ART & LIFE

Triển lãm “Kho tàng ẩn giấu” của hoạ sĩ Phan Kế An

Mar 31, 2022 | By Art Republik

Từ ngày 11.03 đến ngày 16.04 năm 2022, tại Viện Pháp Hà Nội (L’Espace) diễn ra triển lãm tranh “Phan Kế An, Kho tàng ẩn giấu”. Thuộc thế hệ các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Phan Kế An (1923 – 2018) được đánh giá là một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Những tác phẩm của ông xuất hiện tại triển lãm lần này không chỉ quý giá như tên gọi của triển lãm, mà còn là gạch nối nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật giữa hai thế hệ họa sĩ.

Triển lãm Phan Kế An và những bức tranh của ông. Ảnh: Lan Anh.

Dưới lớp bụi mờ hiện ra

Giám tuyển, họa sĩ trẻ Vũ Đỗ, là người đã phục chế và mang những tác phẩm chưa từng công bố của họa sĩ Phan Kế An đến với công chúng. Theo lời Vũ Đỗ, trong một lần tình cờ gặp họa sĩ Phan Kế An khi ông còn sống, anh đã được tiếp cận và trao đổi về nghệ thuật với ông. Sau này, khi ông mất đi, anh những tưởng như mọi thứ đã chìm sâu vào quá khứ, trôi chảy theo dòng đời tất bật, bởi các tác phẩm của ông không còn nhiều. Nhưng một lần nữa, mối duyên giữa anh và những sáng tác của cố họa sĩ được nối lại khi cô Phan Mai Thanh Thúy – con gái cố họa sĩ Phan Kế An, lúc chuyển nhà, đã kể với Vũ Đỗ về những gì cha của cô để lại, trong đó có nhiều thứ vẫn được gói chặt, giữ nguyên kể từ ngày ông qua đời.

Họa sĩ trẻ đã được con gái ông tin cậy giao lại các tư liệu, tranh gốc, sách vở của ông. Một loạt cảm xúc mạnh mẽ dâng tràn khi Vũ Đỗ lần giở những tư liệu ấy. Các tác phẩm dần lộ ra sau từng lớp giấy gói cũ kỹ sờn rách và tầng bụi thời gian. Đó thực sự là những tác phẩm rất ấn tượng của họa sĩ Phan Kế An, ngay kể cả những bức ông còn đang thực hiện dở. Điều quan trọng đem lại xúc cảm mạnh mẽ ở đây, như họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ: “Đó là một sự kết nối giữa người trẻ và lớp người đi trước. Quả thực đó là một cảm xúc đặc biệt, nhiều sự phát hiện thú vị theo từng lớp lang dần được bóc tách.

Những tư liệu được trao cho giám tuyển, họa sĩ Vũ Đỗ và quá trình phục chế. Ảnh: Vũ Đỗ cung cấp.

Tranh “Thiếu nữ bên hoa sen”, họa sĩ Phan Kế An. Ảnh Vũ Đỗ cung cấp.

Nói tới họa sĩ Phan Kế An, người yêu tranh của ông thường nhớ tới “Cánh đồng bản Bắc”, “Gác Chuông”, “Những đồi cọ”, “Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa”, nhưng có lẽ, nổi tiếng nhất là bức tranh sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc” – một tác phẩm xuất sắc trong lịch sử hội họa Việt Nam. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên với những dãy núi trùng điệp, những vạt nắng vàng trong veo, mảng miếng tầng tầng lớp lớp và đoàn quân đi trong nắng… Trong tác phẩm này, kỹ thuật sơn mài của ông rất điêu luyện, tạo nên một tác phẩm tầm cỡ. Bức tranh hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam nên không xuất hiện trong triển lãm lần này.

“Bù” lại, triển lãm trưng bày những tác phẩm khác làm say lòng người không kém. Đó là bức tranh “Thiếu nữ bên hoa sen” mang đậm phong cách của mỹ thuật Đông Dương, hay bản phác thảo “Trận chiến đình Mông Phụ” với những nét vẽ dang dở nhưng hứa hẹn là một bức tranh quy mô lớn với những chi tiết sống động.

