ART & LIFE / Sự kiện

Thưởng lãm nghệ thuật cùng “Xướng ca cho ai?” và “Lặng yên san sát”

Nov 01, 2019 | By Trang Ps

Vào 18g00 ngày 08/11/2019, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory khai mạc hai triển lãm: “Xướng ca cho ai?” – triển lãm nhóm của Phan Anh, Trần Minh Đức, và Ngọc Nâu, cùng “Lặng yên san sát” của Đặng Thuỳ Anh. Hai sự kiện diễn ra đến hết 19/11 này.

“Xướng ca cho ai?”

Tiêu đề của triển lãm ‘Xướng ca cho ai?’ là lời cải biên từ một câu thành ngữ, ngụ ý chỉ người hào hứng dùng lời ca tiếng hát nhằm thuyết phục đám đông theo ý tưởng của mình. Tuy nhiên, mặc dù người nghe có vẻ đã hoàn toàn hưởng ứng (thông qua cách họ hòa nhịp cùng ca từ trang nghiêm và điệu bộ cơ thể đầy tự tin của người diễn thuyết), anh ta vẫn tiếp tục ngân vang, không chú tâm đến phản ứng của họ.

Liệu điều này có nghĩa là anh ta không không tin tưởng họ? Liệu những hành vi theo thói quen trong thực hành tín ngưỡng có thể hiện sự hiểu biết thực chất về mục đích đằng sau tín ngưỡng đó? Liệu có đúng rằng (hay, tại sao) các tín ngưỡng luôn cần được thực hiện trong/bởi một tập thể?

Triển lãm nhóm lần này đưa ra ba chiều suy ngẫm về cùng câu hỏi trên, từ ba góc nhìn nghệ thuật riêng biệt của Phan Anh, Trần Minh Đức và Ngọc Nâu. Mỗi quan điểm lại trình bày một cách hiểu về sự nỗ lực của nhân loại trong việc gán cho thế giới siêu hình một mục đích nào đó, như minh chứng cho ý nghĩa của cuộc sống uyển giao và sống sót.

“Lặng yên san sát”

Lặng Yên San Sát là triển lãm cá nhân đầu tiên của Đặng Thuỳ Anh trong hành trình nghệ thuật của cô với loài ốc bươu vàng, những sinh vật đã cùng với cô nghiền ngẫm suốt hai năm qua về ảnh hưởng của đô thị hoá lên đời sống con người.

Trong triển lãm này, trái với kỳ vọng của một vật phẩm nghệ thuật thường tĩnh, mãn nhãn,ốc bươu vàng lại là một vật thể hiếu động, tinh quái, luôn thay hình đổi dạng và không ngừng biến động khó lường theo từng ngày triển lãm. Cũng tương tự như trong đời sống tự nhiên khi được đưa vào Việt Nam những năm 1980 để làm thức ăn cho gia súc, ốc bươu vàng bỗng chốc trở thành hiểm họa đối với nền nông nghiệp khắp cả nước, phá hoại mùa màng, làm khổ chúng sinh.

Chính bởi đặc tính bất chấp tất cả để sinh trưởng cũng như hiện diện thị giác của loài nhuyễn thể này, mà Thuỳ Anh thấy đây chính là một phản ảnh vừa phi lý, vừa thi vị về con người trong cuộc đua tiềm tàng và dự cảm không lành hướng tới sự phát triển, nhưng cũng dần dẫn họ tới vực thẳm ngày tàn.


 
Back to top