Khai mạc triển lãm cá nhân “Bến Quê” của họa sĩ Nguyễn Văn Tùng
Từng kinh qua bút pháp hiện thực, hiện thực hoài nghi, ấn tượng và biểu hiện, đến Bến quê, Nguyễn Văn Tùng làm cuộc hòa trộn giữa ấn tượng và biểu hiện, nhưng thiên về ấn tượng nhiều hơn.
Họa sĩ Trương Thế Linh kể: “Còn nhớ, một khoảng thời gian dài Tùng mong muốn trở thành cha xứ. Là một người ngoan đạo, thích đọc, sống giản dị, nhẹ nhàng và thiện lành. Lúc đó tôi đã nghĩ chúng ta sẽ có một người bạn là cha xứ và biết vẽ tranh. Cuối cùng Tùng chọn là một họa sĩ. Và mấy năm sau nữa thì tìm thấy tình yêu của mình. Lần đầu Tùng gặp bạn gái tên Nhạn Linh tại một nhà thờ ở Huế, và mới đây, Tùng cưới Nhạn Linh làm vợ”.
Xem Bến quê, tự dưng nhớ đến mấy câu trong “Truyện Kiều”: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu/ Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh/ Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Cũng là nhìn ra một cửa biển, nhưng có lẽ cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Văn Tùng là “vui trông” hơn “buồn trông”, hoặc rất ít khi “buồn trông”. Cái nhìn lạc quan, bảng màu tươi sáng, bố cục tự do nhưng chắt lọc… là những ấn tượng chính mà bộ tranh “Bến quê” có thể mang lại cho người xem.
Niềm vui ấy mang tâm trạng của người đi xa trở về, nhìn cái cửa biển nhỏ/bến quê thân thuộc từ thuở ấu thời bằng đôi mắt có chút ngạc nhiên, kiểu của khách du lịch. Từng kinh qua bút pháp hiện thực, hiện thực hoài nghi, ấn tượng và biểu hiện, đến Bến quê, Nguyễn Văn Tùng làm cuộc hòa trộn giữa ấn tượng và biểu hiện, nhưng thiên về ấn tượng nhiều hơn.
Cũng theo Trương Thế Linh: “Sau những năm dài xa quê với những hoài mộng ở Huế và Sài Gòn, có đôi lần bạn bè khuyên trở về quê sáng tác vì tính cách ấy không hợp với nhịp sống ồn ã. Nhưng vẫn kiên định với ý chí đó cho đến khi vì lý do gia đình. Đó cũng là khoảng thời gian Tùng nhận thấy nơi mình thuộc về”.
Ấn tượng ấy như tấm kính lọc bỏ bớt hiện thực, chỉ giữ lại những nét chấm phá, nên cảnh cũ người xưa không còn bị gò bó vào một phong thổ và câu chuyện cụ thể, mà thành bến quê ở mọi nơi. Vì vậy mà những ấn tượng với các sinh hoạt thường nhật, sự bình yên vui sống, sự mơ mộng nơi cửa biển… có thể trở thành cảm xúc chung của nhiều người khi chợt nghĩ đến một bến quê/một chốn cũ nào đó trong cõi lòng.
Xem Bến quê, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ: “Tôi cũng nhận thấy tính cách sống hiền hòa, chân chất của Tùng không phù hợp với cuộc sống ở Sài gòn cho lắm. Quả vậy, sau khi về quê một thời gian, trên Facebook của Tùng xuất hiện nhiều tranh đề tài tôn giáo và sau đó nữa là phong cảnh biển với sự trôi chảy, tự tin bất ngờ, rất thú vị. Loạt tranh vẽ biển trong triển lãm lần này của Tùng đạt được tinh thần bút pháp phóng khoáng, bay bổng, tự tin và nhiều cảm xúc. Bên cạnh đó, màu sắc cũng trong trẻo, tươi sáng một cách hiền hòa”.
Lương Lưu Biên nói thêm: “Cả bộ tranh là biển với nhiều thay đổi trạng thái thời tiết; buổi sáng rực rỡ, chiều buồn tĩnh lặng, rì rào, lúc hiền hòa, khi nhiều gió hoặc tối sầm đe dọa cơn bão đến. Họa sĩ đã diễn tả được tất cả những thay đổi đó thật sinh động, một cách đầy thông hiểu và yêu thương như với một người thân, dù người đó có sáng nắng, chiều mưa như thế nào đi nữa”.
“Những tút bay với sơn ướt mềm trông thật trôi chảy, nhanh gọn, dứt khoát. Chúng chồng lấn, hòa quyện một cách tự nhiên trong một hòa sắc nhẹ nhàng và nhiều tình cảm. Qua bút pháp ấn tượng biểu cảm mạnh mẽ này, người xem dễ cảm nhận được hành động vẽ đầy cảm xúc của tác giả với tấm toan trước khoảng không bao la của biển miền Trung. Khác với không gian chật chội, chen chúc của người là người nơi phố thị, thì ở quê nhà, trước không gian mở rộng ra mênh mông của biển, có lẽ họa sĩ tìm thấy được sự tự do, mà chắc hẳn nó phù hợp với tinh thần khoáng đạt, rộng lượng của mình. Rõ ràng, khi ở đúng chỗ, có được sự kết nối với vùng đất mà mình thuộc về, họa sĩ đã thể hiện được hết tình cảm của mình với thiên nhiên xung quanh qua hội họa một cách tự nhiên, chân thành. Có lẽ khi quay trở về Tùng đã tìm thấy, nhận ra chính mình trong không gian của những gì gần gũi, thân tình nhất” – Lương Lưu Biên.
Trương Thế Linh kết luận: “Đúng với cái tên thân thương mà bạn bè hay gọi: Tùng Art – Tùng hết mình với nghệ thuật. Chịu khó tìm tòi, chăm chỉ, vẽ nhiều tranh, nhiều phong cách, đề tài khác nhau cùng với nhiều tâm trạng, tìm lối đi của một họa sĩ trẻ có bao giờ là dễ dàng. Đây là thời gian chín muồi, mọi thứ có vẻ đã an bài, những sự kiện trong đời đã cộng hưởng để giúp Tùng tìm thấy cách vẽ và đối tượng phù hợp, dựa trên một nền cảm xúc của một tâm thế tự chủ. Tranh cũng ứng với vị thế một người con đi đủ xa để trở về thấm được quê hương”.