Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Ký ức Đông Dương (1): Huỳnh Văn Thuận, họa sĩ của hai phong cách đối lập

Feb 19, 2022 | By Art Republik

Chuyện về Huỳnh Văn Thuận, họa sĩ của hai phong cách đối lập, người thiết kế và vẽ mẫu tờ tiền 10 đồng (1958) cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lời kể do họa sĩ Nguyễn Đức Hòa thuật lại theo hồi ức của các cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Trọng Hợp.

Chân dung hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận. Nguồn: laodongthudo.vn

Một con người khi sống, nhất là với những nghệ sĩ lớn, thường mang trong mình cả một thời đại, cũng như những tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh giá trị thẩm mỹ còn là giá trị thời gian. Đằng sau mỗi bức tranh, là cuộc đời của mỗi họa sĩ được lưu giữ lại qua ghi chép, thư từ và ký ức của người thân, bạn học.

Art Republik Vietnam mở chuyên mục Ký ức Đông Dương với mang đến cho bạn đọc những câu chuyện về các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, để ta hiểu thêm về một thời biến động của lịch sử, về một thời các họa sĩ đã sống, đã sáng tác, đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, khoa Sơn mài năm 1989, là cựu giảng viên Đại học Mỹ thuật, thành Phố Hồ Chí Minh, hiện là họa sĩ tự do. Anh là con trai của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1939 – 1944). Từ Canada, anh đã gửi về những ký ức về họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, bạn học cùng khóa với họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, qua lời kể của hai cố họa sĩ lúc đương thời.

Toàn quyền Đông Dương mua tranh của sinh viên Huỳnh Văn Thuận

Cuối năm 1943, triển lãm Mỹ thuật nổi tiếng mang tên SALON UNIQUE lần thứ nhất được tổ chức ở tầm cỡ toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, bày tại nhà Khai Trí – Tiến Đức bên bờ Hồ Gươm, giữa trung tâm Hà Nội, chỉ trong 10 ngày, từ ngày 10 đến 20.12.1943.

Bìa tạp chí Indochine số ra ngày 9 tháng 12 năm 1943, đưa tin về SALON UNIQUE 1943. Nguồn: Nhà nghiên cứu Loan de Fontbrune cung cấp.

Có 2 điểm rất đặc biệt về triển lãm này. Đầu tiên, sự ra đời của triển lãm có vai trò rất lớn của Toàn quyền Đông Dương, đô đốc Jean Decoux. Ông đã nhiệt thành từ ý tưởng, vận động, đứng ra bảo trợ, cắt băng khai mạc… Trong  lịch sử của xứ Đông Dương thuộc Pháp, không có quan Toàn quyền nào yêu Mỹ thuật đến vậy. Ông từng nhiều lần đến thăm trường Mỹ thuật, trao đổi với các thầy và xem các trò vẽ. Tiếp đó, dù được coi là triển lãm toàn cõi Đông Dương, nhưng thực chất chỉ có sự tham gia của các họa sĩ người Pháp và người Việt, trong đó người Việt chiếm đa số.

Quan Toàn quyền Đông Dương, đô đốc Jean-Decoux. Nguồn: Internet.

Tại triển lãm, quan Toàn quyền đã quyết định mua bức tranh “Thành Huế”, cũng là bài vẽ thực tế của sinh viên Huỳnh Văn Thuận trong kỳ thực tập cùng cả lớp tới kinh thành miền Trung. Việc đô đốc chọn mua bức tranh này đã là một sự kiện gây bất ngờ cho mọi người tại triển lãm. Nhưng có một bất ngờ nữa khác với dự đoán của báo giới và chính giới nghệ thuật hồi bấy giờ. Đó là, bức tranh tuy vẽ kinh thành cổ kính nhưng bút pháp rất phóng khoáng. Để hiểu thêm vì sao chuyện toàn quyền Đông Dương mua tranh của Huỳnh Văn Thuận là một câu chuyện đặc biệt, cần phải nhìn lại toàn cảnh sinh hoạt hội họa và gu thưởng thức mỹ thuật thời bấy giờ.

