Nghệ thuật

Sống tỉnh thức (P2): 4 nguyên lý cơ bản trong chánh niệm – tỉnh giác

Feb 15, 2022 | By Trang Ps

Tỉnh thức nghĩa là có một thái độ đúng đắn trước mọi việc diễn ra bên trong và bên ngoài mình, không nắm giữ, không buông xuôi, mà hoàn toàn đón nhận – thấy ra một cách tự nhiên chứ không theo bản ngã tham, sân, si. Trong cuộc sống bận rộn ngày hôm nay, nhiều người ngày càng ý thức được việc trở về thực tại, sống tỉnh thức để giữ cho mình luôn thăng bằng giữa cuộc đời đa đa đoan. 

Ảnh: Chasing Tea.

Thế giới phẳng hôm nay là một lợi thế để con người kết nối và học hỏi lẫn nhau, đồng thời giúp họ dễ dàng tìm kiếm những thông tin cần thiết cho nhu cầu cá nhân. Thế nhưng, biển tri thức mênh mông lắm lúc khiến chúng ta hoang mang không biết đâu là đúng, đâu là sai. Tương tự như vậy, giữa khu rừng kiến thức về lối sống tỉnh thức với nhiều bậc thầy đang thuyết giảng, người tìm đạo cũng dễ lung lạc giữa vô số phương cách mà chưa biết sẽ dẫn họ đi về đâu. Dẫu vậy, thế gian thị phi luôn biến động thì chân lý ngàn đời vẫn chỉ có một, và nguyên lý vận hành sự thật không thể bị đánh tráo bởi bất cứ cá nhân hay tập thể nào.

Dưới đây là 4 nguyên lý về lối sống tỉnh thức có lẽ sẽ giúp ích cho bạn vững bước trên hành trình soi sáng lại chính mình.

1/ Buông về mặt thái độ chứ không phải trạng thái

Ảnh: Chasing Tea.

Có hai điều quan trọng cần nhớ về buông. Thứ nhất, càng cố gắng nỗ lực, càng không thể buông. Thứ hai, buông ở đây không phải là buông trạng thái, không phải buông làm một điều gì đó, không phải buông xuôi tự phó mặc cho số phận, mà buông nằm ở thái độ, tức không dính mắc và bám chấp vào bất cứ một điều gì.

Chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm: trạng thái và thái độ. Buồn, vui, hạnh phúc, đau khổ, ghen tuông, giận hờn, ghen tỵ, tự ti, tự tin… đơn giản là trạng thái. Và trạng thái thì bao giờ cũng vô thường, tuân theo chu kỳ sinh đến diệt. Thái độ là cách ta nhìn nhận (quan sát và nhận thức) các trạng thái đó. Nếu thái độ của chúng ta là tạo tác hay phản ứng đúng sai lại với các trạng thái, thì đó là đang dùng cái bản ngã ra đối phó. Và như vậy, các trạng thái sẽ giống như dòng nước gợn lăn tăn giờ nhờ có sự xúc tác mà trở nên dữ dội. Như vậy, thái độ đưa bản ngã ra xử lý vấn đề bao giờ cũng chỉ khiến vấn đề tồi tệ hơn. Ngược lại, nếu thái độ với các trạng thái đơn giản là chấp nhận, quan sát một cách trong sáng và trọn vẹn, không dùng bản ngã ra đối phó, thì các trạng thái này sẽ tự sinh ra rồi diệt đi theo như cách nó vốn là.

2/ Thiền là trở về thực tại thấy thân, tâm, cảnh như nó là

Ảnh: Chasing Tea.

Thiền không phải là điều gì đó cao siêu, không phải là một pháp môn để bạn đạt trạng thái siêu việt nào. Thiền đúng nghĩa là đưa ta về thực tại, và thấy thực tại đúng như nó đang là. Gautama Buddha từng nói nếu ai biết sống trong thực tại, thì thực tại này chính là niết bàn. Niết bàn chẳng phải là một cõi nào đó xa xôi. Niết bàn chỉ đơn thuần phản ánh tâm thức của một người. Nếu tâm thức của một người bây giờ là ác độ và luôn làm điều ác, thì thế giới này của anh ta là địa ngục. Như vậy, ai sống trọn vẹn với hiện tại ngay bây giờ và ngay lúc này thì có nghĩa họ đang ở trong niết bàn. Đó là lý do vì sao, tôi hướng đến việc sống thiền chứ không phải là cứ ngồi xuống mới gọi là thiền.

Chúng ta cần nhận biết một chân lý rằng bản chất của mọi hiện tượng là vô thường, là luôn vận động (cảm xúc, suy nghĩ… đều vận động, đều từ sinh đến diệt). Vì thế, chỉ có thái độ buông xả thả lỏng mới đúng pháp. Còn nắm giữ, dính mắc tức là đang ngược dòng, ngược pháp. Và đó là lý do vì sao nắm giữ, bám chấp sinh đau khổ. Khi hiểu được điều này, thì ta sẽ dễ dàng đưa thiền chánh niệm vào cuộc sống hằng ngày và cứ sống thiền chứ không phải là hành thiền nữa. Khi nấu ăn, khi tắm rửa, khi làm việc… ta thận trọng, chú tâm và quan sát thân – tâm lẫn môi trường xung quanh mình. Chúng ta sẽ nhận thấy đúng rằng tất cả cảm xúc suy nghĩ cứ sinh rồi diệt. Nếu ta quan sát sáng suốt không gây ra phản ứng gì thì tất cả mọi khổ – lạc cứ thế qua mà không hề dính mắc một chút nào.

