị và xã hội.” Tôi liên tưởng câu nói ấy đến tình hình đại dịch suốt hai năm qua, tò mò về việc nghệ sĩ bị ảnh hưởng như thế nào lẫn suy tư tinh thần của họ! Với Lê Minh Phong thì sao?

Chưa bao giờ, con người tinh khôn lại trở nên xa cách nhau đến như vậy. Nỗ lực của loài người từ khởi nguyên đến hiện tại là thông hiểu mình và thông hiểu người khác, nhưng kết quả cho đến nay, vẫn không khả quan là mấy. Những kết nối qua internet càng khiến con người trở nên cô độc trong ốc đảo phi lý của mình. Những kết nối ảo đã được duy trì trước đại dịch, và sau đại dịch nó vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng những kết nối đó không truyền đi được hơi ấm mà người với người cần có với nhau.  Đại dịch đã khiến tất cả chúng ta run sợ. Nhưng cũng thông qua đại dịch, lòng trắc ẩn, một thứ quý báu, tưởng chết từ lâu nay được dịp sống lại khi những mất mát trở nên quá lớn, quá mức chịu đựng.

Nhưng không lâu đâu, khi đại dịch được khống chế, lòng trắc ẩn, sự cảm thông lại có nguy cơ chìm xuống, chúng ta lại lao vào những cuộc chiến hoàn toàn không đem lại gì cho sự tiến bộ trên hành tinh đã trở nên quá chật chội và tang thương này. Đại dịch đã phơi bày bộ mặt thật của chúng ta, những gì trước nay được khoác cho bộ cánh mỹ miều và được che đậy bằng những diễn ngôn du dương nay trở nền trần trụi và đáng nguyền rủa dưới ánh sáng của sự thật. Đại dịch khiến con người quay vào bên trong mình nhiều hơn, nhìn ngắm mình nhiều hơn và nghệ thuật cũng vậy, nghệ thuật cũng đã đến lúc khai tử đi sự ồn ào, kiểu cách với những bộ cánh diêm dúa để tìm cách chữa lành các vết thương, lấp đầy các khoảng trống khổng lồ, dọn sạch đống rác vô tận mà xu hướng hậu hiện đại để lại.

Sự thông minh trong trí não của loài tinh khôn đã không làm cho thế giới trở nên tốt đẹp, tôi không tin vào những phát minh to lớn tiếp theo sẽ cứu được chúng ta khỏi ngày tận diệt. Không nói thì bạn cũng nhận ra, bao nhiêu phát minh của nền văn minh hiện đại không làm chúng ta bớt hoảng loạn trước đại dịch.

Bài học của tôi là, bây giờ nếu được bấu víu vào một cái gì đấy được tạo ra bởi con người, thì tôi xin nương tựa vào Phật giáo.

Anh có thể chia sẻ một vài cuốn sách/phim/… ý nghĩa  mà anh đã đọc/xem được trong thời gian này?

Trong đại dịch, tôi không cập nhật được những bản sách mới, tôi đã đọc lại cuốn “Sapiens: Lược Sử Loài Người” của Yuval Noah Harari. Cuốn sách chứng minh một điều rằng ai nhìn về phía người khác ít để ý nhất người ấy sẽ trở nên khác biệt. Và Yuval Noah Harari đã làm điều đó một cách xuất sắc. Cuốn sách kể cho chúng ta nghe cách thức mà loài người tinh khôn sống sót và tồn tại đến ngày này. Cách thức ấy hết sức cực đoan. Đó là bằng sự tinh khôn, chúng ta đã tiêu diệt các giống loài khác mình.

Chúng ta nghĩ ra trăm phương ngìn kế để được ăn nhiều hơn, ăn ngon hơn, thức ăn của chúng ta đến từ khắp mọi nơi, từ biển cả đến núi rừng, từ thực vật đến động vật, từ chợ làng đến siêu thị, từ trong nhà ra ngoài phố… Chúng ta muốn thỏa mãn nhiều hơn, cách thức thỏa mãn của chúng ta càng ngày càng đa dạng và quá quắt, chúng ta khai thác kiệt cùng môi trường sống, thứ duy nhất bảo vệ chúng ta. Cuốn sách chứng minh (điều này đã gây ra những tranh cãi) rằng nhiều cuộc cách mạng lớn của loài người về bản chất là những sai lầm nguy hại.

