ART & CULTURE

“Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” của Mai Thứ và ngụ ý về phụ nữ Việt hiện đại

Nov 25, 2021 | By Art Republik

Ngày 27.11 sắp tới đây, bức hoạ “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” của hoạ sỹ Mai Trung Thứ sẽ được nhà Bonhams đưa ra đấu giá tại Hồng Kông. Tác phẩm được cho là từng trưng bày trong triển lãm nhóm của bộ ba hoạ sỹ Đông Dương Thứ-Phổ-Đàm, vào năm 1943, tại Paris.

“Lady Playing a Nguyet Cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt), mực và màu trên lụa, 73 x 61 cm. Góc phải bên dưới của tranh có chữ ký và dấu triện Mai Thứ, năm 1943.

Ngày 27 tháng 11, bức hoạ “Lady Playing a Nguyet Cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt) của hoạ sỹ Mai Trung Thứ sẽ được nhà Bonhams đưa ra đấu giá. Cùng phiên còn có tác phẩm “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” của bậc thầy nghệ thuật sơn mài Phạm Hậu.

Theo các thông tin và giấy chứng thực mà nhà Bonhams cung cấp, tác phẩm “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” từng được giới thiệu tại triển lãm nhóm “Trois Peintres Indochinois” (Ba Hoạ Sỹ Đông Dương) của phòng trưng bày Henri Joly ở Paris, cùng với Lê Phổ (1907-2001) và Vũ Cao Đàm (1908-2000), vào tháng 12 năm 1943.

Giám tuyển Yunwen Sung nhận xét “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” là một kiệt tác khơi dậy mọi giác quan, thấm đẫm những ẩn dụ thị giác và minh chứng cho tài năng của một nghệ sỹ bậc thầy, người đã mở ra một chương mới trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Yunwen Sung cho rằng những chi tiết gợi nhớ bản sắc văn hoá Á Đông đặc trưng trong bức hoạ còn có ngụ ý đề cao đức hạnh và lòng kiên trinh của phụ nữ Việt, đồng thời cỗ vũ quyền bình đẳng, tự chủ của phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Giám tuyển Yunwen Sung là người phụ trách triển lãm theo chủ đề “Wartime Artists of Vietnam: Drawings and Posters from the Ambassador Dato’ N. Parameswaran Collection” của Bảo Tàng NUS (Singapore), diễn ra từ 31.10.2019 đến 26.06.2021. Nguồn: cfa.nus.edu.sg

Mai Trung Thứ (1906-1980), hay còn được biết đến với tên Mai Thứ, được tôn vinh là một trong những người đi tiên phong cho nền hội họa hiện đại Việt Nam. Ông là một trong những họa sỹ tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925-1930) của trường Mỹ thuật Đông Dương [1] danh giá ở Hà Nội thời thuộc địa.

Sinh viên tại trường được các giảng viên người Pháp khuyến khích thử nghiệm với những chất liệu truyền thống của Việt Nam – đặc biệt là sơn mài và lụa – để sáng tạo các tác phẩm kết hợp cả kỹ thuật và lý thuyết phương Tây, lẫn chủ đề và thẩm mỹ truyền thống [2]. Trước khi trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập, hội họa Việt Nam chủ yếu được coi như một loại hình nghệ thuật “Trung Hoa”; tuy nhiên, ngôi trường này cùng với người sáng lập Victor Tardieu (1870-1937) đóng vai trò then chốt trong việc biến sơn mài và lụa trở thành các chất liệu cho hội họa hiện đại [3].

Ngay từ năm 1930, các tác phẩm của lứa họa sỹ đầu tiên tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã bắt đầu được lưu hành và bày bán tại Paris và nước ngoài. Họ vừa đáp ứng thị hiếu của mẫu quốc Pháp (métropole) trong khi vẫn tiếp tục phát triển các hình thức biểu đạt thị giác hiện đại [4]. Đặc trưng cho phong cách hội họa của Mai Thứ, như đã nói ở trên, là tính chiết trung và hướng tiếp cận mới lạ.

