ART & LIFE

Lý Đợi: “Thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn đang độ dậy thì”

Dec 20, 2019 | By Trang Ps

Theo đuổi những chuyển động trong lĩnh vực nghệ thuật Việt Nam, Luxuo.vn đã có cuộc trò chuyện cùng nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, cùng anh bóc tách nhiều vấn đề được và chưa được, đồng thời giải đáp những thành tố quan trọng tạo nên thị trường nghệ thuật thứ cấp ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, một số địa chỉ kinh doanh nghệ thuật mọc lên và đạt được thành công nhất định như Galerie Quynh, Ben Thanh Art, Apricot Gallery hay Craig Thomas Gallery,… Nhưng bên cạnh đó, chúng ta có rất nhiều nơi khác thất bại. Vậy theo anh, đâu là nguyên nhân quyết định thành bại của mô hình kinh doanh này?

Tại thị trường Việt Nam, mở gallery cũng giống như mở quán cà phê vậy, 100 quán thì đến hơn 90 quán thất bại. Người kinh doanh thường đùa rằng “thành công là do ăn may”, nhưng thực tế, khi xét một gallery cụ thể như Galerie Quynh chẳng hạn, tôi tìm thấy những điểm tạo nên thành công của thương hiệu này.

Galerie Quynh không phải gallery thành công nhất nhưng cũng đạt đến thành công nhất định. Họ định hướng kinh doanh nghệ thuật đương đại với nhiều tác giả đương đại. Họ không chú trọng vào trang trí như các gallery lớn là Apricot hay Ben Thanh Art & Frame với mức thanh khoản lớn hơn. Họ mở lối đi riêng với những tác phẩm mang tính sưu tập nhiều hơn trang trí. Hơn nữa, Quỳnh – nhà sáng lập thương hiệu – là người có kinh nghiệm quốc tế, với nền tảng mỹ thuật ở trời Tây. Cô đã áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm có được từ thị trường châu Âu để áp dụng vào mô hình của mình ở Việt Nam. Cũng chính việc có kinh nghiệm đã khiến cô trở nên bình tĩnh.

Nhiều gallery thất bại xuất phát từ việc vừa thiếu kinh nghiệm lại thêm thiếu bình tĩnh. Họ nhìn gallery như một cửa hàng bình thường, nơi việc thanh khoản sẽ quyết định tiền trả cho nhân viên, thuê mặt bằng… Galerie Quynh chịu áp lực tương tự nhưng họ bình tĩnh chờ đợi và bình tĩnh là yếu tố hết sức quan trọng trong lĩnh vực này. Nghệ thuật nói riêng hay văn hóa nói chung không thể vội vàng.

Vậy Galerie Quynh đã bình tĩnh ra sao trong bối cảnh thị trường nghệ thuật còn sơ cấp?

Tranh không phải là nhu yếu phẩm. Hôm nay, người ta không mua tranh cũng không sao, năm nay không mua cũng không sao, và thậm chí, nhiều người giàu cả đời không mua sắm nghệ thuật và không đi xem kịch. Khi kinh doanh trong bối cảnh thị trường như vậy, rõ ràng rất khó khăn.

Câu hỏi đặt ra là “Làm sao để thu hút người mua?”, từ đó các gallery như Galerie Quynh, Vin Gallery, Sàn Art, The Factory… mới có đủ thời gian và lộ trình thực hiện. Nhờ kinh nghiệm quốc tế, Quỳnh đã chờ đợi được và gallery tỏ ra trường vốn. Theo tôi được biết, thương hiệu này cũng cũng tạm bước ra được những áp lực về thuê mướn mặt bằng. Họ có những sự kiện triển lãm đáng xem, có chất lượng tốt, bán được tác phẩm.

Những gallery thuần túy chỉ đơn thuần chờ khách đến rồi bán, họ không làm sự kiện, và vì thế, nhân viên dễ buồn và suy nghĩ tiêu cực. Khi một gallery đón khách thường xuyên, nhân viên sẽ có thêm nhiều niềm vui trong công việc.

Những gallery lâu đời nhất ở Việt nam bây giờ như thế nào và đang ở đâu?

