ART & LIFE

Sống tỉnh thức (P3): 4 cuốn sách quan trọng để thấy ra chân lý trong đời sống

Feb 16, 2022 | By Trang Ps

Trong cuộc sống, ai ai cũng muốn hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ đau. Dẫu mục đích ngàn đời của loài người thì vẫn vậy nhưng hễ bất cứ ai khát khao an lạc đều đối mặt với nửa kia là phiền não. Rốt cuộc, chúng ta hiếm khi có thể vượt lên tính nhị nguyên của đời sống để trở về bờ giác, nơi đoạn tận tham, sân, si – nguồn cơn của khổ não. 

Cách đây 2.500 năm, Đức Phật khai thị nguyên lý giác ngộ – giải thoát đến những chúng sinh hữu duyên. Trải qua một quãng thời gian dài kể từ khi ngài viên tịch, đạo Phật đã “tiến hóa” thành các tông phái khác nhau, với rừng kinh điển vô cùng bao la, khiến kẻ tìm đạo không khỏi hoang mang lo lắng. Kẻ nặng về đức tin thì rơi vào mê tín dị đoan, kẻ nặng về trí thì đa nghi, kẻ tìm cầu thì có thói sở tri sở đắc, và rốt cuộc, dù nguyên lý vận hành của chân lý ngàn đời vẫn vậy nhưng hiếm ai có thể đi vào cốt lõi của đạo mà sống trọn vẹn.

Là người học đạo, tôi nghĩ rằng để thấy chân lý trong đời sống là hết sức mộc mạc và giản dị. Chỉ cần tâm hồn ta trong sáng chú tâm, quan sát những gì hiện hữu trong ta và ngoài ta thì bản ngã tham, sân, si sẽ không có cơ hội buông lung, phóng dật. Nhưng vì tâm hồn con người phức tạp, và tập khí tìm cầu – ảo tưởng – huyễn hoặc của họ quá sâu dày nên họ vẫn nghĩ rằng con đường đạo phải cao siêu hay huyền bí. Nhưng cũng chỉ vì cái nhìn thiếu hồn nhiên mà họ rời xa thực tại hiện tiền.

Dưới dây, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc 4 cuốn sách tu học quan trọng được trình bày với ngôn từ hết sức dung dị để độc giả có thể nắm được cốt lõi của đạo, từ đó chiêm nghiệm và thấy ra sự thật ngay trong chính trải nghiệm sống thường ngày.

1/ Sống trong thực tại – Thầy Viên Minh

Sống trong thực tại

Trong bức thư gửi học trò, thầy Viên Mình nhắn nhủ: “Con tưởng người giác ngộ ra khỏi cái bình thường sao? Không, họ chỉ ra ngoài cái tầm thường, cái bất thường và cái phi thường. Giác ngộ chỉ có nghĩa là trở lại bình thường, mà người ta thường diễn tả thật kêu là ngộ nhập tự tánh. Giác ngộ nghĩa là thấy rõ, càng ngày càng rõ bản chất như thật của sự sống. Sống và nhận thức được sự buốt đau tột cùng của sự sống mới có thể giải thoát và an nhiên. Vui buồn, được mất, hơn thua, xấu tốt… là bản chất của cái bình thường. Nếu con chỉ để một thoáng phân vân lựa chọn là hỏng hết rồi! Nhưng vì sao người ta không kham nổi với cái bình thường? Đức Phật trả lời: Chính vì vọng tưởng tham, sân, si.

Không thể có tự do nào khác, không thể có hạnh phúc nào hơn ngoài cái bình thường muôn thuở. Vậy chỉ còn một lối thoát duy nhất, thầy xin mở cho con: Tự do là ung dung trong ràng buộc – Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.”

Tự do là ung dung trong ràng buộc

Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau

Trong cuốn sách “Sống trong thực tại”, thầy Viên Minh chỉ ra nguyên lý giác ngộ – giải thoát là thấy ra sự thật thân, tâm, cảnh. Thiền không phải là nỗ lực tìm cầu để đạt được cái chưa có mà là buông hết mọi nỗ lực tìm cầu thì liền thấy ra ngay đó đã có tất cả. Nhiều người nỗ lực tu luyện để thấy ra thực tánh pháp (hay kiến tánh) trong trạng thái thiền định xuất thần, hoặc trong những trạng thái siêu hình huyền bí, nhưng tất cả chỉ là ảo giác của cái ta ảo tưởng.

Thầy đã trình bày những yếu tố cốt lõi nhất và đơn giản nhất sao cho độc giả có thể thấy ra nguyên lý sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha,mà trong đó phương tiện cũng chính là cứu cánh chứ không phải xem thiền như là phương tiện để nỗ lực đạt được mục đích ở tương lai.

