ART & CULTURE

Thi vị với sự kiện triển lãm nghệ thuật An&Huy

Aug 04, 2022 | By Ton Binh

Trong ngôi nhà ở ngoại vi thành phố Huế của đôi vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An – Nguyễn Đức Huy, tầng trên cùng là nơi họ cùng nhau vẽ tranh, từ đó nhìn ra một vùng xanh cây cỏ, hoa lá rộn ràng. Đây là lần thứ hai họ làm triển lãm riêng với nhau.

Triển lãm giới thiệu khoảng 60 tác phẩm, trong đó 34 tranh – phần lớn các tác phẩm thuộc bộ Hương thời gian – do Đặng Thị Thu An sáng tác, và 26 bức còn lại thuộc về Nguyễn Đức Huy với tên là Ánh sáng.

An&Huy, một cái tên mà ghép lại, ý nghĩa là cùng bình yên trong tình yêu và cùng tỏa sáng. Cơ duyên để làm cho những người có nợ nhau tự kiếp nào gặp nhau. Đặng Thị Thu An sinh năm 1983 và Nguyễn Đức Huy sinh năm 1976, cùng học ở Đại học Nghệ thuật Huế, vượt qua những trắc trở ở mỗi số phận của cuộc đời để sau cùng gặp nhau thành đôi uyên ương và cùng hướng về nghệ thuật.

Thông thường, sống và làm việc trong cùng một môi trường, các họa sĩ sẽ có ảnh hưởng lẫn nhau, đừng nói chi đó lại là vợ chồng. Định mệnh gắn bó hơn nữa, đôi uyên ương Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy lại cùng sinh ra tại quê hương Đồng Hới, có nghĩa là từ thuở “chưa biết gì” họ đã hít thở chung một bầu không khí, ngụp lặn chung dòng sông quê, và sau đó bước song hành cùng nhau trên con đường sáng tạo cũng như giáo dục nghệ thuật.

Với ngần ấy điểm chung, vậy mà họ chỉ có chung với nhau một cuộc triển lãm chung Men đàn bà vào năm 2017 tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai, đôi uyên ương An&Huy cùng nhau chắp cánh cho một cuộc triển lãm chung mang tên An&Huy, tại Sài Gòn.

Khác với những ảnh hưởng tương đồng của đôi phu thê trong cuộc đồng triển lãm lần trước, các tác phẩm tại An&Huy lần này thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân hoàn toàn khác nhau của hai tâm hồn nghệ sĩ, dệt nên những cung bậc bất ngờ cho bản giao hưởng hoan ca sắc màu.

Họ nay đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế. Họ đã tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và tổ chức triển lãm 2 người có tên Men đàn bà ở Hà Nội vào năm 2017. Tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, cuộc sống gia đình đầm ấm đã phả men say vào tác phẩm của Thu An, trong tranh vẽ hoa cũng như các đề tài khác, như loạt tranh vẽ người nữ trong phòng tranh Men đàn bà tại Hà Nội năm 2017 và trong triển lãm mới nhất lần này tại TP.HCM. Với các xê-ri tranh Ngũ sắc, Hương thời gianTuổi thần tiên, một lần nữa Thu An cho thấy năng lực hình họa, sự thành thạo và làm chủ chất liệu sơn dầu nơi cô. Hoa và hoa biết nói của nữ họa sĩ đều đem đến mỹ cảm cho người thưởng ngoạn.

Trong khi đó, loạt tranh Ánh sáng tại triển lãm An&Huy của Nguyễn Đức Huy là một bước hoàn toàn mới trên hành trình sáng tác của anh. Giã biệt hình tượng người nữ đã quen thuộc với tranh Đức Huy tại triển lãm cá nhân Vườn thiên nhiên ở Huế, đặc biệt là nhân vật nữ tròn trịa kiểu Botero trong Men đàn bà, vốn lấy cảm hứng từ chính nửa kia của mình.

Đã cận kề tuổi “tri thiên mệnh”, dường như anh đang thể nghiệm một cách biểu đạt mới về bản ngã, về thân phận con người trong muôn vàn mối liên hệ đa đoan. Có một biểu trưng được lặp lại trong tranh như thể đó chính là ánh sáng tâm linh mà tác giả muốn tìm đến.

Đặng Thị Thu An chia sẻ: “Trong hầu hết các tác phẩm của tôi, hình tượng người phụ nữ toát lên một vẻ đẹp rất riêng rất cá tính và cũng rất sinh động, đa sắc thái, diện mạo. Các tác phẩm của tôi tập trung vào biểu cảm thế giới nội tâm chứ không chỉ cố thể hiện vẻ đẹp dịu dàng tha thướt của các nàng trong trang phục áo dài, hay những dáng ngồi, đứng yểu điệu gợi cảm.

Tôi thích khai thác vẻ đẹp trong từng tính cách của họ mà mình đã nắm bắt trong từng câu chuyện đâu đó ngoài đời thực, nhìn thấy vẻ đẹp của họ trong từng cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố… bởi họ biết che dấu, trong cái lúng liếng, cái đanh đá, cái mời gọi, cái hờn dỗi… rất rất “men đàn bà” với tất cả sự khát khao, say đắm, nồng nàn, lay động. Dẫu thế nào họ vẫn làm cho cả thế giới phải yêu yêu cuồng si và có cả ngàn lý do để yêu họ mà với lý do nào, nguyên cớ nào cũng đều rất chân thành và rõ ràng”.