Nhìn lại khoảng 20 năm qua, ở Việt Nam có nhiều gallery mọc lên rồi chết. Nhưng trong đó, có một số gallery sống được với tuổi đời cũng khoảng 30 năm nay, như gallery Tự Do. Đó là gallery tư nhân đầu tiên tại Sài Gòn, và cũng là gallery đầu tiên có cấp phép sau năm 1975. Tự Do thú vị ở chỗ là do hai vợ chồng điều hành, họ hoạt động một cách chuyên tâm nhưng chưa chuyên nghiệp. Và họ phấn đấu hướng đến bán chuyên nghiệp.

Sau đó, hai vợ chồng sang định cư tại Mỹ và đặt gallery Tự Do ở San Francisco. Sau 3 thập niên tồn tại, doanh nghiệp này đã làm được rất nhiều thứ, từ việc đưa nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm và ngược lại, đồng thời tham dự hội chợ nghệ thuật đến tổ chức các triển lãm cá nhân. Dù không giàu có như Apricot hay Ben Thanh Art & Frame nhưng đây là gallery gia đình có tuổi thọ lâu đời nhất.

Người ta thường nói “có cầu rồi mới có cung”, nhưng rõ ràng, trong lĩnh vực nghệ thuật đôi khi lại đi ngược, tức “cung sinh cầu”. Anh nghĩ sao về điều này?

Đúng thế, trong thị trường nhu yếu phẩm, có cầu rồi mới có cung. Thí dụ, mình cần bánh mì và người ta sản xuất bánh mì. Nhưng tranh hoặc nước hoa là xa xỉ phẩm, chứ không phải nhu yếu phẩm. Muốn bán được, chúng ta phải quảng cáo, và tạo ảo giác để cộng đồng hứng thú. Từ đây, cái cung đã tạo ra cộng đồng người mua, nhưng nghệ thuật còn khó hơn thế nữa. Vì tính sử dụng của tranh là gần như vô dụng.

Tính sử dụng của tranh là gần như vô dụng.

Nước hoa ít ra còn có giá trị sử dụng thường xuyên, nhưng tranh thì sao? Nó hoàn toàn vô dụng. Bạn có thể gọi thưởng tranh là tận hưởng thị giác. Nhưng đó là tự kỷ. Bạn có thể xem cùng lúc 10 bức tranh nhưng không ai xịt 10 loại nước hoa lên người cùng lúc để đi ra ngoài. Ví như những bức tranh treo trong phòng ngủ, chỉ mình bạn và người thương của bạn xem được chứ mẹ bạn cũng không bước vào phòng bạn để ngắm tranh nữa. Vì nó có tính riêng tư. Tranh càng riêng tư, càng cá nhân thì tính nghệ thuật càng cao, càng độc đáo.

Chính vì vậy, tạo ra nhu cầu cho tranh rõ ràng khó hơn tạo ra nhu cầu cho nước hoa. Ai ai cũng muốn sở hữu đồng hồ, nhẫn kim cương, siêu xe… vì nhu cầu đó phổ quát hơn. Nhu cầu tranh thuộc về nhóm rất ít.  Giá trị sử dụng của tranh là vĩnh cửu, nhưng đồng hồ thì sao, sau 5 hay 7 năm, bạn đã muốn thay đổi.

Giá cả và giá trị của tranh có liên quan gì đến nhau, thưa anh?

Suốt cuộc đời mình, Picasso sáng tác hơn 8.500 tác phẩm – tùy cách tính thế nào là tác phẩm, nhưng trong đó chỉ có khoảng 100 tác phẩm đáng giá triệu USD trở lên. Còn 8.400 tác phẩm kia có thể đắt nhưng không phải không mua được. Nghệ thuật là “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Cũng giống như Lê Phổ, ông có bức “Khỏa thân” nổi bật nhất với giá gõ búa 1.4 triệu USD, vài bức khác đã ở ngưỡng trên dưới triệu USD, những giao dịch với các tác phẩm này sẽ khiến tác phẩm tăng giá chóng mặt về sau. Còn đa số tranh Lê Phổ vẫn đang ở giá dễ chịu, từ ngàn USD đến vài chục ngàn USD đã mua được bức đẹp. Trong thị trường nghệ thuật, những kẻ tham vọng sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang bất tận, họ thường tập trung vào một số tác phẩm của mỗi tác giả.

