Nghệ thuật / Đấu giá

Những nghi vấn về bức tranh “Chân dung người phụ nữ thanh lịch” sắp được đấu giá của họa sĩ Trần Bình Lộc

Feb 14, 2022 | By Art Republik

Ngày 17 tháng 02 năm 2022 tới đây, nhà Delon tại Paris sẽ bán đấu giá bức tranh “Chân dung người phụ nữ thanh lịch” của họa sĩ Trần Bình Lộc với mức định giá 150.000 – 250.000 EUR (3,7 – 6,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, bức tranh tại sàn Delon đang được đặt trong diện nghi vấn bởi có một phiên bản khác tin cậy hơn đã từng được bán đấu giá thành công tại sàn Lynda Trouvé ngày 02 tháng 04 năm 2019, với mức gõ búa 410.000 EUR (hơn 10,2 tỷ đồng). Theo giám tuyển Ace Lê, hiện bức tranh của nhà Lynda Trouvé đang được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Pasifika ở Bali, Indonesia.

Họa sĩ Trần Bình Lộc (1914 – 1941), quê ở Hà Đông, nay là Hà Nội. Ông là sinh viên khóa V (1929 – 1934) tại Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng các họa sĩ Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Lăng,… Trần Bình Lộc có nhiều tác phẩm tham dự triển lãm của Hội An Nam Khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (viết tắt là SADAI hoặc SADEAI, do Victor Tardieu sáng lập) vào các năm 1935, 1936 tại Hà Nội và triển lãm Salon de la France d’Outre-Mer vào năm 1935 tại Pháp.

Họa sĩ sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau, đặc biệt là sơn dầu, khắc gỗ và lụa. Không chỉ thành công với những bức tranh về cảnh vật và con người xứ Đông Dương, Trần Bình Lộc còn được biết đến là một trong những họa sĩ minh họa cho báo Ngày Nay và các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn.

Tranh minh họa của Trần Bình Lộc trong tiểu thuyết “Vàng và máu” của nhà văn Thế Lữ. (Nguồn kho dữ liệu trực tuyến Thư viện Quốc gia Pháp Gallica.fr)

Bức tranh “Chân dung người phụ nữ thanh lịch” được vẽ năm 1937, chất liệu sơn dầu trên vải, vẽ một thiếu nữ trong chiếc áo dài trắng, dáng ngồi nghiêng nghiêng, tay đan vào nhau, vấn tóc gọn gàng, khuôn mặt toát lên vẻ trầm ngâm và nét buồn sâu thẳm.

Ảnh trái: bức tranh của nhà Lynda Trouvé. Ảnh phải: bức tranh của nhà Delon (1), (2)

Trên website của Lynda Trouvé và Delon, hai nhà đấu giá đều khẳng định bức tranh họ đem bán có chữ ký của Trần Bình Lộc và thời gian sáng tác (năm 1937) ở phía dưới bên phải. Delon không đưa ra thông tin nào về nguồn gốc tranh nhưng Catalogue của Lynda Trouvé tháng 04.2019 đăng tải chi tiết của một bức tranh khắc gỗ được Trần Bình Lộc vẽ vào năm 1940, với chú thích cô gái trong tranh này cũng là cô gái trong “Chân dung người phụ nữ thanh lịch” và cả hai bức đều nằm trong bộ sưu tập của một gia đình người Pháp từ năm 1937.

Ảnh từ Catalogue của Linda Trouvé tháng 04.2019 (Nguồn Lynda Trouvé)

Bức “Chân dung người phụ nữ trẻ Hà Nội” (1940), 48,5 x 31,5 cm (Nguồn: invaluable.com)

Nhìn thoáng qua có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản giữa hai bức tranh, đó là màu sắc và đường nét của phiên bản Delon khá mờ nhạt so với phiên bản Lynda Trouvé. Một điểm khác biệt tạo nên nghi vấn nữa là phiên bản Lynda Trouvé có thêm hai chiếc cúc áo màu xanh trên cổ áo dài của người phụ nữ.

