ART & CULTURE

Trò chuyện Art Republik: Mùa Xuân của Xuân Lam

Sep 12, 2023 | By Trần Đan Vy

Năm 2023 đánh dấu sự thăng hoa trong nghệ thuật của Xuân Lam, với series tác phẩm mới có khả năng khám phá những giới hạn và xóa mờ đường biên giữa hai khía cạnh nghệ thuật mà nghệ sỹ theo đuổi.

Xuân Lam, “Tự họa với tranh “Ngũ hổ” và đài cát-sét cũ” (2021), acrylic, sáp dầu, collage trên vải lanh, 170 x 150 cm.

Mùa xuân 2023 là một cột mốc đáng nhớ đánh dấu sự thay đổi trong hành trình sáng tác của nghệ sỹ trẻ Xuân Lam (sinh năm 1993, Hà Nội). Đây cũng là thời điểm anh nhận được học bổng du học chương trình Thạc sỹ Hội họa tại một trong những trường nghệ thuật tư thục hàng đầu của Mỹ, Rhode Island School of Design (Providence).

Nếu như trong bảy năm vừa qua, Xuân Lam được biết đến nhiều nhất với các series “Vẽ lại tranh dân gian” (2017) và “Cuộc gặp gỡ xưa-nay” (2019), thì giờ đây anh lại chọn thử nghiệm với thể loại tranh acrylic kết hợp cắt dán (collage). Các phiên bản tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống đã lui về hậu cảnh, nhường sân khấu chính cho những hình ảnh đậm chất Đông Dương. Quá khứ được hồi sinh bởi những dải màu chuyển tươi tắn cùng kỹ thuật photo transfer hiện đại, ấn tượng. Dĩ nhiên Xuân Lam không phải người đầu tiên sử dụng kỹ thuật này, nhưng việc tìm ra một thứ nghệ thuật hoàn toàn độc lạ không quan trọng bằng việc dám làm mới chính mình.

Xuân Lam, “Bữa chiều trên cỏ” (2020), acrylic, sáp dầu, collage trên vải lanh, 145 x 110 cm.

Chúc mừng Xuân Lam giành Học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Mỹ. Nhìn lại quá trình xin học bổng, anh có suy nghĩ gì?

Đó là một quá trình dài với nhiều cung bậc cảm xúc, thật khó tìm một tính từ nào để miêu tả mọi thứ một cách cô đọng. Nhưng có thể nói tôi thấy thế giới xung quanh mình trở nên kỳ ảo và “siêu thực” hơn cả một bức tranh của Salvador Dalí. Quan trọng hơn cả là cảm giác mãn nguyện cùng sự biết ơn khi hành trình mình theo đuổi suốt bảy năm qua với bao trăn trở được lắng nghe và công nhận.

Và giờ đây khi nhìn lại toàn bộ hành trình bảy năm sáng tác với nhiều thử nghiệm chất liệu phong phú, tại sao anh vẫn quay trở lại với hội họa giá vẽ?

Mặc dù có thử sức trên nhiều chất liệu khác nhau nhưng bản năng gốc rễ trong con người tôi vẫn luôn là một họa sỹ. Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi được cặm cụi ở trong xưởng làm việc, cầm bút vẽ, tiếp xúc với bề mặt vật liệu, màu sắc, dung môi ở định dạng vật lý. Có chăng, hội họa giá vẽ của tôi được kết hợp thêm nhiều loại “gia vị” khác nhau, tùy vào thông điệp tôi muốn gửi gắm hay biến đổi linh hoạt theo các yếu tố khách quan của từng dự án. Từng rất tự ti vì con đường của bản thân, nhưng đến nay thì tôi đã tự tin hơn để quay lại theo đuổi hội họa giá vẽ và đóng góp cho muôn vàn sắc thái biểu đạt của nó.

Xuân Lam, “Phong cảnh Hạ Long/Pink Cashmere” (2022), acrylic, sáp dầu, collage trên vải lanh, 80 x 120 cm.

Có thể thấy sự tự tin này biểu lộ trong series mới nhất của anh là “Đầu đặt trên mây, chân chạm mặt đất”. Ý tưởng này bắt nguồn từ đâu?

Luôn bị thu hút bởi quá khứ, tôi hình dung bản thân là sự kết hợp của một nghệ sỹ thị giác kiêm một nhà khảo cổ học và cách làm việc thì như một DJ. Thế giới nghệ thuật của tôi là một khối rubik, mà mỗi diện của nó là một khía cạnh của văn hóa-nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua lăng kính của bản thân.

