Nghệ thuật / Nghệ sĩ

The Karl Lagerfeld Issue (Kỳ 3): “Tôi là một cỗ máy”, Karl trong cuộc trò chuyện cuối cùng

Apr 24, 2023 | By Ton Binh

19/2/2019 có lẽ là ngày buồn của giới thời trang, khi từ CHANEL, thông tin được phát đi chính thức: Giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld – nhà thiết kế được xem như biểu tượng gắn liền với thương hiệu – vừa qua đời ở tuổi 85 tại Paris.

Karl Lagerfeld.

Với một tinh thần tự do thực thụ, Karl Lagerfeld không hề có bất cứ điều cấm kỵ hay khúc mắc nào. Bậc thầy couturier chưa bao giờ đánh mất sự hăng hái đã khiến ông trở thành một tượng đài được tôn vinh trong thế giới thời trang, đồng thời cũng thực sự là một biểu tượng của văn hóa đại chúng.

Karl không còn nữa thật sự là một mất mát vô cùng lớn đối với những ai quan tâm lĩnh vực thời trang. Luxuo.vn xin phép trích lại nội dung cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi nhà báo Philip Utz. Có thể xem bài báo đăng trên tạp chí Numero 12/04/2018 này là một trong những cuộc trò chuyện cuối cùng nhà thiết kế huyền thoại dành cho báo chí.

Vậy là, thân hình ông vẫn ổn chứ?

Đúng thế, tôi không béo lên nữa! Tôi đã ăn kiêng trong 15 năm, nhưng giờ thì rất lạ là tôi có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn mà không lên một lạng nào!

Xem ra tuổi tác chẳng thể tác động gì đến ông!

Nó còn tùy thuộc vào điều kiện của anh nữa. Nếu anh tránh được những thứ quá sức, trong sự xa xỉ, thì sự lão hóa cũng khá dễ chịu.

Self-portrait

Việc lão hóa chậm có đem lại điều gì bất tiện không?

Hiện tại thì tôi không chịu đựng gì ghê gớm lắm. Tôi đã đi kiểm tra và họ không tìm thấy có gì lạ. 10 năm nữa gọi điện lại cho tôi rồi ta lại nói về vụ này lần nữa xem.

Ở tuổi của ngài, liệu có phải là kiệt sức không, khi cùng lúc “tung hứng” với 3 thương hiệu – Chanel, Fendi và Karl Lagerfeld mà không quên mất những hoạt động ngoại khóa?

Không, ngược lại, nó khá là thú vị. Tất cả các NTK đang thiết kế riêng cho các thương hiệu đều kết thúc bằng việc cảm thấy bản thân hoàn toàn kiệt quệ. Vì cứ mãi thăm thú lại những thứ kinh điển của chính mình, họ đi lòng vòng, rồi cắn phải cái đuôi của chính mình.


Ở Chanel tôi có hợp đồng làm 4 BST trong một năm – 2 BST Ready-to-wear và 2 BST couture. Nhưng thực tế thì tôi làm 10 bộ, bao gồm cả pre-collection, BST Cruise, BST Métiers d’Art, chưa kể đến Coco Snow – một dòng sản phẩm thể thao mùa đông – cùng với Coco Beach là dòng sản phẩm đi biển.

Tôi buộc bản thân phải liên tục làm mới mình bằng cách đi từ nhà này sang nhà kế tiếp. Điều đó cho phép tôi thấy điều gì đang diễn ra ở những cánh cửa tiếp theo. Tôi liên tục di chuyển – nếu không thì tôi chán chết mất, điều đó cũng ngăn tôi không trở nên lạc hậu.

Khi Raf Simons rời Dior, nhiều người đã nói về việc các NTK đang phải làm việc quá sức như thế nào. Ông nghĩ sao về việc này?

Với quan điểm cá nhân, tôi chưa bao giờ than phiền. Và đó chính là lý do vì sao các NTK khác lại ghét tôi. Họ chỉ hứng thú với cái cảm hứng “chết tiệt” của họ, họ có thể dành cả giờ để quyết định xem nên đính một cái khuy vào đâu, hay chọn ra bản vẽ phác thảo nào được các trợ lý thực hiện. Sự phân tâm đó khiến tôi phát bực.

