ART & CULTURE

Con đường mang tên Victor Tardieu tại Hà Nội

May 16, 2022 | By Art Republik

Ngày 28 tháng 6 năm 1944, Toàn quyền Đông Dương đã ký một Nghị định về việc đặt tên “Phố Victor TARDIEU” cho một đường phố tại Hà Nội. Đó là đoạn đường nằm bên hông Trường Mỹ thuật Việt Nam hiện nay, nối từ đầu phố Yết Kiêu tới đường Lê Duẩn. Vì biến cố chiến tranh mà tấm biển tên đường Victor Tardieu chưa kịp đặt và bị quên lãng. Bài viết của Nhà nghiên cứu Phạm Long và Tiến sĩ sử học Vũ Thị Minh Hương từ năm 2019.

Bản đồ Hà Nội năm 1942 nơi số “26” là toàn bộ khuôn viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. (Xem và tải ảnh đầy đủ của bản đồ thành phố Hà Nội năm 1942 tại flickr/manhhai)

Trong lúc tra cứu kho lưu trữ tư liệu thời Pháp thuộc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Hà Nội, chúng tôi đã tìm thấy bản sao y tờ Nghị định về việc đặt tên “Phố Victor TARDIEU” cho một con phố tại Hà Nội, do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 28 tháng 6 năm 1944 [1]. Đây là một bằng chứng hết sức quan trọng mà bấy lâu nay chúng ta không hề biết, rằng ngay từ năm 1944, ở Hà Nội đã có một con phố được đặt tên là “Phố Victor Tardieu” – tên của họa sĩ, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt nam ngày nay.

Sau khi đoạt Giải thưởng Đông Dương, ông đã sang Việt Nam trước hết chỉ với dự định tham quan sáu tháng, nhưng có lẽ do duyên trời định, với tình yêu đất nước, con người và nghệ thuật của Việt Nam đến kỳ lạ, họa sĩ Victor Tardieu đã ở lại Việt Nam cho đến phút cuối đời. Ông là người có công lớn trong việc vận động chính quyền thuộc địa cho thành lập ngôi trường Mỹ thuật Đông Dương vào tháng 10 năm 1924 và liên tục làm hiệu trưởng ngôi trường từ đó cho đến khi trút hơi thở cuối cùng tại chính mảnh đất Hà Nội ông hằng yêu quý, vào ngày 12 tháng 6 năm 1937, thọ 67 tuổi.

Việc đặt tên phố Victor Tardieu hẳn là niềm mong mỏi và sự vận động đối với chính quyền thuộc địa của nhiều nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ ở Hà Nội từ sau ngày Victor Tardieu qua đời. Tuy nhiên, phải đến năm 1944, nhờ sáng kiến cụ thể của kiến trúc sư Charles Lacollonge – Chủ tịch Hội Khuyến khích Nghệ thuật và Kỹ nghệ An Nam [2] đầy uy tín – cùng sự ủng hộ nhiệt tình của Thống sứ Bắc Kỳ J. Halewyn, cuối cùng Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux đã phê chuẩn cho việc đặt tên phố Victor Tardieu tại Hà Nội bằng Nghị định số 1168 D ngày 28 tháng 6 năm 1944.

Chúng tôi xin công bố bản Nghị định quan trọng nói trên (bản sao y) và phần chuyển ngữ tiếng Việt đi kèm. Trên văn bản Nghị định, thời điểm ra đời của con phố Victor Tardieu cùng vị trí của nó trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là hoàn toàn sáng tỏ.

BẢN NGHỊ ĐỊNH (SAO Y NGUYÊN VĂN)

BẢN CHUYỂN NGỮ TIẾNG VIỆT:

VĂN PHÒNG

Số 1168-D

TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG

Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng Nhì,

Chiểu theo các Sắc lệnh ngày 20 tháng 10 năm 1911 quy định về quyền hạn của Toàn quyền và việc tổ chức tài chính và hành chính Đông Dương;

Chiểu theo Sắc lệnh ngày 29 tháng 8 năm 1940;

Chiểu theo Nghị định ngày 15 tháng 1 năm 1903, về việc tái cấu trúc lại lãnh thổ Đông Dương;

Chiểu theo Sắc lệnh ngày 02 tháng 5 năm 1941 ban hành ngày 16 tháng 5 năm 1941 và được áp dụng tại các lãnh thổ hải ngoại trực thuộc Bộ trưởng Thuộc địa, các điều khoản của Sắc lệnh ngày 3 tháng 1 năm 1924 về các công trình tưởng niệm công cộng;

Xét đề nghị của Hội đồng Thành phố Hà Nội trong phiên họp ngày 07 tháng 6 năm 1944;

Theo đề nghị của Thống sứ Bắc Kỳ,

NGHỊ ĐỊNH:

ĐIỀU 1 – Tại Thành phố Hà Nội, phần đường “Reinach” nằm giữa phố Bovet và đường Mandarine được đặt tên mới là “Phố Victor TARDIEU”.