Một bức ảnh do gia đình hoạ sỹ cung cấp cho Bảo Tàng Ursulines, nhân triển lãm ““Mai Thứ, tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ” kỷ niệm 40 năm ngày mất của ông. Nguồn: Musée des Ursulines de Mâcon (Twitter)

“Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” được chủ nhân trước đó mua trực tiếp từ Henri Joly (1876-1957), một chủ phòng tranh ở Paris vào thập niên 1940. Xuất xứ này cho thấy, cùng với các tác phẩm khác của Mai Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm, bức tranh đã được giới thiệu trong triển lãm nhóm “Ba họa sỹ Đông Dương” (Trois Peintres Indochinois) tại phòng tranh của Henri Joly, tiền thân là Phòng tranh Hessel [5], vào tháng 12 năm 1943. Điều này hướng sự chú ý đến hành trình nghệ thuật của Mai Thứ tại Châu Âu.

Paris, kinh đô ánh sáng của thế giới nghệ thuật hiện đại từ thế kỷ 19, đã thu hút các nghệ sỹ đầu óc cởi mở và tham vọng từ khắp nơi trên thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20. Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, và Mai Thứ – sau này được biết đến như là “Bộ ba nghệ sỹ Việt Nam tại Paris” [6] – cũng rời Việt Nam và định cư thời gian đầu ở Paris vào cuối thập niên 1930. Họ hy vọng có thể phát triển với tư cách nghệ sỹ, cũng như được hưởng lợi từ bầu không khí nghệ thuật đa dạng của thành phố qua việc tích cực tham gia vào những triển lãm ở nhiều salon và phòng trưng bày khác nhau.

Triển lãm nhóm “Trois Peintres Indochinois” (Ba hoạ sỹ Đông Dương), giới thiệu tác phẩm của Mai Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Triển lãm do phòng trưng bày Henri Joly tổ chức ở Paris, từ 07.12.1943 đến 22.12.1943. Nguồn ảnh: Junko Nimura, “Adoption and Development of Popular Images in Mai Thu’s Paintings: A Consideration of Modern Vietnamese Genre Painting”, VERBA 43 (2020): 47.

Mai Thứ dành hơn nửa cuộc đời của mình tại Pháp. Trong thời gian lưu lại Mâcon từ 1940 đến 1942, thực hành hội họa của ông đã trải qua một thay đổi lớn – ông từ bỏ sơn dầu trên vải và tập trung phần lớn nỗ lực vào việc tạo ra những bức tranh tinh tế trên lụa, một chất liệu đậm chất Á Đông mà công chúng mẫu quốc (métropole) ưa thích khi đó.

Đáng chú ý, công việc ươm tơ và quay tơ trong nhà yêu cầu trình độ cao vốn thường được thực hiện bởi phụ nữ ở Nam Trung Quốc và Việt Nam. Hơn nữa, phẩm chất độc đáo của lụa, với sự mềm mại cũng như khả năng hút ẩm để tạo ra màu sắc tinh tế, làm toát lên sự nữ tính như trong bức hoạ “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt”.

Khi bức tranh được giới thiệu tại triển lãm năm 1943, người ta nhắc đến Mai Thứ như là một “họa sỹ của những cảnh thân thuộc” (intimiste), ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc biến những cảnh sinh hoạt đời thường trở nên có giá trị [7]. Đặc biệt, một trong những chủ đề chính của các họa sỹ chuyên vẽ khung cảnh thân thuộc là các cô thiếu nữ, như trong “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt”, trọng tâm được đặt vào cô gái duyên dáng đang chơi đàn nguyệt, một loại nhạc cụ hai dây truyền thống Việt Nam. Bức tranh không chỉ đem đến một sự hòa quyện đầy uyển chuyển và trữ tình giữa hình ảnh và âm thanh; nó còn mời gọi người xem trải nghiệm một khoảnh khắc thân mật mà thoáng qua, được ghi lại trong không gian hình ảnh.

