Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Đứng ở ngưỡng cửa, quan sát cảnh tượng ẩn giấu trong căn phòng trống rỗng-đầy ắp của Louisa Gagliardi

Sep 13, 2023 | By Art Republik

“Nghệ sỹ phản ứng với môi trường Web 2.0 của chúng ta, di chuyển giữa analog và kỹ thuật số một cách linh hoạt và dễ dàng, cộng hưởng với các chế độ nhìn hằng ngày của chúng ta và hơn thế nữa: màn hình, thế giới, màn hình, thế giới”.

Louisa Gagliardi, sinh năm 1989, là một nghệ sỹ đương đại người Thụy Sỹ, hiện đang sinh sống và làm việc ở Zurich. Được đào tạo về thiết kế đồ họa ở Lausanne (một thành phố nói tiếng Pháp ở Thụy Sỹ), Louisa Gagliardi lần đầu tiên trưng bày tác phẩm của mình vào năm 2012. Đến nay, phong cách nghệ thuật của Gagliardi đã thu hút nhiều phòng trưng bày và bảo tàng trên khắp thế giới, thực hiện nhiều triển lãm và tham gia các sự kiện nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn.

Phương pháp vẽ tự do của Louisa Gagliardi được rút ra từ các quy tắc hội họa cũng như thiết kế đồ họa và quảng cáo đương đại, nhằm suy nghĩ lại các câu hỏi về hình khối và nền tảng, độ phẳng và chiều sâu. Không ít khán giả xem tác phẩm của Gagliardi và ngạc nhiên khi không thấy một giọt sơn nào trên canvas. Đó là bởi nghệ sỹ đã “đùa giỡn” với chúng ta, với nghệ thuật và với chính cô, bằng cách đi lại giữa hai chiều không gian, giữa thực tế và ảo giác, giữa cảm ứng và xúc giác, giữa màn hình máy tính và thao tác thủ công…

Louisa Gagliardi, “Revealing” (2022), trưng bày tại Paris+, đại diện bởi Galerie Eva Presenhuber, tháng 10 năm 2022. Nguồn: Website của nghệ sỹ

Louisa Gagliardi, tác phẩm tham gia triển lãm nhóm tại Galerie Eva Presenhuber, tháng 6 năm 2022. Nguồn: Website của nghệ sỹ

Louisa Gagliardi, tác phẩm tham gia triển lãm nhóm tại Galerie Eva Presenhuber, năm 2022. Nguồn: Website của nghệ sỹ

Trò chuyện với Ocula về nền tảng thiết kế đồ họa của mình – mà Annabel Downes, tác giả thực hiện cuộc phỏng vấn, gọi là “một khởi đầu bất thường đối với một người hiện đang sản xuất những bức tranh chủ yếu mang tính tượng hình”[2] – Louisa Gagliardi bày tỏ: “Tôi luôn được bao quanh bởi nghệ thuật, nhưng tôi lớn lên trong một môi trường khá thực dụng. Với giá trị vốn có của mình, tôi cảm thấy mình không thể chỉ học nghệ thuật được. Tôi luôn yêu thích điện ảnh, nhiếp ảnh và thời trang. Tôi cảm thấy thiết kế đồ họa là mẫu số chung cho phép tôi làm việc chặt chẽ với những thứ tôi yêu thích. […] Vào năm 2015, tôi đã phát hành hai bức chân dung trên trang web của mình mà lúc đó chỉ tồn tại dưới dạng JPEG. Trong vòng một tuần, hai phòng trưng bày đã đến gặp tôi để trưng bày những tác phẩm đó. Đây là một khoảnh khắc kỳ diệu vì tôi luôn muốn trở thành một nghệ sỹ. Nhưng khi làm việc trong lĩnh vực in ấn và 2D, tôi không nghĩ điều này là có thể. Những phòng trưng bày này đã cho tôi sự tự tin để nghĩ, “Ừ, được rồi, đây là nghệ thuật”.

Là một người được tiếp cận nhiều với nghệ thuật từ khi còn nhỏ – bà và mẹ đã luôn đưa Gagliardi đi tham quan các viện bảo tàng khi họ du lịch đến các thành phố khác nhau, kể cho cho cô nghe về các bức tranh, các biểu tượng và kỹ thuật liên quan, giờ đây, khi đã đi theo con đường thiên về kỹ thuật số hơn, nhưng Louisa Gagliardi luôn muốn tác phẩm phù hợp với cái mà cô gọi là hội họa analog (‘analogue’ painting), một cách thực hành mà cô say mê và tôn kính.

