Nghệ thuật

Gentleman Issue: Divo Tùng Dương – 20 years of Glory

Nov 13, 2022 | By Nguyen Huu Hon

Hai thập kỷ là nhiều, nhưng nhìn lại cũng đáng là bao nhiêu, khi tiếng hát biết cách tồn tại bản nguyên để vượt lên trên thời gian. Đấy chính là câu chuyện âm nhạc và hành trình nghệ thuật của danh ca Tùng Dương, người duy nhất được công chúng ưu ái gọi là DIVO của Việt Nam.

20 năm tiếng hát “đi nghiêng”

Xin chào anh Tùng Dương! Lời đầu tiên xin cảm ơn anh đã trò chuyện cùng Men’s Folio Vietnam. Một câu hỏi mở đầu rất thân quen trong mọi cuộc phỏng vấn, nhưng để khởi động, thì tôi muốn hỏi cảm xúc của anh khi nhìn lại hành trình âm nhạc 20 năm qua?

Nhìn lại 20 năm qua, tôi luôn thấy rất hạnh phúc vì mình trẻ ra (cười). Nếu bắt gặp lại hình ảnh một Tùng Dương chân ướt chân ráo của “Sao Mai điểm hẹn” trước kia thì tôi còn thảng thốt vì sự thay đổi đáng kể của mình. Tôi chỉ biết rằng động lực lớn nhất của tôi để thay đổi sau 20 năm “lão hóa ngược” (cách mà bạn bè và các fan hay gọi), vẫn trẻ trung đầy năng lượng ấy đó chính là được tung tẩy với vụ trụ của riêng mình, một hành trình âm nhạc không có hồi kết. Tôi cứ đi dần đi dần để khám phá và chiêm nghiệm.

Nhạc sĩ Trần Tiến viết bài Ra ngõ tụng kinh với câu mở đầu: “Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc, em chưa biết đọc em nằm nghiêng”. Câu này khiến tôi liên tưởng về hành trình của anh Tùng Dương. Đầu tiên cá nhân tôi thấy rằng 20 năm qua, âm nhạc của anh vẫn giữ một sự nguyên sơ về mặt cảm xúc, luôn khát cháy và bùng nổ, như người em mãi “chưa biết đọc” vậy. Thứ nữa, “đi nghiêng” là đi toả rộng ra, sự ảnh hưởng của anh thực sự đi theo chiều rộng như vậy. Anh có đồng ý với nhận định này không, thưa anh? Và nếu câu hỏi thứ nhất ta nghe cảm xúc của anh Tùng Dương, thì một sự nhìn nhận lý tính về hành trình này ra sao?

Bản thân bố Tiến thi thoảng vẫn “đi nghiêng” đấy, vì “rượu một mình biết cạn cùng ai?” (cười). Tôi thì chọn đi về phía trước dù là nghiêng hay thẳng. Tôi trân trọng quá khứ nhưng nếu sau ngần ấy năm mà tôi vẫn cứ mộc mạc như thời Sao Mai thì chắc là tôi đi lùi thật (cười). Nghệ sĩ thì chỉ nên lơ ngơ ít chứ đừng lơ ngơ quá mà đâm ra mãi chẳng chịu lớn. Muốn phát triển, cách tân thì cũng phải oằn mình, gò ép mình và cực kỳ lý trí.

Tôi nghĩ một người luôn dũng cảm “mở toang” chính mình với tinh thần “Free & Open minded”, không ngại học hỏi, từ thế giới quan, vũ trụ quan đến nhân sinh quan; từ bản thể luận đến nhận thức luận… Tóm lại, tôi cứ nghĩ mình sống len lỏi trong nhiều mặt của đời sống nên cứ bóc dần từng lớp vỏ của mình cho đến khi về thể nguyên bản. Khi ấy Tôi đã là một Tôi khác!

Tạm gác về việc anh Tùng Dương xuất thân từ gia đình có truyền thống về nghệ thuật tại Hà Nội. Anh có bao giờ tự lý giải xem vì sao 20 năm trước mình lại bén duyên và quyết định lao động nghệ thuật một cách chuyên nghiệp chưa?

Mọi sự đến với tôi đúng là định mệnh. Nghĩ lại thì ông trời cho mình tố chất là giọng hát, cũng chẳng có lựa chọn gì tốt hơn đâu. Cái gì năng lực tốt nhất thì làm thôi. Tôi hát đúng giai điệu từ khi 4 tuổi, nhún nhẩy bốc hơn người lớn khi nghe thấy tiếng nhạc radio nhà hàng xóm phát ra. Cứ thế, cả tuổi thơ của tôi được chìm trong “bầu khí quyển của âm nhạc” khi tôi dùng chiếc lược của mẹ làm micro, cửa sổ và chiếc màn làm phông sân khấu, rồi tự lấy bát và đũa đánh theo nhịp và hát. Khán giả khi ấy là trẻ con hàng xóm cùng lứa. Cứ như vậy tôi lớn lên được dung dưỡng trong môi trường của âm nhạc.