ĐIỀU 2 – Thống sứ Bắc Kỳ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Đà Lạt, ngày 28 tháng 6 năm 1944

Ký tên: DECOUX

(Sao y nguyên văn)

Như vậy, căn cứ vào Nghị định này, chúng ta biết rõ:

  1. Hà Nội đã có “Phố Victor Tardieu” kể từ ngày 28 tháng 6 năm 1944, là thời điểm Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux ký Nghị định nói trên.
  2. Phố Victor Tardieu là đoạn phố nằm giữa phố Bovet (phố Yết Kiêu ngày nay) và đường Mandarine (đường Lê Duẩn ngày nay).

Sau khi ký Nghị định nói trên, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux cũng đã có kế hoạch ra Hà Nội dự lễ khánh thành phố Victor Tardieu và gắn tấm bảng kỷ niệm tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, dù đã có sự đốc thúc liên tục của Thống sứ Bắc Kỳ và sự chuẩn bị khẩn trương của Phủ Đốc lý Hà Nội [3], chuyến đi Hà Nội theo mong muốn của Toàn quyền Decoux nhằm khánh thành con phố mới và đặt tấm bảng kỷ niệm họa sĩ Victor TARDIEU quá cố vào mùa đông năm 1944 đã không thực hiện được, mà một trong những nguyên nhân chính là do những hoạt động quân sự của quân đội Nhật Hoàng tiến hành tại Đông Dương và Hà Nội vào thời gian này [4].

Còn số phận tấm bảng kỷ niệm và tấm biển “Rue Victor Tardieu” từ ngày đó cho đến nay ra sao hiện vẫn là ẩn số.

Có thể nói việc đặt tên “Phố Victor Tardieu” cho một con phố ở Hà Nội không chỉ là sự tôn vinh cá nhân họa sĩ Victor Tardieu, mà cũng là hành động của chính quyền bảo hộ nhằm ghi một dấu tích văn minh tại Hà Nội – thủ phủ của xứ Đông Dương, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của cả xứ sở này; một bằng chứng của sự giao thoa văn hoá Đông Tây trong lịch sử vùng Viễn Đông.

Bản đồ Hà Nội năm 1942. Con phố “nằm giữa phố Bovet và đường Mandarine” chính là đoạn phố nằm bên hông Trường Mỹ thuật Việt Nam hiện nay, nối từ đầu phố Yết Kiêu tới đường Lê Duẩn. Dòng chữ Phố Victor Tardieu, do ban biên tập ghi chú, là vị trí tên phố được Toàn quyền ký sắc lệnh đặt tên. (Xem và tải ảnh đầy đủ của bản đồ thành phố Hà Nội năm 1942 tại flickr/manhhai)

Ngày Victor Tardieu vận động được chính phủ thuộc địa đồng ý cho mở ngôi Trường Mỹ thuật Đông Dương có thể xem là ngày mở đầu của một kỷ nguyên mới cho nền nghệ thuật nước ta: kỷ nguyên nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Với tài năng sư phạm lỗi lạc cùng nhãn quan sâu sắc, họa sĩ Victor Tardieu và các giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương trong hơn 20 năm tồn tại, dù rất ngắn, đã kịp đào tạo nên nhiều lớp họa sĩ và kiến trúc sư tài năng có nhiều tác phẩm giá trị và có tầm ảnh hưởng tới sự phát triển của nền mỹ thuật và kiến trúc Việt nam, đồng thời có tác động không nhỏ và tích cực tới sự phát triển thẩm mỹ trong đời sống văn hoá của người Việt từ đầu thế kỷ 20 kéo dài cho đến tận ngày hôm nay. Những tác phẩm của các họa sĩ “thế hệ Đông Dương” giờ đây luôn được các bảo tàng và các nhà sưu tập uy tín trong nước và quốc tế trân trọng.

