Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Điêu khắc gia Trần Thiện Nhứt và Atelier Saigon

Aug 13, 2020 | By Trang Ps

Nép mình trong con hẻm yên bình ở Thủ Đức, Atelier Saigon của nghệ sĩ điêu khắc Trần Thiện Nhứt gói ghém trong đó nhiều câu chuyện sáng tạo bất ngờ và thú vị. Những tác phẩm nội thất tưởng chừng bằng đá nặng nề hóa ra lại làm từ nguyên liệu tái chế với trọng lượng nhẹ nhàng, nổi bật với thẩm mỹ thanh lịch, vượt thời gian.

Là một điêu khắc gia tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tp. HCM vào năm 2008, Trần Thiện Nhứt có con tim giàu lòng trắc ẩn trước vẻ đẹp nguyên sơ và bất tận của thiên nhiên. Có lẽ, quê hương Gia Lai, Tây Nguyên – nơi anh sinh ra và lớn lên – đã gieo trong tâm Nhứt sự nhạy cảm tinh tế, để những kết cấu thô và hữu cơ rơi vào tay người nghệ sĩ đều biến thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo.

Cũng như bao nhà điêu khắc nội địa khác, Nhứt ra trường và sáng tác bằng chất liệu đá và nhựa resin. Nhưng nhận thấy vấn đề khai thác đá nặng nề, ảnh hưởng đến tự nhiên và sức khỏe con người, trong khi việc chuyển qua chất liệu nhựa khiến công việc dù nhẹ nhàng hơn nhưng tính độc hại lại không hề kém cạnh, Trần Thiện Nhứt quyết tâm nghiên cứu chất liệu thay thế vừa thân thiện với môi trường vừa an toàn cho sức khỏe  và tinh thần con người. Và thế, những nội thất bằng chất liệu thay thế carton ra đời.

Thay vì khuấy động làn sóng thiết kế nội thất trong nước, Atelier Saigon lại thành công trước ở Âu châu và Mỹ.

Lúc đang tham quan không gian studio, điêu khắc gia chia sẻ: “Khoảng 3 năm trước, tôi liều mạng đầu tư một container nội thất sang Âu châu và đấu giá ở Drouot Auction House. Thật bất ngờ, ở đây, người ta chú trọng về giá trị bền vững và thẩm mỹ độc đáo nên chuyến đi đó trở về khá thành công. Sản phẩm nội thất Atelier Saigon có giá cao nhất lên đến 25.000 euro và đang được trưng bày ở một số gallery New York.”

Bất ngờ trước hành trình sáng tạo lý thú và kiên trì của nhà điêu khắc Trần Thiện Nhứt, Art Republik/Luxuo đã có cuộc phỏng vấn sâu sắc với anh và mong muốn lan tỏa câu chuyện này để bạn đọc hiểu thêm về chế tác nội thất bền vững của thương hiệu Atelier Saigon cũng như tính ứng dụng đằng sau.

Chào điêu khắc gia Trần Thiện Nhứt! Chúc mừng chuyến đi tới Drouot Auction House của anh thành công và nhanh chóng được cộng đồng quốc tế đón nhận sau đó. Anh có thể chia sẻ thêm về yếu tố chất liệu, một trong những giá trị cốt lõi của Atelier Saigon?

Thương hiệu Atelier Saigon được khoảng 4 năm tuổi, năm đầu tiên cũng là thời điểm tôi bắt tay nghiên cứu chất liệu tái chế. Quá trình nghiên cứu ấy kéo dài trong vòng 3 tháng và con đường 4 năm là thời gian định hình Atelier Saigon hiện tại.

Trước đó, tôi sáng tác bằng đá và nhựa resin nhưng ảnh hưởng độc hại của chúng khiến tôi dừng lại. Tôi bắt tay nghiên cứu chất liệu thay thế để thỏa sức sáng tạo, vừa đáp ứng về tuổi thọ (thời gian) vừa đạt yêu cầu khó tính về thẩm mỹ. Và thế, carton tái chế đã bén duyên với sự nghiệp điêu khắc của tôi.

Tôi tìm kiếm giấy tái chế từ các nguồn như ve chai, xưởng công nghiệp làm giấy, hộ gia đình, thùng rác,… sau đó xay và đánh nhuyễn rồi dùng keo sạch lên khung.  Như chiếc bàn và chiếc ghế này, thoạt đầu, hầu hết mọi người chưa biết đều bị đánh lừa thị giác vì cứ tưởng là bàn ghế đá. Nhưng chúng được làm từ carton. Chỉ có một số chi tiết nhỏ (như chân bàn, chân ghế nhỏ) bắt buộc phải luồn thêm sắt bên trong, còn lại chúng tôi sử dụng cốt giấy. Sau khi chế tác phần thô thủ công, Atelier Saigon bắt đầu quét sơn tự nhiên lên sản phẩm. Chúng tôi cũng sử dụng sơn mài vì tính thẩm mỹ đặc trưng của nó.

Quá trình chế tác được thực hiện thủ công hoàn toàn, vì thế mà mỗi sản phẩm nội thất ra đời đều giới hạn và không thể lặp lại.

Khi Âu châu và Mỹ đón nhận và trưng bày sản phẩm của Atelier Saigon thì trong nước vẫn chưa cởi mở. Anh có chia sẻ gì về điều này?

Thực ra, trong giới mỹ thuật Việt Nam, hầu hết mọi người khi biết về thực hành điêu khắc của chúng tôi đều hoan nghênh và đánh giá cao. Nhưng giới phổ thông vẫn khá rụt rè và chưa chấp nhận, một phần vì chưa quen với tính sáng tạo cao. Khi bán một chiếc ghế với giá xấp xỉ 2.000 USD trong nước, mọi người chưa cởi mở chi tiền. Và thế nên, nếu Atelier Saigon tiếp thị nội thất ở Việt Nam thì rất chậm ra sản phẩm. Trong khi đó, ở Mỹ hay Âu châu, chúng tôi có thể bán một sản phẩm với cùng tầm giá một cách dễ dàng hơn.