Bức tranh “Hoa Phượng” với từng nét vẽ chi tiết nhưng phóng khoáng. Bức tranh lụa được giữ nguyên các mép vải đã úa sờn của màu thời gian, nay đã được lồng trong khung mới, nâng vẻ đẹp của bức tranh lên nhiều lần.

Những bản vẽ chân dung người đương thời của họa sĩ được giới thiệu tại triển lãm cũng mang lại những ấn tượng thú vị đặc biệt cho người xem. Đó là chân dung những người sống cùng thời với ông như Nguyễn Công Hoan (1948), Phan Khôi (1952), Trần Văn Cẩn (1983), Nguyễn Huy Tưởng (1947), Nguyên Hồng (1948), Văn Cao (1947), Tố Hữu (1947), Anh Thơ (1948), Nguyễn Tuân (1948)… Họa sĩ Phan Kế An từng là người vẽ châm biếm trên báo Sự Thật với bút danh Phan Kích, nên các nét vẽ của ông ở thể loại này rất tung tẩy, giễu nhại, toát lên được cái thần của nhân vật và những vấn đề cần đề cập.

Tranh “Trận chiến đình Mông Phụ” của họa sĩ Phan Kế An tại triển lãm. Ảnh Vũ Đỗ cung cấp.

Bức tranh “Hoa phượng” của họa sĩ Phan Kế An tại triển lãm. Ảnh Vũ Đỗ cung cấp.

Họa sĩ Phan Kế An từng có thời gian du học tại Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Repin (Liên Xô cũ).  Tác phẩm “Gác chuông” được giải thưởng lớn và được lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage tại Saint Petersburg và bức “Bụi nứa miền xuôi” được treo tại Bảo tàng Phương Đông tại Moscow tới tận bây giờ. Nhiều người ở Nga thời đó vẫn nhớ tới ông. Trong triển lãm lần này có trưng bày một số tác phẩm ông vẽ trong thời kỳ đó như “Bức chân dung hai thiếu nữ Nga” và nhiều bản phác thảo chủ đề cơ thể người, nude, chân dung… Những bức phác thảo này được thực hiện khá kỹ lưỡng, khiến người xem khó có thể bỏ qua hoặc “ngắm nhanh” được.

Sống thong thả, không màng vinh hoa phú quý

Họa sĩ Phan Kế An (1923 – 2018), quê tại Đường Lâm, Hà Nội, là một trong những người thuộc lớp họa sĩ khóa XVIII, đây là khóa cuối cùng của Trường Mỹ Thuật Đông Dương (1944 – 1945) cùng thời với các họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Văn Thiện, Kim Đồng, Nguyễn Như Huân… Ông có xuất thân khá đặc biệt so với các họa sĩ cùng thời, đó là cha của ông, cụ Phan Kế Toại là một chính khách nổi danh về cả đức lẫn tài của Việt Nam thời bấy giờ.

Chân dung họa sĩ Họa sĩ Phan Kế An. Ảnh: gia đình họa sĩ cung cấp.

Cụ Phan Kế Toại (1892 – 1973) là người tài giỏi, tinh thông chữ nho chữ Hán, lớn lên ra Hà Nội học trường Tây, sau đó học trường Hậu Bổ và được chính quyền bảo hộ Pháp trao học bổng du học tại Trường Hành chính thuộc địa Paris. Trở về nước, cụ được tiến cử làm quan Khâm sai Bắc Bộ cuối triều Nguyễn được 100 ngày, cụ xin từ chức đứng về phía Việt Minh. Sau cách mạng, cụ giữ nhiều chức vụ, trong đó, nổi bật nhất là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong bốn nhiệm kỳ. Cụ Toại vốn là bạn với Hồ Chủ tịch từ thời thiếu niên, sau đó hai người gặp lại nhau trong những năm tháng học tại Paris, chính vì thế mà sau này Hồ Chủ Tịch đã đích thân mời cụ Toại tham gia lãnh đạo chính quyền.