Hội họa hiện đại Việt Nam bắt đầu chín sau khi được gieo hạt từ năm 1924 bởi họa sĩ Pháp Victor Tardieu. Từ năm 1924 đến năm 1943, 19 năm có vẻ quá ngắn ngủi để có một cuộc đột phá văn hóa, phát hiện ra tiềm năng mỹ thuật của dân tộc. Đó cũng là quãng thời gian chưa đủ dài bởi khi đó đa số họa sĩ và sinh viên của trường vẫn còn say mê những đường cong đậm chất trang trí Á Đông của đầu đao đình chùa cổ hay dáng uyển chuyển như múa của phụ nữ bản xứ khi gánh lúa… Nghĩa là khi ấy, truyền thống bản địa đang được ưa chuộng và nó cũng phù hợp với sở thích của đa số những người cầm quyền xứ thuộc địa.

Người ta dùng chữ exotisme, một phong vị ngoại lai hay một thứ hương xa quyến rũ, để nói về sở thích phổ biến ấy. Đa số khán giả Pháp, cũng là các quan chức trong bộ máy thuộc địa hào hứng thưởng thức các đình, chùa, đền, miếu, sông nước, thuyền buồm, dáng nữ yểu điệu… khúc xạ qua góc nhìn mỹ thuật. Bất ngờ thay, quan Toàn quyền chọn mua bức tranh mang vẻ hiện đại nhất, “thoát” nhất, cảm xúc mạnh và trực diện nhất, không sa đà vào chi tiết dù vẽ thành cổ. Có cảm giác như tác giả đã vẽ liền một mạch, toàn bằng bút lông bẹt cỡ lớn trong giới hạn thời gian ngắn ngủi.

Bức tranh “Thành Huế” của Huỳnh Văn Thuận và chú thích toàn quyền đã mua tranh. Nguồn: từ tuần báo Indochine số ra ngày 9 tháng 12 năm 1943, nhà nghiên cứu Loan de Fontbrune cung cấp.

Nếu nửa trên tranh là những băng dàn ngang uyển chuyển của trời, núi đồi hay những lũy tre khép tán của làng quê xa, thì nửa dưới là xung đột ngang dọc của kiến trúc thành quách. Táo bạo nhất là mấy mảng và vệt rực sáng theo hướng dọc nhưng lại tả được thế nằm hút vào chiều sâu, đồng thời lôi cuốn mắt khán giả nhìn vào không gian rộng mở. Tường thành dàn ngang sát đáy tranh lẽ ra gây thế bức bí nhưng may mắn xẻ thông ra hai cửa thoáng nhỏ. Trọng tâm tranh là hai tháp canh sừng sững trên hai nóc cổng thành, một gần, một xa, với những nhấn sáng vừa phải trên chóp và mảng mái…

Sau này, vào khoảng những năm 2000, tôi, người viết bài, đến thăm bác Thuận để tặng bác bức ảnh chụp tranh này từ tuần báo Indochine 1943. Bác Thuận kể, hồi ấy thầy Joseph Inguimberty nhận xét bài (tranh) này rất đặc biệt nên đã gửi tới triển lãm để chứng minh hiệu quả đa diện chứ không một chiều của mỹ thuật Đông Dương. Còn bố tôi, bạn học cùng khóa với bác Thuận kể rằng phong cách mạnh mẽ của bức “Thành Huế” khác hẳn phong cách uyển chuyển Á Đông của đa số đã khiến cả lớp phải trầm trồ khen ngợi.

Trang báo Indochine 1943 đăng những bức tranh được bày trong Salon Unique 1943 tại Hà Nội. Nguồn: từ tuần báo Indochine số ra ngày 9 tháng 12 năm 1943, nhà nghiên cứu Loan de Fontbrune cung cấp.

Lần đó, quan Toàn quyền quyết định trả 50 đồng tiền Đông Dương (chứ không phải tiền Franc của Pháp) cho bức tranh ông mua. Tác giả là sinh viên không dám tự quyết giá. Đó là một khoản tiền lớn đương thời, dù có phần mất giá bởi đang xảy ra Thế chiến II. Tôi có hỏi bố tôi: “Một đồng tiền Đông Dương là nhiều hay ít?” Ông trả lời rằng hồi ấy, vì còn độc thân nên bố tôi hay ăn cơm gánh (nay gọi là cơm bình dân), mỗi bữa hết 1 xu rưỡi, bao gồm 1 xu chả trâu và nửa xu cơm cùng nước canh. Bố tôi bảo 100 xu mới bằng 1 đồng Đông Dương. Bác Thuận cũng kể rằng ngày chủ nhật liền sau đó, cả lớp đã được bác mời đi xem phim tại rạp Majestic (nay là rạp Tháng 8) rồi ra tiệm “đánh chén” túy lúy mà chỉ hết một phần tiền.