Ý tưởng của dự án mới nhất đến với tôi trong thời kỳ giãn cách xã hội đầu năm 2020. Khi đó, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc sống người Việt Nam qua nhiếp ảnh thế kỷ 19 – 20 trên Internet. Tôi thử nghiệm sử dụng Photoshop, tách nhân vật khỏi bối cảnh gốc trong những bức ảnh đen trắng, đặt họ vào một phông nền tưởng tượng rực rỡ, sắc nét. Đan xen vào đó là những hình cắt dán được làm từ báo giấy, các tin tức nổi cộm và hình ảnh cuộc sống hiện đại như một sự tương phản giữa xưa và nay. Nếu như “Vẽ lại tranh dân gian” là sự kết hợp giữa vẽ chì trên giấy và kỹ thuật chuyển màu (gradient) đặc trưng của đồ họa số, thì ở “Đầu đặt trên mây, chân chạm mặt đất” tôi đã thử nghiệm vẽ hiệu ứng này bằng cách sử dụng các màu vẽ vật lý. Mục đích của tôi là khám phá những giới hạn của tranh giá vẽ và làm mờ đi ranh giới giữa hội họa/đồ họa số, hai khía cạnh nghệ thuật của tôi.

Xuân Lam, “Miếng trầu là đầu câu chuyện” (2022), acrylic, sáp dầu, collage trên vải lanh, 60 x 80 cm.

Chắc hẳn anh đã có cuộc phiêu lưu kỳ thú về thời Đông Dương qua series “Đầu đặt trên mây, chân chạm mặt đất”. Trở về thời hiện tại, anh còn có không ít đơn đặt hàng thú vị. Trong số đó, đơn đặt hàng nào là đáng nhớ nhất?

Đó là mâm ngũ quả bằng gốm sứ có tên “Trái ngon mình nhìn, chứ mình không ăn”, thực hiện theo lời mời của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Tôi rất vinh dự khi nhận được lời mời này, đặc biệt hơn là Đại sứ quán chỉ đưa ra một vài gợi ý nhỏ và cho tôi toàn bộ quyền tự do sáng tạo. Hà Lan không chỉ nổi tiếng với những cối xay gió, đồng hoa tulip hay là cái nôi của nghệ thuật Hoàng Kim, mà quốc gia này còn có nền nông nghiệp đứng thứ hai trên thế giới và cũng là quốc gia châu Âu đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong nhiều năm qua, hợp tác trên các lĩnh vực như xuất-nhập khẩu, nông nghiệp bền vững và biến đổi môi trường. Ở góc độ nghệ thuật, nếu như người Hà Lan rất tự hào về đồ gốm Delft Blue danh tiếng khắp châu Âu, thì người Việt Nam cũng có đồ gốm Bát Tràng, Chu Đậu với hàng trăm năm lịch sử.

Xuân Lam, “Trái Ngon Mình Nhìn, Chứ Mình Không Ăn” (2021), acrylic, vàng lá trên composite, kích thước đa dạng. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập nghệ thuật của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam.

Mâm ngũ quả này không chỉ gợi tới một nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình Việt, mà còn là sự tôn vinh mối tương đồng giữa nông nghiệp và nghệ thuật thủ công của hai quốc gia. Ngoài phiên bản gốc bằng composite đang được trưng bày tại Đại sứ quán Hà Lan thì tôi cũng hợp tác cùng các nghệ nhân tại Bát Tràng thực hiện phiên bản bằng sứ, đó là quà mà Đại sứ quán dành tặng cho các lãnh đạo của nước mình.

Để có được những tác phẩm lôi cuốn như vậy, hẳn không thể thiếu nguồn cảm hứng đa dạng và sâu sắc. Tôi khá tò mò về những nghệ sỹ mà anh yêu thích.

Tôi là người thích nghiên cứu màu sắc nên luôn bị cuốn hút bởi những họa sỹ sử dụng màu tài tình như Henri Matisse, David Hockney và Jules de Balincourt. Những nghệ sỹ Pop Art như Andy Warhol, Roy Lichtenstein hay Keith Haring thì truyền cảm hứng cho tôi về cách họ xóa bỏ ranh giới giữa mỹ thuật và văn hóa đại chúng, khiến cho nghệ thuật gần gũi với số đông hơn. Những nghệ sỹ đương đại đang hoạt động tích cực thì có rất nhiều người truyền cảm hứng cho tôi như Luiz Zerbini, Kehinde Wiley, Njideka Akunyili Crosby, Nicole Eisenman hay Arghavan Khosravi. Điểm chung giữa những người này là có thái độ nghiêm túc trong công việc, sáng tạo, sự chỉn chu và tràn đầy năng lượng. Họ là những nghệ sỹ rất thành thục kỹ thuật nhưng không vì thế mà tác phẩm của họ thiếu đi chiều sâu.