Khi đọc nó, tôi nghĩ rằng lúc loài tinh khôn trở thành “siêu tinh khôn” thì chắc chắn sẽ phải trả giá, một cái giá rất lớn, lớn hơn nhiều đại dịch Vũ Hán đã gây ra cho chúng ta. Khi đọc xong cuốn sách này tôi nghĩ rằng chúng ta không phải là loài tinh khôn, mà đúng hơn là loài “tinh ranh”. Nói như John Carey thì “cuốn sách này có thể giúp dọn sạch tâm trí bạn.”

Khi sáng tác anh có đặt mình vào một trường phái nghệ thuật nào không?

Tên gọi của một trường phái nghệ thuật nào đấy chỉ là cách người ta đặt tên cho những kiểu thực hành nghệ thuật tương đồng nhau, chúng không hoàn toàn mang tính chất võ đoán nhưng rõ ràng chúng vẫn chỉ là những cái tên gọi.

Tôi không tự đặt mình vào một trường phái nghệ thuật nào cụ thể nhưng tôi học được từ các trường phái nghệ thuật ấy rất nhiều. Nói cho cùng, mỗi trường phái là kết tinh tinh hoa của một thời đại, một giai đoạn lịch sử, văn hóa nào đấy, và hơn nữa là cách tư duy của con người vào giai đoạn họ đang thuộc về.

Trong các tác phẩm của tôi, bạn sẽ thấy có ngôn ngữ của biểu hiện xã hội, siêu thực, dã thú, tượng trưng… nhưng đó chỉ là những tín hiệu trên bề mặt các ký hiệu mà hình thể đem lại. Tôi nỗ lực phóng chiếu tâm thức của tôi qua các tác phẩm, một tâm thức bị va đập với xã hội, một tâm thức quái dị, điên tàng, ngoan ngoãn và phản loạn. Một tâm thức vừa dự phóng những tự do vừa run rẩy những thỏa hiệp khốn khổ.

Chưa thấy anh thực hành nghệ thuật đương đại như trình diễn, sắp đặt, video art…?

Cách đây rất lâu, sau khi đọc bản  Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật của  Cynthia Freeland,  tôi nhận thấy mình đã bảo lưu những kiểu quan niệm về cái đẹp lỗi thời đã quá lâu, những quan niệm lỗi thời đến mức có thể gọi là “phản động”. Tôi thấy ngày nay khi đứng trước một nghệ phẩm người ta sẽ cẩn trọng hơn khi phán xét nó đẹp, ý nghĩa hay nó xấu và vô nghĩa. Những kẻ khôn ngoan sẽ nói nó hợp hay không hợp với quan niệm thẩm mỹ của tôi. Nghĩa là quy chuẩn về cái đẹp đến hiện tại nó đã trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Những người yêu mến “đường xưa lối cũ” trong nghệ thuật thường tìm cách phản bác những kiểu thực hành nghệ thuật mới mẻ, điều này khiến nghệ thuật khó triển nở về mặt biên giới của nó. Tuy nhiên, những người hồ hởi, nhiệt tình lao vào thực hành những kiểu nghệ thuật tân thời cũng dường như đã đến lúc “no xôi chán chè” bởi hơn bao giờ hết, chưa bao giờ họ thấy tạo ra một nghệ phẩm lại dễ dàng như vậy.

Trên thế giới, hầu hết nghệ thuật đương đại khởi sinh từ xã hội hậu công nghiệp, nhưng xã hội mà tôi đang lưu trú chưa có được căn nền ấy, nếu tôi thực hành những kiểu dạng nghệ thuật như trình diễn, sắp đặt… thì rất khó để tôi có thể tìm thấy nguồn mạch của mình.