Tiền xu và tiền giấy Đông Dương. Nguồn: en.wikipedia.org/French_Indochinese_piastre

Theo dòng hồi tưởng, bác Thuận kể, ông Decoux cũng mua của bác một bài vẽ khác, cũng vẽ thành Huế, cũng 50 đồng tại cuộc bày bài thường kỳ ngày ấy, sau một chuyến vẽ thực tế. Tiếc thay tôi không có một ảnh chụp nào về bức này. Cũng tiếc thay, đến nay không rõ số phận 2 bức tranh đó ra sao, bởi ngày 09.03.1945, như ta đã biết, Nhật đảo chính Pháp, bắt giam hết từ Toàn quyền tới các thầy Tây dạy trường Mỹ thuật. Sau đó khi họ được thả bởi Nhật hàng Đồng minh thì chiến tranh Pháp – Việt lại nổ ra kéo dài suốt 9 năm mà phần thua thuộc về quân Pháp…

Tâm sự về nghề vẽ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận

Hồi ấy cả lớp những tưởng bác Thuận sẽ tiếp tục phong cách phóng khoáng kể trên nhưng kết quả ngược lại. Kể từ 1945 cho đến khi ngừng vẽ lúc cuối đời, bác Thuận hầu như chỉ đi theo phong cách đối lập: tỉa tót tỉ mỉ trong sơn khắc, khắc gỗ, mẫu tiền giấy, mẫu tem thư, mẫu huy hiệu… Thực ra đây là điều không lạ. Sinh viên Huỳnh từng quen vẽ kỹ sau khi tốt nghiệp École d’Art de Gia Định và vẫn quen ký họa kỹ trong các bài vẽ thực tế thường niên. Cuối năm 1941, khi danh họa Foujita (người Pháp gốc Nhật) tới thăm trường, có xem bài vẽ nhóm cây bằng bút chì của sinh viên Huỳnh đã phải “giương mục kỉnh” để soi cho rõ rồi thốt lên: “Terrible !” (Kinh khủng).

Năng lực vẽ kỹ và sâu như vậy sau này đã được ông sử dụng thành công vào thể loại tranh sơn khắc với những tác phẩm nổi tiếng như “Thôn Vĩnh Mốc”, “Ngày mùa ở Vĩnh Kim”… Ngược lại, bạn ông là danh họa Nguyễn Sáng (cũng đồng hương Nam Bộ trên đất Bắc) thì tỏ ý tiếc: “Sao toi vẽ l’huile hay thế mà giờ lại bỏ qua khắc gỗ với lại sơn khắc làm chi ?” (1).

Tranh “Buổi trưa ở Hàng Xanh”, Sài Gòn năm 1940, sơn dầu trên toan của Huỳnh Văn Thuận, nay thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – chứng minh phong cách phóng khoáng của ông. Nguồn: internet

Tranh “Thôn Vĩnh Mốc”, sơn khắc của Huỳnh Văn Thuận, giải Nhất triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958, nay thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn ảnh: internet

Còn bác thì giải thích với tôi: “Cháu ạ, hồi ấy chiến tranh, sơn dầu đắt lắm mà khó mua, đợi cung cấp thì thiếu, trong khi sơn khắc và khắc gỗ thì rẻ hơn nhiều!” Quả thật, chiến tranh và bao cấp triền miên suốt từ 1945 đến tận cuối thế kỷ XX khiến mọi sản phẩm ngoại nhập đều hiếm vô cùng. Ta không sản xuất được sơn dầu nên phải nhập từ Liên Xô, Trung Quốc, Đông Đức và phân phối đến các họa sĩ nếu họ có phác thảo tranh tốt theo chủ đề đúng đường lối, dù vậy vẫn thường không đủ màu. Trường Mỹ thuật thuở ấy luôn có một công nhân trong biên chế chuyên nghiền sơn vẽ từ bột màu trộn dầu lanh. Trong trí nhớ của tôi người này là chú Dung và phòng nghiền nằm sát vách nhà tôi.

