Vì sao chúng ta không thể sống thiếu nghệ thuật?
“Nghệ thuật vẫn sẽ là điều đáng kinh ngạc nhất của loài người, được sinh ra từ cuộc đấu tranh giữa trí tuệ và sự điên rồ, giữa giấc mơ và hiện thực trong tâm trí của chúng ta” – Magdalena Abakanowicz – nghệ sĩ điêu khắc tài ba người Ba Lan.
Nghệ thuật hiện hữu như bản ghi chú văn hóa và lịch sử
Sẽ là một lẽ thường tình nếu đại đa số mọi người cho rằng nghệ thuật là những bức tranh, tượng điêu khắc tinh xảo được trưng bày tại các bảo tàng. Dù vậy, khái niệm nghệ thuật lại bao quát nhiều ý nghĩa hơn cái giới hạn liên tưởng ấy. “Nghệ thuật” có thể là bất cứ thứ gì được tạo ra bởi sự sáng tạo và kỹ năng của con người nhằm mục đích thể hiện hoặc khơi gợi cảm xúc. Nếu lấy một nghĩa rộng về nghệ thuật, thì những tác phẩm nghệ thuật đã tồn tại từ thuở khai sinh loài người: từ nghệ thuật thời tiền sử cho đến nghệ thuật đương đại.
Nghệ thuật phản ánh rất nhiều sự phát triển và tiến hóa của một người và sự phát triển của nhân loại. Nghệ thuật, dưới hình thức là một ngôn ngữ phổ quát, là sự thể hiện bản chất con người sâu sắc nhất. Nghệ thuật luôn là phương tiện để theo dõi các sự kiện hàng ngày, có vai trò giống như một cuốn nhật ký bằng hình ảnh.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một cửa sổ nhỏ cho phép quan sát lối sống của con người từ các thời kỳ khác nhau trong lịch sử.
Nghệ thuật vượt thời gian, là minh chứng cho những thời đại khác nhau trong lịch sử của chúng ta. Từ các họa tiết hình học và động vật được tìm thấy trong các bức tranh hang động thời tiền sử, đến các bức tranh chân dung từ thời Phục hưng, mỗi tác phẩm nghệ thuật là một cửa sổ nhỏ vào lối sống của con người từ các thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Chúng ta có thể theo dõi các xu hướng văn hóa hiện tại của mình và học hỏi từ những thách thức xã hội trong quá khứ. Nghệ thuật kết nối chúng ta với tổ tiên, dòng dõi, giúp chúng ta lưu trữ tinh hoa thời đại cho thế hệ tương lai.
Trước cả khi loài người được hình thành, nghệ thuật vốn dĩ đã tồn tại và chính tự nhiên đã mang đến thế giới này hình thức nghệ thuật đầu tiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên, với màu sắc rực rỡ, hoàng hôn tráng lệ và âm thanh huyền diệu, là những gì đã kích hoạt khía cạnh sáng tạo, nghệ thuật của con người. Và kể từ lúc thế giới loài người hình thành, nghệ thuật bắt đầu song hành cùng con người trong cuộc sống cho đến tận bây giờ.
Nghệ thuật – Cuộc sống không thể tách rời
Giống như ngôn ngữ và tiếng cười, nghệ thuật là một hành vi tự nhiên, cơ bản và sáng tạo, là một hành vi nguyên thủy. Tất cả chúng ta sinh ra đều có một năng lực nhất định để sáng tạo và thể hiện bản thân thông qua nghệ thuật.
Nghệ thuật tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta và rất khó để định lượng mức độ ảnh hưởng của nó. Phải công nhận một điều nền văn minh của chúng ta dựa trên sự sáng tạo. Từ việc chế tạo ra vũ khí, hình thành chữ viết, xây dựng những nơi trú ẩn đầu tiên… tất cả đều là hình thái của việc sáng tạo nghệ thuật. Bất cứ thứ gì do con người tạo dựng đều là sự sáng tạo nghệ thuật, dựa trên trí tưởng tượng của con người. Và qua thời gian, con người cùng với tư duy sáng tạo đã đưa nghệ thuật phát triển rộng mở, từ đó hình thành nên âm nhạc, các công trình kiến trúc, sự ra đời của hội họa, sách vở, những hình thức mỹ thuật trong thời hiện đại…
Chúng ta cần nghệ thuật vì nó khiến chúng ta trở thành con người hoàn chỉnh, nó cho con người sức mạnh để nhào nặn và định hình cuộc sống.
Nghệ thuật chạm đến những khía cạnh sâu sắc nhất của con người và cho phép chúng ta thể hiện những khía cạnh đó. Nghệ thuật giống như một người bạn tốt nhất, cho chúng ta tự do và không gian để sáng tạo và khám phá tài năng của mình. Khi chúng cảm thấy khó khăn để thể hiện những cảm xúc hoặc khi chúng ta cần sự minh mẫn về tinh thần – nghệ thuật mang lại cho chúng ta một lối thoát. Nó kết nối chúng ta với những suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức cũng như thực tế và trải nghiệm bên ngoài của chúng ta. Giáo sư Semir Zeki, nhà sinh vật học thần kinh tại Đại học London, khẳng định rằng khi chúng ta nhìn chằm chằm vào những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, hay nghe một bài hát hay, não bộ của chúng ta được kích thích tăng mức độ dopamine như khi chúng ta yêu.