Nếu thực hành nghệ thuật đương đại không  phát xuất từ tâm thức xui khiến mà chỉ là những bắt chước, mô phỏng chắc chắn đường đi sẽ ngắn, và sớm thôi, người ta sẽ thấy hụt hơi, chới với.

Để có một thứ nghệ thuật không mới một cách ngụy tín, không cũ một cách bạc màu và đóng băng là điều khó khăn vô cùng. Tôi tin vào những tiếng nói xui khiến đến từ bên trong tôi. Và nữa, dù thực hành nghệ thuật trên những nguyên tắc, phương tiện hay kiểu dạng ngôn ngữ nào đi nữa thì vẫn phải dựa vào ẩn dụ, dựa vào ẩn dụ nghệ thuật đi xa hơn và nhờ đó, cũng nhiều thi tính hơn. Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào hay thậm chí một trào lưu nghệ thuật nào thiếu đi tính ẩn dụ thì sẽ nhanh chóng trở nên xơ cứng.

Sau sự phản tỉnh của chủ nghĩa hiện đại và nỗ lực làm nát vụn những gì lý trí xây đắp trước đó của chủ nghĩa hậu hiện đại để kiến thiết nên một trật tự mới cho thế giới nhưng gần như bất thành thì nghệ thuật giờ đây đang trôi trượt và đi ra ngoài mọi dự đoán khôn ngoan nhất… Một lần nữa tôi tin vào bên trong mình.

Theo anh, căn tính dân tộc có ảnh hưởng tới sự lựa chọn của nghệ sỹ hay không?

Khi chúng ta sinh ra rồi trưởng thành, mỗi người có một cách nhìn về sự vật khác nhau, điều này phụ thuộc vào căn nền văn hóa, vào sự giáo dục và vào những hoàn cảnh xã hội tác động tới từng cá thể. Nhưng căn tính dân tộc, một năng lượng tiềm ẩn trong mỗi cá thể sẽ chi phối rất lớn những lựa chọn, những cách nhìn của từng cá thể. Nó chi phối bất tuân theo lý trí của chính cá thể ấy.

Trong phạm vi cá nhân của tôi, tôi thấy, tôi có những giới hạn nhất định, giới hạn đó không hẳn đến từ một nền giáo dục què cụt mà tôi đã thụ hưởng, nó đến ở nơi xa hơn, đến từ chính máu huyết của tôi, từ những vỉa tầng trong vô thức mà tổ tiên tôi đã cài cắm trong những giấc mơ của tôi. Tôi nghĩ giới hạn ấy chính là giới hạn của căn tính tộc loại bên trong tôi. Tôi cảm giác rằng, biên giới hiện nay của tôi không vượt xa lũy tre làng tôi là mấy, một lũy tre có từ thời của những huyền sử mịt mờ, một lũy tre gắn chặt vào một không gian, một cách nhìn cố định, định hình nên ngôi làng nhỏ bé trong tiềm thức réo gọi của tôi. Sự nhỏ bé ấy như một vô thức tập thể chế ngự tôi.

Đôi khi tôi rụt rè với những gì mới lạ, tôi mơ tưởng về những cánh đồng rộng lớn ngay trên manh chiếu nhỏ của tôi. Đôi khi tôi mơ tới sự chuyên nghiệp, tính hệ thống, tầm phổ quát nhưng chỉ làm được những việc tủn mủn, chắp vá. Cá tính tiểu nông thấm vào thứ ngôn ngữ mà tôi dùng hàng ngày, thấm vào những hình thể mà tôi lựa chọn, thấm vào cách nhìn về sự vật của tôi. Tôi có mơ ước lớn đến cỡ nào cũng không lớn hơn giấc mộng về một chiếc nồi cơm nhỏ nhưng ăn bao nhiêu cũng không hết mà cha ông tôi ngàn đời đã mơ.

Tất cả chi phối tôi, nằm ngoài khả năng cự tuyệt của tôi.


 
Back to top