ART & CULTURE

Nghệ thuật Việt Nam muốn vươn tầm thế giới, cần biết rõ mình ở đâu

Jul 25, 2021 | By admin

Những năm gần đây, hoạt động nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Mỗi cuối tuần, người yêu thích nghệ thuật phải đắn đo giữa các triển lãm cùng diễn ra trên các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các không gian văn hóa nghệ thuật nỗ lực tổ chức sự kiện một cách đều đặn với mong muốn tạo đất cho nghệ sĩ trẻ đưa tác phẩm của mình tới công chúng. Nhưng làm thế nào để mang nghệ thuật ấy vượt qua biên giới Việt Nam vẫn đang là một câu hỏi “đương đại”. 

vcca, commercial, event, concert, classical

Nghệ thuật đương đại của Việt Nam đang ở đâu

Xuất phát từ câu hỏi ấy, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (VCCA) đã tổ chức một buổi trao đổi với chủ đề: MỞ ĐƯỜNG | Đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới, với hai nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh và Hà Mạnh Thắng cùng sự dẫn dắt của giám tuyển Đỗ Tường Linh. Từ những kinh nghiệm thực hành cá nhân và những thành tựu đã đạt được trên thế giới, hai nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh và Hà Mạnh Thắng đã cùng đưa ra nhìn nhận, đánh giá về vị thế của nghệ thuật đương đại, sức sáng tạo và xu hướng vươn xa hơn của nghệ sĩ Việt Nam trong tương lai. 

Buổi trò chuyện diễn ra theo hình thức đối thoại giữa nghệ sĩ và khán giả, thẳng thắn và cởi mở. Khán giả chủ yếu là những nghệ sĩ trẻ đang hoạt động nghệ thuật tích cực ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có cùng mối quan tâm về định vị bản thân và tầm nhìn hướng ra quốc tế. 

Định vị bản thân thế nào cho đúng 

Em là một họa sĩ trẻ, hiện tại em đang thử sức với rất nhiều thể loại vẽ khác nhau. Vậy thì việc cam kết bản thân vào một thể loại nhất định để xác định danh tính của mình trong thị trường thì có cần thiết không? Khi nào trong sự nghiệp thì cần có việc đó? Khi nào một nghệ sĩ nên có một solo show?

Lê Quang Đỉnh: Tôi nghĩ là việc tập trung vào một chủ đề là đúng, vì nếu bạn vẽ theo hứng mỗi thứ một chút, tôi sẽ không biết được bạn là ai, mối quan tâm của bạn là gì. Bạn nên nghiên cứu, đọc thật sâu về câu chuyện của mình. Những gì mình có trong đầu, có trong tim (mà nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ hay gọi là feeling) nó hoàn toàn không đủ. Như cá nhân tôi, với mỗi chủ đề triển lãm, tôi sống với nó 2-3 năm, 5-6 năm, thậm chí nhiều hơn cho tới khi tôi đủ hiểu nó sâu sắc thì mới bắt tay vào làm triển lãm. Thậm chí làm xong tôi thấy nó thiếu thì lại tiếp tục làm nhiều năm sau đó. Điều quan trọng nhất là sự quan tâm sâu sắc với chủ đề của mình. Với những ý tưởng, bạn cần tìm hiểu thật sâu, rồi hãy bắt đầu làm tác phẩm, và thường là hãy dành tới 2-3 năm cho một buổi triển lãm. 

Tác phẩm khắc họa thực tế đầy ám ảnh của khủng hoảng nhập cư hiện đang diễn ra tại châu Âu, có tên Adrift in Darkness / Trôi trong Đêm đen của nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh.

Hà Mạnh Thắng: Việc làm một triển lãm cá nhân giống như một business cá nhân mà thôi. Chúng ta cần biết rõ thời điểm nào nên làm, làm với ai, không gian nào, đồng vốn (ở đây không chỉ là tiền, mà quan trọng là thời gian chúng ta có thể dành cho nó, chúng ta có khách hàng nào, thậm chí phải nghiên cứu cả việc khách hàng nào có thể mua, mua với giá bao nhiêu tiền). Chúng ta phải xác định bản thân chưa là gì cả, phải nỗ lực hết khả năng, và tính toán thật kĩ lưỡng. Chúng ta cần tránh hi vọng để sau đó thất vọng.

