ART & LIFE

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù sắp đấu giá tại Christie’s

Nov 11, 2021 | By Art Republik

Trước thềm phiên đấu giá ngày 02.12.2021, một bức sơn mài 5 tấm được cho là của họa sỹ Hoàng Tích Chù đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn. Art Republik Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết tổng hợp của nhà nghiên cứu Kevin Vương.

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Tháng 12 năm 2021 sắp tới, nhà đấu giá Christie’s tại Hồng Kông sẽ mở phiên đấu bao gồm nhiều tác phẩm hội họa của các họa sĩ Đông Dương và Đông Nam Á. Nổi bật trong đó là tác phẩm sơn mài 5 tấm khổ lớn “La Haute-Région du Tonkin” (Thượng du Bắc kỳ), được nhà đấu giá thông tin là của cố họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912 – 2003). 

Bên cạnh đó, nhà Christie’s cũng đưa ra thêm một bức ký họa bút chì, được cho là bức vẽ nháp cho tác phẩm sơn mài kể trên. Tác phẩm hiện đang trưng bày tại Helutrans Relocation (thuộc công ty cung cấp dịch vụ hậu cần nghệ thuật Helu-Trans ở Singapore), cùng với nhiều tranh khác của nghệ sỹ Đông Nam Á thế kỷ XX (trong đó có một số bức được cho là của Vũ Cao Đàm, Lê Phổ,…) nhằm để khán giả yêu nghệ thuật có thể nhìn ngắm tận mắt. Tuy nhiên, đối với bức sơn mài “Thượng du Bắc kỳ”, có không ít hoạ sĩ và chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam đặt nhiều câu hỏi về tính xác thực của bức tranh.

Qua các tác phẩm sơn mài tiêu biểu như “Phong cảnh chùa Thầy” (1944), “Tổ đội công cấy lúa” (1958), “Gánh lúa” (1961), họa sĩ Hoàng Tích Chù đã khẳng định mình là một trong những họa sĩ sơn mài vĩ đại nhất Việt Nam. Năm 1929, ông theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (l’École Supérieure des Beaux-arts de l’Indochine) dưới sự chỉ dẫn của họa sư Nam Sơn (1890 – 1973). Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến việc học của ông bị trì hoãn, cho đến năm 1941 ông mới tốt nghiệp. Đó cũng là thời điểm ông mở xưởng sơn mài trên phố Hàng Khoai, Hà Nội, nơi mọi người yêu tranh có thể đến đặt hàng trực tiếp từ họa sĩ. 

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Bức tranh của Hoàng Tích Chù đang được trưng bày tại Singapore, “La Haute-Région du Tonkin” (Tonkinese Upper Region) (Thượng du Bắc kỳ), được cho là vẽ năm 1950, sơn mài 5 tấm, kích thước 90 x 225 cm. Giá dự đoán: 180.000 – 282.800 USD. Ảnh: Ace Lê

Nhà Christie’s cũng đưa ra một bức ký họa bút chì, được cho là bức vẽ nháp cho tác phẩm sơn mài kể trên. Ảnh: Ace Lê

Trở lại với bức tranh sơn mài sắp được đấu giá tại Christie’s, nhiều câu hỏi về chất lượng nghệ thuật của bức tranh đã được đưa ra thảo luận. Về tổng thể, bố cục của các yếu tố trên diện tích nhìn thấy dường như không tuân theo một nhịp điệu nào, dãy núi, đá, cây cỏ, mỗi thứ đều chằn chặn theo từng cụm, từng hàng, đó là điều tối kỵ. Những bức tranh sơn mài như “Tổ đội công cấy lúa” (1958) điển hình với nhịp điệu hài hòa, là núi là cây có dáng điệu tự nhiên, các mảng khối tạo nên tính tương phản. Trong trường hợp này mối quan hệ lỏng lẻo của các hình thể núi non cây cỏ không làm nổi lên mối quan hệ tương phản của các mảng chính phụ, mà trái lại làm lu mờ nó. Sự sắp xếp thiếu hợp lý này còn khiến cho thị giác người xem mất cân bằng, gây rối mắt. Về bố cục đậm nhạt, sự tương phản giữa các mảng sáng – tối, chính – phụ không rõ ràng. Điều quan trọng khiến một bức tranh đẹp dù chụp hình đen trắng là các bố cục nổi rõ do các mảng sáng – tối thì ở đây ta không hề bắt gặp. 

