Nghiên cứu nghệ thuật dưới lăng kính dân tộc học
Nora Taylor là nhà sử học nghệ thuật và giảng viên danh dự Alsdorf về Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á tại Trường của Viện Nghệ Thuật Chicago, với gần một thập niên công tác tại Việt Nam và Singapore. Hiện bà được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Lâm thời của Đại học Fulbright Việt Nam.
Cuốn sách “Họa sỹ ở Hà Nội: Nghệ thuật Việt Nam dưới góc nhìn dân tộc học” (2004) của bà được coi là một trong những ấn phẩm đầu tiên và quan trọng nhất về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ về cuốn sách này và điều đã đưa bà đến Việt Nam?
Trong một chuyến du lịch tại Việt Nam, tôi đã gặp một giáo viên của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Theo chân anh ấy, tôi nhận ra rằng có cả một lịch sử mỹ thuật Việt Nam mà các khoa lịch sử mỹ thuật ở Mỹ chưa từng biết đến. Khi đến thăm các viện bảo tàng ở Mỹ, ấn tượng của tôi là tôi chỉ thấy được quá khứ của nghệ thuật châu Á thường được trưng bày một cách giới hạn trong quá khứ. Đó là điểm khởi đầu cho luận văn tiến sỹ của tôi được hoàn thành năm 1997, và cuốn sách “Họa sỹ ở Hà Nội” là phiên bản sửa đổi dựa trên luận án ấy.
Tôi dành phần lớn thời gian để nghiên cứu về các nghệ sỹ ở Hà Nội, do đó, cuốn sách không bao trùm toàn bộ nghệ thuật Việt Nam. Tôi không muốn làm cho các độc giả hiểu nhầm tôi đang trình bày toàn cảnh vấn đề. Ngoài ra, từ “dân tộc học” cho thấy cách tôi thu thập dữ liệu. Tôi phỏng vấn các nghệ sỹ và dành nhiều thời gian để hòa mình vào cuộc sống ở Hà Nội. Cuốn sách không cố gắng đưa ra các đánh giá thẩm mỹ, mà thay vào đó, tập trung vào bối cảnh mà các tác phẩm nghệ thuật ra đời tại Việt Nam. Cách tiếp cận này có những điểm giới hạn của nó, nhưng là lựa chọn tốt nhất cho tôi, bởi tại thời điểm đấy, các nghiên cứu khoa học về nghệ thuật Việt Nam chưa có bao nhiêu.
Đối với tôi, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 1996. Các nghệ sỹ thời kỳ đó không có xưởng riêng, vì vậy tôi thường đến thăm nhà và dùng bữa với họ. Dù điều kiện sống không dư dật, nhưng các nghệ sỹ luôn nhiệt tình mời tôi tới chơi. Toàn bộ đời sống xã hội của tôi xoay quanh việc gặp gỡ các nghệ sỹ. Tôi cũng viết các bài bình luận nghệ thuật hằng tuần cho tờ báo Vietnam Investment Review. Dù chỉ có một số ít người nước ngoài sống ở Việt Nam vào thời điểm đó và tôi khá lo lắng về thái độ của người dân với người Mỹ, tôi vẫn cảm thấy mình đã được giới nghệ thuật chào đón nồng hậu.
Có một chương trong cuốn sách của bà mang tựa đề “Các nữ nghệ sỹ”, bà viết về những gì đã truyền cảm hứng cho bà để nghiên cứu về những nữ nghệ sỹ Việt Nam. Ngoài ra, bà cũng tổ chức triển lãm “Danh tính đổi thay: Những tác phẩm mới của các nữ nghệ sỹ Việt Nam” (2007), với một xuất bản phẩm kèm theo. Với sự tham gia của 10 nghệ sỹ đương đại, triển lãm diễn ra tại năm địa điểm khác nhau tại Mỹ. Điều gì đã thúc đẩy bà thực hiện các công việc này?
Sau vài tháng bắt đầu việc phỏng vấn các nghệ sỹ, tôi nhận ra hầu hết họ đều là nam giới. Khi tôi đến chơi nhà họ, luôn là các bà vợ nấu nướng cho tôi ăn trong lúc tôi nói chuyện với những người đàn ông. Điều này đã dẫn dắt tôi đưa ra một vài ý nghĩ về vấn đề giới trong cộng đồng nghệ thuật.
Năm 1994, tôi nhận được lời mời của một nhà giám tuyển người Úc tham gia đóng góp cho một cuốn sách có tựa đề “Các nữ nghệ sỹ châu Á”. Tôi dần được gặp các nữ nghệ sỹ như Đỗ Thị Ninh, Nguyễn Thị Mộng Bích và đặc biệt là Đinh Ý Nhi – các tác phẩm của cô ấy phản ánh quan điểm rất mạnh mẽ về vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Họ đã giúp tôi chất vấn lại cách thức mà nam giới vẽ phụ nữ. Tôi cũng quan tâm đến việc các nghệ sỹ nữ có lịch sử khác với các nghệ sỹ nam như thế nào. Chẳng hạn, tại trường mỹ thuật giai đoạn thuộc địa chỉ có bốn sinh viên là nữ, hay vào thập niên 90, chúng ta có Gang of Five và các nhóm nghệ sỹ khác là nam giới nhưng lại không có nhóm nữ nào cả.
Vậy nên khi được đề nghị giám tuyển một triển lãm về nghệ thuật Việt Nam vào năm 2005, tôi biết mình không muốn lại xem thêm một triển lãm nữa về chiến tranh hay thời Đổi Mới. Đây là một cơ hội cho tôi, và đã là một khoảng thời gian rất hào hứng, vì có nhiều nghệ sỹ, như là Lý Trần Quỳnh Giang, chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ.
