Khám phá thế giới nhân vật trong “Lụa 2022”
Thế giới nhân vật trong tranh một cách gián tiếp thể hiện nhận thức, tâm tư của tác giả. Qua đó, chất riêng phong phú của họa sĩ được hiển lộ. Cùng khám phá thế giới nhân vật qua triển lãm “Lụa 2022” tại Ánh Dương Art Space.
Những cô nàng độc thoại trong tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn, nhân vật nam trong tranh của Nguyễn Đức Toàn hay người phụ nữ xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng Minh, mỗi người một vẻ nhưng đều đơn độc. Qua cách khái lược và chắt lọc các yếu tố như không gian, ánh sáng, bố cục, cấu trúc nhân vật, dáng vẻ chi tiết… ta thấy được các hình tượng nghệ thuật nổi bật trong tranh của 3 tác giả. Các nhân vật vẫn có sự phong phú nhưng điển hình và qua đó chiều sâu ý nghĩa biểu đạt được hé lộ.
Đầu tiên ta đến với nàng thơ trong tranh Bùi Tiến Tuấn. Những cô nàng này vừa như đoạn tuyệt với những hình tượng phụ nữ trong tranh lụa Việt Nam thế kỷ 20, vừa có nét duyên còn cổ xưa hơn, mà theo họa sỹ Vũ Đình Tuấn nhận xét là “kịch nghệ”. Nằm trong tính “kịch nghệ” đó là một loạt những chiều kích đầy bản năng, đặc sắc, tinh túy trong người phụ nữ Á Đông. Cùng với không gian ước lệ, màu sắc, tạo hình ma mị, chấm phá và cuốn hút, những cô nàng trong tranh có sức mời gọi khám phá. Tính đương đại trong các tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn được khẳng định bởi thủ pháp tạo hình cường điệu, bố cục độc đáo cùng sự thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật mới lạ.
Khác với những cô gái trong tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn, nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng Minh thực hơn nhưng lại ma mị và khó nắm bắt. Nhân vật của Minh hoa mỹ trong trang phục và tạo vật của thiên nhiên vây quanh. Trong khi đó, có một điều thú vị là các tư thế ngồi, dáng chơi cờ, những mảng màu nâu-đen của lụa lại cho liên tưởng trực tiếp đến những thiếu nữ trong “chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, nhưng ở một thần thái rất đương đại, tự tin và chủ động. Họ chủ động đến độ chỉ cho người xem nhìn thấy một góc và không bao giờ lộ mặt. Những chiếc mặt nạ được cho vào để chủ động giấu đi những “tâm tư tình cảm”, và chỉ có điều tốt đẹp thì được “trưng ra” như họa sỹ chia sẻ.
Người đàn ông duy nhất trong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn cũng giấu mặt. Sự cô đơn đến tột độ được ẩn dụ phóng chiếu qua hình ảnh rã rời của hoa lá, trong cảm giác vô định thả trôi vào dòng chảy tự nhiên ở tác phẩm “Đông Trùng Hạ Thảo”. Tối giản và ước lệ, kiệm sắc kiệm hình khiến cho nhân vật của anh trong trẻo và câm lặng tuyệt đối.
Rực rỡ và tối đa
Phải nói rằng triển lãm đã rất thành công ở sự chọn lựa các phong cách để đưa người xem đến được các chiều kích của cảm xúc. Không gian đầy sắc màu và trở nên sống động với những tác phẩm của hai họa sĩ Vũ Đình Tuấn và Lưu Chí Hiếu. Tác giả Vũ Đình Tuấn khai thác một không gian đồng hiện mang tính siêu thực và ước lệ qua motif đặc trưng: những khuôn mặt lồng vào thiên nhiên. Thế giới nhân vật của anh ngập tràn những chi tiết trang trí và biểu tượng. Khi thì xưa cũ, cao ngạo và ngang tàng. Lúc lại trống trải, mềm yếu đầy khao khát. Những hình tượng thiên nhiên đẹp đẽ, đủ đầy lại làm tăng sự đối lập với hình bóng cô đơn của con người trong đó.
Cuối cùng, để so sánh về chi tiết thì những tác phẩm của Lưu Chí Hiếu phải được liệt vào bậc thầy của sự phức tạp. Thế giới nhân vật của anh nhiều lớp lang của hình, của không gian, thời gian; và ý niệm. Quá khứ và hiện tại phân tách trong hai nửa của hiện tượng. Các chi tiết trang trí chạm khắc của đình chùa thế kỷ 17-18 trong mỹ thuật dân gian Việt Nam liên tục xuất hiện, đối chiếu với các hình tượng trong văn hóa phương Tây hiện đại. Hai nửa có vẻ khập khiễng và tách biệt, trăn trở và giằng xé. Với thủ pháp tạo những lớp hình ảnh X-quang, không gian của Lưu Chí Hiếu được hòa trộn, khiến các sự vật hiện tượng không có cảm giác nặng nề mà lại nhẹ nhàng và tinh tế trong sự chuyển sắc. Những hình người ngụp lặn trong thế giới ảo và ký ức, nhưng lại chỉ giống như yếu tố trang trí trong một bố cục. Tựu trung lại là cảm giác chống chếnh, giằng xé, xâm chiếm mọi yếu tố cấu thành nên tác phẩm.
Lướt qua 5 cá tính lụa để thấy được sự phong phú trong các chiều kích của tạo hình, của các thủ pháp hay phong cách, từ đó quy về trạng thái của đời sống và nghệ thuật chính tác giả. Cuối cùng, ta nhận thấy được một Bùi Tiến Tuấn vẫn gạn đục khơi trong được sự lãng mạn trong đời sống xô bồ ngày hôm nay. Một Vũ Đình Tuấn luôn khát khao và quyết liệt trong nghệ thuật. Một Nguyễn Đức Toàn câm lặng tan chảy trong nỗi niềm nhưng cứng cỏi trong lụa. Và Hoàng Minh chủ động nhưng che giấu, để luôn ngạo nghễ và đẹp đẽ với nghệ thuật của cô.
Huyền T. Trần
Chú thích
Ảnh bìa: Khán giả xem triển lãm. Nguồn: Tue Minh Nguyen