Louisa Gagliardi, “Cascade” (2023). Nguồn: Ocula

Louisa Gagliardi, “Local color” (2023), trưng bày tại Art Genève, đại diện bởi Galerie Eva Presenhuber, tháng 1 năm 2023. Nguồn: Website của nghệ sỹ

Bắt đầu bằng việc phác thảo ý tưởng bằng bút mực hoặc bút chì trên giấy, sau đó Gagliardi tiến hành scan bản phác thảo vào máy tính, và thao tác trên photoshop bằng bàn di chuột (trackpad/touchpad), bút cảm ứng của máy tính bảng hoặc con chuột máy tính thông thường. Gagliardi từng chia sẻ, “sử dụng bàn di chuột cũng tương tự như vẽ bằng ngón tay: cảm ứng nằm ngay ở đầu ngón tay và thiếu khả năng kiểm soát chi tiết. Sử dụng bút cảm ứng và máy tính bảng cũng giống như bút chì và giấy: có khá nhiều quyền kiểm soát tương tự nhau. Một con chuột thì giống như khi Matisse sử dụng một cây gậy – nó cung cấp khả năng kiểm soát và chi tiết ở đầu gậy, bên cạnh đặc tính linh hoạt“[1]

Gagliardi hoàn thiện tác phẩm của mình bằng cách in chúng trên nhựa vinyl bóng và thực hiện các biện pháp can thiệp bằng gel ướt màu trắng sữa, kết hợp với mực hoặc sơn móng tay, phản chiếu độ sáng của màn hình máy tính, bôi hoặc vuốt để tạo ra độ sáng bóng như dầu. Nói theo cách của tác giả Louisa Elderton, “nghệ sỹ phản ứng với môi trường Web 2.0 của chúng ta, di chuyển giữa analog và kỹ thuật số một cách linh hoạt và dễ dàng, cộng hưởng với các chế độ nhìn hằng ngày của chúng ta và hơn thế nữa: màn hình, thế giới, màn hình, thế giới”[1]

Louisa Gagliardi, “Got a light” (2022), trưng bày tại Art Basel Miami, đại diện bởi Galerie Eva Presenhuber. Nguồn: Website của nghệ sỹ

Louisa Gagliardi, “Ghost” (2023). Nguồn: Ocula

Cuộc trò chuyện với nghệ sỹ Louisa Gagliardi về bức tranh khổ lớn của cô cho Art Basel Unlimited năm 2022, khiến tác giả Louisa Elderton nhớ đến mối bận tâm của bố cô ấy. Mở đầu một bài viết cho Flash Art[1], Elderton hoài niệm: “Gần đây, bố kể tôi nghe rằng ông thường đi quanh nhà, mở cửa và nhìn vào những căn phòng trống. Ông đứng ở ngưỡng cửa, nhìn vào trong, ghi nhận tất cả: cách sắp xếp đồ đạc, ánh sáng chiếu xuống sàn nhà tùy theo thời gian trong ngày, và sự yên lặng. Tôi tự hỏi, chính xác thì bố đang tìm kiếm điều gì. Có phải ông chỉ đơn giản là xem xét không gian, đắm mình vào tất cả, hay điều này thực ra là sự hồi cố, tưởng tượng: cách mọi thứ trông như thế nào, cách những người khác nhau di chuyển qua một căn phòng (nói, cười, kể, khóc), cách mọi thứ có thể trông như thế nào hôm nay hoặc ngày mai, nếu cuộc sống khác đi. Nói cách khác, ông nhìn thấy bao nhiêu khả năng cùng một lúc, giữa sự im lặng này?

Louisa Gagliardi, “Tête-à-Tête” – tạm dịch: Mặt đối mặt (2022). Nguồn: Galerie Eva Presenhuber

Theo Elderton, bất chấp độ phẳng đặc trưng trong lối sáng tác của nghệ sỹ, với chiều rộng 11 mét, “Tête-à-Tête” dành cho phiên bản Art Basel Unlimited năm 2022 của Louisa Gagliardi là một bức tranh có thể mở ra một không gian mà người ta tưởng như họ đang bước vào trong đó, bởi quy mô điện ảnh của nó. Và thực tế là bức tranh mô tả một khung cảnh không khác xa bữa tiệc đi kèm với các hội chợ nghệ thuật như Art Basel, hoặc các sự kiện hoành tráng của thế giới nghệ thuật như lễ khai mạc Venice Biennale lần thứ 59 (năm 2022).

Nghệ sỹ Louisa Gagliardi mô tả mối liên quan giữa tác phẩm với bầu không khí khi “mở những cánh cửa ngẫu nhiên và quan sát bất kỳ cảnh tượng nào ẩn giấu đằng sau chúng”. Gagliardi cho biết: “Đó là những cảm giác tôi muốn tác phẩm đem lại. Đôi khi, bạn mở cánh cửa dẫn vào một căn phòng trống có sự tĩnh lặng yên bình nhưng vẫn rùng rợn, vì khả năng kích hoạt. Trong một trường hợp khác, một cánh cửa có thể mở ra một tình huống, nơi mà có điều gì đó vừa mới xảy ra và bạn có thể cảm nhận được sự nặng nề từ hậu quả đó“.