Tôi là một cỗ máy. Điều tệ nhất trong tất cả là họ cố đổ lỗi cho tôi về các vấn đề liên quan đến việc lao động quá thời gian của họ. Azzedine [Alaïa] là một ví dụ. Trước khi ngã xuống bậc thang, anh ấy đã cho rằng những nhịp vận động không bền vững của ngành thời trang ngày nay là lỗi do tôi – một điều hoàn toàn vô lý.

Khi anh đang chạy một dự án kinh doanh trị giá tỉ USD, anh phải làm việc liên tục. Và nếu điều đó không phù hợp với anh thì anh nên ở trong phòng ngủ của mình mà làm loạn. Tôi xin lỗi nhưng năm ngoái tôi đã mất đi hai đối thủ lớn nhất là Pierre Bergé và một người khác nữa. Với đám tang của Pierre, người bán hoa của tôi còn hỏi: “Ngài có muốn chúng tôi gửi đi một chậu xương rồng không”?

Vậy với đám tang của mình thì sao, ông thích nó diễn ra ở Sidi Bou Said như Azzedine, hay ở Madeleine?

Kinh khủng! Không có chôn cất gì hết! Tôi đã yêu cầu được hỏa táng và đem tro cốt của mình hòa với của mẹ tôi, và với của Choupette (con mèo yêu của Karl), nếu như nó ra đi trước tôi.

Làm thế nào mà ông không phát chán sau 60 năm làm việc?

Cảm ơn vì đã nhắc đến sự thâm niên của tôi. Chán ư? Ồ không, không bao giờ. Tôi nghĩ mình khá là lười, tôi còn có thể làm tốt hơn. Tôi chưa bao giờ thấy hài lòng với chính mình. Tôi phải đá bản thân một cái từ phía sau để tiến lên trước. Vào ngày diễn ra show ở backstage, tôi luôn nói với bản thân rằng, “chà mấy gái tội nghiệp của tôi, cứ thế này thì chúng ta sẽ không làm show kế tiếp nữa mất”.

Tôi không có một sự thỏa mãn nào với công việc mà mình làm. Đó là điều khiến tôi cố gắng không ngừng – sự không hài lòng và bất mãn vĩnh viễn.

Nếu có thể hóa thân thành một Đệ nhất Phu nhân, ông sẽ muốn trở thành Brigitte, Carla hay Bernadette?

Bernadette là một người phụ nữ đến từ hành tinh khác, một người phụ nữ Pháp của một thời đại khác. Carla, tôi đã làm việc với bà ấy rất nhiều lần, nên tôi coi bà ấy như một người bạn. Với Madame Macron, tôi gặp bà ấy trước khi chồng bà bước vào chính trường, tôi vô cùng yêu quý người phụ nữ này.

Dù sao thì, 3 người phụ nữ này hoàn toàn khác nhau tới mức tôi nghĩ câu hỏi của anh thật vô nghĩa, thực tế là còn hoàn toàn ngu ngốc. Cá nhân tôi yêu quý Phu nhân Obama. Tôi đã thích cô ấy từ lúc có một tay phóng viên người Mỹ hỏi rằng có phải chiếc chân váy da của cô hơi quá bó với một Đệ nhất phu nhân hay không, và Michelle Obama đã trả lời: “Sao nào, anh không thích cặp mông bự da màu này à”?

Ông nghĩ gì về chiến dịch #MeToo?

Tôi phát ngán với nó. Tôi thậm chí còn không ăn thịt heo (ở Pháp, chiến dịch này được biết với cái tên #BlanceTonPorc – nghĩa đen là Cân bằng thịt heo). Điều gây sốc cho tôi nhất trong tất cả những điều này là các ngôi sao mất 20 năm để nhớ những gì đã xảy ra. Không phải đề cập đến thực tế không có nhân chứng truy tố. Điều đó nói rằng tôi không thể chịu đựng được Weinstein. Tôi đã có vấn đề với ông ta tại amfAR (Gala amfara được tổ chức trong suốt Liên hoan phim Cannes nhằm gây quỹ chống AIDS).