Nội thất Atelier Saigon là sự kết hợp giữa điêu khắc và ứng dụng để trở thành sản phẩm tiêu dùng trong gia đình. Giá trị của chúng tôi không dừng lại ở một cái bàn, cái ghế đơn thuần mà là một tác phẩm. Vì thế, chúng tôi khó lòng giảm giá để chiều lòng người tiêu dùng nội địa.

Điêu khắc bằng chất liệu carton còn khá hiếm hoi và độc đáo tại Việt Nam, nhưng quy trình thực hành lại không quá khó khăn và phức tạp. Anh có sợ người ta sẽ mang công thức này để tạo sản phẩm riêng của họ?

Đúng là công thức không quá đặc biệt. Và mục đích của tôi cũng không phải là ôm khư khư công thức đó mà là công khai và lan tỏa để càng nhiều người biết càng tốt. Tôi có dự định chia sẻ buổi đầu tiên ở Đại học Mỹ thuật Tp.HCM, và nếu bất cứ ai tự tìm đến mình học hỏi, tôi luôn sẵn sàng.

Mục đích của tôi cũng không phải là ôm khư khư công thức đó mà là công khai và lan tỏa để càng nhiều người biết càng tốt.

Cũng có một số người bảo tôi sao không đăng ký bản quyền sản phẩm, tôi bèn nghĩ đăng ký bản quyền thì liệu bản thân và đội ngũ có khai thác được hết tính ứng dụng của nó không. Hãy cứ để điều đó diễn ra tự nhiên. Khi công thức bền vững được lan tỏa, điều đó sẽ có lợi cho xã hội nói riêng và trái đất nói chung.

Cảm hứng sáng tác của anh thường đến từ đâu?

Như chiếc ghế này, những đường uốn lượn uyển chuyển và màu sắc lấy cảm hứng từ sóng biển và đại dương. Thế giới sáng tạo của tôi luôn phảng phất hơi thở thiên nhiên, từ chiếc ghế trong hình thù chiếc lá đến chiếc bàn nổi bật với hình ảnh thú rừng.

Tôi khá tò mò về tuổi thọ của những sản phẩm nội thất này?

Cũng giống như gỗ (vì carton có nguồn gốc từ gỗ), các sản phẩm nội thất này có thể đạt tuổi thọ lên tới vài chục năm. Và sau khi hư hỏng hoặc không dùng nữa, chúng dễ dàng được tái chế trở lại mà không nguy hại tới môi trường.

Tùy nhu cầu sử dụng của khách hàng, chúng tôi sẽ có cách chế tác sản phẩm nội, ngoại thất khác nhau để đảm bảo tuổi thọ và nhu cầu sinh hoạt.

Một số nghệ sĩ có chế tác sản phẩm nội thất như Atelier Saigon nhưng không được bền lâu. Theo anh thì lý do nào dẫn đến điều này? 

Rào cản, theo tôi, không phải chất liệu hay quy trình sản xuất phức tạp mà ở vấn đề đầu ra. Thậm chí, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong vấn đề thuyết phục khách hàng nội địa. Vì thế, có giai đoạn, tôi liều mạng đầu tư container chở hàng qua Âu châu đấu giá. Cũng may mắn, bên ấy ý thức về môi trường, chất liệu tốt cùng tính thẩm mỹ cao nên họ chấp nhận. Đến bây giờ, chúng tôi đã có khoảng 7 container chở nội thất qua nước ngoài, và hiện trưng bày ở một số gallery như Maison Gerard Paris, Valerie Goodman (USA).

Bởi vậy, khi anh em nghệ sĩ trong nước bước vào nghiên cứu và đào sâu về sản phẩm này, nếu không có khả năng đầu tư sẽ gặp khá nhiều thử thách. Hơn nữa, ngành này bắt buộc chúng tôi phải đi chậm chứ không thể quá nhanh.

Đã nghiên cứu thành công chất liệu carton thay thế, anh còn trăn trở và ấp ủ nghiên cứu chất liệu thay thế nào khác?

Đây là một câu hỏi rất hay vì thực sự, con đường nghệ thuật của tôi luôn đau đáu trong vấn đề tìm kiếm chất liệu thay thế bền vững. Cách đây không lâu, khi qua thị trường khó tính như Âu châu và Hoa Kỳ, họ đặt ra giả thiết về việc sáng tạo một hũ cốt có thể tan trong nước trong vòng 10 đến 15 phút mà không gây hại đến môi trường. Tôi cũng mày mò nghiên cứu và sau đó sáng chế ra một hũ cốt làm từ cát và keo thực phẩm, tan trong nước trong vòng 7 phút. Ai ai cũng bất ngờ và họ hy vọng tôi có thể sản xuất sản phẩm này với quy mô lớn hơn.

Con đường nghệ thuật của tôi luôn đau đáu trong vấn đề tìm kiếm chất liệu thay thế bền vững.

Dần dần, sáng tác nghệ thuật của tôi gắn liền với những cuộc nghiên cứu về chất liệu thay thế nhựa, nilon, để mang đến những sản phẩm vừa có tính ứng dụng cao, vừa thân thiện với môi trường vừa đáp ứng thẩm mỹ nghệ thuật. Con người đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, mực nước biển dâng, nếu có thể dùng sáng tạo nghệ thuật để hạn chế điều đó thì còn gì tuyệt vời bằng.

Cám ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị và chân thành!


 
Back to top