Rất nhiều bạn trẻ ở đây đang thực hành nghệ thuật độc lập. Không ít những nghệ sĩ trẻ, học trong trường đã bị ấn tượng bởi những hình ảnh nghệ sĩ lặng lẽ, độc lập và có suy nghĩ: “Tôi hay thì họ sẽ tự tìm đến”. Các anh chia sẻ gì về điều này?

Lê Quang Đỉnh: May mắn là một yếu tố giúp thành công khi tác phẩm xuất hiện trúng bối cảnh, song lựa chọn xây dựng câu chuyện nghệ thuật ấy như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào độ nhạy của nghệ sĩ. Loạt tác phẩm tranh đan của mình ngay khi xuất hiện đã thu hút sự chú ý khi lọt đúng vào cuộc tranh luận vốn rất gay gắt về bản sắc, căn tính của người thiểu số ở Mỹ. Từ trước đến nay chúng ta cứ xây dựng hình tượng nghệ sĩ độc lập làm việc, tác phẩm hay thì người ta tự tìm đến, nhưng thực tế, tác phẩm có hay đến mấy mà không được đặt đúng chỗ thì cũng không ai biết đến mình. 

Tác phẩm tranh đan – góc nhìn về chiến tranh làm nên tên tuổi Lê Quang Đỉnh khi còn là sinh viên.

Ở Việt Nam tôi thấy cơ sở hạ tầng chưa đủ mạnh để giúp họa sĩ có thể ra với thế giới dễ dàng. Ở Châu Âu, có rất nhiều bậc thang để giúp nghệ sĩ, từ những không gian triển lãm nhỏ (được chính phủ hỗ trợ) tới các viện bảo tàng ở những quy mô khác nhau. Ở đây, họa sĩ mới ra trường rất ít ai biết, chính phủ cũng chưa nghĩ tới việc hỗ trợ những không gian nghệ thuật nhỏ như thế để tạo tiền đề cho các nghệ sĩ mới.

Hà Mạnh Thắng: Năm mình ra trường là 2004 thì mình đã sống bằng việc bán tác phẩm từ hồi sinh viên. Triển lãm của mình lần đầu tiên ở nước ngoài là năm 2008 ở Singapore. Rất may mắn là trước khi triển lãm đã bán được hơn nửa số tác phẩm. Đó là nhờ sự chuẩn bị kĩ lưỡng của khâu tổ chức vài năm trước đó. Những bước đầu tiên ra nước ngoài, việc định vị bản thân rất quan trọng. Mình tin rằng sự quảng bá bản thân nó dựa vào sự chuyên nghiệp, thói quen sống, hành vi, lối sống của chính mình.

Các Gallery tìm đến các anh hay các anh tự đi tìm?

Hà Mạnh Thắng: Chúng ta phải hiểu rằng Artwork là một loại hàng hóa đặc biệt. Và mỗi Gallery sẽ tìm hiểu khả năng thương mại của tác phẩm đó tới đâu phù hợp với nhóm khách hàng của họ. Việc tốt nhất chúng ta có thể làm đó là làm tác phẩm thật tốt. Điều thứ hai là chúng ta biết mình ở đâu. Có một số bạn trẻ để giá lúc mới ra trường là 5 ngàn đô, 3 năm sau giá lên tới 3 lần, vậy ai sẽ là người trả giá cho tác phẩm đó trong khi bản thân chúng ta chưa được ghi nhận về sự nghiệp. 

Bức tranh trong bộ tác phẩm “Phương Bắc xa khuất” của họa sĩ Hà Mạnh Thắng.

Lê Quang Đỉnh: Mình cứ làm thật tốt việc của mình, rồi hãy tham gia những không gian nhỏ, đừng vội vàng tìm đến những Gallery thương mại. Bản chất của các Gallery thương mại họ bán hàng, và họ muốn mình vẽ những thứ họ bán được. Nếu mình tham gia Gallery đó thì cần rất cẩn thận, nên đặt câu hỏi mình muốn gì trong sự nghiệp của bản thân. Đừng nôn nóng lao vào những Gallery thương mại chỉ vì thấy họ vừa bán bức tranh cho bạn mình với giá mười ngàn. Nó sẽ phá hoại sự nghiệp và hướng đi của mình lâu dài.

