ART & LIFE

“Những ngả đường sơn mài” của 10 họa sĩ Việt tài năng

Mar 22, 2022 | By Trang Ps

“Những ngả đường sơn mài”, triển lãm nhóm của 10 họa sĩ Việt tài năng, diễn ra từ ngày 22/03/2022 đến 29/3/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội.

Tranh của Nguyễn Xuân Lục.

10 họa sĩ tham gia triển lãm bao gồm Lý Trực Sơn, Nguyễn Văn Bảng, Trần Tuấn Long, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Cường, Cấn Mạnh Tưởng, Nguyễn Đức Đàn, Trần Ngọc Hưng, Nguyễn Đình Văn, Nguyễn Xuân Lục. Dù đặc trưng sáng tác của mỗi người mỗi khác nhưng họ đều có điểm chung là sức sáng tác nghiêm túc, bền bỉ, luôn sáng tạo hết mình trong dòng chảy hội họa sơn mài.

Tranh của Nguyễn Xuân Lục.

Nguyễn Xuân Lục đưa người xem bước vào thế giới trừu tượng nguyên sơ mà mang chiều sâu thăm thẳm, một đặc tính mà sơn mài thường biểu lộ mạnh mẽ và cá tính nhất. Như từ một mảng màu chính, Lục biến độ đậm – nhạt của màu chính này thành chiều sâu – nông cho tổng thể, để ta có cảm giác như mình đang bước vào cuộc trải nghiệm thế giới huyền bí.

Tranh sơn mài của Nguyễn Văn Bảng.

Nguyễn Văn Bảng mang đến những bảng màu sơn mài trong hình tượng thiên nhiên ban sơ tuyệt đẹp. Những điều gần gũi mộc mạc được anh thể hiện bằng tình yêu dạt dào khiến cho cảnh trở nên tràn đầy sức sống và như thể múa nhảy trước đôi mắt chiêm ngưỡng của chúng ta.

Tranh của Lý Trực Sơn.

Sơn mài của Lý Trực Sơn cũng chạm đến đến cái lặng và sâu của chất liệu. Và qua cái tĩnh và lắng này, anh như lột tả được những cung bậc mầu nhiệm, huyền ảo và lung linh của thực tại.

Tranh của Nguyễn Tuấn Cường.

Chất cổ xen lẫn âm u được bộc lộ rõ nét trong tranh sơn mài của Nguyễn Tuấn Cường. Thế nhưng trong sự ma mị và tính “tro tàn” ấy ẩn hiện sự sống hay cuộc tái tinh trỗi dậy của sự sống. Mong manh và mạnh mẽ, sáng và tối, âm u và tĩnh mịch, động và tĩnh… được Cường lột tả tinh tế trong loạt tranh mang đến này.

Tranh của Nguyễn Mạnh Cường.

Trong 10 họa sĩ, sơn mài của Nguyễn Mạnh Cường có vẻ là một lối đi riêng ra khỏi cái trừu tượng, hay tính sâu – lắng của chất liệu. Hình tượng trên tranh như những “quái vật” hay những “tế bào” được phóng to, để qua đó ta được chiêm ngưỡng hay đặt câu hỏi về những thế giới khác.

Tranh của Nguyễn Đức Đàn.

Như những mảnh ghép của thân phận, Nguyễn Đức Đàn khiến khán giả suy tư về những con người với những đặc trưng vận mệnh khác nhau để qua đó, ta nới rộng tâm hồn mình mà lắng nghe và thấu hiểu cho họ.

Tranh của Trần Tuấn Long.

Sơn mài của Trần Tuấn Long hướng đến việc lột tả chân dung thân phận “cực thực” được thể hiện trong hoàn cảnh thực tế, để qua đó ta có dịp ngắm nhìn lại cuộc sống mỗi ngày đang chảy trôi quá chóng vội.

Tranh của Cấn Mạnh Tưởng.

Dịu dàng và mơ mộng, huyền ảo và thực tế, đó là những gì tôi nhìn thấy trong hội họa sơn mài của Cấn Mạnh Tưởng. Anh mang đến cho ta thấy một “thực tại trôi”, nơi dòng chảy con người nói riêng và vạn vật đều diễn ra một cách khó lường đến nỗi không thể nào nắm bắt. Và trong cái thực tại vô thường ấy, có những người lại chọn cho mình một thái độ sống khác nhau, nhưng rồi rốt cuộc, những gì đã qua thì chỉ là ký ức, tại sao không trở về hiện tại?

Tranh của Trần Ngọc Hưng.

Sơn mài của Trần Ngọc Hưng phóng túng hơn cả. Sự phóng túng trong bút pháp, trong hình tượng, trong cách mơ mộng… Tôi nghĩ vậy. Có lẽ, người họa sĩ này cũng đang “phá” trong trí tưởng tượng của mình.

Tranh của Nguyễn Đình Văn.

Trừu tượng của Nguyễn Đình Văn vừa gai góc vừa mềm mại, vừa nghiêm khắc vừa nhẹ nhàng,… Chính những đặc tính đối lập này khiến cho hội họa sơn mài của anh tạo dựng được một lối đi riêng đầy cá tính.


 
Back to top