ART & CULTURE

Phân tích từ vụ bản quyền Trúc Chỉ, để hiểu đúng về sở hữu trí tuệ và tác quyền

Aug 03, 2021 | By Ace Le

Đối với tác phẩm nghệ thuật Trúc Chỉ hay sản phẩm mỹ nghệ Trúc Chỉ, tác giả hoặc công ty chủ quản cần có những biện pháp phù hợp để bảo vệ thành quả lao động của mình. Giữa cuộc tranh cãi về bản quyền Trúc Chỉ, giám tuyển Ace Lê đã có đôi lời tư vấn và phân tích, giúp cộng đồng làm văn hoá, nghệ thuật có thể tham khảo và đúc kết kinh nghiệm về quản lý sở hữu trí tuệ. 

Phan Hải Bằng và tác phẩm nghệ thuật “Vọng niệm” làm theo trucchigraphy, triển lãm tại tòa nhà Quốc hội Việt Nam.

Mấy ngày qua, giới nghệ trong nước xôn xao vì vụ bản quyền trúc chỉ. Về tình mà nói, việc một sinh viên tốt nghiệp Mỹ thuật Yết Kiêu sử dụng từ công thức, mẫu mã đến cách trưng bày na ná mà không có một dòng cảm ơn tác giả gốc là thiếu sót lớn về tư cách làm nghề. Nhưng nếu xét riêng về khía cạnh pháp lý, trường hợp này là một minh họa tương đối phức tạp, nhưng đáng mổ xẻ để cộng đồng làm văn hóa đúc kết kinh nghiệm về quản lý sở hữu trí tuệ.

Trước tiên, “bản quyền trúc chỉ” là một cụm từ nhập nhằng rất dễ gây hiểu nhầm, nên ta phải tách nó ra rồi chiếu theo các phân loại cơ bản. Tôi tóm lược 08 loại sở hữu trí tuệ chính cho các bạn dễ theo dõi. 

Dưới sự quản lý của Cục Sở hữu Trí tuệ [1] (trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) có nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí và bí mật kinh doanh; còn dưới Cục Bản quyền Tác giả [2] (trực thuộc Bộ Văn hóa) có quyền tác giả và các quyền liên quan. Một lưu ý quan trọng, quyền tác giả ở đây được ám chỉ riêng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, còn sáu mục kia dành cho các ứng dụng khoa học, công nghiệp và kinh doanh.

Như vậy, trường hợp trúc chỉ liên quan tới những tài sản nào, dưới các hạng mục nào, dưới quyền sở hữu của những ai?

1. Bộ nhận diện Trúc Chỉ

Như ta đã biết, logo Trúc Chỉ đã được đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, thay vì đăng ký dưới hạng mục nhãn hiệu dưới Cục Sở hữu Trí Tuệ, thì nghệ sỹ Ngô Đình Bảo Vi và công ty Trúc Chỉ Việt Nam lại trót đăng ký nó dưới hạng mục quyền tác giả dưới Cục Bản quyền Tác giả, một phạm trù hoàn toàn khác. Đây là một trong những lỗi thường gặp tại Việt Nam. 

Khi bạn đăng ký logo dưới dạng một tác phẩm nghệ thuật, ưu điểm là sẽ rất dễ được cấp phép, với thời gian chờ đợi rất ngắn (15 ngày). Nhưng bạn lưu ý rằng dưới dạng thức này, nó chỉ bảo hộ được hình thức thị giác mà không bảo hộ được tên gọi. Có nghĩa là, một doanh nghiệp khác (Trúc Chỉ Hà Thành) cũng có thể sử dụng chữ này (“Trúc Chỉ”) nhưng kết hợp với logo khác thì không bị coi là vi phạm.

Trong khi đó, khi đăng ký logo như một nhãn hiệu doanh nghiệp, nó sẽ nằm dưới cơ chế bảo hộ tuyệt đối và chặt chẽ nhất hiện nay, mặc dù thời gian chờ cấp phép lâu hơn (12 tháng). Phạm vi sở hữu sẽ bao gồm cả hình và chữ (nếu logo có bao gồm chữ) – trong trường hợp này là chữ “Trúc Chỉ”. Nếu tên gọi “Trúc Chỉ” được bảo hộ như một nhãn hiệu thương mại, thì việc “Trúc Chỉ Hà Thành” dùng nó trong tên gọi đã vi phạm rõ rệt quyền sở hữu của Trúc Chỉ Việt Nam. 

Logo hình và chữ “Trúc Chỉ” của Trúc Chỉ Việt Nam do Ngô Đình Bảo Vi đăng ký bản quyền tác giả.

