Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Nhành Hương Xưa” – Triển lãm hồi cố đầu tiên của cố họa sỹ Tú Duyên 

Feb 28, 2024 | By Art Republik

Triển lãm “Nhành Hương Xưa” của danh họa Tú Duyên (1915–2012) do Annam Gallery và Lân Tinh Foundation đồng tổ chức, giới thiệu đến công chúng các sáng tác trên lụa cùng loạt tác phẩm Thủ ấn họa độc đáo, đặc trưng của cố họa sỹ.

Họa sỹ Tú Duyên (1915–2012) có tên thật là Nguyễn Văn Duyến. Nghệ danh của ông đúng ra là Tứ Duyên. Đó là cách đọc lái của chữ Duyến Tư – ghép giữa tên ông và tên người bạn học rất thân của ông – Đỗ Văn Tư. Tuy nhiên, khách mua tranh của ông chỉ quen đọc thành Tú Duyên.

Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho tại cái nôi mỹ nghệ Việt Nam – làng cổ Bát Tràng (trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Chính nơi đây đã ảnh hưởng đến tâm hồn, tình cảm và định hình lối sáng tác rất riêng và độc đáo của Tú Duyên. Từ năm 1935 đến năm 1938, Tú Duyên thi đậu và theo học lớp dự bị tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đến năm 1939, ông phải gác lại việc học và cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1942 là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Tú Duyên khi ông sáng tạo ra kỹ thuật “Thủ ấn họa”.

Chân dung họa sỹ Tú Duyên thời trẻ

Tại xưởng của họa sỹ Tú Duyên, ở số 161 đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP. HCM).

Cố họa sỹ Tú Duyên đã để lại một dấu ấn sâu sắc và ấn tượng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với việc dày công nghiên cứu và cho ra đời kỹ thuật “Thủ ấn họa” – một sự cách tân từ tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam, nhưng có sự khác biệt về công dụng và mang tính nghệ thuật cao. Tuy tranh của Tú Duyên chỉ sử dụng hai bản khắc âm-dương, nhưng màu sắc rất đa dạng và sống động, do ông đã dùng đầu ngón tay và lòng bàn tay để pha và dàn màu cho tranh. Tùy theo tâm tư, tình cảm, không gian, nội dung và đề tài diễn đạt mà Tú Duyên sẽ chọn gam màu nóng-lạnh, rồi đặt lụa lên và dùng tay xoa, ấn, vuốt, đập để màu thấm vào lụa, tạo ra nét dìu dịu, mạnh nhẹ, rõ mờ theo chủ đích biểu hiện.

Tú Duyên, “Thiếu nữ và đàn tranh” (1979), thủ ấn.

Tú Duyên, “Thiếu nữ và sen” (1965), lụa.

Tú Duyên, “Thiếu nữ và đàn tỳ bà” (1995), thủ ấn.

Triển lãm “Nhành Hương Xưa” gợi cho người xem về một không gian xưa, nhẹ nhàng và thơ mộng với ba đối tượng thẩm mỹ chính: các loài hoa, các nhạc cụ dân tộc và người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, thướt tha trong tà áo dài. Trong nhiều khung cảnh khác nhau, những người phụ nữ ấy như đang thả hồn qua những nhạc khúc, giai điệu xưa được tấu bởi đàn tranh, đàn nguyệt, hay đàn tỳ bà – những nhạc cụ tiêu biểu cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Tú Duyên, “Ngũ hổ” (1975), thủ ấn.

Tú Duyên, “Loa kèn và Đức Phật” (1999), thủ ấn.

Theo lời ngỏ giám tuyển:

“Thủ ấn họa, khi so sánh với tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống – những dòng tranh ấn mộc bản dân gian Việt Nam, quả thật khác biệt và là một sự cách tân đầy tính sáng tạo của Tú Duyên. Nếu tranh Đông Hồ cần mỗi bản in (bản dương) cho mỗi màu in và phải in chồng để phối màu, và tranh Hàng Trống phải dùng bút lông tô nét đậm nhạt sau mỗi bản in khắc nháp, thì tranh khắc gỗ của Tú Duyên chỉ sử dụng duy nhất hai bản khắc: bản âm (bản màu) khắc chìm với nét khắc sâu, đủ nét nhưng không đậm với chủ đích tạo phông nền, và bản dương (bản nét) khắc nổi tạo độ đậm nhạt cho từng đường nét của tranh. Đặc biệt, tuy chỉ dùng hai bản khắc duy nhất, họa sỹ có thể in được rất nhiều màu khác nhau.

[…]

Ngắm nhìn mỗi bức tranh của họa sỹ Tú Duyên, ta cảm tưởng như đang thưởng thức một bài thơ, một bản nhạc với bút pháp tinh tế, ngôn ngữ và hòa sắc mềm mại, dịu nhẹ. Chúng được sáng tác từ các chất liệu đời sống gần gũi, pha đôi chút sự mộng mơ, nên thơ cùng với góc nhìn nghiệm sinh theo thời gian. Tú Duyên đã để lại một dấu ấn nghệ thuật khó phai trong lòng giới mộ điệu nghệ thuật và các thế hệ họa sỹ sau này!”

Tú Duyên, “Hướng dương ngược gió” (1994), thủ ấn.

Tú Duyên, “Hoa loa kèn” (1991), lụa.

THÔNG TIN TRIỂN LÃM

“Nhành Hương Xưa” đánh dấu lần đầu tiên một triển lãm hồi cố dành cho họa sỹ Tú Duyên (1915–2012) được tổ chức. Đặc biệt giới thiệu bởi Annam Gallery và Lân Tinh Foundation, “Nhành Hương Xưa” trưng bày 18 tác phẩm, bao gồm các sáng tác trên chất liệu lụa và loạt tranh ứng dụng kỹ thuật Thủ ấn họa.

– Khai mạc: Thứ sáu | 18h30, ngày 1 tháng 3 năm 2024

– Thời gian: Thứ Hai – Chủ nhật | 9h – 20h, từ ngày 2 tháng 3 đến ngày 31 tháng 3 năm 2024.

– Địa điểm: Annam Gallery | 371/4 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

– Vé tham quan: 70.000đ/người

– Vui lòng truy cập website Annam Gallery để biết thêm thông tin chi tiết.


 
Back to top