Bức tranh sơn dầu khổng lồ rộng 80m2 do Victor Tardieu thực hiện suốt 7 năm (1921 – 1928) cho Đại Học Đông Dương. Nguồn: FRANOM

Tượng Victor Tardieu, do Georges Khánh thực hiện năm 1935. Sưu tập của Alix Turolla-Tardieu. Nguồn: Christies.com

Trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, họa sĩ, nhà giáo, Victor Tardieu mãi mãi là một nghệ sĩ và nhà sư phạm giàu lòng nhân ái, có tư tưởng tiến bộ, chân thành yêu quý nền văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt có cảm tình sâu sắc với xứ Đông Dương và những con người hiền hoà, có nhiều năng lực thẩm mỹ xứ này. Trong thập niên 1930, ông cũng là người có nhiều hoạt động rất hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động diễn thuyết, triển lãm tại Hà Nội và Pháp hay ở nhiều nước châu Âu như thành lập Hội Khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ An Nam tại Hà Nội, tổ chức các cuộc triển lãm tại Đấu xảo Hoàn vũ, Đấu xảo Thuộc địa, Triển lãm về nghệ thuật Đông Dương ở Pháp, v.v.), nhằm quảng bá và chấn hưng nền nghệ thuật Việt Nam. Rất nhiều thế hệ học trò của ông, trong số đó có thể kể tên Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân, Georger Khánh, Phạm Hậu,… những người đã có nhiều thành tựu quan trọng, góp phần lan toả hình ảnh mỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.

Bìa báo Ngày Nay, 20.02.1935, giới thiệu “Phòng triển lãm Mỹ thuật và Kỹ nghệ” của Hội Việt Nam chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ. Nguồn: Nhà nghiên cứu Phạm Long.

Một bài báo trên tờ Comoedia, ngày 04.03.1932, viết về Victor Tardieu và công cuộc đổi mới nền nghệ thuật Viễn Đông. Nguồn: Nhà nghiên cứu Phạm Long.

Cũng như bao thế hệ những người làm nghệ thuật và những người nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật Việt Nam, chúng tôi hy vọng tên phố Victor Tardieu sớm được khôi phục [5], để Hà Nội và những con người yêu văn hoá nghệ thuật ở Thủ đô mỗi lần đi qua con phố này lại nhớ và tự hào về ông. Hơn nữa, việc xuất hiện tên phố Victor Tardieu tại Hà Nội còn góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Pháp. Và thật không có gì hợp lý hơn nếu tên phố Victor Tardieu được khôi phục tại chính đoạn phố cũ từng mang tên ông, nằm bên sườn Trường Đại Mỹ thuật Việt Nam hôm nay.

Bài: Nhà nghiên cứu Phạm Long và Tiến sĩ sử học Vũ Thị Minh Hương.

Bài viết đã được đăng tải trên tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 83 năm 2019. Hiện nay, Tạp chí đã ngừng xuất bản và phiên bản online hiện không còn hiển thị được các bức ảnh tư liệu. Trân trọng cảm ơn Nhà nghiên cứu Phạm Long gửi tới Art Republik Việt Nam bài viết để công bố lại tư liệu quý giá này tới bạn đọc và công chúng. Ngày 12 tháng 6 năm 2022 tới đây cũng là ngày tưởng niệm 85 ngày Victor Tardieu qua đời tại Hà Nội.

Tài liệu tham khảo.

[1]. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, phông Tòa Đốc lý Hà Nội (Mairie de Hanoi), Hồ sơ H31, No. 4183, tờ số 3.

[2]. Hội Khuyến khích Nghệ thuật và Kỹ nghệ An Nam (Société Annamite d’encouragement à l’art et L’industrie, SADEAI) còn có tên gọi khác là Hội Việt Nam chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ, được thành lập tại Hà Nội vào tháng 5/1934, chính thức hoạt động từ tháng 8/1935; Chủ tịch đầu tiên của Hội chính là họa sĩ Victor Tardieu.

[3]. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, phông Tòa Đốc lý Hà Nội (Mairie de Hanoi), Hồ sơ H31, No. 4183, tờ số 4-6.

[4]. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, phông Tòa Đốc lý Hà Nội (Mairie de Hanoi), Hồ sơ H31, No. 4183, tờ số 8-9.

[5]. Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng.


 
Back to top