Trong bản Delon, mắt cô gái nhìn xuống, trông như nhắm nghiền lại, thiếu đi vẻ tinh tế và chiều sâu nội tâm, đôi bàn tay đan vào nhau thiếu sự uyển chuyển và mềm mại, các ngón tay và móng tay không rõ nét khiến người xem có cảm giác đôi bàn tay trở nên mập mạp. Ngoài ra, bản Delon có kích thước 65 x 50 cm, còn bản Lynda Trouvé là 153 x 103,5 cm.

Nhà nghiên cứu Kevin Vương đưa ra hoài nghi về bản Delon: “Bức tranh được đấu giá năm 2019 hiện trưng bày tại Bảo tàng Pasifika ở Indonesia, là bức tranh có nguồn gốc rất rõ ràng bởi gia đình chủ nhân bức tranh có quan hệ thân thiết với một nhà sưu tập tranh Đông Dương nổi tiếng tại Paris và tôi đã từng trò chuyện với nhà sưu tập này để thẩm định nó. Trong khi nhà đấu giá Delon lại không phủ nhận điểm tương đồng của bức tranh và không đưa ra giả thuyết về một bản nháp hoặc một bản vẽ lại của chính họa sĩ”.

Về kỹ thuật và tinh thần trong bản Delon, Kevin Vương nhận xét: “Ở bức này ta thấy mọi chi tiết từ khuôn mặt, tà áo dài, tới bàn tay đều nhạt nhòa, lem nhem hơn bức tranh năm 2019, tuy nhiên, tôi chú ý hơn đến chi tiết bàn tay và vạt sau tà áo dài. Khi ngồi, người phụ nữ sẽ hất vạt sau ra để tránh đè lên làm nhăn áo, đó là một thói quen bản năng khi mặc áo dài nhưng ở bức tranh lần này, ta không thấy điều đó. Cô gái như ngồi đè lên vạt áo sau rất thiếu logic và thẩm mỹ. Tôi nghĩ nếu có sai lệch ở đâu thì chắc chắn không thể là chi tiết này. Bàn tay cô gái cũng to và thô, tỷ lệ không tốt. Đừng nói là bản nháp hay bản vẽ lại thì các họa sĩ thời đó vẽ ẩu, tôi đã xem triển lãm của họa sĩ Mai Trung Thứ tại Mâcon, những bức phác thảo của ông rất chỉn chu, thể hiện tinh thần nghiêm cẩn trong sáng tác. Đó là chưa kể đến chi tiết áo dài thiếu khuy, chữ ký nguệch ngoạc cố bắt chước. Theo tôi, mỗi tác giả khi họ thực sự tự vẽ lên những bức tranh của mình, họ đều mang những nét riêng dễ nhận biết, đó là tinh thần tác phẩm. Bức tranh sắp đấu giá thiếu điều đó”.

Ảnh trái: trích đoạn bản Lynda Trouvé. Ảnh phải: trích đoạn bản Delon.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa cũng gửi tới Art Republik Vietnam một bài so sánh chi tiết, và đánh giá cao bản Lynda Trouvé. Theo kinh nghiệm chuyên môn của ông về những điều tối kỵ nên tránh đối với các họa sĩ chuyên nghiệp, đó là vẽ tranh nhân vật trong hòa sắc trắng. Tả thực một nhân vật với cơ thể sinh động, giàu sức sống trong một hòa sắc trắng là kỹ năng rất khó và hiếm khi đạt hiệu quả cao, dễ hỏng việc nên rất ít người thành công. Thế giới hội họa đến nay chỉ có Berthe Morisot, em dâu của danh họa E.Manet là họa sĩ hàng đầu và thành công nhất về phương pháp này. “Ở Việt Nam tôi bất ngờ thấy Trần Bình Lộc “cả gan” vẽ hòa sắc trắng như thế này – mà thành công, nếu tranh bên trái đúng là của ông” (ý nói về bức tranh của nhà Lynda Trouvé), họa sĩ Nguyễn Đức Hòa cho biết.