Để cho chắc chắn, lời khuyên của tôi là Trúc Chỉ Việt Nam nên tiếp tục đăng ký cả logo và chữ “Trúc Chỉ” dưới tư cách nhãn hiệu. Việc đăng ký chữ “Trúc Chỉ” hẳn là rất dễ dàng một thập kỷ trước, nhưng hiện nay với việc nó trở thành một cụm từ tương đối thông dụng, khả năng được cấp phép sẽ thấp hơn.

Cũng cần lưu ý, Trúc Chỉ Việt Nam không cần phải đăng ký nhãn hiệu “Trúc Chỉ” thì mới tố cáo được đơn vị khác xâm phạm bản quyền. Nhưng khi tố cáo, cần chứng minh mình là tác giả gốc của tên gọi “Trúc Chỉ” trong lĩnh vực hoạt động, và vi phạm của đối phương gây ra thiệt hại kinh tế từ nhầm lẫn đó. Việc này không dễ dàng, và trách nhiệm chứng minh là của bị đơn – ở đây là Trúc Chỉ Việt Nam. Điều này cũng sẽ gặp khó khăn, do nghệ sỹ Phan Hải Bằng mới là tác giả gốc của tên gọi này, trong khi Trúc Chỉ Việt Nam lại được đăng ký là công ty TNHH một thành viên dưới tên nghệ sỹ Ngô Đình Bảo Vi.

2. Kỹ thuật đồ hoạ Trúc Chỉ

Tâm điểm thứ hai của cuộc tranh luận xoay quanh kỹ thuật đồ họa trúc chỉ (“trucchigraphy”) của tác giả gốc Phan Hải Bằng từ chục năm trước, gồm ba bước: quy trình làm giấy thủ công, kỹ thuật tạo áp lực nước, và việc nâng cao kỹ thuật đó theo phương pháp etching để tạo nên hệ thống thiết kế lớp lang tinh xảo.

Trước hết hãy nói đến hạng mục. Ở đây chỉ có hai hạng mục liên quan – đó là sáng chế và bí mật doanh nghiệp. Ta có thể loại bí mật doanh nghiệp (ví dụ như công thức chế biến Coca-Cola hay mã nguồn phần mềm Windows), vì điều kiện tiên quyết là thông tin phải bí mật, và chủ sở hữu phải áp dụng những biện pháp thích hợp để giữ bí mật cho thông tin đó – trong khi anh Bằng đã tổ chức nhiều workshop dạy kỹ thuật trucchigraphy công khai.

Workshop trải nghiệm giấy Trúc Chỉ với nghệ sỹ Phan Hải Bằng

Sáng chế có hai cấp bậc, là sáng chế và giải pháp hữu ích – với yêu cầu chung là phải có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Sáng chế cần thêm một yêu cầu nữa, đó là tính sáng tạo cao – nên quy trình duyệt cũng khó và lâu hơn. Nếu đăng ký thành công, thời hạn bảo hộ sáng chế là 20 năm, còn giải pháp hữu ích chỉ là 10 năm.

Trong trường hợp đăng ký và được cấp phép cho bước thứ nhất trong trucchigraphy, thì việc sản xuất trúc chỉ sẽ thuộc sở hữu độc quyền của đơn vị đăng ký. Nếu được cấp phép ở bước hai, thì các đơn vị khác sẽ được phép tự sản xuất loại giấy đó, nhưng không được sử dụng quy trình áp lực nước. Tuy nhiên, điều kiện “có tính mới” có nghĩa là giải pháp kỹ thuật ấy chưa được biết đến hoặc sử dụng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Do cả quy trình làm giấy truyền thống từ tre và công nghệ phun nước đã được sử dụng ở một số nước châu Á khác, việc đăng ký tại Việt Nam khó có khả năng được cấp phép, theo nhận định cá nhân của tôi.

Một số công đoạn tạo hình sản phẩm Trúc Chỉ, thực hiện bởi các nghệ nhân của Trúc Chỉ Việt Nam.

Nhưng với công thức ba bước ở trên, tôi cho rằng trucchigraphy hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện của cả hai cấp bậc. Anh Phan Hải Bằng đã từng nộp nhưng chưa theo được đến cùng do sự phức tạp của quy trình. Tôi cho đây là một điều đáng tiếc, và khuyên đội ngũ vẫn nên tiếp tục theo đuổi đến cùng. Chủ sở hữu ở đây có thể là anh Bằng (vì bằng chứng phát minh đều dưới tên cá nhân anh), sau đó nhượng quyền cho Trúc Chỉ Việt Nam để thuận lợi về hoạt động tổ chức.

