ART & CULTURE

Art Republik Next Gen 2020: Ngô Đình Bảo Châu – “Sáng tác của tôi luôn là về con người”

Aug 01, 2020 | By Trang Ps

“Tôi nghĩ mình vẫn đang trên con đường tìm kiếm một phong cách nào đó. Và tôi ước gì mình không tìm thấy. Vì nếu thấy được thì thật chán!” – Ngô Đình Bảo Châu chia sẻ với Art Republik/Luxuo những tâm tư sâu lắng của mình trong hành trình thực hành nghệ thuật.

Quan sát những triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm của Ngô Đình Bảo Châu, có vẻ như chất liệu đã tự thân truyền tải nội dung tác phẩm?

Tôi sử dụng nhiều chất liệu/vật liệu cho tác phẩm để đáp ứng về mặt ý tưởng, kỹ thuật và thẩm mỹ. Do đó, tùy vào ý tưởng tác phẩm mà tôi tìm kiếm chất liệu phù hợp hoặc đôi khi ngược lại, chính chất liệu trở thành nguồn cảm hứng để tôi làm nên tác phẩm mới.

Trong triển lãm “Chị Tôi” (tên triển lãm được đặt theo bài hát cùng tên của nhạc sỹ Trần Tiến) diễn ra ở Sàn Art cách đây nhiều năm, tôi sử dụng các chất liệu tự nhiên như cát, cỏ, muối, nước cho tác phẩm Ai Mà Đếm Tình Yêu… Các chất liệu được sử dụng ở đây là những danh từ không đếm được.

‘Bản Ngã Xếp Lớp 1’ – Dự án Cục Im Lặng – Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí Cộng tác cùng Nghệ Thuật Trúc Chỉ Việt Nam Trúc Chỉ trên lụa (18 tấm) 3 tấm: 580 x 100 cm 15 tấm: 580 x 150 cm

Đây là một trong những ví dụ thể hiện vật liệu có thể tự thân truyền tải nội dung tác phẩm. Tôi nghĩ chúng có mối quan hệ hữu cơ. Tôi đã dùng nhiều chất liệu và tương lai sẽ còn tìm tòi nhiều hơn ở những chất liệu, kỹ thuật khác nhau.

Gần đây, tôi rất thích vẽ lên chất liệu giấy bìa được ép từ nhiều tấm giấy lại với nhau, loại bày bán rất nhiều ở chợ Lớn, trước hết vì độ thấm hút tốt, và tôi nghĩ thật thú vị khi một chất liệu đời thường như thế lại trở thành một vật liệu mỹ thuật.

Điều gì khiến Ngô Đình Bảo Châu không thể trộn lẫn với những nghệ sỹ khác? 

May mắn thay, tôi nghĩ mình vẫn đang trên con đường tìm kiếm một phong cách nào đó. Và tôi ước gì mình không tìm thấy. Vì nếu thấy được thì thật chán!

Đã hơn ba lần tôi bị phê bình khi trình bày với ai đó về các tác phẩm cũ của bản thân. Năm tác phẩm thì trông như của 5 tác giả. Điều đó làm phiền tôi trong một thời gian dài. Thú thật, tôi rất hâm mộ các bạn nghệ sỹ đồng trang lứa, những người sớm tìm ra và định hình cho mình một phong cách nào đó. Còn tôi, bản thân đang di chuyển với tốc độ siêu chậm. Thử những điều mới mẻ, học nhiều thứ hay ho thông qua quá trình làm tác phẩm là điều tôi luôn hướng đến. Sẽ rất thú vị nếu 10 năm, 20 năm nữa tôi lại nhận được câu hỏi như thế này.

Khác với bản thân mình đã là một thử thách mà tôi cố gắng chinh phục.

Trong 5 năm qua, các sáng tạo nghệ thuật của chị tập trung vào chủ đề nào và thông điệp đằng sau đó?

Luôn luôn là về con người và tất cả những rắc rối xung quanh đó. Dù tôi làm tác phẩm có hình dạng một cục đá thì cũng muốn nói điều gì đó về con người.

Ngã Xếp Lớp 2 gỗ, đinh đồng, sơn đường kính 600 cm

Nếu nói các tác phẩm của chị lấy cảm hứng từ các khối hình học thì điều đó có đúng?

Bắt buộc là một hình gì đó khi tôi bắt đầu hình dung về tác phẩm, chúng ta sống trên trái đất cũng là một hình dạng cụ thể. Khi bắt đầu một bức tranh, ta cũng nghĩ về hình dạng khả thi mà trên đó các hình ảnh sẽ hiển thị.

Tôi thích các khối hình học và tất cả hình dạng trên đời này.

Tranh, điêu khắc và sắp đặt là 3 loại hình nghệ thuật chị chú tâm? Sự khác biệt và giao thoa mà chị thể hiện thông qua 3 loại này là gì? 

Tôi được đào tạo về mảng hội họa, cụ thể là chất liệu sơn mài, nhưng đa phần các tác phẩm sau này của tôi lại thiên về hình khối trong không gian. Tôi quan tâm và sử dụng cả ba loại hình này trong thực hành của mình và chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Tưởng tượng tôi có một cái tủ – đó là tác phẩm điêu khắc, tôi khảm trai lên – lại liên quan đến hội họa, và sau đó tôi quyết định đặt ở đâu và như thế nào – ở đây là loại hình sắp đặt.