Theo quan điểm của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: “Để tả một nhân vật có ánh sáng chiếu vào cơ thể (bên sáng / bên tối ) thì cách dễ nhất là vẽ tương phản màu mạnh. Ngược lại, nếu chọn hòa sắc trắng thì “rất mệt” vì vẫn phải tả cho ra khối bóng sáng – tối nhưng lại chỉ có mỗi màu trắng, nghĩa là rất ít chênh lệch đậm nhạt, càng ít chênh lệch nóng lạnh (thông thường bên sáng nóng, bên tối lạnh). Như vậy, tranh của nhà Lynda Trouvé cao tay hơn rất nhiều vì tả được tất cả những thứ cần tả: bên tối không những lạnh hơn mà còn lột tả được chất sóng sánh của lụa hoặc gần như satin, khá nhiều độ chuyển lạnh tinh tế như độ tối lạnh sau vai và trên hai đùi… Viền sáng men rìa đùi phía bên phải của bức tranh là chi tiết đắt giá nhất, rõ là sáng nhưng hơi lạnh và là độ phản quang chứ không phải sáng do ánh sáng chiếu trực tiếp vào“.

Bức tranh của nhà Lynda Trouvé.

Tranh của nhà Delon không làm được điều như trên vì có độ tương phản trắng lạnh kém hơn nhiều so với tranh bên trái, hầu như không tả được độ phản quang ở viền đùi sáng phía bên phải tranh, nó giống như ánh sáng chiếu vào trực tiếp vì màu sáng ấm. Đặc biệt về phần vẽ tay phải của cô gái (tay khuất bên dưới và lồng bên dưới tay trái) trong tranh bên trái có đoạn từ khuỷu tay hướng về phía trước được tả bằng màu lạnh rất tinh tế nên nó nằm bên dưới rất ngon. Ngược lại ở tranh bên phải thì đoạn này hỏng và không tả được sắc độ lạnh. Khán giả vẫn thấy nó nằm dưới tay trái chỉ vì hiểu theo cái lý sự thật ngoài đời mà thôi” .

Bức tranh của nhà Delon.

Nhận xét về tỉ lệ cơ thể nhân vật theo đúng chuyên môn giải phẫu tạo hình, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa chỉ ra nhiều chi tiết khác biệt tạo nghi vấn ở bức tranh của nhà Delon. Cô gái trong bản Lynda Trouvé có phần đầu to hơn và đúng với tỉ lệ phụ nữ Việt khoảng đầu thế kỷ XX theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Huard, còn đầu của cô gái bản Delon lại nhỏ hơn và gần với tỉ lệ ở các người mẫu hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Tỉ lệ phần tay, eo, đùi… của cô trong tranh bên trái đều nữ tính, mềm mại hơn so với cô ở bên tranh phải.

Trong tranh nhà Lynda Trouvé, tay áo của cô gái bó đúng như kiểu áo dài mà bà và mẹ tôi đã mặc ngày xưa. Còn tay áo của cô bên tranh nhà Delon không bó, nếu thả tay ra đứng thẳng thì ống tay sẽ có hai độ dài ngắn khác nhau. Cô này còn bị diễn hình kém từ vai tới gáy nên lưng có vẻ hơi lên gồng, nói như bà tôi bảo “đàn bà vai gấu”. Tuy nhiên cô gái trong tranh của Lynda Trouvé thì đường vai hơi cong quá”, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa chia sẻ.