Tranh cũng như bất động sản, nhìn chung tăng giá theo thời gian. Thị trường biến tranh thành món đồ khan hiếm, có tiền chưa chắc đã mua được.

Nhưng, giá cả nhiều khi chẳng liên quan gì đến giá trị. Trong 8.400 tác phẩm còn lại của Picasso, sẽ có những bức đẹp hơn, giá trị hơn 100 bức có giá cả đắt đỏ kia. Vì suy cho cùng, mọi đánh giá chỉ mang tính chất cá nhân. Một bức tranh đắt tiền có lý do đằng sau đó, một trong số này phải phải kể đến việc tác phẩm ấy đã qua tay của nhiều nhà sưu tập.

Một bức tranh được cất giữ từ thế kỷ 17 nay được đem ra đấu giá chưa hẳn đã đạt giá cao,  chỉ khi qua tay những nhà sưu tập lớn hơn, bức tranh mới lên giá. Lấy bức “Khỏa thân” của họa sĩ Lê Phổ làm ví dụ, vào năm 2010, tác phẩm ấy chỉ đạt 200.000 USD nhưng bây giờ có giá 1.4 triệu USD vì nó đã qua tay ông Tuấn Phạm, một nhà sưu tầm lớn tại Mỹ. Nếu “Khỏa thân” do một nhà sưu tầm bình thường ở Hà Nội mua lại và đem đấu giá thì tôi tin rằng giá cả sẽ không cao đến vậy.

Xét về giá cả tranh, nhà sưu tập và các tổ chức thương mại đóng vai trò quan trọng. Nhưng giá trị nghệ thuật là do họa sĩ và nhà phê bình/nghiên cứu nghệ thuật tạo ra. Và, giá trị của tranh có chừng, nhưng giá cả của tranh lại rất vô chừng. Chúng ta không bao giờ biết giá cả cuối cùng nhưng có thể tạm nhìn thấy giá trị cuối cùng của một tác phẩm. Thế nên, người sở hữu tranh như sở hữu bất động sản vậy.

Nhà đấu giá thương mại của Việt Nam đã xuất hiện hai cái tên là Lý Thị Auction tại Sài Gòn và Chọn Auction House ở Hà Nội. Anh có đánh giá ra sao về thành tố “nhà đấu giá” hiện nay ở nước ta?

Việt Nam đang manh nha nhà đấu giá thương mại, trong nam có Lý Thị, ngoài Bắc có Chọn. Tất cả đều là những tổ chức đấu giá thương mại với mục đích bán tranh và kinh doanh nghệ thuật nói chung. Họ sinh ra để kiếm tiền. Còn một số hình thức đấu giá khác nhưng chúng ta không xem xét họ là nhà đấu giá. Lý Thị và Chọn đều đang độ manh nha và trên con đường kiện toàn bộ máy.

Lý Thị đề ra giá trị thanh khoản cho mỗi phiên đấu giá khoảng từ 35% đến 40%, nếu đạt được mục tiêu đó, họ tạm cho là đã thành công. Tương lai gần họ sẽ nâng mức này lên trên 50%. Nhưng họ chỉ tổ chức khoảng 1 đến 2 phiên đấu giá mỗi năm. Trong khi đó, Chọn tổ chức đấu giá gần như mỗi tháng và họ có ít nhất 40 phiên tính đến thời điểm hiện tại. Họ đấu giá nhiều như vậy để tăng tính hiện diện của thương hiệu trong thị trường nghệ thuật nước nhà. Và rõ ràng, tác phẩm của Lý Thị cũng đắt tiền hơn của Chọn. Mục tiêu của hai nhà đấu giá là khác nhau và họ bổ sung cho nhau. Chọn làm tốt hơn ở giai đoạn nhập môn, còn Lý Thị làm tốt hơn ở giai đoạn mang tính xa xỉ.

Tuy hấp lực về tranh Đông Dương vẫn còn mạnh mẽ và nặng nề, nhưng anh đánh giá thế nào về thế hệ sưu tầm nghệ thuật hiện nay ở nước ta?