Không chỉ dừng lại ở các loại hình nghệ thuật kể trên, mở rộng và vận dụng nhiều kỹ thuật, loại hình khác nhau vào quá trình tư duy và thực hiện tác phẩm luôn là điều tôi mong muốn có điều kiện thực hiện trong tương lai.

Nhưng, hội họa luôn là điều khó nhất, vì theo tôi, nó thiên về cảm xúc.

Một sự kiện bước ngoặt trong hành trình sáng tạo của chị?

Đó là 2 kỳ lưu trú nghệ thuật mà tôi may mắn có cơ hội tham gia:

Sàn Art Laboratory 2012, tôi quyết định nghỉ việc toàn thời gian ở một công ty quảng cáo thể tham gia chương trình trong 6 tháng. Đó như những bước đầu tiên tôi quyết tâm đi trên con đường nghệ thuật.

Năm 2018, tôi có cơ hội tham gia chuyến lưu trú tại NYC nằm trong chương trình New York Fellowship của Apexart, một không gian phi lợi nhuận được nghệ sỹ Steven Rand sáng lập năm 1994. Tôi đến NYC 1 tháng, không làm gì cả, ngoài việc sống, sống và tham gia các hoạt động mỗi ngày theo lịch trình có sẵn: đấu kiếm ngoài trời ở sân trước thư viện New York, học taichi, yoga, contra dance, đi xem xương khủng long, tổ chức tiệc sinh nhật cho các cụ ở một viện dưỡng lão, phục vụ bữa ăn cho những người có HIV, đi dạo, ngắm cảnh và lạc đường… hầu như các hoạt động không liên quan đến nghệ thuật.

Tác phẩm đang trong quá trình làm cho dự án sắp tới

Các trải nghiệm không thân thuộc đó khiến tôi nhận ra những giới hạn mà tôi tự đặt ra khi sống trong ngôi nhà và thành phố của mình, mở rộng mối quan tâm là hiệu quả tốt đẹp mà chương trình đem đến. Mặt tích cực nữa của chuyến đi là tôi trở nên cực kỳ quý trọng thời gian, buộc bản thân hoạt động tích cực theo lịch trình sít sao trong vòng 1 tháng, sau đó bạn sẽ không muốn lãng phí bất kỳ giờ phút nào trong đời.

Ý nghĩa sâu xa của câu nói “Thông qua việc thực hành nghệ thuật, Châu muốn khám phá ý nghĩa của sự tồn tại” là gì? 

Tôi có thể tự vấn “Mình là ai, mình muốn gì trong cuộc đời này” như bao người, qua từng giai đoạn cuộc đời, vẫn hay tự hỏi, mà không cần làm tác phẩm hay điều gì liên quan đến nghệ thuật.

Nhưng tôi nhận ra, chỉ có việc làm tác phẩm như vẽ một cái lá, rây vàng lên một chi tiết tranh hay rắc kim tuyến lên một mảng hình mới làm mình vui.

Là khi tôi buồn vì nhận ra mình dừng tích cóp những kỷ niệm về mẹ, dù bà vẫn còn hiện diện và tồn tại.

Tôi nghĩ mọi người làm việc này việc kia là để đánh dấu sự tồn tại của mình, và bị lãng quên luôn là nỗi sợ hãi của con người, mình thực hành nghệ thuật cũng không ngoại lệ.

Câu nói trên vẫn còn nhiều điều cho mình khám phá.

Ngô Đình Bảo Châu tại studio.

Chị có thể chia sẻ về triển lãm/dự án tiếp theo? 

Triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi sẽ diễn ra tại Quỳnh Galerie vào tháng 8 năm nay, với các tác phẩm mà tôi cộng tác cùng những nghệ sỹ tài năng đồng thời cũng là những người bạn tuyệt vời. Chờ xem!

Cám ơn chị vì những chia sẻ sâu sắc nhé!


Về Art Republik Next Gen 2020

Là một dự án mới mẻ trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly, Art Republik Next Gen 2020 có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng sáng tạo. Thông qua góc nhìn và nhận định của đội ngũ giám khảo dày dạn kinh nghiệm, Art Republik đã tìm kiếm thành công 19 gương mặt trẻ tài năng (trong tổng số 30 hồ sơ được lựa chọn và 70 hồ sơ gửi về) với những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế chứ không đơn thuần dừng lại ở chức năng duy mỹ, trong đó nổi bật rõ sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt.

+ Đọc thêm về dự án và danh sách tại: https://bit.ly/32w8TZV

Về Art Republik Vietnam:

Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới mẻ, có thể kể đến việc các nghệ sĩ đang tìm cho chính mình những con đường mới với nhiều sáng tạo ra đời, hoặc thị trường nghệ thuật của chúng ta đang đứng trước bước ngoặt cách tân quan trọng..

Do đó, chúng tôi cảm thấy thời điểm này chính là cơ hội để ấn phẩm Mag/Book song ngữ Art Republik Vietnam ra đời để đóng vai trò cầu nối giữa người yêu nghệ thuật và nghệ sĩ, nhà sưu tầm tại Việt Nam, Đông Nam Á hay xa hơn thế nữa.

+ Đọc thêm về ấn phẩm số 1: Một diễn ngôn mới: https://bit.ly/39aieI8

+ Đặt mua ấn phẩm Art Republik: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top