Các chiến dịch như #MeToo và #Time’sUp có ảnh hưởng gì tới cách tiếp cận công việc của ông không?

Hoàn toàn không. Tôi đọc đâu đó rằng giờ người ta phải hỏi một người mẫu xem cô ấy có thoải mái với việc tạo dáng hay không. Đơn giản là nó trở nên quá đà, từ giờ trở đi, là một NTK, anh không thể làm được gì nữa.

Tôi không tin một từ nào về những cáo buộc dành cho Karl Templar tội nghiệp (giám đốc sáng tạo của tạp chí Intervie). Một cô nàng đã than phiền rằng anh ta kéo quần cô xuống và ngay lập tức anh ta bị lăng mạ bất chấp sự chuyên nghiệp đã làm nên sự nghiệp của mình. Không thể tin nổi. Nếu bạn không muốn bị kéo quần thì đừng làm người mẫu làm gì!

Trong buổi phỏng vấn năm 2010, ông có nói với tôi rằng ông đang nghĩ đến chuyện sẽ để Haider Ackermann thay thế vị trí của mình tại Chanel…

Đúng thế, nhưng đó là chuyện từ lâu rồi!

Vậy tới hôm nay thì ông nghĩ ai sẽ là người phù hợp?

Tôi không đề cử bất cứ điều gì hay bất cứ ai nữa, vì nhà Chanel không thuộc về tôi. Marc Jacobs, một anh chàng mà tôi khá yêu quý, cũng đã mơ ước về việc thay thế tôi… Lần đầu tiên tôi gặp cậu ta là khi cậu ta 17 tuổi, đang làm trợ lý cho người bạn của tôi – Perry Ellis. Không may là, khi cậu ta trở thành giám đốc nghệ thuật, cậu ta lại bị sa thải bởi cái BST grunge dù cũng không đến nỗi nào.

Ông có thể xếp hạng 3 NTK Simon Porte Jacquemus, Virgil Abloh và Jonathan Anderson theo thứ tự tài năng giảm dần không? 

Trong những NTK tôi yêu quý, không theo thứ tự, thì Marine Serre – dẫu chỉ cao 1m50 nhưng lại là một người có tinh thần thép. Jacquemus là người luôn khiến tôi bật cười, và trông cũng khá là bảnh nữa. Anh ta rất hài hước. Và để kết lại thì là J.W.Anderson, dù cách tiếp cận thời trang của anh ta đôi khi có hơi bị trí tuệ quá mức – có lẽ do tôi chưa nghiên cứu kỹ.

Ai trong số họ sẽ là người ông nguyện dẫn theo cùng tới đảo hoang vào những ngày cuối đời?

Tôi thà chết trước còn hơn…

Hình như ông đã để Choupette thừa kế tài sản của mình?

Đúng là thế. Đừng lo, có đủ cho tất cả mọi người.

Nhưng nghe nói ở Pháp người ta cấm để lại bất cứ tài sản thừa kế nào cho thú cưng của mình?

À, may là tôi không phải người Pháp.

Thế tài sản của ông ước chừng bao nhiêu?

Tôi chắc chắn không phải Bernard Arnault, tôi có thể nói với anh ngay tức khắc là không hề có chuyện tôi có 72 tỷ euro trong tài khoản ngân hàng đâu.

Một thiên tài như ông phải chuẩn bị để đối mặt với chuyện thường ngày như thế nào, có phải là kiên nhẫn vô cùng và ân xá lớn lao dành cho những người xung quanh – vốn không được tích cực và đầy năng lượng như ông?

Thiên tài ấy à? Đó là anh nói thôi. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi luôn nói rằng tôi là đồ ngốc. Có lẽ tôi đã bù đắp lại sự ngốc nghếch ấy hơi quá mức mà thôi. Và xung quanh tôi không phải toàn là lũ ngốc đâu nhé, tôi có một team tuyệt đỉnh. Thế nên, khi gặp chuyện liên quan tới đám người đần độn khác, tôi đơn giản là không thấy và không biết chúng…

Biên tập: QUỲNH NGA | Hình ảnh: STÉPHANE FEUGÈRE


 
Back to top