Trong tranh “Lady Playing a Nguyet Cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt), trọng tâm được đặt vào cô gái duyên dáng đang chơi một loại nhạc cụ hai dây truyền thống, có hộp đàn hình tròn như mặt trăng, do đó gọi là “nguyệt cầm”, hay “đàn nguyệt”, trong miền Nam còn gọi là “đờn kìm”.

Tác phẩm cũng nói lên niềm đam mê của Mai Thứ dành cho âm nhạc và vai trò của ông như một nhạc công tài năng. Trong những năm tháng giảng dạy mỹ thuật trung học tại Cố đô Huế từ 1931 đến 1937, ông đã thông thạo hai nhạc cụ truyền thống là sáo trúc và đàn bầu (độc huyền cầm).

Sau khi sang Pháp, ông thường tham gia biểu diễn tại các buổi hòa nhạc, thậm chí còn từng thu âm album “Musique du Viet-nam” cùng với Trần Văn Khê (1921-2015), nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lỗi lạc của Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1967, Mai Thứ thổ lộ rằng ông đặc biệt ưa thích nghe nhạc truyền thống Việt Nam khi đang sáng tác [8]. Những nỗ lực của ông trong việc đem yếu tố âm nhạc vào các tác phẩm của mình là không ngừng nghỉ, cũng như những ý tưởng về sự giao thoa nghệ thuật.

Hoạ sỹ Mai Trung Thứ chơi thông thạo hai nhạc cụ truyền thống là sáo trúc và đàn bầu. Nguồn ảnh: mai-thu.fr

Mai Trung Thứ quay phim trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, năm 1946. Nguồn ảnh: mai-thu.fr

Để vẽ “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt”, Mai Thứ cũng sử dụng những kỹ thuật tạo hình phương Tây. Bố cục bức tranh dường như tuân theo quy tắc Một phần ba (1/3); thiếu nữ chơi đàn – chủ thể chính – ở vị trí chếch một chút về phía bên phải của đường cắt trung tâm, trong khi cô gái còn lại ngồi quay lưng với người xem và ở phía bên trái để tạo sự cân bằng thị giác.

Dù thiếu nữ chơi đàn là hình ảnh đầu tiên người xem nhận thấy, cô lại hướng ánh nhìn khỏi khán giả, nhưng đồng thời, ánh mắt của cả cô gái còn lại lẫn người xem đều hướng về phía cô. Hướng nhìn linh hoạt này cũng như các góc được tạo thành từ cơ thể họ đem đến chuyển động hài hòa cho bố cục, cho phép đôi mắt người xem dõi theo dấu vết thị giác đã được hoạ sỹ sắp đặt và tự do di chuyển quanh bức tranh. Ở đây, ánh mắt trầm ngâm và có phần xa cách của thiếu nữ chơi đàn đóng vai trò như một phương tiện giao tiếp đầy lý thú giữa người xem và tác phẩm, cùng giai điệu đàn nguyệt đầy mộng mơ vang lên giữa thinh không.

Hai thiếu nữ mặc áo dài, tóc vấn khăn, người chơi đàn nguyệt, người cầm quạt xếp. Không gian trang nhã với lọ hoa trắng, kỷ trà gỗ và quyển sách đề tựa “Ngọc Hoa”.

Những đồ vật thường ngày như quạt xếp, khay trà được khắc họa tinh tế trong không gian trang nhã của “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt”, gợi nhớ đến những yếu tố đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong bức tranh lụa tinh tế này, trên nền xanh trầm tĩnh của ngọc lục bảo, hai quý cô trong bộ áo dài mềm mại, và những bông hoa trắng trong lọ, một cuốn sách bìa đỏ đề chữ “Ngọc Hoa” (玉花) đặt trên một chiếc kỷ trà kiểu cách, tất cả sự tương hỗ làm toát lên bản sắc lẫn tính hiện đại [9]. Dường như có ngụ ý, khi ta biết “Ngọc Hoa” là tên của nhân vật nữ chính trong “Ngọc Hoa Cổ Tích Truyện” (玉花古蹟傳), một sử thi khuyết danh của Việt Nam ở thế kỷ 18.