Theo lời họa sĩ Phan Kế An: “Cụ Phan Kế Toại bố tôi làm quan to nhất họ, nhưng giáo dục gia đình rất đặc biệt. Chúng tôi ăn cơm xong, phải tự rửa bát đũa, tự giặt quần áo của mình. Điều đó, con quan ít khi phải làm. Đây chính là những bài học mà cha tôi rèn giũa cho từ bé. Lớn lên một chút, ông cụ khuyên tôi: Con muốn học bao nhiêu, ba cũng cho học, nhưng cấm con không được làm quan, không được làm công chức, phụ thuộc tây, phụ thuộc người ta, nhục lắm! Khi tôi lớn lên, ông cụ thấy tôi có năng khiếu vẽ, tôi xin vào học trường Mỹ thuật Đông Dương, ông cụ đồng ý ngay. Đó là những điều mà ông cụ đào tạo cho tôi.

Mùa đông năm 1950, 27 tuổi, với tư cách là đặc phái viên của báo Sự Thật, Phan Kế An đeo giá vẽ và cả súng, balo theo trung đoàn 165 đi chiến đấu. Trong một lần dừng chân nghỉ để đào hầm trú ẩn, rung động trước cảnh sắc thiên nhiên miền núi tuyệt đẹp, ông đã vẽ phác thảo tác phẩm “Một buổi chiều Tây Bắc”. Tác phẩm sau khi hoàn thành được đặt tên là “Nhớ một chiều Tây Bắc”, đoạt giải Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955 và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Nguồn ảnh: Vnfam.vn.

Họa sĩ Phan Kế An hồi đó là sinh viên Mỹ thuật cùng thời với Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phả, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Thiện, Bùi Xuân Phái…

Cụ Phan Kế Toại mất không để lại gia tài gì lớn bởi cụ sống liêm khiết, trong sạch, không bao giờ biết tơ hào một đồng một cắc. Là Phó Thủ tướng bốn nhiệm kỳ, được nhà nước phân cho biệt thự tại phố Tông Đản, nguyên là nhà của Phó toàn quyền Đông Dương, cụ xin đổi sang ở ngôi nhà bé hơn ở số 43 Trần Hưng Đạo. Sau này, khi cụ mất, cụ bà thể theo di nguyện của chồng, đã xin trả lại căn nhà đó cho nhà nước.

Chính vì có một người cha tài giỏi nhưng có đức độ, sống liêm khiết yêu nước thương dân như vậy, mà con trai cả của ông – họa sĩ Phan Kế An – một nhà nghệ sĩ, nhà tri thức cũng sống rất khiêm nhường, không bon chen, so bì tính toán thiệt hơn. Hẳn rất nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh của ông trong căn nhà số 72 Thợ Nhuộm cặm cụi trong không gian “xưởng” vẽ của mình.

Tranh “Gác chuông”, vẽ chùa Trăm Gian, sơn dầu, họa sĩ Phan Kế An. Hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hermitage (St.Petersburg Liên bang Nga). Nguồn: Internet.

Theo cô Thanh Thúy, “cha tôi sáng tác rất thong thả, chứ không vội vã. Có bức vẽ trong một năm, nhưng cũng có bức trong vài năm, nhưng thường thì ông hay kết thúc trả tranh vào 30 Tết. Ông là một người điềm tĩnh, biết kìm nén những cảm xúc như nóng giận, cáu, uất ức. Ông nói, những cảm xúc đó chỉ nên tồn tại một lúc thôi, ta còn phải sống, phải làm việc”. Ngoài vẽ, ông giỏi văn, làm thơ, viết báo và rất hay đi thực tế để sáng tác như tới các vùng mỏ, lò than, hay trong chiến tranh ông thường đi tới cầu Hàm Rồng, tới chiến khu Việt Bắc để vẽ, ký họa…

Tranh chưa kịp ráo đã “bị bưng” đi

Họa sĩ Phan Kế An là người đầu tiên được trực tiếp thực hiện việc vẽ ký họa bác Hồ năm 1948 trong hai tuần với các chủ đề giản dị và đời thường, từ làm việc trí óc, tới lao động, nghỉ ngơi, chăm cây…  “An cứ tự nhiên, đừng coi mình là một lãnh tụ gì cả, cứ coi mình là người bình thường thôi”. Trong hai mươi ngày đó, theo cô Thúy chia sẻ: “Cụ Hồ thường san sẻ cho bố tôi ít thuốc lá để hút, nhưng ông lại lén cất đi để dành để sau này về chia cho các bạn. Cụ Hồ biết được bèn bảo: An không phải làm thế. Quả thật, sau đó, cụ Hồ cho bố tôi thêm mấy bao thuốc để về chia cho anh em.”