Cánh cửa “Tête-à-Tête” mà Louisa Gagliardi mở ra, đưa đến trước mắt người xem một chiếc bàn tròn khổng lồ, có hai người ngồi ở hai đầu – hoàn toàn tách biệt – giữa những mảnh vụn của sự suy đồi, của tình trạng nhếch nhác: khăn trải bàn bị lật ngược và dồn lại dúm dó, những chiếc đĩa chất cao, những quả anh đào sáng bóng vương vãi khắp nơi, một chiếc bánh ăn dở [với một vệt bơ/kem trông như một dáng người tí hon nằm banh chân trên đó], chiếc găng tay vắt trên ghế [như bàn tay người gãy cụp], những chai lọ đổ nhào, những chiếc ly vỡ và nước đang chảy tràn xuống sàn nhà. Mang theo mình bầu không khí cô đơn rõ rệt, người bên phải mặc bộ vest màu tím u uất, chân không, da trắng bệch, mắt đờ đẫn nhìn vào người xem; người bên trái mặc đồ lông thú, đang ngồi áp người lên bàn đầy mệt mỏi, một cánh tay vươn dài cầm điếu thuốc đang cháy, dấu vết khuôn mặt trang điểm in lên khăn trải bàn, phấn mắt màu hồng và đôi môi màu đào như đang phản chiếu, ánh mắt mơ màng – ngay cả ánh mắt phản chiếu trong chiếc gương của hộp mỹ phẩm gần đó, hướng về người xem như thể đang nhìn xuyên thấu. Và một tiêu điểm khác kéo người xem cuốn vào một chiều không gian thu nhỏ, phản chiếu trong chiếc bình nước mạ crôm sáng bóng, để họ nhìn thấy chính họ đang ngắm nhìn tác phẩm của Gagliardi trong một không gian trưng bày white cube. Đó là người xem với tư cách là kẻ tò mò, một bức chân dung mô tả chúng ta “nhìn chằm chằm vào rốn và tự thu mình“, theo như Gagliardi đề cập.

Louisa Gagliardi, “Tête-à-Tête” – tạm dịch: Mặt đối mặt (2022), chi tiết tác phẩm. Nguồn: Galerie Eva Presenhuber

Louisa Gagliardi, “Tête-à-Tête” – tạm dịch: Mặt đối mặt (2022), chi tiết tác phẩm. Nguồn: Galerie Eva Presenhuber

Louisa Gagliardi, “Tête-à-Tête” – tạm dịch: Mặt đối mặt (2022), chi tiết tác phẩm. Nguồn: Galerie Eva Presenhuber

Louisa Gagliardi đã gợi lên những khoảnh khắc đầy tâm trạng như thế bằng những chi tiết phẳng, nhưng cũng có vô số phạm vi (thậm chí là lớp lang): hình ảnh, phối cảnh và thời gian. Hòa quyện với nhau, những điều này cộng hưởng với nỗi buồn ngọt ngào nào đó của những ngày đã qua, hay của những giấc mơ lóng lánh. Elderton nhận xét: Một chủ đề nhất quán xuyên suốt hầu hết các bức tranh của Gagliardi là khắc họa cơ thể với những ẩn ý về sự bất mãn hiện sinh, và đó vốn là sở thích của cô ấy. Đây chính là nguyên nhân khiến tác phẩm của Louisa Gagliardi trở nên kỳ lạ hoặc thậm chí là lạc hậu. Các cơ thể thường được thể hiện bằng cách lặp đi lặp lại sự đặc sệt bất kể mục đích: là người hoặc robot – mà không hoàn toàn là cái này hay cái kia, nằm trong thực tế phẳng hoặc không gian rìa của tưởng tượng và mơ mộng.

Sau tất cả, nghệ thuật của Louisa Gagliardi quyến rũ, như một cánh cửa khép hờ, mời gọi người xem hiếu kỳ mở ra và nhìn vào trong, một căn phòng trống rỗng, phẳng lì, tràn ngập tính siêu thực, đầy ắp chủ nghĩa hiện sinh, hoàn toàn tĩnh lặng.

Louisa Gagliardi, “Permission” (2021). Nguồn: flash—art.com/Galerie Eva Presenhuber

Louisa Gagliardi, “As Above, So Below” (2023). Nguồn: Art Basel

Dẫn nguồn

[1] Louisa Elderton, bài viết “When Your Smile Is So Wide and Your Heels Are So High: The Paintings of Louisa Gagliardi” (tạm dịch: Khi nụ cười của bạn quá rộng và gót chân của bạn quá cao: Những bức tranh của Louisa Gagliardi), đăng trên Flash Art (14.06.2022).

[2] Annabel Downes, “Louisa Gagliardi in the Studio”, đăng trên Ocula (22.03.2023)

Nguồn: Flash Art, rodolphe janssen, Ocula


 
Back to top