2/ Tứ Diệu Đế – Đức Dalai Lama

Sau khi chánh đẳng chánh giác, bài giảng đầu tiên mà Đức Phật khai thị là “Tứ diệu đế” (Bốn sự thật vi diệu). Đây là bốn nguyên lý sự thật về đau khổ, vì sao con người đau khổ, cách giải thoát khỏi đau khổ và trở về chân tâm vốn thanh tịnh – trong sáng. Nhưng nói như thầy Viên Minh, ngày nay, con người quá đề cao chuyện giải thoát mà bỏ qua sự giác ngộ. Cách này chẳng khác nào đè đá lên cỏ, gốc rễ của phiền não vẫn cứ ngấm ngầm bên dưới. Vì thế, dù giờ đây, người ta có đưa ra nhiều phương cách để giúp bạn đạt một cuộc sống hạnh phúc mát mẻ thì con đường đoạn diệt đau khổ chỉ có một hướng duy nhất như Đức Phật căn dặn: xả ly – ly tham – đoạn diệt – an tịnh – chánh trí – giác ngộ – niết bàn. Điều này đã được giảng giải trong Tứ Diệu Đế, hay Bát Chánh Đạo.

3/ Câu chuyện dòng sông – Siddhartha

Sau nhiều năm nhìn lại, tôi vẫn thấy “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse là một trong những tác phẩm tuyệt vời về hành trình tu học. Nó giúp con người phản tỉnh chính mình rằng để giác ngộ, họ không thể vin vào một hình mẫu nào dù là lý tưởng. Để giác ngộ, con người phải tự do và tự thân trải nghiệm mọi ngóc ngách đời sống và thấy rõ “mặt thật của những kẻ thù bên trong mình”.

Thông điệp của cuốn sách có thể được gói gọn trong một đoạn nhỏ của một lá thư gửi mà thầy Viên Minh gửi đến học trò: “…Khi ngồi dưới cội cây Bồ Đề, chính nhờ phát hiện ra mặt thật của những kẻ thù mà Bồ Tát trở nên thanh tịnh. Chính vào giờ phút giác ngộ ấy, Ngài đã đối diện với tất cả kẻ thù bên trong đang ồ ạt tấn công theo chiến thuật biển người. Nhờ thế, Ngài nhận diện tất cả những bộ mặt hư ngụy đầy nguy hiểm của chúng.

Ngài chỉ vào mặt chúng: “Hỡi những kẻ thù, các ngươi chính là tham muốn, bất mãn, khao khát, ái dục, hôn trầm thụy miên, sợ hãi, hoài nghi, phỉ báng, cố chấp, lợi lộc, khen tặng, vinh dự, địa vị, tự tán hủy tha … Từ bao nhiêu kiếp rồi ta đã tìm kiếm các ngươi, nhưng các ngươi cứ núp lén sau bình phong cái ngã và không chịu xuất đầu lộ diện, nay thì các ngươi tự dẫn xác đến đây để ta thấy rõ bộ mặt hư ngụy của các ngươi, từ đây các ngươi không thể lén lút dưới bất cứ mặt nạ nào để đánh lừa ta được nữa”.

4/ Tự do đầu tiên và cuối cùng – J. Krishnamurti

Krishnamurit có lẽ là bậc thiền sư vĩ đại nhất của thế kỷ 20.  Trong suốt cuộc đời mình, ông luôn nhấn mạnh rằng để tự do – giải thoát, con người phải nhìn thẳng vào chính mình, giải mã chính mình và tạo ra một cuộc cách mạng thật sự về nội tâm. Không có tự do và hạnh phúc ngoại cảnh, chỉ có tự do và hạnh phúc viên mãn ở trong lòng mỗi người.

Trong “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, Krishnamurti cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoát khỏi mọi định kiến, quy định, mạng lưới tư duy, hệ thống, uy quyền, để có được sự tự do tuyệt đối.  Có thể nói, Krishnamurti là một thiền sư đọc tâm mình mà thuyết giảng. Những gì ông thuyết giảng luôn mới mẻ với ông, nhưng “không mới mẻ” với người khác, mà sự mới mẻ phải nằm ở chỗ người nghe phải thực thấy chính mình. Khi người nghe thực thấy chính mình thì cái thấy ấy mới mới mẻ và sáng tạo. Và tất cả mọi khoảnh khắc thấy đều là mới mẻ, đều là sáng tạo, vì chúng phản ánh hiện tại. Mỗi khoảnh khắc bây giờ khi được sống trọn vẹn đều tươi mới. Nhưng nếu đọc sách để sống với, thì bạn đang sống với quá khứ, bạn có khả năng rời xa hiện tại. Những ảo mộng và lý tưởng bắt đầu xuất hiện, và từ đây, người ta không thể phân biệt nổi mới hay cũ nữa. Mọi khái niệm dần bị đánh tráo khi tập khí sống với quá khứ của con người quá sâu dày.


Series “Sống tỉnh thức” by LUXUO được thực hiện với hy vọng mang đến những trải nghiệm – chiêm nghiệm về sống thiền nhằm giúp độc giả thấy ra sự thật trong đời sống sinh hoạt hàng ngày từ đó điều chỉnh hành vi nhận thức cho đúng tốt. Qua việc thấy ra sự thật này, mỗi người sẽ buông được những dính mắc để sống thuận theo dòng chảy tự nhiên, trở nên thanh thản, tự tại.


 
Back to top