Sau 20 ngày ở cùng cụ Hồ, họa sĩ Phan Kế An vẽ được hơn 20 bức ký họa. Một triển lãm rất giản dị đã được tổ chức ở chiến khu Việt Bắc cho dù mọi thứ đều tối giản hết sức. Các bức tranh được treo tạm lên một tấm liếp, mọi người được mời tới ngắm và góp ý. Cụ Hồ thích nhất một bức có nét vẽ mộc mạc nhất rồi bảo: “Nếu đăng báo thì chú lấy bức này vì nó đơn giản và có tinh thần”. Bức tốc họa này họa sĩ Phan Kế An vẽ bằng bút sắt trong một khoảnh khắc rất nhanh đã được chọn in trên báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân Dân), tháng 12/1948.

Bác Hồ và họa sĩ Phan Kế An. Nguồn: Vietnamtheartofwar.com

Cho dù gia đình của họa sĩ Phan Kế An là con nhà “quan” nhưng cách sống chính trực của cha mình đã khiến tất cả phải sống bằng thực lực, phải bươn trải với cuộc sống vất vả. Lo cho gia đình, vợ con, tranh của ông vẽ ra, ướt chưa kịp khô đã “bị” những người đặt hàng “bưng” đi. Theo lời con gái họa sĩ: “Triển lãm ở Việt Bắc do cụ Hồ tổ chức có lẽ cũng là triển lãm duy nhất ở Hà Nội có tranh trọn vẹn là của bố tôi, chứ cứ vẽ xong cái nào là bố tôi bán ngay sau khi hoàn thiện bởi người ta đã đặt từ trước. Khi nào triển lãm chung, bố tôi lại đi mượn tranh. Chúng tôi luôn bị cái nghèo ám ảnh. Có người nào muốn mua, bố tôi bảo không bán, nhưng thực ra, có phải của riêng bố tôi đâu, mà có người đặt mua hết rồi. Cuộc sống vất vả, tranh cũng không có nhiều để làm triển lãm riêng là vậy!”.

Họa sĩ Phan Kế An từng quan niệm, cõi trần chỉ là cõi tạm, mọi thứ rồi cũng theo hư vô mà đi, ông đã từng viết: “Thôi thế cũng qua một kiếp người/Có không, không có, phù vân cả/Nhát cọ đưa ngang, gửi lại đời”. Quả vậy, tất cả rồi cũng tan biến đi, nhưng thật may thay, những gì họa sĩ đang làm dang dở, giờ đây, thế hệ sau đã được bình tĩnh ngắm nhìn, chia sẻ và biết ơn một tinh thần làm việc không ngừng của ông!

 

Bài: Codet Hanoi

Một số hình ảnh tại triển lãm và bên lề triển lãm:

Ảnh giám tuyển, họa sĩ Vũ Đỗ tại triển lãm. Ảnh: Vũ Đỗ cung cấp.

Cô Thanh Thúy, con gái họa sĩ Phan Kế An tại triển lãm. Ảnh: cô Thanh Thúy cung cấp.

Tranh vẽ các thiếu nữ người Nga tại triển lãm. Ảnh: Vũ Đỗ cung cấp

Tranh kí họa vui của Phan Kế An tại triển lãm (1946 – 1947). Ảnh: Lan Anh.

Không gian triển lãm tranh Phan Kế An, “Kho tàng ẩn giấu”. Ảnh: Vũ Đỗ cung cấp.

Tọa đàm bên lề triển lãm Phan Kế An, “Kho tàng ẩn giấu”, tại Viện Pháp Hà Nội. Ảnh Vũ Đỗ cung cấp.


 
Back to top