Bức bích họa của Victor Tardieu vẽ cho Trường Đại học Đông Dương. Nguồn: Manhhai/flickr

Với trình độ sơn mài bậc thầy như họa sĩ Hoàng Tích Chù, ông chắc chắn biết dùng màu tạo bố cục, mảng miếng, độ thâm sâu cho tác phẩm. Như vậy, mặt bố cục của bức tranh này hoàn toàn không tương xứng với trình độ của một họa sĩ xuất sắc tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Màu sắc trong tranh sặc sỡ đến mức lòe loẹt, duy chỉ có sắc đỏ là có dấu hiệu phai màu. So sánh với năm mà bức tranh ra đời theo thông tin nhà đấu giá đưa ra, 1950, thì đây là điều hoàn toàn vô lý. Sau khoảng thời gian lâu như vậy, về mặt hóa học, các màu sẽ bị phai và sẽ phai đều ở các màu trong khi ở đây các màu xanh lá, hồng,… đều rất tươi. Thời điểm năm 1950 không thể có màu xanh lá như vậy để sử dụng, hơn nữa ở đây, màu xanh đó rất rợ, công nghiệp, không cùng tông màu lạnh với các bức tranh cùng thời.

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Sắc đỏ phai màu của bức tranh “Thượng du Bắc Kỳ” (1950). Ảnh: Ace Lê

Độ biến đổi, phai màu son trên tranh sơn mài “Hồ cá vàng” (1943), Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đồng sáng tác. Ảnh: Christie’s Hồng Kông.

Son phai màu trên tranh sơn mài “Chùa Thầy” (1941), Hoàng Tích Chù. Ảnh: Berard-Peron.

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Màu sơn quá sặc sỡ, tươi mới so với một tác phẩm thập niên 50. Ảnh: Ace Lê.

Về mặt bút pháp, những chi tiết mô tả cảnh thiên nhiên cây núi cỏ hoa là dễ nhận biết nhất. Nhìn vào khung hình có hai người nông dân đang cày bừa, phía sau là bụi lá khoai, ta thấy những chiếc lá khoai được tạo hình rất vụng về, không vững, lá bẹt như hình học phẳng, ngô nghê, thiếu thẩm mỹ. Nhìn sang bên phần thân cây gỗ, những nét kẻ trắng trên thân cây được vạch rất đều trên nền đen, thể hiện sự cẩu thả trong tạo hình. Hình ảnh hai người nông dân bên trâu cày cũng đáng lưu ý. Khuôn mặt của họ hớn hở như những bức tranh trẻ em vẽ, thần thái quá non, thân thể xộc xệch và vuông vức không theo tỉ lệ nào. Bóng của họ và đôi trâu đổ xuống dày đặc, thiếu tinh tế, nhìn bóng đổ con trâu mà mảng đen của cái sừng tưởng như con tê giác ở dưới nước! Phần khảm vỏ trứng lung tung, tràn lan, không theo dụng ý nghệ thuật nào. 

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Tạo hình phạm nhiều luật trong hội họa. Ảnh: Ace Lê

Lá khoai, bụi lau và bóng đổ ở hai bức tranh rất khác nhau. Trái: “Hoàng hôn miền cao” (1956), Hoàng Tích Chù. Ảnh: Christie’s. Phải: “Thượng du Bắc Kỳ”. Ảnh: Ace Lê.

Nên nhớ nếu bức tranh này có tựa đề “Thượng du Bắc Kỳ”, với hình ảnh nhà sàn, núi non miền Thượng thì ta sẽ hình dung ngay đến bức sơn mài nổi tiếng của họa sĩ Hoàng Tích Chù – “Tổ đội công cấy lúa” (1958). Ở đó, trên cánh đồng, những cô gái người Thái với bộ trang phục đặc trưng áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu trắng. Nhưng ở bức mà nhà Christie’s đăng lên, ta lại bắt gặp người nông dân trong trang phục đồng bằng Bắc Bộ, với áo tứ thân, khan mỏ quạ đen, quần thâm xắn cao và ở khung hình hai chàng thanh niên cày bừa thì lại mặc áo nâu sồng và đội nón ba tầm. 

Như vậy rõ ràng, cách dựng hình ở bức tranh sắp đấu giá của nhà Christie’s không đồng nhất với chủ đề tác phẩm, với cảnh núi non Tây Bắc. Người thợ vẽ đã lắp ghép, sao chép từ các nguồn khác nhau mà không hiểu rõ, không nắm bắt được tinh thần tác phẩm. Họa sĩ Hoàng Tích Chù, theo chia sẻ của họa sĩ Lê Huy Tiếp, là người “vẽ hình rất kỹ tính, nhiều lớp. Khi vẽ núi, ông giã vỏ trai pha vào, khi mài lên sắc màu lung linh. Lá tre, núi non, những yếu tố ấy đều nhiều sắc độ, có độ sâu”.

Trang phục phụ nữ Thái ở Tây Bắc, “Tổ đội công cấy lúa” ( 1958)

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Trang phục sao chép sai, “Thượng Du Bắc Kỳ” (1950)

Ngoài ra, theo nhận định của một họa sĩ vẽ sơn mài lâu năm thì “các đường thẳng của nhà sàn, bóng nhà sàn, bờ ruộng rất ngô nghê, non tay, giống tranh sú kiểu souvenir”.

