ART & CULTURE

KTS Hồ Viết Vinh: Bền vững tâm linh là yếu tố cốt lõi

Aug 05, 2021 | By Trang Ps

Với KTS Hồ Viết Vinh, một công trình bền vững phải bao hàm cả các yếu tố bền vững kết cấu, bền vững môi trường, bền vững thẩm mỹ, bền vững văn hoá, và thêm một yếu tố cốt lõi làm nền tảng là: bền vững tâm linh (spiritual sustainability). Dự án sắp tới mà anh tâm đắc và đang được xúc tiến để đầu tư xây dựng Công viên Trịnh Công Sơn tại cố đô Huế.

Với triết lý thiết kế bền vững toàn diện về mọi mặt, KTS Hồ Viết Vinh đã tạo ra những công trình kiến trúc độc đáo như Không gian ký ức Lê Bá Đảng hay gần đây là Nhà San Hô tại Hồ Tràm… Anh có thể chia sẻ thêm về những bước ngoặt đã định hình nên sự nghiệp hiện tại của mình?

Có thể vắn tắt chặng đường làm nghề hơn 25 năm liên tục với thật nhiều chông gai của tôi thành bốn giai đoạn: tìm kiếm, thấu hiểu, suy ngẫm và thực hành.

Giai đoạn đầu tiên, tôi đã mất khoảng 5 năm kiếm tìm với nhiều công sức nhưng chủ yếu vẫn là làm sao để có thể sống được với nghề.

Giai đoạn hai là khi tôi nhận ra rằng kiến trúc không chỉ cần cơ bắp mà còn thật nhiều tư duy.

Giai đoạn ba, tôi suy ngẫm về những giá trị khác biệt để sáng tạo. Có lẽ, đây là quá trình gian nan thử thách hơn cả vì phải bỏ xuống những thứ không cần thiết mặc dù đã cất công thu lượm bấy lâu nay. Điều đó bao gồm cả việc khiến tâm trí trống rỗng để cái mới được nảy sinh.

Giai đoạn cuối cùng là khi bản thân thực hành theo chỉ dẫn của tuệ giác chứ không lệ thuộc vào tư duy.

Triết lý thiết kế ấy dường như được lấy cảm hứng từ tư tưởng Phật giáo!?

Đúng vậy! Người Thầy tư tưởng ảnh hưởng sâu sắc đến thiết kế của tôi chính là Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh với tuệ giác tương tức.

Tuệ giác tương tức theo Sư Ông có nghĩa là: “Nếu chúng ta hiểu rằng con người và thiên nhiên không thể tách rời nhau thì ta sẽ biết cách đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình, với tất cả sự cẩn trọng nhẹ nhàng, với tất cả tình thương yêu, không có sự bạo động. Cho nên, nếu chúng ta không muốn mình bị thương tổn thì không nên làm thương tổn thiên nhiên, vì làm thương tổn thiên nhiên là làm thương tổn chính mình và ngược lại.”   

Yếu tố khoảng trống – sự trống rỗng được anh tiếp cận như thế nào thông qua các công trình?

Về ý niệm, không gian được làm bằng khoảng trống, nếu không có khoảng trống thì chẳng có không gian. Chúng ta cần phải phân biệt được cặp khái niệm rỗng/đặc và trống/kín, một bên nói về mật độ chiếm chỗ không gian và một bên nói về độ mở với không gian bên ngoài. Khoảng trống chính là nơi tạo nên sự đối thoại giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người và giữa mình với thế giới tâm linh. Một sự trống rỗng dẫn đến vô tận trong sự biến chuyển và đổi thay.

Anh nhận định như thế nào về một công trình bền vững? Yếu tố hàng đầu tạo nên giá trị bền vững ấy là gì trong cách tiếp cận riêng của anh?

Khi nói về một công trình bền vững, ta cần xem xét sự bền vững này là về khía cạnh nào: bền vững kết cấu, bền vững môi trường, bền vững thẩm mỹ hay bền vững văn hoá. Hiện nay, người ta thường bàn luận nhiều về bền vững môi trường khi sự khai thác thiên nhiên đã đến ngưỡng phá huỷ.

Theo tôi, một công trình bền vững phải bao hàm cả bốn yếu tố trên và thêm một yếu tố có tính cốt lõi làm nền tảng là: bền vững tâm linh (spiritual sustainability). Bền vững tâm linh dựa trên trực giác thấu được giá trị cốt lõi của mọi sự sống trên hành tinh chính là sự hoà hợp để giúp nhau cùng tồn tại.

Công trình kiến trúc là một phần của tự nhiên, do vậy phải hoà hợp với môi trường xung quanh. Ánh sáng, gió, mưa, bão và ngay cả côn trùng cũng là những vị khách của không gian.

Một công trình phản ánh trọn vẹn tư tưởng thiết kế của anh?