3/ Càng thiền là càng thấy ra sai lầm

Ảnh: Jiangnan Art.

Càng tu học là càng thấy ra nhiều sai lầm, tội lỗi của mình. Không phải cố tình tạo ra sai lầm, hay tội lỗi để thấy, mà giờ đây, vì có chánh niệm – tỉnh giác với mỗi hành vi và nhận thức của mình nên càng lúc, tánh biết của ta càng phát huy để thấy ra tham, sân và si, điều mà trước đây, khi sống một cách vô thức hay nuông chiều theo bản ngã, ta đã không thể thấy một cách trong sáng.

Có một người mới đặt một câu hỏi như thế này, trước đây, khi chưa biết đến tu học, chị hành xử hoàn toàn theo cảm tính. Chồng sai hay con sai thì nổi giận đùng đùng, không kiểm soát được bực bội bên trong, khiến cho bầu không khí trong gia đình lúc nào cũng nặng nề tiêu cực. Sau khi bén duyên tu học, chị phát hiện thấy không những bên trong chị có sân hận, mà còn có rất nhiều tính xấu khác như yêu thương chồng con có điều kiện, tham công tiếc việc, hay tị nạnh với chồng trong việc nhà… Ban đầu chị cảm thấy hốt hoảng, không hiểu tại sao càng tu mà lại càng thấy mình xấu tính như thế này. Vị thầy nghe thế, bật cười bảo: “Như thế mới gọi là tu! Tu là càng thấy ra nhiều lỗi để mà điều chỉnh hành vi nhận thức. Không có lỗi thì lấy gì mà tu?”

Nhiều người tu học hiểu rất sai lầm rằng tu là phải càng ngày càng tốt lên. Nhưng tu là thấy ra sự thật, chứ không phải tốt lên, vì sự tốt lên ấy vẫn là quan niệm vi tế của bản ngã ảo tưởng. Tánh biết trong mỗi người vốn dĩ đã có sẵn và hoàn toàn sáng suốt. Nó chẳng mất đi đâu, chỉ là vì những hành vi lẫn nhận thức sai lầm (như lớp sương mù) che mờ. Vì thế, tu là càng ngày càng phát hiện ra sai lầm, để lớp “sương mù” càng ngày càng đoạn giảm, để tánh biết được bộc lộ một cách trọn vẹn.

4/ Chánh Pháp vốn có sẵn ngay nơi mỗi người

Ảnh: Jiangnan Art.

Học Phật không nằm ở chỗ tin hay không tin, mà là thấy ra được sự thật cốt lõi là khổ, vô thường và vô ngã. Bởi nếu tin mà chưa thấy ra điều đó thông qua trải nghiệm thì đó vẫn chưa phải là trí tuệ, thậm chí có khi lại dễ rơi vào mê tín.

Đạo Phật thực sự không phải là chỗ nương tựa cho những tín đồ cầu xin phước lành từ đấng trên cao (một vị Phật – Bồ Tát), mà dành cho những người tự trải bước đi trên con đường (đạo) trở về chân tánh/bản lai diện mục (Phật tính). Đạo Phật (con đường giác ngộ) thời Đức Thế Tôn đã bị biến thành Phật giáo (một tôn giáo) như bây giờ, thậm chí là một ngành công nghiệp tâm linh. Nhưng người học Phật chân chính không để bị dính mắc vào thời cuộc mà rời xa đạo, họ đối diện với chính mình trong mối quan hệ xảy ra giữa thời cuộc để thấy ra sự thật ngay nơi mình. Bởi giác ngộ không nằm ở thời cuộc, mà vẫn luôn luôn ở ngay tâm mình. Vì thế, đổ lỗi cho thời cuộc mạt pháp chỉ phí tổn thời gian, tại sao không xem thời cuộc này là điều kiện thuận lợi để thấy ra tâm mình một cách trọn vẹn. Bởi bản ngã chỉ có thể được đánh tan trong sự xúc chạm mà thôi. Xúc chạm càng lớn là để thử thách xem tâm ta có bình thản hay không.

Dù Đạo Phật có bị biến tướng ra sao, thì chân lý vẫn chỉ có một. Mà chân lý vốn được khám phá thông qua chính trải nghiệm thấy ra nơi mỗi người, vì thế, chánh pháp luôn luôn có trong mỗi cá nhân, chúng ta không cần phải lo ngại về điều đó. Kinh kệ vốn dĩ cũng đang tự viết ra trong mỗi người, quan trọng là ta có chịu trở về mà thấy tâm mình không thôi.


Series “Sống tỉnh thức” by LUXUO được thực hiện với hy vọng mang đến những trải nghiệm – chiêm nghiệm về sống thiền nhằm giúp độc giả thấy ra sự thật trong đời sống sinh hoạt hàng ngày từ đó điều chỉnh hành vi nhận thức cho đúng tốt. Qua việc thấy ra sự thật này, mỗi người sẽ buông được những dính mắc để sống thuận theo dòng chảy tự nhiên, trở nên thanh thản, tự tại.


 
Back to top