ART & CULTURE

Tỉnh thức (P4): Sống thiền giúp ta trở nên nhạy bén và mới mẻ

Mar 05, 2022 | By Trang Ps

Khi sống trong thực tại, tức trở về chính mình mà thấy, nhiều người thường nghĩ rằng nếu trong thấy chỉ có thấy, thấy sao biết vậy, không thêm không bớt, thì cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao vì họ không được thêm bớt cảm xúc hay suy nghĩ. Ví như khi thấy một bức tranh xấu hay đẹp, chẳng lẽ họ không có quyền thốt lên rằng nó đẹp quá, nó bị xấu, nó như thế nọ thế kia. Rồi khi thấy một cảnh đẹp, chẳng lẽ chỉ thấy vậy thôi sao. Như thế, tôi nghĩ rằng họ vẫn chưa hiểu đúng đắn về chánh niệm – tỉnh giác. 

Chánh niệm tức trở về thực tại, tỉnh giác nghĩa là sáng suốt thấy thực tại như nó là. Sống chánh niệm – tỉnh giác giúp con người thấy biết mọi thứ như nó là, từ đó không bị dính mắc vào đối tượng. Chẳng hạn, khi giận biết giận, không thêm không bớt, thì cơn giận sẽ được như nó là, sẽ đến rồi đi một cách êm đẹp (tuân theo chu trình sinh – diệt). Nếu thấy một cây xanh kỳ lạ và đẹp đẽ, bạn cũng biết cây xanh kỳ lạ và đẹp đẽ nhưng không bị mắc kẹt hay có ý si mê, sở hữu nó. Thì lúc này, rõ ràng, bạn vẫn thấy biết đặc tính khác biệt của vạn vật, chỉ là không đưa cái tâm tham, sân, si của mình vào đối tượng mà thôi.

Có người hỏi vậy với những người mua một món đồ nào đó vì thấy nó đẹp, có giá trị rồi trưng trong nhà hay ở những nơi khác thì sao. Đó chẳng phải là tâm tham hay sao? Điều này còn tùy vào nhận thức và hành vi của người đó. Tôi lấy một ví dụ thế này, khi một nhà sưu tập thấy một bức tranh đẹp, mua nó về để trưng cho nhà cửa được đẹp, hay trưng ở trường học để mọi người cùng thưởng thức và thấu hiểu thông điệp ý nghĩa trong tranh. Nếu nhà sưu tập ấy sưu tập tranh chỉ đơn thuần phục vụ người khác, làm đẹp cho cuộc đời, nếu tranh có bị mất hay bị hư hỏng, anh ta không bị phiền não, thì đó vẫn không phải là tâm sở hữu, không phải là tâm tham, sân, si. Và thế, anh ta có một tâm lý hoàn toàn vững vàng trước những gì có thể xảy đến với số tranh ấy.

Trước đây, tôi có nghe một câu chuyện kể về một gia đình nọ có bà vợ rất yêu thích sưu tập đồ cổ. Bỗng một hôm, trộm vào nhà và lấy hết đống đồ cổ mà bà vô cùng nâng niu. Sau đó, bà trở nên vô cùng đau khổ và gần như sụp đổ hoàn toàn. Việc chơi đồ cổ khiến bà bị đồng hóa mình vào việc yêu thích ấy. Để rồi khi chúng mất đi, bà cảm thấy như mình mất tất cả. Nhưng nếu trong trường hợp này, bà chơi đồ cổ với một tâm thế vô tư, bà không những có niềm vui khi chơi đồ cổ mà khi chúng mất đi, bà vẫn yên lòng. Về bản chất thì, mọi vinh hoa phú quý, mọi vật chất tiền tài, mọi người thân bạn bè, thậm chí thân thể này đều không phải của chúng ta. Chỉ vì vô minh mà ta nghĩ rằng ta sở hữu điều này điều kia.