Những chi tiết nhà sàn, cây, núi, bị trùng lặp nhàm chán, vô hồn. Ảnh Ace Lê.

Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, về mặt kỹ thuật, “đây không thể gọi là một bức tranh sơn mài bởi tranh không hề mài, các nét đen cứng nhắc. Kỹ thuật vẽ sơn mài là vẽ nét đen trước rồi mới phủ các màu lên, nhiều lớp rồi  mới mài. Khi đó, nét đen hiện dần lên như đường nhấn, đường đệm, mềm mại. Bức này là vẽ bôi màu trực tiếp lên. Những chỗ dán vỏ trứng có mài một chút nhưng hời hợt. Chưa nói đến các hình người vụng về. Cái nhà cũng không biết vẽ. Hình hài tệ hại buồn cười. Liếc một cái là thấy”.

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Những tạo hình rất yếu về cây cối, tất cả các thân cây đều một màu đen, không phải do mài nhiều lớp màu hiện lên. Ảnh: Ace Lê.

Nghi vấn đối với bức sơn mài của Hoàng Tích Chù

Những tạo hình rất yếu về cây cối, tất cả các thân cây đều một màu đen, không phải do mài nhiều lớp màu hiện lên. Ảnh: Ace Lê.

2021_HGK_Christie Lot 115(hoang_tich_chu_nguyen_tien_chung_goldfish_in_a_pond 25.05.2021.jpg

Họa sĩ Lê Quảng Hà nhận xét: “Cụ Hoàng Tích Chù làm sơn mài rất cầu kỳ theo lối cổ, màu ẩn sau màu, bức này màu sống và nông, trơ như là làm bằng sơn điều, hình thì ngô nghê gượng gạo, gượng ép. Đó là cách phát hiện giả thật. Bởi nếu đúng tác giả vẽ, kể cả tác giả không giỏi, kém về hình họa, sẽ vẫn có sự hài hoà tự nhiên bởi họ không bị gò ép để cố giống một cái gì đó, ở cái bức này lộ rất rõ những điều trên. Mỗi họa sĩ họ đều có cá tính và nét riêng biệt, cái này nó toát ra một cách tự nhiên, nó chính là tinh thần của tác phẩm, khi kết hợp quan sát những điều tôi nói ở trên sẽ thấy bức tranh này rón rén, nó không có sự phóng khoáng tự nhiên”.

Tựu chung lại, bức tranh sơn mài “Thượng du Bắc Kỳ” mà nhà đấu giá Christie’s tại Hồng Kông sắp đưa ra đấu giá trong tháng 12, là một bức tranh tầm thường dán nhãn họa sĩ Đông Dương. Bức tranh phạm nhiều lỗi trong hội họa, từ bố cục, tạo hình, màu sắc cho đến kỹ thuật cơ bản của tranh sơn mài. 

Vì vậy, bức sơn mài 5 tấm được Christie’s Hồng Kông giới thiệu là của cố hoạ sĩ Hoàng Tích Chù và sắp đưa ra đấu giá công khai, khả năng cao là tranh chép, với tay nghề tạo hình rất kém, bất cứ một hình nào, một mảng màu nào cũng đi ngược lại tiêu chí thẩm mỹ của nghệ thuật sơn mài. Điều khó hiểu là, chính Christie’s Hồng Kông đã từng bán 2 bức tranh sơn mài chất lượng rất tốt của họa sĩ Hoàng Tích Chù trong 2 năm trở lại đây, không hiểu sao lần này nhà đấu giá lại có thể đưa một bức tranh kém chất lượng lên sàn. Mong rằng các nhà sưu tầm nghệ thuật chân chính nhìn nhận kỹ vấn đề này, và cùng yêu cầu nhà đấu giá nên có những động thái thích đáng để trả lại danh tiếng cho sơn mài truyền thống Việt Nam. 

Thực hiện: Kevin Vương

* Theo thông tin trên website của nhà Christie’s Hồng Kông, chương trình đấu giá “The 20th Century Art Day” dự kiến diễn ra vào ngày 02.12.2021, quy tụ đa dạng tác phẩm của các nghệ sỹ hiện đại từ phương Đông và phương Tây. Mở màn là nghệ thuật hiện đại Việt Nam với những cái tên danh tiếng như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn phan Chánh và một kiệt tác sơn mài 5 tấm của Hoàng Tích Chù. Ngoài ra, chương trình còn hứa hẹn mang đến các tác phẩm của nhiều nghệ sỹ hiện đại Châu Âu lẫn Châu Á như: Pablo Picasso, Alfred Sisley, Claude Monet, Henry Moore, Bernard Buffet and Giorgio de Chirico will mingle with Zao Wou-Ki, Chu Teh-Chun, Guan Liang, Rhee Seundja, Takesada Matsutani và Pang Jiun.


 
Back to top