Lúc 12 tuổi, ông trẻ tôi – nhạc sĩ Trần Hoàn sau khi nghe tôi hát và nhận xét: “cháu có giọng và tố chất nghệ sĩ, nhưng trở thành nghệ sĩ đích thực thì phải nỗ lực lắm. Nghệ thuật khắc nghiệt và chông gai. Ông nghĩ cháu không theo được!”. Vậy là trước câu nói của ông, tôi như nung nấu giấc mơ được làm nghệ thuật và cũng thử thách mình, dù tâm niệm lời ông khuyên bảo nhưng cuối cùng tôi đã đạt được giấc mơ nghệ thuật của mình.

Công chúng Việt Nam gọi anh là DIVO, nhưng nếu DIVA có tới 4 nữ danh ca thì DIVO có mình Tùng Dương. Anh có thấy mình đơn độc không thưa anh? Và sự độc hành này có là chất xúc tác đẩy anh thăng hoa trong sáng tạo suốt 20 năm qua?

Đơn độc như vậy thì tôi phải “sướng” chứ, vì có mỗi Tùng Dương được ghi nhận là Divo cơ mà (cười). Tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào danh hiệu mà khán giả, giới chuyên môn yêu quý gọi tên thì rất dễ làm cho người nghệ sĩ ảo tưởng. Tôi chưa bao giờ phấn đấu vì các danh hiệu hay các giải thưởng và luôn tỉnh táo biết mình đang ở đâu. Một câu hỏi tôi luôn tự chất vấn mình là “cậu đã sáng tạo và khám phá hết khả năng chưa?”. Đó là mới là điều để nghệ sĩ tồn tại.

Tự vỗ ngực nhận đỉnh cao và tự sướng với các danh hiệu đó là sự tụt lùi thật. Độc hành hay đơn độc trong nghệ thuật thì có khi phát tiết và tạo ra được nhiều giá trị, tôi ủng hộ và thích nghệ sĩ sống, đối mặt và giải quyết theo cách đơn độc của họ. Để tìm thấy chính mình, hãy biết cách suy nghĩ độc lập. Có khi bế tắc lại giúp họ thật sự thú vị!

Hỏi thực lòng, trong suốt 20 năm qua, đã bao giờ Tùng Dương cảm thấy bị chênh vênh không biết phải làm gì với âm nhạc hay chưa? Và đâu là thời điểm anh cảm thấy mình thực sự tìm được bản sắc riêng (là một Tùng Dương) như hiện nay?

Người ca sĩ cũng giống như nghệ sĩ xiếc luôn phải giữ “thăng bằng trên dây”. Khi người ta có niềm tin, sự quyết liệt và đam mê rồi thì sẽ dễ dàng chế ngự để không thấy chênh vênh nữa. Bạn còn thấy chênh vênh là bạn còn thiếu tự tin và tự chủ. Tôi nghĩ ở tâm thế của mình hiện tại, thì nếu có chênh vênh là vì quá nhiều thứ hay ho để lựa chọn, mà tôi thì muốn làm hết. Từ việc tự làm nhà sản xuất âm nhạc cho tới tổ chức sản xuất các liveshow, album rồi còn muốn nhảy qua sáng tác bài hát cho mình nữa, nói chung không đa-zi-năng không phải là tôi (cười). Bản sắc là cả một sự tổng hòa đã gột nên theo năm tháng, Nó dày đặc lên tạo thành hệ tư tưởng của người nghệ sĩ. Tôi vui vì đã bộc lộ bản sắc rất rõ của mình, mà tôi chưa bộc lộ hết đâu nhé! Cứ chờ đi!

Và cá nhân tôi thấy rằng, Tùng Dương là người vốn đã có nhiều thành tựu, nhưng anh dường như không ngừng thay đổi để phù hợp với từng thời điểm, minh chứng là cho đến tận gần đây, việc Tùng Dương “đi qua thung lũng” gây sốt mạng xã hội. Đó là điều mà nhiều nghệ sĩ gạo cội thấy khó. Anh có thể lý giải về điều gì khiến anh trường sức như vậy?

Tôi vẫn thích nhất là được hát ca khúc sáng tác cho chính mình, phù hợp với “tạng” của mình chứ không hẳn là chỉ thích đi cover nhạc của người khác. Cover nhạc là xu hướng giúp cho các phiên bản thêm nhiều màu sắc, sáng tạo thêm cho mỗi tác phẩm. Nếu làm khác họ mà vẫn hay thì hãy làm chứ đừng để rơi vào thế bị so sánh với bản gốc. Cái tôi mong là những bài rất “unique” (độc đáo) của tôi trở thành bài quốc dân kia kìa. Nhưng chắc là khó lắm, nó chỉ luôn là hit của riêng tôi khi mà ít người cover lại. Có chăng chỉ là trong các cuộc thi hát (cười).