Cuốn sách bìa đỏ đề chữ “Ngọc Hoa” (玉花) đặt trên một chiếc kỷ trà kiểu cách, bên cạnh là khăn lụa, bình hoa trắng, các chi tiết vừa truyền thống vừa hiện đại.

Bài thơ thuật lại câu chuyện tình thủy chung của nàng Ngọc Hoa tài sắc vẹn toàn và người chồng Phạm Tải. Trong truyện, Ngọc Hoa không chỉ giữ trinh tiết và cứu chồng khỏi cõi âm; nàng còn tố cáo tội ác của tên bạo chúa đã giết chồng mình, qua đó tôn vinh và đề cao những phẩm chất kiên cường, đáng ngưỡng mộ của con người – đặc biệt là phụ nữ – những người không bao giờ đầu hàng trước bạo lực và cường quyền [10]. Mai Thứ đã cẩn trọng sắp đặt những đồ vật này theo một cách thức mới, sử dụng chúng để tái tạo không gian cho sự tự biểu đạt, và ở một mức độ nào đó, cỗ vũ quyền bình đẳng, tự chủ của phụ nữ Việt Nam hiện đại trong đời sống thường nhật.

Rõ ràng, mối quan tâm đến âm nhạc, nhiếp ảnh và phim (ảnh) [11] đã dẫn Mai Thứ đến việc sáng tạo ra một bức tranh sống động, có thể khơi dậy mọi giác quan. Như một chốn biểu diễn đầy sức gợi cảm, thấm đẫm những ẩn dụ thị giác vượt khỏi không gian và thời gian. Sức mạnh nghệ thuật của Mai Thứ đến từ thực hành nghệ thuật chiết trung, kết hợp phong cách phương Tây lẫn Việt Nam, với cảm quan thị giác độc đáo, thể hiện sự hòa hợp giữa quá trình đào tạo ở Việt Nam thuộc địa với những khám phá nghệ thuật chốn Paris phồn hoa. “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” là minh chứng cho sự phát triển của ông như một nghệ sỹ bậc thầy, người đã mở ra một chương mới trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

Bài tiếng Anh: Yunwen Sung
Chuyển ngữ: Lưu Bích Ngọc

* THÔNG TIN ĐẤU GIÁ

“Lady Playing a Nguyet Cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt), chất liệu mực và màu trên lụa căng trên bảng bristol, kích thước 73 x 61 cm. Góc phải bên dưới của tranh có chữ ký và dấu triện Mai Thứ, năm 1943. Tác phẩm kèm theo giấy chứng nhận xác thực bằng ảnh, cấp bởi phòng trưng bày Henri Joly, ngày 7 tháng 12 năm 1943. Tác phẩm sẽ được đưa ra trong phiên đấu giá “Southeast Asian Modern & Contemporary Art” của nhà Bonhams, tại Hồng Kông, vào ngày 27.11.2021 (10:00 HKT). Lô 17. Giá đấu dự kiến từ 150.000 – 280.000 USD (tương đương 1.200.000 HKD – 2.200.000 HKD).

Để tham quan phiên đấu giá “Southeast Asian Modern & Contemporary Art”, vui lòng truy cập tại đây.

“Lady Playing a Nguyet Cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt), mực và màu trên lụa, 73 x 61 cm. Góc phải bên dưới của tranh có chữ ký và dấu triện Mai Thứ, năm 1943.

Góc phải bên dưới của bức tranh “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” có chữ ký và dấu triện Mai Thứ, năm 1943.

