ART & CULTURE

Có gì trong “Vùng sống” của Nguyễn Văn Trinh

Jul 18, 2022 | By Art Republik

Qua những sáng tác trên chất liệu lụa, và đặc biệt trong trưng bày “Vùng Sống 2” tại The Muse Art Space, với chất liệu giấy Giang, Nguyễn Văn Trinh đã cho khán giả thấy được tính khai phá bất quy tắc trong nghệ thuật của anh.

Nguyễn Văn Trinh, “Đụng độ” (2015), màu nước trên lụa, 70 x 90 cm. Nguồn ảnh: Tác giả.

Hành trình cảm xúc của Nguyễn Văn Trinh cũng đã đi qua những con đường của hiện thực, ấn tượng, siêu thực… nói như tác giả: “cũng có thời điểm mình nhìn thấy cái cây đẹp, thì cũng muốn vẽ lại nó thôi, nhưng đạt được cái đó rồi thì không có nghĩa là đi theo nó mãi”. Những hình hài lạ lẫm xuất hiện trong các tác phẩm của Trinh từ khoảng năm 2014. Đó là một thế giới cấp tiến với cảm hứng về máy móc xâm chiếm con người. Nhưng đặc biệt những thứ cứng nhắc đó lại được thực hiện trên chất liệu lụa truyền thống. Nói đến đây, chắc người đọc đã phần nào hình dung ra một cá tính dị biệt.

Chào hoạ sỹ Nguyễn Văn Trinh. Tôi rất ấn tượng về những tác phẩm lụa sáng tác từ năm 2014-2015 của anh, vẽ những cơ thể kết hợp với máy móc. Trinh có thể cho biết ý tưởng đó của anh bắt nguồn như thế nào?

Nó là sở thích, là con người, là thế giới quan của tôi. Khi vẽ về những điều này tôi cảm thấy kết nối dễ dàng hơn với bản thân, so với việc mình vẽ những vấn đề nhức nhối của xã hội, hay vấn đề gì đó quá nặng nề về văn hóa, bản địa… cái sâu xa mình thích thì mình làm, dễ đạt đến cảm xúc hơn. Và vẽ cái thô cứng trên lụa để nó cân bằng nhau.

Nguyễn Văn Trinh, “Loài săn mồi”, bột màu, màu nước trên giấy Giang, 45 x 48 cm. Thuộc series “Vùng sống 2”. Nguồn ảnh: The Muse Artspace.

Từ những sáng tác trên cho tới “Vùng sống 1” năm 2020 và “Vùng sống 2” năm 2022, chúng liên quan đến nhau như thế nào?

Thật ra nó là một tổng thể, một thế giới đấy. Các tác phẩm máy móc ngày một lộ rõ hơn, được hiện hóa, chuyển hóa sang thành một vùng sống. Trước đây vùng sống mang một sự mơ hồ, hỗn mang. Sự nhào nặn, chuyển động bên trong chưa được rõ ràng. Đến “Vùng sống 2” là một sự tiến hóa tạo thành những cá thể riêng biệt. Tôi đang xây dựng dần một thế giới cho mình, và sống trong đó, dần tô vẽ nó chứ không sử dụng những cái có sẵn.

Nguyễn Văn Trinh, “Loài sao thực”, bột màu, màu nước trên giấy Giang, 60 x 80 cm. Thuộc series “Vùng sống 2”.  Nguồn ảnh: The Muse Artspace.

“Vùng sống 2” là một sự chuyển dịch cả về chất liệu, kỹ thuật?

Đúng vậy, “Vùng sống 2” có sự thay đổi ở mọi yếu tố. Bản thân giấy Ggiang của người dân tộc H’Mong, có lẽ người ta không dùng để vẽ hay viết mà chủ yếu dùng trong in ấn, với mục đích tín ngưỡng; bởi vậy độ thấm hút của giấy Ggiang rất cao. Với giấy Ggiang, tôi sử dụng bột màu – một chất liệu đơn thuần mộc mạc được nghiền ra từ khoáng, đất đá. Do hòa trộn với các chất keo, dung môi khác nhau mà thành những loại màu khác nhau như sơn dầu, màu nước, màu sáp… Tôi sử dụng màu bột bởi lượng hạt màu trong màu bột lớn, lượng dung môi ít, không cản trở việc thể hiện sắc của bột màu, giữ trọn vẹn sắc độ. Hạt màu kích thước lớn nổi trên bề mặt tạo nên sức biểu cảm lớn.

Về thủ pháp, với chất liệu này thì có hai kiểu: Một là lót màu nước trước rồi vẽ màu đặc lên trên. Hai là sau khi vẽ phần màu đặc rồi thì láng phủ màu nước lên.

Nguyễn Văn Trinh, “Vùng sống”, bột màu, màu nước trên giấy Giang, 120 x 180 cm. Thuộc series “Vùng sống 2”.  Nguồn ảnh: The Muse Artspace.