Bài luận “Nhà sử học nghệ thuật Đông Nam Á với tư cách là nhà dân tộc học” của bà cho thấy bà tập trung vào các nghệ sỹ như là đối tượng nghiên cứu hơn là các tác phẩm của họ. Bà có thể chia sẻ thêm về phương pháp này, cũng như cảm nhận của bà về đời sống và mối quan hệ trong cộng đồng nghệ sỹ vào đầu những năm 90 không?
Trong mười năm qua, tôi tập trung vào cá nhân các nghệ sỹ và môi trường mà họ làm việc hơn là kỹ thuật làm nghề hay chủ đề họ lựa chọn. Với tôi, bối cảnh văn hoá thú vị hơn, nguyên bản hơn; nó cho ta thấy những đặc thù của thời thế lịch sử, mà ở đó người nghệ sỹ tìm thấy chính mình, và ăn khớp với các tác phẩm do họ tạo ra. Tôi muốn đặt sáng tạo nghệ thuật của họ vào một bối cảnh lớn hơn. Với tôi thì ta không thể tách các nghệ sỹ và tác phẩm ra khỏi những thứ như bối cảnh và niên đại lịch sử.
Điều này cũng phản ánh môi trường nghệ thuật của những năm 1990, khi các nghệ sỹ gắn bó và làm việc với nhau thành các cộng đồng khăng khít. Việt Nam thời kỳ này bị cô lập với nghệ thuật thế giới, các nghệ sỹ ít được tiếp xúc với nghệ sỹ quốc tế, và cả các xu hướng đương thời nữa. Do đó, họ thường chia sẻ những phong cách tương đồng với nhau. Có một sự tương đồng nhất định trong các tác phẩm, đều là xoay quanh những yếu tố đậm nét “Việt Nam”: đình làng, cánh đồng lúa, kỷ niệm thời thơ ấu trong chiến tranh, các buổi họp mặt gia đình, lễ hội, v.v. Giờ đây, điều này tất nhiên đã thay đổi. Nghệ sỹ bây giờ đã “toàn cầu” hơn nhiều.
Mặc dù đã rời Việt Nam sau khi hoàn thành nghiên cứu vào năm 1996, bà vẫn tích cực tham gia vào các buổi tọa đàm, sự kiện và triển lãm liên quan đến Việt Nam. Bài luận “Tại sao Việt Nam chưa có nghệ sỹ lớn?” của bà đã mở đầu cho những tranh luận sôi nổi trên trang Talawas vào những năm 2000. Bà có suy nghĩ gì về tình hình hiện tại của các nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam?
Theo tôi, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Trong hai mươi năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về mặt kinh tế và xã hội. Các nghệ sỹ Việt Nam không còn bị cô lập với phần còn lại của thế giới; nhiều người trong số đó đã được mời tham dự các cuộc triển lãm quốc tế. Các tác phẩm nghệ thuật cũng cập nhật hơn và đa dạng hơn: từ sắp đặt đa phương tiện, phim đến các tác phẩm ý niệm. Trong khi vào thập niên 1990 thì tranh vẽ lại đã chiếm ưu thế. Các giám tuyển quốc tế cũng dành sự chú ý lớn cho Việt Nam khi họ khi tìm kiếm các nghệ sỹ mới.
Ngoài ra, chúng ta đang chứng kiến một thế hệ mới gồm các giám tuyển và cây viết nghệ thuật năng động, được đào tạo ở nước ngoài hay có nhiều tiếp xúc với nghệ thuật thế giới, vậy nên họ trở về Việt Nam với cái nhìn đa dạng hơn. Việt Nam không còn đứng ngoài lề của các xu hướng nghệ thuật toàn cầu nữa.
Bà là người đã góp phần nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho một thế hệ nghệ sỹ và nhà nghiên cứu nghệ thuật trẻ Việt Nam như Phan Thảo Nguyên, Ly Hoàng Ly, Nhung Walsh, Arlette Quỳnh-Anh Trần, Pamela Corey và cả bản thân tôi. Theo bà, nền nghệ thuật đương đại Việt Nam trong những năm sắp tới sẽ có thay đổi gì?
Cảm ơn bạn! Thật hào hứng khi được chứng kiến một thế hệ nghệ sỹ và nhà nghiên cứu nghệ thuật mới, những ngôi sao thực thụ. Pamela Corey là người đã mở rộng cách thức để ta xem và hiểu được nghệ thuật Việt Nam. Với hai nghệ sỹ Phan Thảo Nguyên và Ly Hoàng Ly, tôi vinh dự khi được chứng kiến quá trình họ định danh dưới vai trò nghệ sỹ trong thời gian ở Chicago. Còn Nhung Walsh – cô ấy đã mang các nghệ sỹ đến với nhau theo những cách thức đầy mới mẻ và thú vị – qua các cuốn sách nghệ sỹ hay Liên hoan phim Queer Forever (2016). Kể cả bạn và Arlette Quỳnh-Anh Trần cũng đã trở thành những nhân tố quan trọng trong vai trò giám tuyển và hơn thế nữa. Và không phải ngẫu nhiên khi tất cả các bạn đều là phụ nữ. Tôi tin rằng thế giới nghệ thuật đương đại Việt Nam đang nằm trong tay những gương mặt hết sức xuất sắc.
Cảm ơn bà và rất mong chờ những nghiên cứu và dự án thú vị sắp tới của bà tại Việt Nam.
Đỗ Tường Linh