Đó là Không gian Kí ức Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) được xây dựng tại Thành phố Huế. Không gian Kí ức Lê Bá Đảng là sự hoà hợp giữa ba yếu tố: tự nhiên, tạo hình và thi ca. Tự nhiên chính là thiên tạo như cỏ cây, hoa lá, sông nước, mây trời, đất đá, con người và các loài động vật. Đường nét, hình khối, màu sắc và chất liệu đóng vai trò tạo hình không gian.

Sợi dây kết nối giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố tạo hình chính là thi ca mà giai điệu của nó với bản chất là một dòng chảy từ nguyên sơ, mang theo biết bao trầm tích văn hoá, hoà chung vào nhịp sống để tạo nên kí ức thời gian.

Một kiến trúc sư mà anh được ảnh hưởng? 

Peter Zumthor, một kiến trúc sư lỗi lạc của Thuỵ Sỹ với câu nói nổi danh: “Để thiết kế công trình có sự cuốn hút các giác quan, kiến trúc sư phải vượt qua giới hạn của hình thức và cấu trúc.”

Theo anh, trải nghiệm nào mà anh cho là quan trọng nhất đối với một người kiến trúc sư như anh?

Nghề kiến trúc đến với tôi như định mệnh, chính vì vậy mà mọi trải nghiệm đều có giá trị của riêng nó: không có trải nghiệm tốt mà cũng chẳng có trải nghiệm xấu.

Tuy nhiên có một trải nghiệm đóng vai trò chuyển hướng hoạt động sáng tạo, được xem là trải nghiệm có tính bản lề, quan trọng. Vào năm 2005, tôi có cơ hội tham gia Cuộc thi sáng tác quốc tế thứ 8 do Les Arterliers Internationaux de Maitrise d’Oeuvre Urbaine Cergy Pontoise của Pháp được tổ chức cho gần 40 kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà kinh tế đô thị, nhà quản trị, chuyên gia môi trường từ 17 quốc gia tham dự với chủ đề: Đô thị du lịch sinh thái Cần Giờ (CanGio entre ville ecologique et destination touristique). Đồ án của nhóm tôi với tên gọi “Đô thị của những cảm xúc khác biệt” đã tạo nên ấn tượng mạnh cho ban giám khảo và được trao giải đặc biệt.

Nói về chất liệu, anh quan niệm như thế nào về việc sử dụng chất liệu trong kiến trúc? Anh có đang thử nghiệm hay nghiên cứu chất liệu nào đó không? 

Chất liệu đóng một vai trò quan trọng để tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cho không gian kiến trúc ngoài hình khối và ngôn ngữ tạo hình. Dưới tác động của ánh sáng, ba yếu tố này sẽ hoà hợp để tạo nên chất cảm không gian. Trong thiết kế các công trình kiến trúc, tôi đặc biệt lưu tâm tìm hiểu về các chất liệu có tính địa phương để sử dụng trong các không gian để tạo nên cái hồn nơi chốn.

Anh có thể chia sẻ về dự án sắp tới? 

Một dự án mà tôi rất tâm đắc và đang được xúc tiến để đầu tư xây dựng tại Huế là: Công viên Trịnh Công Sơn. Nằm tại vị trí ngã ba sông, đầu gối vào Phố cổ Gia Hội, mặt nhìn sông Hương, lấy Ngự Bình làm tiền án, dãy Kim Phụng giăng ngang tạo nên một vùng cảnh quan rộng lớn: một vị trí địa lý hoà hợp để xây dựng Công viên Trịnh Công Sơn trên vùng đất cố đô.

Công viên có diện tích khoảng 6,2ha, kéo dài gần 1 km dọc theo hạ nguồn sông Hương với cảnh quan mặt nước bao quanh. Tổng thể công viên được cấu trúc bởi hai phần: Không gian Nối vòng tay lớn (20.000m2) và Không gian Vườn âm nhạc (42.000 m2). Không gian Nối vòng tay lớn được cấu trúc bằng hình tượng Vòng tay Việt Nam với một vòng tròn hai lớp tạo thành Cánh đồng Việt Nam: một ý tưởng thoát thai từ khát vọng hoà bình trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tượng Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mang vóc dáng khoan thai thoát ra từ thế đứng núi sông. Ông đứng như một biểu tượng cho khát vọng hoà hợp dân tộc, cho tình yêu nhân loại và cho cả thân phận con người. Mỗi lần bước chân vào không gian này, ta như nghe lại giai điệu hùng tráng tươi mát, ta như đi để từng bàn tay nắm lại nối thành một khối thống nhất mang tên Việt Nam. Không gian Vườn âm nhạc là sự ngưng đọng giai điệu của thiên nhiên qua lời tình tự của cỏ cây, hoa lá, chim muông, và vạn hữu.

 


 
Back to top