Về nước da của cô gái trong tranh bên trái đậm màu hơn nhờ kỹ thuật hòa sắc trắng chuyên nghiệp trong khi bức bên phải chuộng tâm lý vẽ nước da cô gái càng sáng càng dễ bán tranh ở những năm đầu thế kỷ XXI. “Đó là sự lựa chọn “an toàn khó cưỡng” của tranh bên phải vì đầu thế kỷ XXI, đa số khách mua tranh Việt trong nội địa là người Việt, khác với nửa đầu thế kỷ XX chủ yếu là các nhà sưu tầm phương Tây với sự yêu thích các nhân vật có nước da ngăm hấp dẫn và bản địa hơn. Ngoài ra, chính tác giả của tranh bên trái đã trực họa và say sưa tôn trọng vẻ đẹp thật trước mắt ông. Xét như vậy để thấy tranh bên phải có nhiều điểm nghi vấn, chẳng những không tả được nhiều thứ như tỉ lệ cân đối của vóc dáng cơ thể con gái Việt, tương quan sáng tối, nóng lạnh, khối nổi… cho thấy cơ thể gợi cảm bên trong, mà còn không dám tả nước da ngăm ngăm nên chủ ý “nịnh đầm” vẽ da sáng hồng. Nếu tranh trái tả khối mặt tinh tế đến xuất sắc thì tranh phải “trốn” tả khối, vẽ gần như mảng bẹt… cho dễ”, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa nhận định.

Ảnh trái: trích đoạn bản Lynda Trouvé. Ảnh phải: trích đoạn bản Delon.

Tiếp tục phân tích phần đầu của hai cô gái, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa nhận định tranh của nhà Lynda Trouvé miêu tả thành công tổng thể và chi tiết khuôn mặt người phụ nữ. Các khối trán, má, gò má, mũi, cằm, thái dương, khối cổ quặt ra sau gáy, gờ khối cung chân mày, khối hốc mắt, khối phức tạp của vành tai… đều được tả đến đầu đến đũa. Đáng chú ý cách tả được độ mỡ màng và mềm mại của da mặt cô gái, cặp môi tả rõ hình khối môi trên và môi dưới, lại có nháy sáng tạo độ mọng của môi dưới, ánh mắt long lanh cùng mí mắt đặc trưng của người Việt, nét tỉa lông mày rất đáng tin. Tất cả các phẩm chất kể trên của tranh bên trái đã bị triệt tiêu ở tranh bên phải khiến người xem nhận ra hình bên phải cố tình trốn tả khối và mặt gần như bẹt, đôi mắt được người vẽ “khôn lỏi” cho cụp xuống nhằm đỡ phải nhọc công tả, dễ thất bại, lộ rõ yếu kém.

Trong phần so sánh nửa thân trên của nhân vật, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa viết: “Đường viền 2 bên cơ thể của bản Lynda Trouvé bên trái cho thấy họa sĩ rất tôn trọng sự thật, thường phải trực họa mới lộ ra phẩm chất này. Ngược lại đường viền cơ thể trong bản Delon bên phải cho thấy người vẽ không trực họa mà sao chép, không giỏi môn hình họa và giải phẫu tạo hình nên đành vẽ “phỏng chừng” và “nhí nhòe”, không dám nhấn rõ các đường biên của eo, hai tay. Ngay cả nét viền gợi hình vú ở tranh trái cũng thật và đẹp hơn, trong khi tranh phải là một đường cong chung chung và mờ. Rất nhiều ly, vết nhăn, nếp gấp, nếp gợn được họa sĩ tả thành công trong tranh bên trái: như ở khuỷu hai tay, từ nách lên vai, khoảng dưới bụng xuống đùi, kể cả đôi chút ở cổ áo. Đó là một cơ thể đầy sức sống, chỉ có thể có nếu vẽ trực họa và giỏi nghề. Ngược lại tranh bên phải triệt tiêu hoặc không diễn tả được hầu hết các ly, vết nhăn, nếp gấp, nếp gợn. Tranh trái rõ kiểu cổ áo. Tranh phải chẳng ra kiểu cổ áo nào. Tranh phải người vẽ đã bỏ hai chiếc khuy cúc đi để đỡ phải diễn tả chứng tỏ thiếu sự hiểu biết về kiểu cách áo dài. Tranh bên trái tả hai khuy cúc màu xanh ngọc mà oval chứ không tròn cho thấy tác giả đã tả thật do trực họa”.