Vấn đề định giá tác phẩm, làm sao để một nghệ sĩ trẻ định giá tác phẩm của mình? 

Lê Quang Đỉnh: Nhiều họa sĩ ở Việt Nam tranh bán cả trăm ngàn đô mặc dù ở nước ngoài họ chưa hề có tên tuổi. Vì thế khi họ bước ra nước ngoài, các nhà giám tuyển, bảo tàng sẽ tự hỏi đây là ai, tại sao lại có mức giá cao như thế, và họ sẽ bỏ qua. Đa số một họa sĩ mới bắt đầu tác phẩm của họ chỉ bắt đầu từ 2 ngàn đô, sau đó có những triển lãm, nhận được sự quan tâm, đánh giá của giới chuyên môn thì mới dần dần đi lên được. Một nghệ sĩ cần có một mạng lưới hỗ trợ gồm có nhà sưu tầm, nhà giám tuyển, khán giả tạo thành một cái nền tảng để đi từng bước . Có một số họa sĩ ở Mỹ khi mới ra trường bị một số nhà sưu tầm đầu tư thổi giá tác phẩm rồi tung ra bán kiếm lời, đa số những họa sĩ đó tranh của họ mất đi giá trị hoàn toàn và bị phá hủy sự nghiệp. 

Điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn. Cứ từ từ. Các bạn trẻ hãy tin là sự nghiệp của mình còn rất dài, có thể tận 50 năm nữa. 

Hà Mạnh Thắng: Trước đây mình có tham gia những Gallery Art Fair với sự góp mặt của nhiều Gallery trên thế giới.  Nghệ sĩ cần có sự hiểu biết rõ ràng về sự kiện mình sẽ tham gia triển lãm, biết về tệp khách hàng của mình, biết về các yếu tố lịch sử và xã hội của nơi diễn ra Art Fair. Khách hàng của Nhật sẽ muốn mua gì, khách hàng ở Đài Loan sẽ muốn mua gì… để đặt mình vào đúng vị trí.
Giá trị tác phẩm của nghệ sĩ nhiều khi không phải do họ quyết định mà có khi là do khách hàng của họ. Nghệ sĩ trẻ cần sự kiên nhẫn, đặc biệt là trung thực với chính mình và khách hàng của mình. Thời gian đầu nhiều người cần phải chắt chiu, tích lũy về kinh tế. Sự trung thực theo thời gian là thước đo về giá trị của nghệ sĩ. 

Có khung cơ bản nào để một nghệ sĩ định vị giá trị của bản thân không?

Lê Quang Đỉnh: Mình nghĩ là không có cái khung nào cả. Mình chỉ nên trao đổi với cộng đồng để biết mình đang ở đâu và học hỏi. Điều quan trọng là sự đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ. 

Lần đầu tiên mình bán được tranh đó là khi mới ra trường, mình có một triển lãm ở New York. Khi ấy có một họa sĩ thích tác phẩm của mình và giới thiệu cho một cái Gallery rất nhỏ phi lợi nhuận đây. Đến một ngày nhận được cuộc điện thoại của một người muốn mua tranh của mình, mình mới biết đó là đạo diễn Gus Van Sant. Mình lúc đó còn rất trẻ nên chưa biết định giá và thống nhất với mức giá 2 ngàn rưỡi đô. Đây là một kỉ niệm vui nhưng mình muốn nhấn mạnh các nghệ sĩ trẻ đừng nghĩ rằng những không gian nhỏ, phi lợi nhuận là không bằng những không gian lớn, sang trọng.

Tác phẩm “Người nông dân và máy bay trực thăng”  của nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh – Trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA, Hoa Kỳ).

Hà Mạnh Thắng: Mình cho rằng mỗi nghệ sĩ có một cơ hội riêng, một cách thực hành riêng. Quan trọng là tác phẩm tốt để khi có cơ hội mình sẽ có cơ sở để nắm bắt. 

Những khó khăn của nghệ sĩ Việt Nam mắc phải khi đưa tác phẩm ra nước ngoài

Hà Mạnh Thắng: Mình nghĩ là đầu tiên phải xem chính tác phẩm đó có đủ chất lượng để đi vào thị trường đó không. Ngoại ngữ mới là bước thứ hai.

Tác phẩm “Nghiên cứu bệ sen cổ” của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng.