Chính tâm sở hữu mới khiến con người trở nên đau khổ. Vì thế, mọi mất mát diễn ra trong cuộc đời này là để thức tỉnh ta về việc ta không thực sự sở hữu bất cứ một điều gì. Khi thấu rốt ráo điều này, ta thanh thản.

Như vậy, chánh niệm – tỉnh giác là để ta không bị dính mắc vào đối tượng chứ không có nghĩa là khiến ta bị vô cảm trước cuộc đời này. Khi Đức Phật giác ngộ, ngài vẫn thấu được những bản nhạc hay, và thấy nó được phát ra từ một tâm hồn như thế nào. Ngài bỗng trở nên vô cùng nhạy bén trước mọi sự diễn ra. Và cũng vì lúc này, tâm ngài đã trở nên bao trùm toàn bộ mọi cõi giới, tâm ngài là vô biên, nên ngài càng thấu rõ hơn nỗi đau khổ của chúng sinh. Ngài nhìn thấy tâm người này ra sao để rồi khai thị đúng vào hoàn cảnh riêng của họ.

Như thế, nếu ai đó đang thực hành sống thiền mà rơi vào tình trạng nhàm chán, thiếu động lực sống hay bị “vô cảm” trước cuộc đời thì họ, một là đang hiểu sai về thiền, hai là họ đang bị mắc kẹt vào một quan niệm, thói quen nào đó. Và với những người sống thiền đúng đắn, họ sẽ luôn trọn vẹn trong mọi hoàn cảnh. Đơn giản vì họ không bị dính mắc vào bất cứ một điều gì.

Về vấn đề dính mắc này, tôi khá tâm đắc với một diễn giải của Ajahn Sumedho: “Trước nhất, bạn phải nhận định rõ dính mắc là gì, rồi bạn cởi bỏ nó. Đó là lúc bạn nhận chân được sự không dính mắc. Tuy nhiên, nếu bạn lại có sẵn định kiến rằng ‘mình không nên dính mắc’, thì cũng vẫn không phải là như vậy. Vấn đề là không đứng trên lập trường chống đối sự dính mắc, coi dính mắc như là một điều cấm kỵ, mà là quan sát nó. Chúng ta hãy tự hỏi: ‘Dính mắc là gì? Dính mắc vào một vật có đem lại cho ta hạnh phúc hoặc đau khổ chăng?’ Rồi chúng ta quán chiếu điều đó. Như thế, chúng ta sẽ bắt đầu thấy được dính mắc là gì và rồi chúng ta có thể buông xả nó”.

Và khi buông xả được sự dính mắc, ta sẽ có sự tương giao với mọi sự (từ người thân, bạn bè, người xa lạ nói riêng đến chúng sinh nói chung) một cách hồn nhiên. Hay nói cách khác, ta có một tâm hồn cởi mở và phóng khoáng với tất cả, và biết chỗ “dụng” của tất cả mà không nảy tâm can thiệp hay sở hữu.

Tất nhiên, một tâm hồn bao la, thanh tịnh không có nghĩa là tâm hồn ấy rỗng tuếch hay vô cảm. Mà đó là một tâm hồn chói sáng, thứ ánh sáng của việc nhạy bén và rộng mở lòng mình mà đón nhận bất cứ điều gì đến đi trong cuộc đời. Chỉ khi ta đón nhận mọi thứ như nó là, tuân theo nguyên lý vận hành của pháp, thì ta mới có thể thích ứng trong mọi hoàn cảnh, thay vì chỉ biết phản ứng chống cự hay buông xuôi tiêu cực.


Series “Sống tỉnh thức” by LUXUO được thực hiện với hy vọng mang đến những trải nghiệm – chiêm nghiệm về sống thiền nhằm giúp độc giả thấy ra sự thật trong đời sống sinh hoạt hàng ngày từ đó điều chỉnh hành vi nhận thức cho đúng tốt. Qua việc thấy ra sự thật này, mỗi người sẽ buông được những dính mắc để sống thuận theo dòng chảy tự nhiên, trở nên thanh thản, tự tại.


 
Back to top