PGS-TS Phan Thanh Bình (Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế) nhận định: “Sự kết hợp tính lãng mạn trữ tình hiện đại của Thu An với nét bồng bềnh tư lự của Đức Huy tạo cho những sáng tác của cặp đôi thực ngoài đời này thêm chất lý tưởng và sự gắn kết thẩm mỹ đặc sắc. Đó là điều không phải cứ muốn là có được mà nó chỉ có thể hình thành và khởi phát từ sự đồng cảm, chia sẻ và gắn kết nghề rất chuyên nghiệp và lâu năm của họ.

Trong sáng tạo nghệ thuật, đôi khi sự hòa hợp giữa những nghệ sĩ lại là một giá trị vì nếu thiếu chúng sẽ dường như thiếu tất cả. Cảm nhận điều này sẽ rõ hơn khi ta nhìn ngắm bộ tranh Hương thời gian, với sắc màu sơn dầu được Thu An chọn đưa vào tranh những hình ảnh trang trí chim phụng cung đình Huế, hoa văn hoa lá dây thời Nguyễn một cách đầy ý tứ và có tính đến một cách tinh tế về hiệu quả thẩm mỹ. Tạo nên một cảm giác thiếu nữ và hoa, với hoa sen, hoa hồng, hoa lá, con bướm tưởng như vu vơ nhưng đó là nét duyên tình về phụ nữ mà Thu An muốn nói đến”.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhận định: “Bước đường nghệ thuật của họ là một sự song hành hài hòa và tôn trọng lẫn nhau. Trong quá trình tìm kiếm lối đi cho mình, không lẫn lộn nhưng vẫn nhận ra sự riêng biệt của mỗi người. Họ đã sớm định hình cho mình một phong cách, ở Thu An đeo đuổi hình bóng nữ và những tĩnh vật hoa – với màu sắc trong trẻo, làm mê hoặc lòng người.

Điều đáng nói vẽ về nữ giới, trong tranh của An người ta nhận ra ngay đó là những nữ nhân của Thu An chứ không phải của người khác. Những đường nét nhẹ như bay kết hợp gắn với nhau thành những bố cục lạ mà vững chải của những mảng màu tươi tắn, đằm thắm và chín một cách trong trẻo. Đặc biệt ở khuôn mặt của các nhân vật của họ. An đã tạo mỗi người một sắc diện, có khi cong cớn ở dáng hình và ở từng đôi môi, đôi mắt lúng liếng. Cái động đậy ở nhân vật kết hợp ở những trạng thái và những đường lượn thanh tú đã làm nên một nữ nhân ở Thu An.

Khác với An – Nguyễn Đức Huy thì tìm kiếm ở chất liệu sơn mài, nhưng tất nhiên những chất liệu khác anh đều vững. Trong sơn mài anh lại cũng khai thác về thiếu nữ. Còn sơn dầu – acrylic lại thiên về trừu tượng. Nhưng cả hai đều được anh tìm 2 lối riêng – trong trừu tượng anh tìm trong cảm xúc từ những vết rạn, lấp lánh của những mảnh gương thủy tinh tạo ra những khối mảng không sắc cạnh mà tạo nên một hiệu ứng ánh sáng từ những tấm gương trong thánh đường Thiên chúa”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: “Khi phụ nữ vẽ phụ nữ, theo tôi một phần nào rất lớn họ vẽ chính mình. Dù không phải tự họa, nhưng cá tính bộc lộ rõ ràng theo chiều hướng nghệ thuật. Các thiếu nữ trong tranh của An có những khoảnh khắc tâm tình khác nhau, đôi khi dịu dàng, thơ ngây, lãng mạn, lại có lúc hồn nhiên tự tin, lại có khi băn khoăn “… thiếu nữ buồn không nói/ tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?…”, nhưng nhìn chung tràn đầy tính nhậy cảm chỉ tìm thấy trong bầu trời đặc trưng của phái đẹp”.

Anh nói thêm: “Sự rực rỡ huy hoàng trong tranh của Đặng Thị Thu An trái ngược với các tác phẩm của Nguyễn Đức Huy, ẩn chứa trầm tư và triết lý. Thế giới của Huy vang dội những tiếng nói thầm kín chênh vênh giữa phạm trù ý thức và khái niệm, là bước vào những giấc mơ chập chờn giữa hiện hữu và vô minh… Đây chính là cuộc đối thoại im lặng với cảm xúc của chính mình, chân thật đến nỗi qua từng đường tế bào nhỏ nhất để đạt được ánh sánh chân minh. Quả nhiên, chuỗi tranh của Huy ngập tràn ánh sáng”.

Triển lãm: An&Huy

Tác giả: Đặng Thị Thu An – Nguyễn Đức Huy

Khai mạc: Lúc 18h ngày 6/8/2022

Địa điểm: Hakio – Let’s Art (38 Trần Cao Vân, Q.3, TP.HCM


 
Back to top