Thi thoảng tôi phát hiện các cụ Phái, Văn Cao… thập thò ngoài ngõ để đợi chú Dung mắt trước mắt sau dúi vào tay họ một hai tuýp sơn trắng nghiền. Chỉ có những thứ ta tự có hay tự làm lấy được từ lâu đời mới dễ mua như: gỗ để khắc (thời ấy có bạt ngàn), vóc sơn mài và sơn khắc, dao trổ và đục khắc gỗ, giấy dó để in tranh khắc gỗ… Phải thừa nhận sự chuyển hướng chất liệu và phong cách của bác Thuận là có lý trên cơ sở cân bằng giữa sở trường vẽ tiểu tiết tỉ mỉ từ thời học trường nghệ thuật Gia Định với nguồn cung ứng sẵn có của các nguyên vật liệu bản địa.

Tiểu sử nghệ thuật đặc biệt của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận:

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (18.4.1921 – 18.10.2017), sinh và mất ở Sài Gòn, thọ 96 tuổi.  Ông là một trong hai người thọ nhất trong số 128 người tốt nghiệp hội họa và điêu khắc chính khóa từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (ESBAI): cả 2 cố họa sĩ Công Văn Chung và Huỳnh Văn Thuận đều thọ 96 tuổi. Riêng ông có ngày sinh trùng ngày mất.

Ảnh chân dung của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận. Nguồn: internet

81 năm là số năm học và hành nghề mỹ thuật của ông (từ 15 tuổi đến 96 tuổi). Trong đó có 8 năm học và 73 năm hành, cao hơn tuổi thọ của nhiều họa sĩ khác. Đa số họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chỉ học 5 năm chính thức. Nhưng họa sĩ Huỳnh Văn Thuận học tới 8 năm chính thức để tốt nghiệp cả 2 trường:

Giai đoạn 1936 – 1939: Ông theo học và tốt nghiệp École d’Arts de Gia Định (Trường Nghệ thuật Gia Định – loại trường trung cấp nghệ thuật – sau 1940 đổi tên thành École des Arts Appliqués de Gia Định – trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định).

Giai đoạn 1939 – 1944: Ông theo học và tốt nghiệp École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine tại Hà Nội (ESBAI – trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) khóa XIII, khoa Hội họa. Chỉ có 6 người tốt nghiệp mỹ thuật khóa này. 5 người kia là Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim. (2)

Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1944, cũng là khoá cuối cùng có thể chính thức tốt nghiệp. Sau đó, Nhật đảo chính Pháp, chiến tranh diễn ra trong 9 năm, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa và chấm dứt sứ mệnh. (3)

Ông là họa sĩ có tới 2 sở trường đối lập mà song hành: vừa vẽ rất phóng khoáng trên chất liệu sơn dầu vừa có thừa tự tin để tỉa tót tinh vi trên kỹ thuật sơn khắc, làm mẫu tiền giấy Việt Nam, mẫu tem thư, mẫu huy hiệu…

Mặt trước mẫu tờ tiền 10 đồng – 1958 thiết kế và vẽ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Nguồn từ gia đình họa sĩ.

Mặt sau mẫu tờ tiền 10 đồng – 1958. Nguồn từ gia đình họa sĩ.

Ông vừa là bậc thầy giỏi vừa là người thợ lành nghề. Bởi tốt nghiệp trường trung cấp Nghệ thuật Gia Định (loại trường nghệ thuật thực hành) mà sau này ông đủ khả năng vẽ tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tờ tiền 10 đồng màu đỏ, phát hành năm 1958) (4), cũng là tác giả của Huy hiệu Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (1951, sau sửa thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), lại từng được khá nhiều giải thưởng từ việc vẽ tranh Cổ động hay Tem thư Việt Nam.

