ART & CULTURE

Nghệ thuật là những gì dung dị xung quanh ta

Apr 23, 2022 | By Trang Ps

Trong nhiều cuộc trò chuyện với họa sĩ, tham quan studio của họ, tôi nhận ra một điều rằng, sáng tạo xảy đến khi ta có mặt một cách trọn vẹn với những dung dị xung quanh mình. Đó là căn phòng ta ở, bao con người ta giao tiếp mỗi ngày, mảnh vườn sau nhà, hay hàng cây trước ngõ… Sự hiện diện với thực tại là quan trọng bởi chỉ khi hiện diện, ta mới có thể phát hiện những mới mẻ, bởi tất cả luôn biến dịch trong từng khoảnh khắc. 

Tranh của Nguyễn Minh Thành.

Hẳn là bạn vẫn còn nhớ đến tác phẩm Bến Quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Một câu chuyện thật gần gũi đời thường nhưng chứa đựng giá trị nhân sinh sâu sắc. Cốt truyện xoay quanh nhân vật Nhĩ, một người đàn ông đã đi vô vàn nơi trên thế giới nhưng cuối đời bị cột chặt vào giường vì một căn bệnh hiểm nghèo. Cũng chính lúc đó, anh mới phát hiện vẻ đẹp mộc mạc dung dị của thôn quê cùng sự săn sóc tảo tần của vợ anh và bao quan tâm nồng hậu của người dân xung quanh. Nhĩ nhận ra suốt bao lâu nay, anh cứ mải mê quẩn quanh trong những tìm kiếm xa xôi ảo vọng để từ đó đánh mất thực tại hiện tiền, đó là vợ anh, con anh, thôn quê chân chất,… Cũng chính lúc trở về với thực tại, Nhĩ mới để ý những biến thiên đến đẹp nao lòng của quê hương:

“… Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ…”

Nhà thơ Basho từng viết:

“Ở Kyoto

Nghe tiếng chim cuốc gọi

Tôi nhớ Kyoto”

Thật là mâu thuẫn khi ở Kyoto mà lại nhớ Kyoto, nhưng cũng thế, thi sĩ Basho mới thật tài tình khi diễn tả được nội tâm con người thế gian rằng họ chẳng bao giờ có mặt trọn vẹn với thực tại. Tâm hồn của họ luôn mơ tưởng, và thế, họ chẳng bao giờ có thể phát hiện ra những mới mẻ đang biến dịch trong mình và xung quanh mình. Và như tác giả Nguyễn Duy Nhiên viết: “…Tất cả những gì ta đang tìm kiếm, có thể đang có mặt ngay trong giây phút hiện tại, nhưng tâm mình vẫn cứ mong nhớ hay mộng tưởng về một “hiện tại” nào khác”.

Hà nội ngày mưa lạnh. Họa sĩ: Phạm Luận

Tranh của Nguyễn Thu Hiền.

Quay trở lại công việc sáng tạo của người họa sĩ, tôi nhận ra những người có những nét cọ uyển chuyển và tự do, những người có thể chọn vẽ những điều rất đơn sơ mộc mạc như mẹ già, con mèo, bông hoa,… mà thanh thản được, lại biết có mặt với thực tại. Như hôm nọ ghé chơi nhà kiêm studio của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hiền, công việc của cô từ tranh acrylic, tranh lụa đến tượng gốm bày ra trước mắt tôi một khung trời thơ mộng và bình yên mà rõ ràng đó là mục tiêu mà gần như mỗi người theo đuổi xuyên suốt cuộc đời họ. Một mái ấm, những đứa con thơ, tình mẫu tử… tất cả xuất hiện quá đỗi dễ thương, như dòng suối mát trong chảy qua huyết mạch tâm hồn, chạm vào bản năng tình thương vốn sẵn có và vô tận bên trong chúng ta.

Chủ đề mà Hiền vẽ xoay quanh những câu chuyện trong gia đình, đặc biệt là cô con gái ba tuổi đáng yêu, và có lẽ là nguồn cảm hứng dạt dào và bất tận của cô lẫn chồng mình (cũng là một họa sĩ). Tình thương yêu và sự thông cảm luôn luôn hiện hữu trong mái ấm nhỏ ba thành viên, vì thế, tự tâm hồn tác phẩm toát ra sự tươi mát, dịu dàng, khinh an và thư thái.

Tranh của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh.

Trong khi đó, loạt tranh trừu tượng gần đây của Trần Vĩnh Thịnh lại cho thấy anh đang đi sâu hơn vào bên trong mình. Họa sĩ chia sẻ: “Một sáng sớm đứng bên bờ đá, sóng đánh nước tung lên, ta hát ca vô tận trong không gian bát ngát của ngày mở đầu. Loạt tranh này vui mà buồn, động mà tĩnh, cạn mà sâu, gần mà xa, hân hoan và cô độc.” Điều đó chứng tỏ anh đang phát hiện những cung bậc hai mặt bên trong mình, nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là một thế giới trinh nguyên.

Dù có tìm kiếm một đề tài nào xa xôi, thì tất cả những gì họa sĩ sáng tác cũng là đời sống, bởi sáng tác chính là đời sống của họ. Như có một họa sĩ từng chia sẻ với tôi rằng cô không vẽ đề tài vĩ đại, mà chỉ có sự nhẫn nại với nghề đến tận cùng. Chính sự nhẫn nại lao động này, tôi nghĩ, mới là vĩ đại.

Đêm chùng ( 2019),  Hoạ sĩ : Duy Hoa

Cũng có một số họa sĩ, khi thẳng thắn trò chuyện, họ lại cho rằng vẽ bông vẽ hoa là tầm thường, phải sáng tác một cái gì đó đòi hỏi nhiều suy tư, nhiều logic lý luận mới được. Nhưng vốn dĩ, sự tầm thường không nằm ở việc vẽ bông hoa, mà nằm ở thái độ của người sáng tác. Nếu thái độ của người sáng tác trong lúc vẽ hoa là trọn vẹn hết mình với nó, là yêu và trân quý những gì mình làm, là không so sánh hơn thua với mình, với người, thì lúc đó, họ lại chạm đến cung bậc khinh an mát mẻ, bởi họ nhận ra vẽ gì không quan trọng, mà thái độ của chính mình trong lúc sáng tác mới là quan trọng.


 
Back to top