Việt Nam đến nay đã có 5 thế hệ sưu tầm. Thế hệ sưu tầm thứ 5 bắt đầu cách đây khoảng một thập niên, và khác các thế hệ trước ở chỗ họ sưu tầm vì nhu cầu đầu tư chứ không chỉ vì cảm tình, cảm tính quá nhiều. Tất nhiên, như đã nói, nghệ thuật là vô dụng, không xuất phát từ tình yêu và một chút điên điên, chẳng dại gì đầu tư vào mỹ thuật.

Đa số nhà sưu tầm thế hệ thứ 5 sinh vào những năm 1980, nhưng cũng có những người ở độ tuổi 70 mà đi sưu tầm. Họ có tài chính tự thân tốt, và khác với tiền bối của họ là Đức Minh hay Nguyễn Xuân Oánh – những nhà tài phiệt sưu tầm thời kỳ đầu, với xuất điểm là cảm tính và cảm tình. Thời đó, có những người trở thành nhà sưu tầm bất đắc dĩ. Sau khi Đức Minh mất, trong những người thừa hưởng tranh của ông có những nhà sưu tầm bất đắc dĩ đó.

Hấp lực và ám ảnh về tranh Đông Dương vẫn hãy còn nặng nề vì nó quá nổi tiếng. Giá cả cao nên giá trị thanh khoản từ đó cũng cao hơn. Nhà sưu tầm nào có một bức tranh Đông Dương trong kho tàng của mình đều cảm thấy dễ bán hơn, nên đa phần đều muốn bắt đầu công việc sưu tầm tranh bằng các dòng tranh Đông Dương để tăng “số má giang hồ”.

Tuy nhiên, vì thế hệ sưu tập thứ 5 là những người kinh tế tự thân nên họ vừa có lòng tự tôn vừa có sự tự tin để bắt đầu với lối đi riêng là sưu tập các dòng tranh của các tác giả hiện đại, dù chưa nổi tiếng. Cũng giống như Đức Minh, lúc ấy, người ta chơi tranh tàu, tranh phong cách cung đình… nhưng ông lại đi theo cách của riêng mình, ông mua tranh của những họa sĩ đương thời, vài người nhỏ tuổi hơn ông, nhiều người trong số họ thậm chí còn chưa có tên tuổi.

Thị trường nghệ thuật của nước ta trong những năm qua là thị trường sơ cấp, chưa thể chạm đến đến thứ cấp. Chúng ta chưa có hoạt động mua đi bán lại. Khi có chấp nhận rủi ro, có lời có lỗ, có quy luật trúng mất, phá sản…. thì đó mới là thị trường thứ cấp. Ngay cả tranh giả cũng là thành tố tạo nên thị trường, chỉ là tinh vi hay không tinh vi mà thôi.

Nhiều người thuộc thế hệ sưu tầm thứ 5 có mua tranh dựa trên lời cố vấn của chuyên gia nói riêng hay tầng lớp trung gian nói chung để giúp họ thẩm định tranh, áp dụng mua tranh ký hợp đồng, xuất hóa đơn đỏ, có luật sư công chứng… điều mà trước đây hiếm khi có. Đồng tiền của họ bây giờ là minh bạch và khi cầm hóa đơn đỏ về, đó là bằng chứng cho thu nhập của họa sĩ, là cơ sở để chúng ta đánh thuế thu nhập nghệ thuật, tạo điều kiện để thị trường này phát triển hơn nữa.

Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã có hội chợ nghệ thuật nhưng tại sao Việt Nam vẫn chưa?

Hội chợ nghệ thuật là hệ quả của một thị trường, đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ có nhưng không thể nào sốt ruột. Chúng ta thấy trung tâm triển lãm quận Tân Bình chuyên trưng bày các loại hàng nông sản, nó hoạt động được vì đó là nhu yếu phẩm, thứ hai là hàng nông nghiệp của nước ta đã có đủ thành tố để góp vào. Chúng ta luôn mong ước có một hội chợ nghệ thuật nhưng các thành tố nghệ thuật của nước ta vẫn chưa đủ, hoặc nếu có đủ, chúng ta cũng chưa nhiệt tình tham gia. Ví như, tại sao Việt Nam ít tham dự hội chợ nghệ thuật nước ngoài, dù là những quốc gia rất gần như Malaysia, Indonesia, Singapore hay Philippines? Vì chúng ta chưa đủ thành tố.