Sự trường sức của một người nghệ sĩ đến từ việc anh ta “thai nghén” quá nhiều ý tưởng để rồi phải tự giải quyết nó dần dần hoặc tìm tới những cộng sự phù hợp để cộng tác. Có một điều chung là các nghệ sĩ giải trí hay vị nghệ thuật thời nay đều phải thức thời, hoặc ít nhất cũng phải bắt “trend” (xu hướng) không thì mình lại lạc lõng giữa thị trường âm nhạc.

Trong lối biểu đạt tác phẩm, năng lượng của Tùng Dương khi sâu thẳm, khi bùng nổ, nhưng luôn có độ chắc chắn của người đàn ông. Anh có thể chia sẻ về chất đàn ông trong hoạt động nghệ thuật của anh được không?

Tôi nghĩ đàn ông làm nghệ thuật phải đi hết được ngóc ngách phiêu linh của anh ta và phải thể hiện “cái vóc”. Đã nhiều lần tôi từng đề cập tới “cái vóc” của một người nghệ sĩ, anh ta hát hay thôi chưa đủ, cái quan trọng là thông điệp, tính triết lý từ việc chọn tác phẩm, từ những sản phẩm, từ cách xây dựng hình ảnh, cách tham gia mọi hoạt động xã hội có ý nghĩa với cộng đồng…chứ hoàn toàn không phải bề nổi ồn ào. Và khi sống, phải mang khí chất của một quân vương.

Qua những chia sẻ từ đầu đến giờ, chúng ta đã gợi lên một vị thế của một nghệ sĩ tạo dấu ấn nghệ thuật suốt 20 năm. Sự thành công của anh Tùng Dương là điều không cần bàn cãi, Việt Nam đã thực sự có một DIVO, nhưng đó là nhận định của tôi và công chúng. Còn anh, anh nhận định thế nào về thành công?

Muốn thành công thì khao khát thành công phải lớn hơn nỗi ám ảnh bị thất bại. Mức độ thành công được xác định không phải bởi những gì đã đạt được, mà bởi những thử thách ta đã vượt qua. Tôi cứ liều mãi rồi cũng thành quen. Mà đàn ông gan càng to thì cái sự liều lại càng lớn. Cái chết cũng chả sợ, chỉ tiếc không sống đủ để cống hiến mà thôi! Và tôi – Từ một người nhút nhát sợ sệt nhiều thứ đến giờ thì thấy chả sợ gì cả (cười). Phải chăng sau 20 năm đã tự tôi luyện!

Sự miệt mài đương đại

Phải nói rằng, DIVO Tùng Dương là một người nghệ sĩ âm nhạc đa-zi-năng. Để đa-zi-năng mà không “tẩu hỏa nhập ma” thì có lẽ anh đã tìm được sự cân bằng trong nghệ thuật và cả đời sống?

Cũng có lúc “tẩu hoả” đấy (cười). Ấy là lúc tôi phóng xe đi lạc đường và thường xuyên bị vợ mắng vì thói quen quên quên nhớ nhớ của mình. Nhưng giờ đây tôi nghĩ mình dần cân bằng hơn rồi! Trí nhớ ngày một tốt hơn để hoạch định công việc để suy tính mọi thứ. Làm việc luôn có mục đích và kế hoạch.

Cấu trúc âm nhạc của Tùng Dương vốn rất phức tạp. Thời trang của Tùng Dương trên sân khấu vốn rất cầu kỳ. Thế còn trong đời sống thường ngày, anh là người thế nào, thưa anh?

Không phức tạp, không khó đoán không phải Tùng Dương. Nhưng khi ấy là chỉ trên sân khấu thôi. Còn về với thực tại, khi cởi bỏ hết những bộ áo khoác lấp lánh “avant-garde” (tiền phong) của mình, thì tôi lại là một con người như bao người, đều nếm trải đủ dư vị của đời sống. Tôi luôn mang những suy nghĩ tích cực ngay cả khi phải tiếp cận những tư tưởng đen tối, cực đoan, thậm chí là đối nghịch trong nghệ thuật.

Người ta thường đặt ra một quan niệm mà tôi cho rằng hơi “buồn cười”, rằng những tác phẩm nghệ thuật hay người nghệ sĩ mang nhiều cảm quan của cái “tôi” thì khó tiếp cận đại chúng. Anh nghĩ sao về việc, trong nghệ thuật, mình càng đi sâu vào tim mình thì mình càng chạm tới được nhiều trái tim khác?