Thường thì các họa sĩ giỏi mỹ nghệ như trên sẽ khó vẽ tranh hội họa đẹp, quá kỹ lưỡng thì mất cảm xúc, ngược lại, quá phóng khoáng thì sao còn chỗ để tinh vi? Thế mà giới nhà nghề vẫn phải thừa nhận các tranh sơn khắc cũng như sơn dầu của ông có chất lượng nghệ thuật tạo hình cao.

– Bảng thống kê giải thưởng nghệ thuật của ông đầy ấn tượng:

+ Giải Nhất 1958, Nhì 1960 và 1990 – Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam
+ Giải A 1987 và Nhì 1995 – Triển lãm tranh Cổ động Toàn quốc Việt Nam.
+ Giải Nhất 1992 – Triển lãm tranh Cổ động chuyên đề phòng chống bệnh AIDS.
+ Giải A 1985 – Triển lãm 10 năm Đồ họa Toàn quốc Việt Nam.
+ Giải Nhì các cuộc thi Tem 1965, 1967, 1970.
+ Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2000.

* Tác phẩm tiêu biểu:

+ “Thôn Vĩnh Mốc”, sơn khắc, Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1958.
+ “Hợp tác xã bậc cao Vĩnh Kim”, sơn khắc, Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1960.
+ Không lời, tranh cổ động vẽ một cánh tay nâng đỡ chim hòa bình và tay kia dìm bom xuống.
+ Trần Thị Tâm bám đất bám dân, dũng cảm kiên cường, tranh cổ động, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
+ Huy hiệu Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (sau sửa chữ thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
+ Tờ tiền (vẽ cả 2 mặt) 10 đồng (1958) và 20 đồng (1979) cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chú thích:

(1) Ở đây, “bỏ qua” theo cách nói của hoạ sĩ Nguyễn Sáng gốc Nam Kỳ, có nghĩa là “bỏ sang”, “chuyển sang”. Trong câu có sử dụng hai từ tiếng Pháp. Trong tiếng Việt, “toi” là “anh” hoặc “bạn” và “l’huile” nghĩa là “sơn dầu”.

(2) Về tên chính xác của trường Mỹ thuật Đông Dương:

– Từ 1924 đến 1938: EBAI – École des Beaux Arts de l’Indochine.

– Từ ngày 24.05.1938 đến 06.02.1945, theo Nghị định mới của Toàn quyền Đông Dương về quy chế Trường Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng (Arrêté du 24 mai 1938 du Gouverneur général de l’Indochine fixant le statut de l’Ecole des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine) thì tên trường cũng mặc nhiên đổi thành Ecole des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine, viết tắt là EBAAAI.

– Từ 06.02.1945 đến 09.03.1945 có thêm chữ “Supérieure” xuất hiện trong Nghị định ngày 06.02.1945 về việc tổ chức lại Trường Kiến trúc trực thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Vậy chỉ trong 1 tháng cuối cùng này thì tên trường là Ecole Superieure des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine, viết tắt là ESBAAAI.

Nguồn: nghị định thư cuối cùng về tên trường: Arrêté du 06 février 1945 du Gouverneur général de l’Indochine portant réorganisation de l’école d’Architecture de l’école supérieure des beaux-arts – do nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cung cấp.

(3) Khóa 1939 – 1944 của trường Mỹ thuật Đông Dương không phải là khóa cuối cùng (vì sau đó còn các khóa 1940 – 1945, 1941 – 1945, 1942 – 1945, 1943 – 1945 và 1944 – 1945), nhưng chỉ có khóa 1939 – 1944 mới chính thức được tốt nghiệp. Các khoá sau đó không thể làm bài tốt nghiệp do xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, từ quan Toàn quyền đến thường dân người Pháp đều bị bắt hết, trường không còn thầy.

(4) Về mẫu tiền giấy 10 đồng, theo con út cụ Thuận cho biết: Cụ Thuận vẽ 100% mặt trước và nội dung chính mặt sau, riêng khung trang trí mặt sau do họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ.

 

Bài: Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa từ Canada, thuật lại theo hồi ức của các cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Trọng Hợp.

——–

Chuyên mục Ký ức Đông Dương, mong nhận thêm các bài viết tại địa chỉ: sonca@artrepublik.vn. Chân thành cảm ơn.


 
Back to top