Không gian trưng bày của Trúc Chỉ Việt Nam

Không gian trưng bày của Trúc Chỉ Hà Thành với các tác phẩm mỹ nghệ và cách trưng bày nhìn na ná như của Trúc Chỉ Việt Nam

Lại nói đến mảng tố cáo vi phạm. Giả định, anh Bằng một thời gian sau đã có bằng sáng chế cho trucchigraphy. Dù vậy, nếu Trúc Chỉ Hà Thành và một số đơn vị khác chỉ bắt chước hai bước đầu chứ không ăn cắp toàn bộ dây chuyền công nghệ, thì việc tố cáo cũng khó có cơ sở. Một thực tế trớ trêu là chính sự lười biếng của bên bắt chước lại là sự bảo vệ cho họ. Lời khuyên của tôi trong trường hợp này cho nhóm nghệ sỹ chân chính là đừng mất thời gian tố cáo dân sự / hình sự, mà hãy cứ đi tiếp con đường của mình và đầu tư vào các hoạt động truyền thông để công chúng biết rõ sự khác biệt của chất lượng sáng tạo nghiêm túc.

3. Nghệ thuật và mỹ nghệ Trúc Chỉ

Kỹ thuật trucchigraphy đã tạo tiền đề cho việc nghệ sỹ sáng tác với trúc chỉ như một phương tiện đa chiều thay vì vai trò làm nền của giấy cho các chất liệu khác để vẽ, viết, in, khắc lên. Và lưu ý rằng, nghệ sỹ mặc định có quyền tác giả với các tác phẩm của mình mà không cần phải đăng ký với Cục Bản quyền Tác giả. Trong trường hợp tác phẩm bị đạo nhái, tác giả nên gửi thư tố cáo vi phạm tới Cục Bản quyền Tác giả, và gửi thư chính thức yêu cầu bên vi phạm gỡ bỏ tác phẩm đạo nhái.

Website của Trúc Chỉ Hà Thành, tuy sử dụng logo khác với Trúc Chỉ Việt Nam, nhưng có những mẫu mã tranh mỹ nghệ nhìn na ná như của Trúc Chỉ Việt Nam

Ở đây, cái một số đơn vị bắt chước không phải là các tác phẩm nghệ thuật, mà là một số mẫu mã thiết kế mỹ nghệ, đặc biệt là tranh thủ công trúc chỉ. Trường hợp này lại thuộc hạng mục kiểu dáng công nghiệp dưới sự quản lý của Cục Sở hữu Trí tuệ. Câu trả lời rất đơn giản: hãy đi đăng ký trước. Nếu người bắt chước nhanh chân đi đăng ký mẫu đó trước, thì bạn sẽ là người chịu thiệt. 

Tất nhiên, ngay cả khi không có giấy chứng nhận bản quyền, Trúc Chỉ Việt Nam có thể khởi kiện, một quá trình mệt mỏi và tốn kém. Vì vậy, ngay cả ở những nước tiên tiến về luật này, kiểu dáng công nghiệp vẫn là một hạng mục bị đạo nhái ngang nhiên nhất (các bạn tham khảo trang Instagram mới lập gần đây @designwithincopy liệt kê rất nhiều ví dụ như vậy). Trong mọi trường hợp, lời khuyên của tôi là nên luôn có thói quen lưu trữ sớm bằng chứng sáng tạo – ví dụ, email hoặc gửi bưu điện những thiết kế đó cho chính mình.

Một phần của triển lãm “Trúc Chỉ – Lời Của Sông” (2016), do viện Goethe Hà Nội, nghệ sỹ Phan Hải Bằng và Trúc Chỉ Việt Nam đồng tổ chức.

Để kết bài, tôi xin nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc tự phổ cập luật sở hữu trí tuệ với người làm văn hóa. Về cá nhân tôi, qua 15 năm thực hành quản lý thương hiệu trong công việc thường nhật, đã chứng kiến nhiều trường hợp mất mát đáng tiếc do hiểu biết chưa thấu đáo về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh những vụ việc nội địa như trúc chỉ, khi nghệ sỹ Việt Nam vươn ra biển lớn, ta cũng cần học hiểu kỹ luật nước sở tại, hoặc chí ít là các công ước quốc tế mà họ là thành viên. Cuối cùng, xin chia sẻ với các bạn một tập tài liệu gối đầu giường của tôi, đó là cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ” (đã được dịch ra tiếng Việt) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) [3].

Nhưng cho dù ta có thuộc luật cặn kẽ đến đâu, yêu cầu cơ bản nhất của người làm văn hóa, vẫn là phải có văn hóa trước đã.

Chú thích:

[1] Cục Sở hữu Trí tuệ

[2] Cục Bản quyền Tác giả

[3] Cẩm nang sở hữu trí tuệ của WIPO

Thực hiện: Ace Lê

Về tác giả: 

Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.


 
Back to top