Đúng! Đó là vấn đề đối nghịch muôn thuở. Khi mà nơi sâu thẳm của người nghệ sĩ được khơi ra, ấy là lúc họ “long lanh” nhất vì được là chính họ. Dù khán giả có hiểu và đồng cảm hay không, nhưng họ vẫn phải làm. Vì bóc từng lớp vỏ của mình là sứ mệnh của người nghệ sĩ. Nhưng cái bi kịch của họ cũng chính là tự họ tạo ra. Và có thể, nó sẽ phủ nhận chính họ. Tôi nghĩ sự sáng tạo của nghệ thuật nghiệt ngã vô cùng. Nên tôi rất đề cao và trân trọng những cá nhân tự chán mình và dũng cảm “cởi bỏ” chính họ!

Thời gian gần đây, DIVO Tùng Dương đã vui mừng lên chức bố. Từ khi có em bé, cuộc sống của anh hẳn thay đổi nhiều, điều đó tác động thế nào đến âm nhạc và hoạt động sáng tạo nghệ thuật của anh?

Con cái là những kết quả tuyệt vời và là gia tài của cha mẹ. Cha mẹ cũng hoàn thiện chính mình từ thiên chức ấy. Tôi có được sự cân bằng, điềm tĩnh và bao dung từ khi tôi làm bố. Có một số bài hát mà chỉ khi làm bố rồi mới thấu hiểu tinh thần và hát đúng nó. Cái “vóc” nghệ sĩ của tôi được hoàn thiện cũng là nhờ một phần sứ mệnh làm cha trong đó mang lại.

Vậy nếu ngay lúc này anh được gặp một người đã không còn hiện hữu trên cuộc đời này nữa, anh sẽ mong muốn gặp ai? Và vì sao thưa anh?

Chắc chắn là ông trẻ của tôi – nhạc sĩ Trần Hoàn. Ông sẽ tự hào vì nỗ lực và khát khao cháy bỏng của thằng cháu gầy gò ốm yếu xưa kia. Trong liveshow sắp tới, tôi xin được hát tri ân một tác phẩm của ông, bài hát mà ông đã từng dạy tôi với cả tình yêu thương và niềm hy vọng.

Ở độ tuổi này, tôi xin phép anh được tạm gọi là “dần bước vào ngưỡng trung niên”, thực sự mà nói, anh có ngại học những cái mới không? Hay Tùng Dương sẽ duy trì như vậy để giữ vững ngôi cao? Bởi có lẽ gìn giữ hay đổi mới cũng đều có cơ hội và nguy cơ riêng.

Tôi vẫn đang thanh xuân đấy… và thanh xuân sẽ còn rất dài (cười). Nếu chỉ duy trì với “tôi” thì sẽ “đi ngang”. Tôi thì lại cứ muốn bước cao hơn, khó hơn, giống như cách tôi cố gắng đẩy quả tạ nặng hơn mỗi khi khi tập gym. Leo được những nơi cao hơn như núi thiêng ở hồ Namso (Tây Tạng), nơi mà tôi đã đặt chân đến và hát véo von bài “Trời và đất” trên độ cao hơn 5000m. Có những điều thật sự khó lý giải với cơ thể nhỏ bé của tôi, tôi thấy mình như được thụ nhận nguồn năng lượng rất lớn từ Trời Đất! Đó cũng là cách tôi tư duy cho nghệ thuật. Hãy làm những gì táo bạo thay vì đơn thuần chỉ là sự duy trì!

Và phải chăng sự lựa chọn của anh sẽ là hướng đi của Tùng Dương để ngày kỷ niệm 30 năm, 40 năm sự nghiệp, tôi vẫn còn có thể hỏi anh về sự miệt mài và thành tựu đương đại?

Nếu đến lúc đó tôi chưa bị… lẫn (cười). Tôi biết nhiều người lúc trẻ thông tuệ lắm mà về tuổi xế chiều họ lại chẳng nhớ gì cả. Tôi chỉ biết hy vọng sự vận động liên tục của não bộ sẽ giúp cho mình không bị quên những ký ức đã có. Trong bài hát “Gieo Mầm” mà tôi mới viết: “ Nhìn về quá khứ, nhặt tìm ký ức. Tràn về khuất lập, ngập đầy nỗi nhớ. Hình hài u mê, tan trong khoảnh khắc hoan ca. Nhìn về tương lai, rồi lại phôi thai, từng đợt sóng vỗ, đời người hư vô, ta gieo mầm sống trong Ta…”. Cứ được hoan ca là tôi lại “hồi Xuân”! (cười)

Bài: Nam Thi
Nhiếp ảnh: Trí Nghĩa
Stylist: Nhật Thiện
Trang điểm: Quí Đoàn
Làm tóc: Gill Nguyễn
Trang phục: Jaydee Đạt Nguyễn, Minh Mì, Đại, Nguyên Văn, Đặng Trà My.
Theo: Men’s FOLIO

 


 
Back to top