Chúng ta luôn mong ước có một hội chợ nghệ thuật nhưng các thành tố nghệ thuật của nước ta vẫn chưa đủ, hoặc nếu có đủ, chúng ta cũng chưa nhiệt tình tham gia

Chi phí cho một gian hàng 3-4 ngày tại hội chợ nghệ thuật Singapore chẳng hạn, có thể rơi vào khoảng 50.000 USD, tính thêm chi phí khác nữa có thể lên đến 100.000 USD. Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ có Galerie Quynh, Cuc Gallery và vài phòng tranh trước đây tham gia. Vì sao? Vì họ có thành tố quan trọng là khách hàng mua tranh của họ ở đất nước sở tại ấy. Và họ quan trọng việc tham gia để lấy hình ảnh thương hiệu nhiều hơn là bán được một bức tranh. Lời lỗ ở đây không còn quá quan trọng.

Vậy, các thành tố mà anh nhắc đến là gì?

Hội chợ nghệ thuật là thành tố hết sức quan trọng để tạo nên một thị trường trưởng thành nhưng thị trường nghệ thuật Việt Nam đang là thị trường dậy thì, và dậy thì chưa thành công.

Chúng ta cần ít nhất 5 thành tố quan trọng làm nên thị trường. Lấy Indonesia là một ví dụ, họ có đủ 5 thành tố này. Xét về thành tố đầu tiên là trường lớp và nghệ sĩ, họ giống mình. Nhưng về thành tố thứ 2 – nhà sưu tầm nội địa, người Indonesia mua tranh Indonesia rất nhiều, nhiều vô kể so với nước mình. Không ngẫu nhiên mà Indonesia là nước đầu tiên tại Đông Nam Á bán được bức tranh đầu tiên với giá 1 triệu USD tại chính đất nước họ.

Còn Việt Nam, chúng ta chưa công khai bán được bức nào 500.000 USD tại nước mình, còn bán kiểu trao tay, dấm dúi thì không tính. Chúng ta chỉ có những bức tranh Việt đấu giá ở quốc tế, với mức gõ búa trên dưới 1 triệu USD là tiêu điểm. Với mức giá 1 triệu USD được xem là cột mốc dậy thì, vậy chúng ta chỉ mới dậy thì để trưởng thành ở bên ngoài, trong nước vẫn đang ngấp nghé chuyện dậy thì mà thôi.

Thị trường nghệ thuật Việt Nam đang là thị trường dậy thì, và dậy thì chưa thành công.

Khi chúng ta giơ cao ngọn cờ “người Việt dùng hàng Việt”, nó giống như một lời tuyên truyền nhưng thực sự, đây là “slogan”  tuyệt đối đúng, trong mọi thời điểm và lĩnh vực, kể cả mỹ thuật. Khi nào chúng ta có đủ nhà sưu tập nội địa, chúng ta mới có thể nói chuyện về thị trường hay hội chợ nghệ thuật.

Khi chúng ta đạt được thành tố thứ 2 – người Việt mua nghệ thuật Việt, thì 3 thành tố còn lại không cần phải lo lắng, nó sẽ tự đến sớm. Ba thành tố căn bản còn lại là: 3) giai tầng trung gian gồm gallery, môi giới, đại lý, hậu cần…; 4) học thuật, phê bình, nghiên cứu, giám tuyển, bảo tàng, xuất bản…; 5) các định chế tài chính như ngân hàng, tín chấp, cầm cố, định giá, làm giá, bảo hiểm, đấu giá, hội chợ, các chế tài pháp luật…

Trong suốt nửa thể kỷ qua, tranh của Việt Nam đang bị người ngoại quốc định nghĩa. Đến bây giờ, định nghĩa này cũng đến chủ yếu từ người nước ngoài. Chúng ta vỗ tay khi tranh Việt lên sàn đấu giá quốc tế, tạo tiêu điểm, nhưng thật sự, những sàn đấu giá ấy ít đem đến ích lợi trực tiếp gì cho ta và chính phủ cũng không được hưởng đồng tiền thuế nào.

Cám ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị này!

Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top