Tôi cảm giác trong “Vùng sống 2”, có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên được anh cho phép trong sáng tác của mình?

Đã nghĩ đến việc tiến hóa thì cái đầu cũng phải tiến hóa. Yếu tố ngẫu nhiên ở đây thứ nhất phải kể đến khâu chuẩn bị. Tôi có một cái sắt xi (Chassis), tôi lấy một tờ giấy tương đối nhỏ hơn kích thước, đặt lên, nhìn vào tờ giấy đấy, bản thân nó đã có một ngôn ngữ về hình rồi, mình giữ cho nó một phần cá nhân nó sau đấy kết hợp với mình tạo thành một tác phẩm.

Giấy Giang cũng được làm một cách rất tự nhiên. Bản thân bột giấy nghiền xay rối bằng tay, nên không được luyện mịn thành bột như các loại giấy công nghiệp khác. Nên giấy còn những xơ dày nổi cộm trên bề mặt. Có khi tôi thấy còn có cả xác côn trùng chết ở đó rồi họ cứ thế tráng lên. Những cái đó một cách tự nhiên tạo cảm hứng cho tôi.

Tiếp đến vật liệu dẫn là nước. Dùng nước để dẫn, tạo độ loang không thể kiểm soát 100% chính là tạo hình một cách ngẫu nhiên rồi.

Khán giả xem trưng bày “Vùng sống 2” của họa sỹ Nguyễn Văn Trinh tại The Muse Artspace. Ảnh: Trần Thu Huyền

Cảm ơn Trinh vì những chia sẻ thú vị, và chúc cho những vùng sống của anh tiếp tục được hình thành!

Nguyễn Văn Trinh, “Loài bóng tối”, bột màu, màu nước trên giấy Giang, 105 x 60 cm. Thuộc series “Vùng sống 2”. Nguồn ảnh: The Muse Artspace.

“Vùng sống 2”- thế giới kỳ ảo

Các tác phẩm trong “Vùng sống 2” được đặt những cái tên lôi cuốn như: “Loài bóng tối”, “Loài săn mồi”, “Loài sao thực”… Có thể coi đây là những sinh vật giả tưởng đã tiến hóa từ thế giới hỗn mang trong “Vùng sống 1” của Nguyễn Văn Trinh. Sự kỳ thú đến từ nhiều góc độ như tạo hình, chất cảm, thủ pháp, không gian trong tác phẩm.

Các viền của giấy giang được xé nhơm nhở một cách tự nhiên, bồi lên lớp toan phía dưới tạo thành hai hoặc nhiều lớp không gian vật lý. Vùng sống đa dạng kích thước. Tác phẩm lớn nhất với khổ 120 x 180 cm, tác phẩm nhỏ nhất cỡ 30 x 40 cm với nhiều khuôn hình, tỷ lệ của các tấm toan và giấy.

Nguyễn Văn Trinh, “Loài săn mồi”, bột màu, màu nước trên giấy Giang, 33 x 40 cm. Thuộc series “Vùng sống 2”. Nguồn ảnh: The Muse Artspace.

Chất bột màu trong tác phẩm tạo những vùng hạt màu khi dày khi mỏng, kết hợp với màu nước thấm nhòe vào sợi giấy nổi, có chỗ được dán vàng lá. Màu trong “Vùng sống 2” tương phản rất mạnh. Các màu nguyên được dùng chủ đạo, từ đó biến hóa các sắc độ, thể hiện biên độ dao động đến cực đoan. Sự phong phú ở hình, nét, điểm, giọt và mảng màu đem đến dấu vết tạo hình cả chủ động lẫn ngẫu nhiên. Trong đó, những nét chủ động tạo nên ý niệm còn sự ngẫu nhiên thể hiện tư duy, phong thái của tác giả.

Một ấn tượng nổi bật thì “Vùng sống 2” của Nguyễn Văn Trinh xuất hiện đầy bất ngờ. Những sinh vật như được bung ta từ một thế giới hỗn mang, cao trào. Chúng thể hiện sự xâm chiếm, ngạo nghễ và bí ẩn. Tất cả cho thấy nội tâm phong phú cùng những huyễn tưởng cấp tiến của Nguyễn Văn Trinh. Điều này sẽ đem đến cho nghệ thuật của anh những sáng tạo khó đoán định trong tương lai.

Khán giả xem trưng bày “Vùng sống 2” của họa sỹ Nguyễn Văn Trinh tại The Muse Artspace. Ảnh: Trần Thu Huyền

Huyền T. Trần

Chú thích

Ảnh bìa: Nguyễn Văn Trinh, “Kẻ săn mồi hạ tầng”, bột màu, màu nước trên giấy Giang, 51 x 60 cm. Thuộc series “Vùng sống 2”. Nguồn ảnh: The Muse Artspace.


 
Back to top