Ảnh trái: bản Lynda Trouvé. Ảnh phải: bản Delon

Gần như khẳng định chắc chắn bản Lynda Trouvé là tranh thật, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa tiếp tục khen ngợi tài năng của họa sĩ Trần Bình Lộc qua những phân tích tiếp theo về tóc, mắt, thân dưới và bàn tay nhân vật trong tranh:

Họa sĩ đã gần như triệt tiêu khối sáng tối của tóc và khăn vấn đầu thành một mảng đen câm lặng để tôn lên những sắc thái tinh tế trên mặt. Dù đã cố tình không tả nhưng mảng đen vẫn cho thấy kết cấu có thật của đầu tóc và khăn vấn. Phần tóc của tranh bên phải có mảng bắt sáng với ánh đen xanh nhưng cách gợi khối kém, tóc mai vẽ giống râu quai nón đàn ông xuống đến quai hàm thì cạo đứt ngang còn vấn tóc mà để chảy dài xuống gáy chứng tỏ người vẽ không hiểu gì về cách vấn.

Mắt của tranh bên trái diễn tả ra ánh mắt long lanh, mí mắt đặc trưng của người Việt,  khối của lớp da trùm lên nhãn cầu bên trên và mống mắt gái non bên dưới. Nét lông mày tỉa cũng cho thấy sự thật như vậy, đáng tin. Vị trí đường ngang mắt thế là chuẩn, là mắt của người trưởng thành nhưng còn trẻ. Nhưng tranh bên phải thì đã “khôn lỏi” cho mắt cụp xuống, để đỡ phải diễn tả và để gây cảm giác trẻ, nhưng tầm mắt thấp như thế thì độ tuổi người mẫu chỉ khoảng 10 – 12 tuổi.

Về phần thân dưới, rõ ràng tranh bên trái tả thành công không những chất vải lụa hay satin óng ả, lóng lánh với các khối sáng tối, nóng lạnh và độ phản quang… mà còn tả được kết cấu cơ thể bên dưới làn áo. Tranh bên phải không tả được tất cả những điều kể trên. Các mảng khối và vết gấp, vết nhăn lộn xộn, hiệu quả không lóng lánh, chu vi quây tròn dưới mông và 2 chân, gây cảm giác cứng như khối bệ thạch cao“.

Bức “Chân dung người phụ nữ thanh lịch” trên bìa Catalogue của Lynda Trouvé, tháng 04.2019 (Nguồn Lynda Trouvé)

Cách miêu tả đôi bàn tay của bức tranh bên trái cũng rất thành công, nét đậm rất chuẩn ở hai bên cánh tay, đặc biệt nét đậm ngắn giữa tay phải của mẫu và bụng thì xanh đậm nhưng dịu. Trong khi tranh bên trái không biết nhấn nét, riêng nét ngăn giữa tay phải của người mẫu và bụng thì lại quá đậm, gây cảm giác mặt tranh bị… thủng. Hai bàn tay ở tranh bên trái rõ ràng vẽ trực tiếp từ mẫu thật, dù không thật xuất sắc nhưng kết cấu tốt, không có lỗi sai. Đặc biệt phải là người vẽ vững hình thì mới dám tả hai ngón tay xòe ra ngoài nền  Khán giả kiêm họa sĩ tin rằng hai bàn tay ở tranh bên trái nếu cùng xòe ra sẽ bằng nhau. Nhưng hai bàn tay ở tranh bên phải thì có vấn đề: bàn tay bên dưới sẽ to hơn hẳn bàn tay bên trên vì ranh giới giữa bàn tay và cổ tay sai vị trí. Tất cả các ngón tay co hết vào một mảng”.