Căn phòng có bức tranh “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” treo trên tường (bên trái). Nguồn ảnh: Olivier Quéant, “Le Confort à la Campagne”, Plaisir de France 170 (05.1952): 42.

Giấy chứng nhận do Henri Joly cấp ngày 7 tháng 12 năm 1943

* Chú thích

[1] [ND]: École des Beaux Arts de l’Indochine hay EBAI

[2] Nora A. Taylor, “Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art”, xuất bản lần thứ 2. (Singapore: NUS Press, 2009), 34-38. Theo Taylor, di sản của Victor Tardieu, người sáng lập ngôi trường Mỹ thuật Đông Dương, chính là sự khuyến khích các sinh viên phát triển khiếu thẩm mỹ của riêng họ chứ không chỉ dừng lại ở việc sao chép các bậc thầy châu Âu.

[3] Với sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Dương, hội họa ở Việt Nam đã khoác lên mình một hình hài mới trong thời kỳ thuộc địa. Xem Nora A. Taylor, “Orientalism / Occidentalism: The Founding of the Ecole des Beaux-Arts d’Indochine and the Politics of Painting in Colonial Vietnam, 1925-1945”, Crossroad 11 (2): 3.

[4] Phoebe Scott, “Colonial or Cosmopolitan? Vietnamese Art in Paris in the 1930s-1940s”, “Southeast of Now: Directions in Contemporary and Modern Art in Asia”, vol. 3, No. 2 (2019): 189.

[5] Henri Joly là người kế nhiệm điều hành Phòng tranh Hessel sau khi Jos Hessel (1859-1942), nhà buôn tranh người Bỉ qua đời. Phòng tranh này tọa lạc tại số 26 Rue la Boétie, sau này được biết đến như là Galerie Joly-Hessel hay Galerie Henri Joly.

[6] Junko Nimura, “Adoption and Development of Popular Images in Mai Thu’s Paintings: A Consideration of Modern Vietnamese Genre Painting”, VERBA 43 (2020): 35.

[7] Như trên, 35-36. Chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật và thiết kế Nhật Bản, các họa sĩ của trường phái Nabi được định vị như những người theo chủ nghĩa thân thuộc (intimists) trong những năm 1920. Thuật ngữ “intimité” có nguồn gốc từ Hà Lan, dùng để chỉ hội họa mô tả các hành động, đồ vật bình thường và trần tục, đồng thời tìm kiếm chất thơ và chủ nghĩa lý tưởng của chúng. 

[8] Catalogue triển lãm “Maï-Thu, Echo d’un Vietnam Rêvé” (Mâcon, Pháp: Musée des Ursulines, 2021): 132-8.

[9] Áo dài là một trong những biểu tượng đặc trưng của Việt Nam, được cách điệu từ kiểu áo truyền thống đã xuất hiện từ khoảng năm 1923, và thường được mặc bởi phụ nữ thượng lưu thời Việt Nam thuộc địa. Xem Nora A. Taylor, “Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art”, 155.

[10] “Ngọc Hoa Cổ Tích Truyện” là một bài thơ Nôm bản địa, phổ biến ở Việt Nam và Thái Lan; bản kỹ thuật số của ấn bản năm 1871 do nhà in Thịnh Văn Đường xuất bản có thể được tìm thấy trong bộ sưu tập kỹ thuật số của Thư viện Đại học Yale.

[11] Hoạ sỹ Mai Thứ đã quay hai bộ phim tài liệu: “La Conférence de Fontainebleau de Ho Chi Minh” (1946) ghi lại chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và “La Peinture sur Soie” (1949) để giải thích kỹ thuật vẽ tranh trên lụa. Ngoài ra, ông còn xuất hiện trong bộ phim “Fort du Fou” năm 1963, ông vào vai một linh mục Công giáo trong Chiến tranh Đông Dương. Danh mục triển lãm “Mai Thứ, Tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ” và nghiên cứu của Junko Nimura đều chỉ ra thiên hướng điện ảnh của ông.


 
Back to top