Cuộc sống nhiều bộn bề công việc, cạnh tranh, con người đôi khi phải đeo lên bộ mặt vui tươi, nhưng bên trong tâm hồn là rất nhiều nỗi buồn và hối tiếc mà ta không thể biểu hiện ra bởi nỗi sợ bị đánh giá. Nghệ thuật khẳng định với ta rằng, mọi cuộc đời tốt đẹp đều đong đầy những lo lắng, đớn đau, cô đơn và phiền muộn bên trong ấy. Và nỗi buồn của ta luôn được đồng cảm bởi những tác gia.
Vậy đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật? Trái tim sẽ cho chúng ta câu trả lời. Có thể những gì bạn xem là nghệ thuật không khớp với những gì người khác nhìn thấy – nhưng chẳng ai đúng ai sai cả. Chìa khóa để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật là sự kết hợp của hai yếu tố: sáng tạo và tác động cảm xúc. Nghệ thuật không phải là mảnh đất tiềm năng của trí não, của những phân tích lạnh lùng, rạch ròi đòi hỏi sự chính xác, mà nghệ thuật xét đến cùng là câu chuyện của tâm hồn.
Mỗi con người lại có những trải nghiệm khác nhau, tâm hồn của họ vì thế cũng dành cho những khía cạnh cảm xúc khác nhau, và việc thưởng thức nghệ thuật trở nên thật đa dạng muôn màu muôn vẻ. Đó cũng chính là vẻ đẹp của nghệ thuật, luôn luôn bí ẩn, mới lạ, đầy thách thức. Và chẳng phải vẻ bí hiểm và phi lý là một phần tất yếu của cuộc sống sao?
Nghệ thuật không có giới hạn
Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng và sự tác động của cảm xúc. Nghệ thuật dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là tinh hoa văn hóa, văn minh của nhân loại và đại diện cho thời đại. Nên theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ cao… nghệ thuật cũng phát sinh ra những hình thức mới. Tư duy của con người là một dòng chảy không bao giờ cạn kiệt, tư duy của nghệ sĩ cũng vậy, nó luôn đồng hành và vượt lên trước cả xu hướng hiện tại, vì thế những sáng tạo của nghệ sĩ, có thể với hiện tại chưa được chấp nhận, nhưng cũng không có nghĩa là sáng tạo đó sẽ “chết”, mà nó sẽ được chính hiện thực cuộc sống, những nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng và những tinh lọc của chính nghệ thuật mà sáng tạo đó tồn tại, phát triển, trở thành xu hướng…
Chẳng hạn, nghệ sĩ Graffiti Cyril Kongo tin rằng, nghệ thuật là sự hiện diện tất yếu trong cuộc sống của con người, và ai cũng có quyền được thưởng thức nghệ thuật. Vì vậy, ông luôn muốn mang đến những năng lượng tích cực nhất đến cho cộng đồng với tư cách là một nghệ sĩ, đồng thời chứng minh thứ nghệ thuật mà ông theo đuổi – “graffiti” xứng đáng được công nhận không kém gì các loại hình nghệ thuật khác.
Đến với nghệ thuật không bao giờ là muộn màng
Claude Monet bắt đầu vẽ tranh khi 30 tuổi, nhưng chỉ đến năm 40 tuổi, nghệ sĩ huyền thoại này mới bắt đầu khám phá ra phong cách nghệ thuật riêng của bản thân. Hầu hết các bức tranh nổi tiếng mà ai cũng biết đến của Monet đều được thực hiện vào những năm 50-60 tuổi của ông và ông đã trở thành một nghệ sĩ thành công trong những năm cuối đời.
“Không ai có thể quay trở lại và bắt đầu một khởi đầu mới, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu ngay hôm nay và tạo ra một kết thúc mới” – Maria Robinson.
Nghệ thuật vốn dĩ đã luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người, và mỗi chúng ta đều mang những khả năng sáng tạo nghệ thuật tiềm ẩn nhất định. Nghệ sĩ Hom Nguyen, cũng giống như Claude Monet, đều đến với con đường hội họa ở độ tuổi trung niên, nhưng điều đó vô tình lại hóa thành bàn đạp mạnh mẽ, thúc đẩy khả năng sáng tạo cảm thụ của Hom. Nhìn nhận vào thực tế, kinh nghiệm sống ắt hẳn cho bạn một lợi thế sáng tạo. Bạn đã nhìn thấy nhiều nơi hơn, trải nghiệm nhiều tình bạn và mối quan hệ hơn, cảm thấy nhiều khoảnh khắc vui và buồn hơn, có những giếng sâu cảm xúc hơn để rút ra từ đó tạo ra những hành động có ý nghĩa.