Sau một bài phân tích tỉ mỉ dài ba trang giấy, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa nhận định bản Delon có nhiều điểm nghi vấn về độ tin cậy và có khả năng không phải là tranh thật.

Để tăng tính xác thực về độ tin cậy trong các bức tranh, ta cũng cần chú ý đến bút tích hoặc chữ ký của tác giả. Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng có nhiều năm tìm hiểu về tranh Trần Bình Lộc đã nhấn mạnh chi tiết này: “Riêng chữ ký trên bản Delon tiết lộ rõ rệt sự nghi vấn về tính xác thực”. Theo ông, các tranh lụa của họa sĩ Trần Bình Lộc hoàn toàn được ký bằng chữ Hán, thỉnh thoảng đề thêm dòng chữ “TRAN-BINH-LOC” để các nhà sưu tầm tranh (nhất là người Pháp) dễ dàng nhận diện tranh của họa sĩ chứ hoàn toàn không phải là chữ ký. “Bức tranh sắp đấu giá có phần ký tên hoàn toàn ngược lại, điều này càng tạo ra nhiều yếu tố nghi vấn hơn: năm sáng tác ghi ở trên cùng bức tranh, tên họa sĩ viết bên dưới rồi cuối cùng mới ký tên, đường nét chữ ký trông yếu ớt như được một người khác viết thêm lên, hoàn toàn không khớp với chữ ký trên tranh sơn dầu rất mạnh mẽ của Trần Bình Lộc”.

Một số chữ ký trong các bức tranh của họa sĩ Trần Bình Lộc. Ở trên bên trái: Bức “Thuyền buồm trên sông Hồng” (1937). Ở trên bên phải: Bức “Chân dung người phụ nữ thanh lịch” (1937), sắp đấu giá của Delon. Ở dưới: Bức “Chân dung người phụ nữ thanh lịch” (1937), đã đấu giá của Lynda Trouvé (Nguồn: Artnet.com, Delon, Lynda Trouvé)

Bên trái: Bức “Chị gái và em trai” (1934) và chữ ký tiếng Hán ở góc trái bên dưới. Bên phải: Bức “Thuyền buồm trên sông Hồng” (1937) và chữ ký tiếng Việt ở góc phải bên dưới (Nguồn: Christies.com, Artnet.com)

Liệu bức tranh sắp đấu giá tại nhà Delon sẽ được gõ búa bao nhiêu và nhà sưu tầm nào sẽ quyết định mua nó, chúng ta cùng chờ đợi kết quả sau phiên đấu giá này. Trước tình hình thị trường tranh thật giả lẫn lộn đã kéo dài hàng chục năm nay, để bảo vệ giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, hội họa Việt Nam đang thiếu sự tham gia thẩm định, phân tích tính xác thực từ các nhà nghiên cứu, họa sĩ và chuyên gia. Kiến thức và sự cảm thụ vẻ đẹp hội họa, cùng những quyết định thông thái và sáng suốt của các nhà sưu tầm, những người mua tranh, cũng góp phần đẩy lùi nạn buôn bán tranh giả tại các sàn đấu giá.

Bức tranh của nhà Lynda Trouvé đang được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Pasifika ở Bali, Indonesia. (Ảnh: Quốc Đạt)

Bức tranh của nhà Lynda Trouvé đang được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Pasifika ở Bali, Indonesia. (Ảnh: Quốc Đạt)

Nhóm thực hiện: Sơn Ca từ Pháp và Anne Ng (Thạc sĩ Truyền thông quốc tế tại Đại học Paris 8, Pháp). Chân thành cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, nhà nghiên cứu Kevin Vương, giám tuyển Ace Lê và nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này.

Chú thích: (1),(2) là các bức tranh của hai nhà đấu giá Lynda Trouvé và Delon đưa ra đấu giá. (Nguồn: website của Lynda TrouvéDelon)


 
Back to top