Nghe nói âm nhạc cũng là một niềm đam mê và nguồn cảm hứng không nhỏ của anh. Anh có thể chia sẻ về trải nghiệm âm nhạc của mình?

Tuổi thơ tôi tràn đầy những giai điệu của Françoise Hardy, Dalida hay Ace of Base, v.v.. Lớn lên thì tôi đặc biệt thích xem MTV, nghe và tìm hiểu về lịch sử âm nhạc cũng là cách tôi tự học tiếng Anh. Tôi nghe rất nhiều thể loại nhưng thích nhất có lẽ là R&B và Soul bởi cảm thấy một sự liên kết mạnh mẽ. Tôi đặc biệt hứng thú với kỹ thuật “sampling”, là hành động lấy một phần nhạc, một mẩu âm thanh (ví dụ: tiếng trống, tiếng hát) của một bản nhạc đã được thu âm trước đó và sử dụng lại cho một bản nhạc khác. Tôi ngưỡng mộ cách các nghệ sỹ có thể kế thừa, nâng tầm và làm phổ biến những điều xưa cũ tới các tệp khán giả khác nhau. Mong rằng các sáng tác của tôi cũng sẽ gợi tò mò cho người xem để họ tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, mà trước đây chính tôi cũng không để tâm tới.

Xuân Lam, “Căn phòng đỏ” (2022), acrylic, sáp dầu, collage trên vải lanh, 145 x 110 cm.

Hãy thử tưởng tượng anh có thể gặp trực tiếp và đối thoại với bất cứ nghệ sỹ, ca sỹ hoặc người nổi tiếng nào, anh sẽ muốn gặp ai nhất?

Thật là một câu hỏi khó, nhưng có lẽ là George Michael, ca sỹ người Anh mà tôi rất ngưỡng mộ. Là một trong những nghệ sỹ thành công nhất mọi thời đại cả ở góc độ thương mại và nghệ thuật nhưng ông luôn giữ được sự khiêm nhường, chính trực và tử tế. Vào đầu những năm 90, George Michael ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp với album “Faith” (tiêu thụ hơn 20 triệu bản, thắng giải Grammy cho album của năm), nhưng ông đã từ chối lời đề nghị của hãng đĩa SONY để ghi âm thêm một “Faith” phần hai. Thay vào đó, ông phát hành một album đầy tính tự sự, cũng từ chối hoạt động quảng bá hay xuất hiện trong tất cả video ca nhạc (ở thời kỳ mà MTV có sức ảnh hưởng vô cùng lớn), dẫn tới lượng tiêu thụ chỉ còn 40% so với đĩa nhạc tiền nhiệm. Ông quyên góp toàn bộ lợi nhuận của ca khúc Giáng sinh bất hủ “Last Christmas” cho nạn đói ở Ethiopia. Âm nhạc của ông cũng vượt qua biên giới sắc tộc khi là một trong những nghệ sỹ da trắng hiếm hoi được cộng đồng người Mỹ gốc Phi yêu quý. Tôi mong muốn nghệ thuật của mình cũng chạm được tới đối tượng khán giả đa dạng như vậy.

Chân dung nghệ sỹ Xuân Lam

Anh cũng nói rằng mình “luôn bị thu hút bởi quá khứ”. Vậy nếu anh có thể du hành thời gian tới bất cứ thời điểm và không gian nào, anh sẽ đi đâu?

Tôi thấy may mắn vì được sống trong một hiện tại đầy thách thức và thú vị, nói theo ngôn ngữ Internet thì là “What a time to be alive”. Nhưng nếu có thể du hành thời gian thì tôi muốn được đến trường Beaux-Arts de Paris vào cuối thế kỷ 19, thăm xưởng Gustave Moreau nơi Henri Matisse và rất nhiều danh họa thế giới tu luyện. Học tiếng Pháp từ nhỏ, đây là ngôi trường mà tôi đã dành tất cả những năm tháng tuổi niên thiếu để mơ về. Dù sao thì tôi vẫn vô cùng biết ơn hiện thực đã trao cho tôi một món quà là chuyến du học Mỹ và nó còn ngọt ngào hơn cả một giấc mơ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, phương châm sáng tác nghệ thuật của anh là gì?

“Tốt gỗ, tốt cả nước sơn”.

Hình ảnh do nghệ sỹ cung cấp.


 
Back to top