Lê Quang Đỉnh: Nên biết đánh giá thị trường nào phù hợp với tác phẩm của mình, vì thị trường nghệ thuật thế giới rất đa dạng. Mình nghĩ là mình phải làm một cái nền móng thật vững chắc rồi mới nên nghĩ tới việc ra nước ngoài.

Sự khác nhau về đánh giá một tác phẩm giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế?

Lê Quang Đỉnh: Nhiều họa sĩ mình gặp thường định giá tác phẩm bản thân bằng cách xem bạn mình bán được bao nhiêu hoặc các họa sĩ vẽ chủ đề tương tự thế nào. Với mình đây là cách đánh giá rất sai lầm, vì mỗi nghệ sĩ có một giá trị nghệ thuật khác nhau. Ở nước ngoài thì đa số được đánh giá dựa trên kinh nghiệm triển lãm của nghệ sĩ đó, các nhà báo chuyên phân tích về mỹ thuật, các nhà giám tuyển đánh giá. Ở Việt Nam thì chúng ta chưa có những điều đó. Ở đây mình chưa có cơ sở hạ tầng đầy đủ gồm có nhà báo, tạp chí phê bình một cách có tâm và có tầm về một triển lãm. Ở đây chúng ta sợ chê, sợ tổn thương người họa sĩ. 

Hà Mạnh Thắng: Nghệ thuật là dạng tích lũy tài sản một cách nào đó. Sau bao cấp chúng ta hình thành một nhóm khách hàng mới, trẻ hơn, có sức mua tốt hơn. Việc hiểu biết về khách hàng chính là sự tôn trọng dành cho họ.

Nghệ sĩ có nên tách bạch việc theo đuổi nghệ thuật vì đam mê hay vì thương mại không? 

Lê Quang Đỉnh: Đam mê đi trước nhưng cần đầu óc thương mại. Những họa sĩ thành danh họ đam mê sáng tác nhưng lại rất biết thương mại. Đa số nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội rất là lãng mạn khi làm nghệ thuật, thiếu sự chuyên nghiệp. Một số bạn nước ngoài trêu đùa với mình rằng, họa sĩ trẻ ở Việt Nam bán được một tác phẩm với giá 3 ngàn đô thì thay vì họ tập trung vào đầu tư, sáng tác tiếp thì họ lại đi du lịch trải nghiệm tìm cảm hứng. Chúng ta cần thêm sự chuyên nghiệp.

Hà Mạnh Thắng: Khi mình tạo ra một tác phẩm, muốn bán được thì cần có một vài tiêu chuẩn nhất định: Thẩm mỹ, tính bền vững, và hiểu biết về thị trường. Ngay từ bước ban đầu chúng ta phải hiểu rằng chúng ta đang làm một món đồ, một bàn tay của nghệ nhân và đầu óc của một nghệ sĩ.

  • Lê Quang Đỉnh, sinh năm 1968 ở Hà Tiên, Việt Nam. Ông theo gia đình sang Mỹ khi còn rất trẻ. Tác phẩm của ông được trưng bày trong những tổ chức danh tiếng như MoMA ở New York, bảo tàng Mỹ Thuật ở Houston, Whitechapel Gallery ở Luân Đôn và dOCMENTA(13) ở Kassel và nhiều nơi khác. Năm 2015, bảo tàng nghệ thuật Mori ở Tokyo đã tổ chức buổi triển lãm để hồi tưởng những tác phẩm của ông. Hiện nay, ông đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng là nơi ông đồng sáng lập ra cộng đồng nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận Sàn Art vào tháng 10 năm 2007.
  • Sinh năm 1980 tại tỉnh Thái Nguyên, Hà Mạnh Thắng là một trong những họa sĩ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Mạnh Thắng đã từng được giới thiệu bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng như Gerhard Richter, Marlene Dumas và Peter Doig trong một vài ấn phẩm quốc tế bao gồm ‘Painting Now’ (Thames and Hudson, 2015) và ‘Painting Today’ (Phaidon, 2009). Những tác phẩm của Hà Mạnh Thắng được sưu tầm bởi các bộ sưu tập công cộng và tư nhân khắp thế giới bao gồm National Art Museum tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Singapore Art Museum tại Singapore; bộ sưu tập Post-Vi Dai, Geneva, Thụy Sĩ và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Hà Mạnh Thắng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

 


 
Back to top